Công ty thủy điện phun thuốc diệt cỏ, 16 người bị ngộ độc

Thuốc diệt cỏ được phun hai bên đường ống dẫn nước của công ty thủy điện đã khiến khe suối song song – nơi năm gia đình sử dụng nguồn nước này – bị nhiễm độc – Ảnh: Lao Động

16 người dân sắc tộc Khơ-mú (Khmu), thuộc bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bị ngộ độc do thuốc diệt cỏ nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt.

Sáng 26 Tháng Tám, công ty thủy điện Nậm Khẩu Hu (trụ sở công ty tại địa phận bản Co Pục) đã thừa nhận ngày 17 Tháng Tám vừa phun thuốc diệt cỏ ở hai bên đường ống dẫn của thủy điện, trong khi đó nguồn nước sinh hoạt của dân là một khe nước nhỏ nằm song song với đường ống dẫn nước của công ty này, theo báo Lao Động.

Xung quanh nguồn nước, trong vòng bán kính khoảng vài chục mét, toàn bộ cây cỏ đều chết cháy vì thuốc diệt cỏ. Nhiều cư dân phải đi cấp cứu. Đến chiều 25 Tháng Tám, có 16 người (trong năm gia đình) phải nhập viện cấp cứu và tất cả đều có chung một dấu hiệu ngộ độc: Đau tức ngực, rát họng, nôn mửa và thở nhanh… Tại phòng cấp cứu, vợ ông trưởng bản Lường Văn Dũng, người phải nằm lại từ sáng và đang được truyền giải độc. Còn bệnh nhân Lò Văn Choi thì quằn quại kêu đau và liên tục gọi bác sĩ.

Đã có 16 người dân tại bản Co Pục phải nhập viện cấp cứu vì uống phải nguồn nước nhiễm thuốc diệt cỏ – Ảnh: Lao Động

Ông Lường Văn Dũng, Trưởng bản Co Pục, cho Lao Động biết, có tất cả năm gia đình với gần 30 người đang sử dụng nguồn nước dẫn từ khe suối nhỏ nằm song song với đường ống dẫn nước của công ty thủy điện Nậm Khẩu Hu, trong đó có cả gia đình ông. Dù nhà ông đã có hệ thống lọc nước lấy từ khe suối này, vợ ông vẫn bị ngộ độc.

Ông Dũng phàn nàn: Chỉ đến khi tôi gọi điện hỏi thì bảo vệ của nhà máy thủy điện mới thừa nhận là đã phun thuốc diệt cỏ từ 15 giờ ngày 17 Tháng Tám nhưng quên không thông báo cho người dân hay!

Trả lời báo Lao Động, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc công ty Trường Thịnh (đơn vị quản lý thủy điện Nậm Khẩu Hu) tỏ ra ngạc nhiên, cho biết đây là việc chưa từng xảy ra, vì nhà máy thủy điện chỉ cho phép người bảo vệ phát dọn cỏ bằng tay, việc phun thuốc diệt cỏ là người bảo vệ tự ý thực hiện (?)

Nhận trách nhiệm, ông Hùng đã chỉ thị quản đốc nhà máy giải trình làm rõ việc giao nhiệm vụ cho bảo vệ, hứa chi trả toàn bộ viện phí cho những người dân bị ảnh hưởng và sẽ hỗ trợ người dân nếu họ bị di chứng sau này, theo kết luận của cơ quan y tế.

Ông chủ nhà máy thủy điện Nậm Khẩu Hu của công ty Trường Thịnh, tỉnh Điện Biên, cho rằng nhân viên bảo vệ tự ý phun thuốc diệt cỏ chứ ông chỉ ra lệnh phát dọn cỏ thôi – Ảnh: Lao Động

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Điện Biên cũng cho hay đã cử cán bộ trực tiếp xuống kiểm tra và chỉ đạo công tác điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên. Vị này lo ngại: “Trước mắt, các bệnh nhân đã ổn định, không còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sức khỏe có thể sẽ bị ảnh hưởng lâu dài”.

Trước đó, ngày 25 Tháng Tám, khi nhận thông tin của người dân, phóng viên Lao Động đã xuống bản Co Pục, nơi 100% là đồng bào sắc tộc Khơ-mú và hầu hết là gia đình nghèo.

Phóng viên đi theo chỉ dẫn của người dân, tìm đến gia đình trưởng bản Co Pục là ông Lường Văn Dũng. Từ trên lan can nhà sàn, vợ ông Dũng đang ôm bụng nôn mửa và liên tục kêu khóc.

Ông Dũng cho biết, đã có bốn gia đình chung quanh nhà ông bị ngộ độc thuốc diệt cỏ, do vậy ông đang chuẩn bị đưa vợ đi kiểm tra vì ông nghi vợ cũng bị ngộ độc thuốc diệt cỏ, mặc dù nguồn nước nhà ông đã xử lý qua máy lọc.

Ông Dũng kể: “Khoảng ngày 18-19 Tháng Tám, thấy nhiều người bị đau đầu, đau họng và nôn mửa nhưng không rõ nguyên nhân. Sau đó tôi phát giác cây cỏ ở quanh nguồn nước đều bị chết cháy, tôi gọi điện cho bảo vệ nhà máy thủy điện nên mới biết là họ phun thuốc diệt cỏ vào chiều 17 Tháng Tám”.

Nhiều người dân cho biết, khi có dấu hiệu bị nhiễm độc, họ đã đến Trạm Y tế xã Hua Thanh để khám và thông tin uống nước ở nguồn nghi nhiễm thuốc diệt cỏ nhưng lại không được nơi này hướng dẫn và cấp cứu.

Trước sự thờ ơ của nhân viên y tế tại đây, những người bị ngộ độc đã tự đến Trung tâm Y tế huyện Điện Biên để khám bệnh và phản ảnh với Ủy ban xã Hua Thanh.

Một bệnh nhân tên Hoàng Thị Chinh thổ lộ với phóng viên: “Ngay sau khi nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm thuốc diệt cỏ, cả năm gia đình đều dừng, không sử dụng nguồn nước đó nữa, thế nhưng đến hôm nay, tức là sau một tuần thì nhiều người mới có biểu hiện ngộ độc”.

Bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có 100% là đồng bào dân tộc Khmu, hầu hết là gia đình nghèo – Ảnh: Lao Động

Thuốc diệt cỏ thuộc nhóm thuốc paraquat, piaquat và diquat, là nhóm chất đứng đầu danh sách các chất cực độc. Những người uống loại thuốc này để tự tử, dù có được cấp cứu trong thời gian vàng nhưng nguy cơ tử vong rất cao, nếu không chết thì sẽ để lại di chứng.

Hiện nay, chi phí bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho những trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ, nên người nhà bệnh nhân phải tự trả có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nếu may mắn sống sót thì sức khoẻ bệnh nhân cũng suy yếu về sau.

Còn người ngộ độc thuốc này qua nguồn nước thì sao? Theo một nghiên cứu cho thấy, số bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ thì mức độ tổn thương là: Loét miệng qua đường uống (100%); suy hô hấp (trên 80%); suy gan (trên 60%); suy thận (trên 50%); tràn khí trung thất, dưới da, màng phổi (7%); truỵ mạch (4.5%), thủng thực quản (4.5%).

Mặc dù độc tính rất cao đối với người, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chất giải độc thuốc diệt cỏ, chỉ có một biện pháp duy nhất là thải trừ độc càng sớm càng tốt (bằng cách gây nôn) và đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất trong vòng hai tiếng sau khi bị ngộ độc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: