Phục dựng hệ thống thủy văn thời An Dương Vương để làm gì?

Bài báo về công trình phục dựng hệ thống thủy văn thời An Dương Vương của Thanh Niên – Ảnh chụp màn hình

Ủy ban TP.Hà Nội vừa quyết định dùng vốn ngân sách thành phố để phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại khu di tích Cổ Loa hiện có, với số vốn 1,480 tỷ đồng ($63,062,800).

Thanh Niên đưa tin ngày 9 Tháng Năm 2023, cho biết Ủy ban TP.Hà Nội giao cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội lên kế hoạch cho dự án, được xác định là “chương trình trọng điểm” giai đoạn 2021-2025.

Thanh Niên trích dẫn phát biểu của ông Đỗ Đình Hồng, giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, cho biết dự án “Bảo tồn phục dựng hào, hệ thống thủy văn tại khu di tích Cổ Loa” chỉ là một hạng mục trong dự án công viên lịch sử văn hóa Cổ Loa.

Chỉ là một hạng mục mà đã ngốn đến $63 triệu, thế thì suy ra nguyên cái dự án công viên lịch sử văn hóa Cổ Loa sẽ còn ngốn tiền nhiều gấp mấy lần?

PGS-TS Lại Văn Tới, cựu viện phó Viện Nghiên cứu kinh thành, nói với Thanh Niên: “Hệ thống thủy văn tại Cổ Loa còn các đầm hồ bên trong thành. Ví dụ như đầm Cả ở giữa thành trung. Đầm Mạch Tràng ở thành ngoại. Vườn thuyền Ao Mắm là nơi An Dương Vương cho chế tạo tàu thuyền và đỗ tàu thuyền ở đấy. Hệ thống thủy văn ở Cổ Loa là liên thông, sau này tác chiến không những bộ binh mà cả thủy quân cũng tác chiến”.

Cũng theo PGS-TS Tới: “Hệ thống đường thủy ở đây không những phục vụ tưới tiêu, nước sinh hoạt cho quân lính mà cả sản xuất nông nghiệp và còn phục vụ thủy quân. Nó liên thông thành nội, thành trung, thành ngoại ra sông Hoàng Giang, qua sông Hồng, sông Đuống. Đi lên phía Bắc xuống phía Nam đều được cả. Tác chiến cực kỳ linh hoạt”.

Bình luận của bạn đọc trên Facebook Mạc Văn Trang – Ảnh chụp màn hình

Rõ ràng là sự hữu ích của hệ thống thủy văn này chỉ thích hợp với thời An Dương Vương (nếu đây là thời đại có thật trong lịch sử, không phải truyền thuyết). Còn với Hà Nội hiện tại thì hệ thống thủy văn này dùng để làm gì?

Theo diễn giải của ông Đỗ Đình Hồng: “Công viên Cổ Loa giống như công viên lịch sử, gồm cả phần dưới lòng đất và phần trên đất. Cảnh quan phải làm để tích hợp với nhau thành công viên lịch sử, thiên nhiên và bảo tồn giá trị lịch sử của Cổ Loa” và ông tự huyễn hoặc: “Mình khơi thông nguồn lịch sử cũ của mình bằng những dự tính trong tương lai mới, mình sắp đặt cho có khác biệt so với toàn cầu”.

Có nghĩa là bên cạnh hào, hệ thống thủy lợi sẽ còn có những điều khác nữa…, một kiểu tái hiện lịch sử, biến công viên Cổ Loa trở thành công viên lịch sử – sinh thái – nhân văn… nhằm phục vụ du lịch!

Dân Hà Nội có cần cái công trình “tái hiện lịch sử” này không, hay họ đang cần điều gì hơn?

Rác ùn đống trên lề đường, vỉa hè ở Hà Nội ngày 16 Tháng Sáu 2022 vì không có ai dọn khiến dân thủ đô đi qua cũng phải bịt mũi – Ảnh: Trí Thức Trẻ

Ông Mạc Văn Trang, PGS-TS tâm lý học, người Hà Nội, viết trên Facebook Mạc Văn Trang: “LẠY CÁC QUAN LỚN! Hà Nội đang cần hai cái lò đốt rác thành năng lượng sạch như bên Áo hay Nhật. Cái lò rác của Áo xây ngay trung tâm thành phố Wien, xử lý rác cho cả thành phố, mà đẹp, sạch như công trình nghệ thuật. Hà Nội ơi mở mắt ra, động não đi!”.

Đúng, dân Hà Nội chỉ cần có nhà máy xử lý rác cho coi được, vì hai bãi rác hiện có là Nam Sơn và Xuân Sơn theo kiểu chôn lấp nay đã quá sức chứa, truyền thông trong nước kêu gào từ năm 2016 đến nay mà coi bộ nhiều đời chủ tịch Hà Nội vẫn làm ngơ.

Vài năm qua, ngay giữa thủ đô, mệnh danh là “ngàn năm văn hiến”, năm nào cũng có chuyện các xe rác “trưng bày” giữa phố, lềnh khênh trên vỉa hè, lề đường… ít nhất vài ngày mà chả ai thu dọn, vì bãi rác nào cũng không còn chỗ tiếp nhận, hoặc bị dân quanh vùng (chỗ bãi rác) biểu tình, không cho xe đổ rác vào nữa!

Vụ các xe rác sinh hoạt ngập ngụa giữa thủ đô mới nhất là Tháng Sáu 2022. Trí Thức Trẻ ngày 16 Tháng Sáu 2022 làm phóng sự ảnh các xe rác dồn ứ trên lề đường và vỉa hè thuộc quận Cầu Giấy Hà Nội, che khuất các tòa cao ốc đẹp đẽ và khiến người dân đi ngang qua phải bịt mũi vì không thở được.

Con phố Duy Tân có nhiều cao ốc đẹp đẽ của Hà Nội bị che khuất bởi rác ngập ngụa mà không có ai dọn do hai bãi rác ở Hà Nội đều hết chỗ chứa – Ảnh: Trí Thức Trẻ

Các tuyến đường như Duy Tân, Trần Quốc Hoàn, Xuân Thuỷ… rác sinh hoạt chất đống trên xe, vương vãi dưới đường và lòng đường mà không có công nhân môi trường đến dọn. Báo này mô tả ở đường Duy Tân, rác chất cao hơn đầu người và chiếm nửa lòng đường hướng đi Trần Thái Tông và tất cả các xe rác đều lộ thiên, không có tấm bạt che phủ.

Bài viết “Khủng hoảng rác thải ở Thủ đô: Rác vẫn kẹt trong… rác!” của tác giả Đào Tuấn trên Lao Động ngày 3 Tháng Mười Một 2021 có đoạn: “Hà Nội ùn ứ rác. Đã là lần thứ n. Đã qua bao đời chủ tịch. Và sẽ còn ùn ứ khi mà tốc độ xây dựng bãi rác so với tốc độ phát triển đô thị như xe đạp với tên lửa vậy.

Rác ngập khắp nơi. Hôi thối bẩn thỉu. Và nguyên nhân: Cả hai bãi rác của thủ đô đều đã quá tải… Cần phải nói thẳng với nhau, đây là tình trạng mà Hà Nội đã “thừa biết”. “Thừa biết”, nhưng bó tay, khi mà các dự án điện rác đều chậm tiến độ.

Một thủ đô vẫn xử lý rác bằng công nghệ “chôn lấp”- một thứ công nghệ lạc hậu đến mông muội.

Một thủ đô, tốc độ các dự án điện rác “bò như rùa”, trong khi tốc độ gia tăng dân số khoảng 200,000 người, tức là một “huyện người” mỗi năm!”.

Bộ mặt thủ đô nhếch nhác vì rác, quan chức loay hoay mãi vẫn không có cách xử lý nào khác ngoài chôn lấp… thế mà giờ đây lại bàn nhau phục chế hệ thống thủy văn thời An Dương Vương chỉ để “khác biệt so với toàn cầu”!

Mà quả là khác biệt thật, khi Hà Nội luôn có xu hướng “ăn mày dĩ vãng”, vì thiếu năng lực giải quyết những vấn đề của hiện tại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: