“Anh em dị hợm” của nền kinh tế định hướng XHCN

Một ông đang ngồi che dù trong mưa bán vé số. Ông bán vé số ở ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch và đường Điện Biên Phủ (đường Phan Thanh Giản) hơn chục năm nay – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Trong nhiều năm nay, để tồn tại, phần lớn người dân Việt Nam phải đi bán vé số hoặc sử dụng vỉa hè để mua bán nên từ đó bột phát ra Kinh tế vé số và Kinh tế vỉa hè. Trong “đám con” của nền kinh tế Việt Nam, Kinh tế vé số luôn luôn đi chung với Kinh tế vỉa hè.

Hãy thử mường tượng ra rằng nền kinh tế Việt Nam là một “ông vua” cùng lúc có nhiều vợ. Ông vua này mang tên là “nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” (XHCN). Bốn “bà vợ” lần lượt mang tên: Kinh tế nhà nước, Kinh tế tập thể, Kinh tế tư nhân, Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Mỗi “bà vợ” đẻ ra hàng loạt các “đứa con”.

Kinh tế vé số là “con” của “bà vợ” Kinh tế nhà nước, còn Kinh tế vỉa hè chưa có danh phận và có lẽ là “con” của “bà vợ” “Kinh tế tư nhân” khi được hợp thức hóa.

“Anh em” Kinh tế vé số và Kinh tế vỉa hè luôn đi chung với nhau và ngày càng trở nên “mập ú”, nên “ông vua” nẩy sinh ý định hút bớt máu của hai “đứa con” này để “ăn”. Nói là làm. “Ông vua” đề ra kế hoạch hút máu từng đứa theo qui trình.

Chưa có danh phận chính thức nhưng để có thể bày hàng lấn chiếm vỉa hè thế này, người chủ kinh doanh phải “làm luật” cho cán bộ phường – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Kinh tế vỉa hè sắp được thừa nhận

Đối với Kinh tế vỉa hè, thì “ông vua” bắt đầu  thâu phí vỉa hè, lòng đường kể từ ngày 1 Tháng Giêng 2024. Theo đó, mức thâu phí cho hoạt động trông giữ xe trên vỉa hè từ 50,000 đồng đến 350,000 đồng cho mỗi mét vuông hằng tháng, tùy vào vị trí ở trung tâm Sài Gòn (quận 1) hay các quận khác.

Còn đối với các hoạt động khác trên vỉa hè thì “ông vua” thâu mức phí từ 20,000 đồng đến 100,000 đồng cho mỗi mét vuông hằng tháng.

Khi Kinh tế vỉa hè bị thâu phí thì cũng là lúc “ông vua” cho “đứa con” này một danh phận, bằng cách hợp thức hóa, có nghĩa là người buôn bán ở vỉa hè và lòng đường sẽ không còn chịu cảnh bị mấy ông quản lý trật tự đô thị (chỉ ở Việt Nam mới có mấy ông này),  dí chạy tán loạn, nếu không chạy kịp thì bị tịch thâu hàng hóa, phương tiện!

Chưa được hợp thức hóa, thế nhưng lâu nay ai muốn làm ăn trên vỉa hè mà muốn yên thân thì phải nạp tiền “làm luật” cho mấy ông quản lý trật tự đô thị địa phương. Theo lời kể của một người bán bún bò trong một con hẻm ở Sài Gòn thì anh ta đã nạp tiền “làm luật” cho mấy ông quản lý trật tự đô thị trước khi khai trương quán.

Và “Lần đầu đã ép phải đưa rồi, thì lần sau cứ thế mà phải đưa thôi” cũng giống như cái cách mà bà  Trần Thị Mai Xa, giám đốc công ty cổ phần Giáo dục Masterlife, đã làm trong các chuyến bay giải cứu.

Vỉa hè đường Lê Văn Chí, Thủ Đức vừa mới mở rộng, lập tức đã bị chiếm để kinh doanh mua bán – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Ở Sài Gòn này, đâu đâu người ta cũng mở quán lấn chiếm vỉa hè hoặc dùng vỉa hè làm bãi giữ xe. Thực khách vào ăn uống trong quán ven đường, thường được chỉ dựng xe ngay trên vỉa hè hoặc lòng đường, trước quán.

Con đường nào mới mở, thi công vừa xong buổi sáng thì buổi chiều đã có người bày la liệt bàn ghế, tủ, quầy trên vỉa hè để bán đồ ăn thức uống và các thứ “hầm bà lằng” khác. Ví dụ như đường Lê Văn Chí ở TP.Thủ Đức vừa mới mở rộng xong trong năm nay đã xuất hiện ngay những quán bán đồ ăn thức uống trên vỉa hè.

Khách đi đường hễ thấy quán trên vỉa hè thì tắp vào, rồi 1 – 2 – 3 dô dô dô! Trong lúc khách đang lo ăn uống thì mấy người bán vé số rề tới, dí xấp vé số vô mặt người ta hoặc dùng móng tay nhọn hoắc khều một cái, để mời mua. Thậm chí cả khi người ta đang ngồi ăn trong quán đàng hoàng, chứ không phải trên vỉa hè,  thì bất thình lình ở đâu có một bàn tay như ma thò ra từ phía đàng sau lưng ra trước mặt để mời mua vé số, làm hết hồn hết vía!

Kinh tế vỉa hè đã “mập ú” sẵn rồi và khi được hợp thức hóa chắc chắn là sẽ “mập ú” hơn. Càng có nhiều quán xá trên vỉa hè thì càng có nhiều người bán vé số tụ tập. Lúc ấy, “ông vua” tha hồ mà hút máu Kinh tế vỉa hè, sẵn hút máu luôn Kinh tế vé số. Vì Kinh tế vỉa hè và Kinh tế vé số luôn luôn đi chung với nhau, ở đâu có mặt Kinh tế vỉa hè thì ở đó có mặt Kinh tế vé số!

Ở đâu có tụ tập mua bán và ăn uống thì ở đó sẽ có người bán vé số – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Kinh tế vé số: Sự cực nhọc của trẻ em và người già làm giàu cho ngân sách nhà nước

Ai là người điều hành các công ty xổ số, xổ cả bảy ngày trong tuần, 364 ngày trong năm, chỉ trừ mùng Một tết? 100% là nhà nước. Ngày nào các công ty xổ số cũng “sáng phát hành” và “chiều xổ số”. Trong việc đăng kết quả xổ số, “đại tổng quản” mang tên  Bộ Công Thương cũng tham gia.

Theo thống kê năm 2018, “ông vua” có đến 63 công ty xổ số (phát hành bằng giấy) và một công ty xổ số điện toán. Còn theo Tuổi Trẻ  ngày 27 Tháng Tư 2023 là mỗi năm người dân miền Nam xài khoảng $6 tỷ  để mua vé số. Trong 21 công ty xổ số kiến thiết miền Nam, có 14 tỉnh bán 100% vé số phát hành, cống nạp ngân sách cho “vua” trên 12,000 tỷ đồng ($490 triệu), lợi nhuận trước thuế gần 4,500 tỷ đồng ($184 triệu).

“Kinh tế vé số” phồn thịnh đến đỗi trang web đăng kết quả xổ số mà cũng có lượt truy cập cao đứng hàng thứ #5 (sau Google, YouTube, Facebook và một trang báo mạng). Hai độ tuổi chơi vé số nhiều nhất ở Việt Nam là giới trẻ 25 – 34 và độ tuổi về hưu 55 – 64.

Chỉ trong ngày 9 Tháng Mười có đến ba công ty xổ số phát hành vé số được xổ cùng ngày – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Điều này cũng có nghĩa là lứa tuổi 25-34 bị thất nghiệp nhiều, hoặc đi làm chỉ lãnh lương ba cọc ba đồng nên mong chờ trúng số. Còn lứa tuổi 55-64 thì hoặc có đồng lương hưu ít ỏi, hoặc chẳng có đồng nào trang trải cho bệnh tật tuổi già nên chỉ biết trông cậy vào vận may!

Càng có nhiều người đặt kỳ vọng vào vận may trúng số thì đội quân bán vé số dạo – phục vụ cho Kinh tế nhà nước – càng ngày càng hùng mạnh, bất kể giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe.

Phần đông đội quân bán vé số là phụ nữ ngoài 40 và người già, số ít là trẻ em, ngày đêm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để mời mua vé số, chủ yếu là dừng chân ở những quán ăn uống trên vỉa hè hay ven đường.

Những người đàn ông bị mù hoặc bị tàn tật đi không được thì ngồi cố định ở những ngã tư đường, để bán cho những người dừng xe khi có tín hiệu đèn đỏ.

Một người đàn ông 65 tuổi bán đồ chơi con nít trên vỉa hè quận Nhứt (Sài Gòn) cho biết: “Chú sống ở Sài Gòn qua hai chế độ thì thấy là hồi thời chế độ trước, người ta chỉ bán vé số ở nhà chứ không có cái cảnh đi vòng vòng bán vé số”.

Một người đàn bà cũng 65 tuổi, ngụ quận Bình Tân, xác nhận: “Hồi trước năm 1975 người ta không đi lang thang ngoài đường để bán vé số đâu. Bây giờ ở đâu ra quá trời người đi lang thang bán vé số”.

Thể chế Việt Nam Cộng Hòa cũng phát hành vé số nhưng chỉ có một loại và không có người lang thang đi bán vé số – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Hỏi han vài người bán vé số trên đường, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, quê ở Phú Yên, đang bán vé số trên đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ) cho biết mỗi ngày chị đi bán vé số từ 7:30 đến khoảng 15 giờ thì hết 250 tấm vé số. Nhưng hôm ấy (ngày 8 Tháng Mười) đến gần 16 giờ, chị vẫn chưa bán hết, vì sáng hôm đó chị phải đi họp phụ huynh cho con.

Tại vỉa hè đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) một bà ngoài 60, giọng Nam Kỳ rặt, nói với tôi: “Tui bán hết 150 tấm vé số hồi 4 giờ chiều”. Khi được hỏi hằng ngày bà đi bán từ lúc mấy giờ thì bà nói thêm “Từ sáng sớm”.

Hằng ngày các công ty công bố kết quả xổ số trực tiếp trên các đài radio, đài truyền hình địa phương vào khoảng 16:15 phút đến 16:35 phút (đối với các công ty xổ số miền Nam). Tuy nhiên, ngày nay người ta ít khi nghe radio hay xem tivi, mà họ sẽ dò kết quả trên các trang web.

Chính vì vậy mà “đại tổng quản” Bộ Công Thương nhúng tay vào việc đăng kết quả xổ số. Chỉ có đăng kết quả xổ số mà một trang web có lượt truy cập cao hàng thứ #5 tại Việt Nam như đã đề cập ở trên.

Một bà ngoài 60 tuổi mời một người đi đường mua vé số – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Mỗi công ty xổ số phát hành vé số thông qua hàng trăm đại lý các cấp. Sau giờ xổ số, người bán dạo sẽ đến các đại lý lãnh vé sẽ được xổ vào ngày hôm sau để tiếp tục đi bán đến nửa đêm. Hoặc có người chỉ bán từ tảng sáng cho đến trước 16 giờ. Gần đến 16 giờ mà bán chưa hết vé số thì sẽ có người vừa chạy vừa khóc bù lu bù loa, có khi quỳ lạy nài người ta mua vé số, tạo ra một cảnh tượng bi ai khó tả.

Bởi vì người bán dạo muốn trả lại vé ế cho đại lý thì phải theo qui định, bằng không thì “ôm” vé, bị lỗ. Báo mạng Người Lao Động đưa tin theo quy định, vé ế sẽ được đại lý cấp 1 trả cho công ty trước 30 phút xổ số. Do đó các đại lý cấp dưới phải trả cho đại lý cấp 1 sớm hơn 30 phút trước đó, kéo theo là người bán dạo muốn trả vé về cho đại lý cấp dưới thì phải trả sớm hơn nữa!

Đội quân bán vé số ở Sài Gòn dạo này không chỉ có người Việt mà còn có luôn người Campuchia. Sau 17 giờ mỗi ngày, ở chợ Tân Định (quận Nhứt) tôi thường gặp một bà Campuchia nói không rành tiếng Việt, cầm một xấp vé số dày cui 300 tấm.

Một người bán vé số cả ngày hoặc bán từ chiều đến nửa đêm, tùy theo sức, sẽ bán được từ 150 – 300 tấm vé số, kiếm được từ 150,000 – 300,000 đồng/ngày ($6.13-$12.27/ngày), tức mỗi tấm vé số bán ra, người bán dạo sẽ được hưởng 1,000 đồng, không có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội. Với mức này, nghề bán vé số giúp người nghèo Việt Nam đủ sống qua ngày… chờ qua đời.

Mặc cho đội quân bán vé số lang thang nắng mưa, bất kể ngày hay đêm, “ông vua” nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn ngồi rung đùi đếm tiền thuế từ các công ty xổ số và mơ ước chờ ngày được thâu tiền từ nền Kinh tế vỉa hè, mặc cho người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: