Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Đồng Nai và Bình Dương

Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ – Ảnh: who.int

Đồng Nai vừa phát giác có một bệnh nhân bị bệnh đậu mùa khỉ. Đây là bệnh nhân thứ ba ở Việt Nam nhiễm căn bệnh này.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát giác ở Việt Nam ngày 3 Tháng Mười 2022, chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.

Bệnh nhân là nữ (35 tuổi, ngụ Sài Gòn), khởi phát bệnh ngày 18 Tháng Chín 2022 khi đang du lịch tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE). Sau ba tuần điều trị, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và được cho xuất viện ngày 14 Tháng Mười 2022.

Bệnh nhân thứ hai là nữ (38 tuổi), được xác định từ Dubai về Sài Gòn và có tiếp xúc với bệnh nhân bị đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 25 Tháng Chín 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai cho hay vừa ghi nhận một ca bệnh dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Đó là anh L.V.T. (25 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tạm trú tại Sài Gòn).

Ngày 17 Tháng Chín 2023, bệnh nhân khởi phát bệnh và có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám, điều trị tại phòng khám tư nhưng bệnh không giảm.

Ngày 22 Tháng Chín, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Da Liễu TP.HCM với triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục.

Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện Da liễu TP.HCM đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM chiều 22 Tháng Chín. Sáng 23 Tháng Chín, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân làm nghề kinh doanh tự do, thường xuyên di chuyển và tiếp xúc với nhiều người. Từ ngày 28 Tháng Tám đến ngày 17 Tháng Chín, bệnh nhân không đi nước ngoài và cũng không tiếp xúc với người ngoại quốc.

Ngày 2 Tháng Chín, bệnh nhân có về nhà cha mẹ tại ấp Trung Nghĩa (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) và tiếp xúc gần với bốn thân nhân. Đến tối, bệnh nhân trở lại Sài Gòn.

Ngày 16 Tháng Chín, bệnh nhân có gặp gỡ bạn gái là cô N.T.L. (22 tuổi, tạm trú tại TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Cô N.T.L. làm nghề lao động tự do, hiện đang có triệu chứng phát ban dạng mụn mủ.

Theo CDC Đồng Nai, đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại tỉnh và chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam là bệnh nhân ở Sài Gòn, đã xuất viện sau ba tuần điều trị – Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

CDC Đồng Nai đã xác minh thông tin, điều tra yếu tố dịch tễ, lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân trong 21 ngày trước khi khởi phát bệnh, đồng thời phối hợp CDC TP.HCM tiếp tục điều tra lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân trong khoảng thời gian từ ngày 17 Tháng Chín đến nay.

CDC Đồng Nai kiến nghị CDC TP.HCM, CDC Bình Dương tiếp tục điều tra lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân và cô N.T.L., giai đoạn từ ngày 17 Tháng Chín đến nay để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong ngày 25 Tháng Chín, Tuổi Trẻ cũng cho biết Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại tỉnh là cô N.T.L. (22 tuổi), bạn gái của bệnh nhân L.V.T., người vừa phát giác nhiễm virus đậu mùa khỉ tại Đồng Nai.

Cô N.K.L. hiện đang ở trọ tại khu phố Cổng Xanh, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương đã họp khẩn với cán bộ dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương để giám sát ca bệnh ngay trong đêm.

Cơ quan y tế tại Bình Dương đã nhanh chóng khoanh vùng, tiến hành phun khử khuẩn môi trường quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm mẹ và em gái (ở cùng nhà trọ).

Hiện nữ bệnh nhân L. được cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng gửi công văn cho các đơn vị trực thuộc nhằm phối hợp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại tỉnh.

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín (giữa) đã họp với CDC Bình Dương để giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại tỉnh ngay trong đêm – Ảnh: Tuổi Trẻ

Bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm từ người sang người bằng cách nào?

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm từ người sang người khi:

– Tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vết loét hoặc vảy đậu mùa ở khỉ.

– Tiếp xúc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu mùa khỉ.

– Ôm, xoa bóp, hôn, nói chuyện gần gũi, thông qua dịch trong miệng hoặc giọt bắn trong không khí.

– Tiếp xúc các bề mặt được sử dụng bởi người bị đậu mùa khỉ hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, giường, khăn tắm, dụng cụ ăn uống…

Căn bệnh đậu mùa khỉ từng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) hồi Tháng Bảy 2022, khi căn bệnh này bùng phát tại nhiều quốc gia từ Tháng Năm 2022. Kể từ Tháng Bảy 2022 đến Tháng Năm 2023, đã có 87,400 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận tại 111 quốc gia, trong đó có 140 ca tử vong.

Hầu hết các ca mắc mới nhất được ghi nhận tại các quốc gia chưa từng có căn bệnh này. Phần lớn người bệnh là đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

Đậu mùa khỉ lần đầu xuất hiện ở người hồi năm 1970 tại Cộng hòa dân chủ Congo. Bệnh này có thể lây từ người sang người, nhưng hầu hết bệnh nhân ở các nước Tây Phi và Trung Phi.

Để tránh gây kỳ thị cho người bệnh, WHO đã quyết định đổi tên đậu mùa khỉ thành “mpox” hồi Tháng Mười Một 2022.

Đến ngày 11 Tháng Năm 2023, WHO mới tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng theo tổng giám đốc WHO là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: Cũng giống như COVID-19, đậu mùa khỉ sẽ không biến mất, nên các quốc gia vẫn cần phải cảnh giác với căn bệnh này.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: