Dân miền Bắc đặt bẫy khắp nơi, chim trời khiếp sợ!

Những con cò giả bằng xốp được cắm trên những rặng sú vẹt ven biển để làm mồi nhử những đàn cò thật sà xuống và sa bẫy – Ảnh: VietnamPlus

Tình trạng người dân đặt bẫy bắt chim trời (động vật hoang dã cần bảo vệ) đang diễn ra khắp các tỉnh miền Bắc. Điều này sẽ khiến chim trời khiếp sợ và sẽ không di cư về Việt Nam theo mùa nữa.

Ngày 30 Tháng Chín, đồng loạt nhiều báo mạng Việt Nam đã phản ảnh về tình trạng này.

VietnamPlus đặt câu hỏi tại sao người dân một số địa phương thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, đặt bẫy bắt chim trời diễn ra công khai nhưng chưa thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhắc nhở, xử lý, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học tự nhiên, góp phần cân bằng sinh thái môi trường sống.

Khi trời bắt đầu chuyển dần sang chiều tối, các thợ săn chim trời lại đem theo đồ nghề ra các cánh đồng  nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Sơn Thủy, để đặt bẫy.

Những chú chim én xấu số sập bẫy lưới, bị thợ săn nhốt trong những lồng sắt chờ thương nhân đến mang đi bán – Ảnh: VietnamPlus

Dụng cụ bẫy chỉ đơn giản là những con cò mồi được làm từ xốp, cắm lên những thanh tre và đặt trên những cánh đồng. Các đàn chim, cò hoang dã khi bay nhìn thấy cò mồi, tưởng là đồng loại, sẽ sà xuống để cùng kiếm ăn, từ đó dính vào những chiếc bẫy mà các thợ săn đã đặt sẵn.

Trong suốt thời gian đặt bẫy, các thợ săn sẽ trú trong các lều hoặc nấp trong các bụi cây ở gần đó để mai phục, sẵn sàng “thu hoạch” chim trời mắc bẫy.

Thông thường, mùa bẫy chim trời của người dân tỉnh Quảng Bình bắt đầu từ Tháng Chín đến Tháng Mười Hai, khi đó các cánh đồng đã thu hoạch xong, những đàn chim di cư xuất hiện.

VietnamPlus hỏi chuyện ông Lê Văn Mạnh (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy), người từng là một thợ săn chim trời nay đã bỏ nghề. Ông Mạnh cho biết bẫy săn chim trời có hai loại: loại dùng lưới bắt các loài chim nhỏ như sẻ, én, cuốc… và dùng thêm loa phát giả tiếng chim.

Còn muốn dụ chim lớn sa vào bẫy nhựa (chim vô tình đậu vào là bị dính, không bay lên được) như cò, vạc thì dùng các con cò mồi – làm bằng miếng xốp trắng sơn màu hoặc chim thiệt đã bị bắt trước đó.

Thời điểm bẫy chim trời dễ bắt nhất là sáng sớm và chiều tà, trung bình một ngày, thợ săn chim trời có thể bắt được hàng chục con cò, vạc… rồi đem ra chợ hoặc lề đường để bán với giá chỉ từ 10,000 – 30,000 đồng/con.

Hoạt động bẫy chim én bằng lưới trùm diễn ra trên địa phận giáp ranh, giữa xã Diễn Hải và Diễn Kim (huyện Diễn Châu, Nghệ An) – Ảnh: VietnamPlus

Tiền Phong ngày 30 Tháng Chín phản ảnh ở Hà Tĩnh có “thiên la địa võng” bẫy chim trời.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, dọc theo con đường ven biển các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… có hàng ngàn hecta rừng cây, xen lẫn đầm phá, là nơi cư trú ưa thích của loài chim di cư, cũng là nơi xuất hiện hàng loạt điểm bẫy chim trời.

Một người dân ở xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân) cho biết, việc bẫy chim diễn ra cả ngày lẫn đêm: trên ngọn cây hay dưới đám ruộng đâu đâu cũng có chim mồi, cùng với bẫy chim dày đặc.

Khi đàn chim di cư bay qua sẽ sà xuống nghỉ cánh, vướng phải bẫy thì không con nào có thể thoát vì loại keo được bôi trên thanh tre là nhựa dính rất chặt, lông chim chạm vào, con chim càng vùng vẫy càng dính chặt.

Ông Trần Thanh Tường, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân than phiền đã nhiều lần phối hợp với công an, chính quyền địa phương phá dỡ lùm bẫy, tiêu hủy cò giả, lưới, que tẩm nhựa săn bắt chim trời trái phép… nhưng không ngăn được nạn bẫy chim trời.

“Ma trận” bẫy chim vẫn dày đặc trên các cánh đồng, ngọn cây ở Hà Tĩnh.

Báo Hà Tĩnh ngày 28 Tháng Chín cho biết: Xã Thịnh Lộc được xem là “điểm nóng” về nạn săn bắt chim trời ở huyện Lộc Hà, thế nên ngay từ đầu mùa chim di cư, nhà cầm quyền địa phương đã vận động người dân không giăng bẫy tận diệt chim trời và cũng không buôn bán, tàng trữ các loại chim trời.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 205 cuộc kiểm tra, tổ chức vận động gần 400 cuộc, ký cam kết gần 300 bản; tịch thu, thả vào tự nhiên gần 156 cá thể các loài chim mồi còn sống; tiêu hủy gần 2,000 các loại chim giả để làm mồi; gần 16,000 que nhựa; 18 máy phát tín hiệu gọi chim…

Con chim mồi này là con cò thiệt đã bị thợ săn khâu mắt và buộc chân vào cọc, thật quá độc ác – Ảnh: Tiền Phong

Báo Tin Tức ngày 26 Tháng Chín đã báo động tình trạng tận diệt chim trời tại Diễn Châu (Nghệ An), một huyện có 25km đường bờ biển, thường có chim hoang dã di cư theo mùa như vạc, én, cò, cói… bay về vào Tháng Chín, Tháng Mười để trú ngụ và tìm kiếm thức ăn trên những rừng phi lao, rừng sú vẹt, gần ao hồ, cửa sông, cửa lạch.

Mặc dù nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm, nhưng người dân tại nhiều xã vùng ven biển vẫn ngang nhiên săn bắn và bẫy chim trời theo kiểu tận diệt.

Với chim én, dân hai xã Diễn Kim, Diễn Hải sẽ dùng những tấm lưới “tàng hình” (màu trắng, sợi mảnh), bình ắc – quy, loa phát âm thanh giả tiếng chim và cột những con chim én làm mồi nhử (chim mồi bị buộc chân bằng sợi dây cước vào cọc gỗ, có thể bay nhảy ở tầm thấp).

Khi âm thanh giả tiếng chim được phát ra, những con chim mồi bị buộc chân sẽ đập cánh bay lên, dụ những đàn chim én bay về và sà xuống thấp.

Thợ săn chim ngồi ở cửa lều sẽ nhanh chóng giật tấm lưới có chiều rộng hàng chục mét vuông để bao trùm và nhốt những con chim én xấu số. Những con chim may mắn thoát nạn có khi lại tiếp tục sà xuống để giải cứu đồng loại và sẽ bị sập bẫy.

“Ma trận” bẫy chim ngoài rất nhiều chim mồi, còn có hàng vạn thẻ tre có quét keo nhựa, chực chờ chim trời hạ cánh là dính chặt – Ảnh: Tiền Phong

Với tần suất giật bẫy từ 3 – 4 phút/lần, chỉ trong vòng vài ba giờ đồng hồ, những thợ săn có thể bẫy bắt được hàng trăm con chim én, chỉ được bán với giá từ 2,000 đồng đến 2,500 đồng/con.

Trên tuyến đê biển ngăn mặn qua các xã Diễn Kim, Diễn Thịnh, Diễn Trung… thì lại có rất nhiều những con cò trắng giả làm bằng xốp cắm chặt trên ngọn cây, khu vực gần ao đầm nuôi tôm, cửa sông… để dụ những đàn cò sà xuống, dính bẫy nhựa, hoặc bị bắn bằng súng hơi và súng nhựa.

Tệ hại hơn, thợ săn bắt chim trời có khi dùng những con cò thiệt làm mồi dụ, nhưng những con mồi này đã bị khâu mắt, được buộc chặt trên những giá đỡ. Quanh những con chim mồi là tua tủa những que nhựa dính.

Hoạt động săn, bẫy bắt chim diễn ra chủ yếu vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Những con chim bẫy hoặc bắn được sẽ được vận chuyển về làng trong ngày bằng xe gắn máy để bán cho người buôn chim.

Ông Lê Minh Nguyên, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết, Hạt Kiểm lâm đã đi nói chuyện tại nhiều xã, đồng thời treo băng rôn khuyến cáo người dân không săn bắn, bẫy, mua bán, vận chuyển giết mổ, tiêu thụ kinh doanh chế biến, cất giữ các loài chim hoang dã, chim di cư tại các chợ.

Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm còn đến các xã, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh yêu cầu ký cam thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

Tuy nhiên, chim trời vẫn bị tận diệt, dẫn đến lượng chim trời di cư về huyện này ngày càng ít.

Đói kém, sinh ra độc ác, hoặc vì sống quá độc ác, mà sinh ra đói kém?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: