Kẹt tiền, chính quyền Sài Gòn thu phí sử dụng lòng đường và vỉa hè

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) bên hông bệnh viện Chợ Rẫy bị trưng dụng giữ xe máy từ lâu rồi – Ảnh: Lao Động

Vỉa hè và lòng đường ở Sài Gòn sẽ được nhà cầm quyền thành phố chia thành năm khu vực để cho thuê, chính thức áp dụng từ ngày 1 Tháng Giêng 2024.

Đó là đề nghị của Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP.HCM. Giá cho thuê vỉa hè, lòng đường tại năm khu vực tương ứng với giá đất bình quân tại khu vực đó.

Khu vực 1 (bao gồm quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm), có mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 180,000 – 350,000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí cho các hoạt động khác từ 50,000 – 100,000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 (bao gồm quận 2 nay thuộc TP.Thủ Đức – trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 6, 7 – trừ khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), có mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 70,000 – 100,000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20,000 – 30.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3 (quận 8, quận 9 và quận Thủ Đức cũ, quận 12, quận Tân Phú, quận Gò Vấp) và khu vực 4 (huyện Bình Chánh – Hóc Môn – Nhà Bè – Củ Chi), có mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe là 60,000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí cho các hoạt động khác là 20,000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu để trông giữ xe là 50,000 đồng/m2/tháng, các hoạt động khác là 20,000 đồng/m2/tháng.

Du khách đẩy xe em bé vất vả đi giữa hàng đống xe gắn máy đậu trên vỉa hè đường Phan Chu Trinh, đối diện chợ Bến Thành (guận 1) – Ảnh: Lao Động

Năm trường hợp được “tạm dùng vỉa hè và đóng phí”, bao gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền; tổ chức hoạt động văn hóa và điểm giữ xe phục vụ; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền, lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công.

Ba trường hợp được “tạm dùng một phần lòng đường và đóng phí”, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ xe hơi phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông, giữ xe gắn máy – môtô – xe đạp có thu tiền.

Sở Giao thông Vận tải cũng thống kê, Sài Gòn có hơn 600 tuyến đường rộng trên 9m nếu cho thuê để trông giữ xe sẽ thu được 550 tỷ đồng/năm ($22,649,000/năm);  1,143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên cho thuê để kinh doanh sẽ thu được hơn 971 tỷ đồng/năm ($39,985,780/năm)!

Ai sẽ đứng ra thu phí? Sở Giao thông Vận tải sẽ đảm nhận thu phí những tuyến cơ quan này quản lý, còn các đường thuộc quản lý của quận, huyện sẽ do địa phương thực hiện.

Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách TP.HCM và có mục tiêu chi trả việc quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, vỉa hè, trong đó có việc vận hành và trả lương cho đội quân đi thu phí ở mỗi địa phương.

Trước các quán nhậu và quán cà phê, quán ăn, xe gắn máy đậu dưới lòng đường là chuyện… bình thường ở Sài Gòn, làm gì có chỗ cho khách bộ hành? – Ảnh: VietnamNet

Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp nêu trên phải bảo đảm các nguyên tắc: Không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1.5m; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu hai làn xe hơi cho một chiều lưu thông.

Nghe thì có vẻ hay, nhưng hiện thời chưa thu phí chính thức (chủ các cửa hàng, quán cà phê, quán nhậu, điểm dịch vụ… hiện có sử dụng vỉa hè, lòng đường chỉ hối lộ cho cán bộ phường/xã/quận/huyện), mà người dân hay du khách muốn đi bộ đều bị đẩy xuống lòng đường, huống hồ là khi chính thức nộp phí hằng tháng!

Chưa kể việc chính thức cho kinh doanh giữ xe, ăn uống… ở vỉa hè, lòng đường có thể làm tăng tỷ lệ thương vong vì tai nạn giao thông.

Việc cho phép này hoàn toàn đi ngược với Luật giao thông đường bộ, khi Luật này quy định vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, còn lòng đường chỉ sử dụng cho các phương tiện di chuyển.

Mặt khác, Lao Động ngày 15 Tháng Sáu 2023 đặt vấn đề, nghe thu được hơn 1,500 tỷ đồng/năm từ việc cho thuê vỉa hè, lòng đường ở ở TP.HCM thì ngon nhưng thực tế không dễ thu.

Tờ báo này so sánh, trong gần năm năm (từ Tháng Tám 2018 – Tháng Hai 2023) thực hiện việc thu phí đậu xe hơi dưới lòng đường thuộc 23 tuyến đường, TP.HCM chỉ thu được hơn 13 tỷ đồng, trong khi kỳ vọng mỗi tháng thu khoảng 7 tỷ đồng, thấp hơn cả chi phí quản lý!

Hiện các tuyến đường cho đậu xe hơi có thu phí chỉ còn 20 tuyến, với 879 vị trí cho xe đậu, theo tính toán lý thuyết thì ngân sách thành phố thu được khoảng 6.7 tỷ đồng mỗi tháng (khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm).

Thế nhưng, trong gần năm năm chỉ thu được hơn 13.3 tỷ đồng. Vì sao?

Chỉ riêng năm 2021, theo báo cáo của công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị được giao tổ chức thu phí đậu xe), 20 tuyến đường tổ chức thu phí đậu xe hơi theo giờ chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng, nhưng chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỷ đồng, gấp năm lần!

Trên Quốc lộ 22 (ngoại ô Sài Gòn), xe bốn bánh lấn vào làn đường của xe hai bánh, còn vỉa hè là chỗ buôn bán, người đi xe hai bánh không biết thoát cách nào – Ảnh: An Vui

Năm 2022, số tiền thu được tăng lên gần 5.8 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Lý do theo Sở Giao thông Vận tải cho biết, một bộ phận lớn người dân, người lái xe hơi vẫn chưa tự giác chấp hành quy định về thu phí, còn tình trạng đối phó phổ biến như đóng phí một giờ đầu nhưng đậu xe trong thời gian dài.

Trong khi đó, công tác phối hợp, xử lý vi phạm giữa đơn vị thực hiện thu phí và lực lượng chức năng thuộc UBND các quận, Công an TP.HCM vẫn chưa chặt chẽ; việc nâng cao các giải pháp công nghệ và các tiện ích như kết nối liên thông các điểm đậu xe, lắp đặt camera giám sát, cảm biến… còn chậm.

Mạng lưới đường bộ trên địa bàn TP.HCM đang khai thác với tổng chiều dài gần 5,000km với 5 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh; 457 tuyến đường huyện; 3,180 tuyến đường xã; 1,286 tuyến đường đô thị; 308 đường chuyên dùng; 733 tuyến các loại đường nông thôn khác… phần lớn đều nhỏ hẹp.

Vào giờ cao điểm, trên đường quốc lộ ngoại ô, các loại xe bốn bánh chen vào đường dành cho xe hai bánh, còn xe hai bánh leo lên vỉa hè.

Còn ở nội ô thì sao? Các loại xe hai bánh bị xe bốn bánh chèn ép (lớp đậu tràn lan, lớp di chuyển) phải len giữa các loại xe bốn bánh rất nguy hiểm, hoặc leo lên vỉa hè tìm đường thoát thân.

Thử hình dung giờ vỉa hè được phép cho kinh doanh thì chắc chắn sẽ có đủ thứ tai họa xảy ra cho khách bộ hành và cả khách hàng vô tư thưởng thức đồ ăn thức uống trên vỉa hè, khi kẹt xe kéo dài hoặc khi có xe điên mất lái leo lên vỉa hè.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: