Người Sài Gòn kết hôn muộn, ngại sinh con, dân số vẫn tăng!

Sài Gòn có mức sanh con thứ hai thấp nhất cả nước nhưng có thêm trẻ em làm gì khi thiếu sân chơi, thiếu trường học và mật độ dân số cao nhất nước? – Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trong hội thảo “Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 10 Tháng Mười Một, ThS.BS Mai Trung Sơn, đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết Cục đang đề xuất chính sách khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Theo ông Sơn, mức sinh tại khu vực Đông Nam Bộ đang giảm xuống rất thấp, còn 1.56. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 1.8. Ông Sơn lo ngại: “Nếu mức sinh này giảm xuống dưới 1.3 thì gần như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế”.

Cụ thể, chính sách khuyến khích phụ nữ sinh thêm con thứ hai, bao gồm: 1/ Hỗ trợ tiền cho phụ nữ mang thai lần thứ hai và miễn, giảm chi phí cho trẻ từ mầm non đến tiểu học; 2/Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực y tế;

3/Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp để các cặp vợ chồng sinh đủ hai con có thể chăm sóc và nuôi dạy con tốt; 4/ Quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Thực tế là có thêm một đứa trẻ ở Việt Nam thì gia đình bé phải tự lo đủ thứ chứ trông gì đến chính sách khuyến khích sinh thêm con của nhà nước – Ảnh: VTC News

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhìn nhận Việt Nam đang đối mặt tình trạng chênh lệch mức sinh con đáng kể giữa các vùng. Hiện Việt Nam có 33 tỉnh/thành có mức sinh cao (trên 2.2 con) và 21 tỉnh/thành có mức sinh thấp (dưới 2 con). Một số nơi mức sinh rất thấp, như khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.

Các tỉnh/thành sinh thấp có thể kể: Sài Gòn (thấp nhất so cả nước, chỉ 1.24 con/phụ nữ), Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An…

Còn Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc, trung bình một phụ nữ sinh trên 2.4 con.

Chi phí cho một đứa trẻ ở Sài Gòn đắt đỏ nhất cả nước, khiến nhiều công nhân không dám sanh thêm con – Ảnh: SGGP

Theo các chuyên viên ngành y tế, mức sinh thấp để lại nhiều hệ lụy trong tương lai như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động; giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, khiến chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn.

Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp trở lại mức cao, cho dù có nhiều chính sách khuyến khích sinh thêm con với nguồn lực đầu tư lớn.

VnExpress ngày 14 Tháng Bảy cho biết thêm Sài Gòn có mức sinh thấp là do: Áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức chi phí của cuộc sống đô thị đắt đỏ, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao, cần thời gian cho bản thân hơn… Bên cạnh đó, một số phụ nữ sợ mất việc, mất cơ hội thăng tiến khi sinh con, không đủ điều kiện chăm con tốt nhất.

Ngày 13 Tháng Chín 2023, cũng tờ báo này cho biết, tuổi kết hôn lần đầu tại Sài Gòn hiện là 29.8 – cao kỷ lục tại Việt Nam, và nhiều hơn gần ba tuổi so với trung bình cả nước. Sài Gòn cũng đứng đầu bảng về tỷ lệ độc thân: Có đến 36% người trưởng thành ở thành phố chưa lập gia đình, trong khi con số trung bình cả nước là 24%.

Kết quả thăm dò độc giả của VnExpress cho thấy đa số đều chỉ muốn sinh một con, kế đến là ý định không sinh con – Ảnh chụp màn hình

Theo Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình thành phố Phạm Chánh Trung, kết hôn muộn, sanh ít con hoặc không sanh con đang là xu hướng của giới trẻ ở Sài Gòn.

Khi kết hôn rồi thì các cặp vợ chồng không muốn, hoặc không dám sinh thêm con. Nhóm “không muốn” là do bị gánh nặng gia đình, môi trường sống, điều kiện y tế, giáo dục, và đặc biệt là cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân.

Hơn 83% người lao động tại Sài Gòn làm việc trên 40 giờ mỗi tuần (cao hơn cả nước, chỉ có gần 72%). Hệ quả là quãng thời gian để nghỉ ngơi, dành cho gia đình quá ít ỏi.

Còn nhóm “không dám” thì bị áp lực lớn nhất là kinh tế. Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Sài Gòn quá đắt đỏ (trung bình 10 triệu đồng/tháng cho một trẻ tiểu học, khoảng $410/tháng/trẻ) khiến nhiều người lao động không dám sinh thêm con thứ hai.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập trung bình của người lao động tại Sài Gòn là 9.1 triệu đồng/tháng ($373/tháng), trong khi theo tính toán của Liên minh Lương đủ sống thì trước năm 2020, một gia đình có hai con nhỏ cần ít nhất 12 triệu đồng/tháng ($493/tháng) để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu!

Ngoài ra, mức độ đô thị hóa cao cũng dẫn đến mức sinh thấp của Sài Gòn, nơi gần 80% người dân sống ở khu vực thành thị.

Thủ thuật mổ bắt con ở một bệnh viện – Ảnh: VnExpress

Mặt khác, Sài Gòn là điển hình cho nghịch lý dân số ở các đô thị lớn: Tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước, nhưng mật độ dân số thuộc hàng cao nhất!

Cứ sau mỗi năm năm, Sài Gòn lại có thêm gần một triệu người – tương đương dân số cả tỉnh Bình Phước! Sài Gòn chẳng những không thiếu dân, mà còn đang đối mặt với tình trạng quá tải.

Với mật độ dân số gấp 15 lần cả nước, gần 4,500 người/km2, hạ tầng Sài Gòn đang quá tải về nhiều mặt. Mỗi km2 chỉ có 2.26 km đường giao thông, bằng 1/5 so với quy chuẩn. Dân cư đông, kéo theo áp lực về nơi ở. Diện tích nhà ở trung bình đầu người ở Sài Gòn chưa đến 22m2, thấp hơn 5m2 so với trung bình cả nước.

Cùng với không gian di chuyển và sinh sống bị thu hẹp, hạ tầng để chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở Sài Gòn cũng là vấn đề. Sĩ số học sinh tiểu học trung bình tại Sài Gòn hiện là 39.4 em/lớp, thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Giả sử, tỷ lệ sinh của Sài Gòn tăng lên 2.1 con/phụ nữ, đồng nghĩa số trẻ em sinh ra hằng năm ít nhất phải gấp rưỡi hiện tại. Lúc đó, lấy trường đâu mà học?

Những sản phụ chờ tới giờ chuyển dạ ở một bệnh viện tại Sài Gòn – Ảnh: VnExpress

Mức sinh thấp của Sài Gòn được bù đắp bởi tỷ lệ sinh cao ở những nơi khác nhờ dòng người di cư. Do đó, Sài Gòn có nguồn lao động dồi dào. Trong 100 cư dân sống tại Sài Gòn thì có đến 75 người trong độ tuổi làm việc (15-64), tức 75%, cao hơn tỷ lệ 68% của cả nước, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019.

Tuy nhiên, ông Phạm Chánh Trung cho rằng Sài Gòn phải sớm cải thiện mức sinh để giảm phụ thuộc vào lao động nhập cư, vì trong tương lại, nếu không có đủ nguồn lao động tại chỗ, Sài Gòn khó phát triển bền vững khi các tỉnh xung quanh cạnh tranh, thu hút người nhập cư.

Chưa kể, người nhập cư khó có chỗ ở ổn định, lại không có gia đình bên cạnh, nên hình thành tâm lý ngại sanh con. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, phụ nữ nhập cư trung bình sinh 1,54 con, còn nhóm ổn định chỗ ở có 2.13 con. Điều này dẫn đến thực tế nơi nào có tỷ lệ lao động nhập cư càng cao, mức sinh con lại càng thấp.

Ngoài ra, “Dân số thành phố đang già hóa nhanh”, ông Phạm Chánh Trung cảnh báo. Sài Gòn bắt đầu lọt vào nhóm nửa trên về chỉ số già hóa với tỷ lệ người già từ 60 tuổi trên tổng số trẻ em là 56%, trong khi ngưỡng chung của Việt Nam là 53%.

Nhiều trẻ em hơn, Sài Gòn không kham nổi vì thiếu sân chơi và thiếu trường học, còn nhiều người già hơn thì ngành y tế  Sài Gòn cũng quá tải và không đáp ứng nổi. Đàng nào cũng tệ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: