Tan nát xứ dừa miền Tây

Xứ dừa miền Tây bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng. Sản lượng dừa cao nhất là Bến Tre và Trà Vinh với từ 70,000- 80,000 ha đất trồng dừa. Thu nhập từ cây dừa là nguồn sống quan trọng của người nông dân ở đây…

Rớt giá thê thảm

Vài tháng gần đây, trong khi vật giá và giá nhân công đều tăng cao thì dừa khô lại rớt giá thê thảm. Nếu như trước kia, giá dừa khô từ 70,000- 100,000 đồng/chục (miền Tây tính một chục 12 trái) thì hiện nay, giá giảm chỉ còn 20,000 đồng/chục ($0.85), tức là chưa tới 2,000 đồng/ trái, mức giá thấp nhất trong lịch sử!

Đó là giá bán tận tay, tức là chủ vườn phải hái dừa chất sẵn dưới đất, còn nếu để bạn hàng đến hái thì họ trừ tiền công hái dừa là 10,000 đồng/chục, chủ vườn chỉ còn nhận được 10,000 đồng/chục dừa. Quá đau xót. Mặc dù giá rẻ bèo như vậy nhưng thương lái cũng  không thèm mua bởi Trung Quốc đóng cửa, sản phẩm không xuất khẩu được. Mọi thứ nông sản của Việt Nam đều lệ thuộc thị trường Trung Quốc, dừa cũng không ngoại lệ.

Một số nhà vườn cố gắng tiêu thụ dừa bằng cách bán dừa tươi. Ông Nguyễn Trung Chánh, ấp Tân Định, xã Đại Phúc, huyện Càng Long hái dừa tươi bán tại vườn với giá 40,000 đồng/chục ($1.71). Ngoài ra, vợ chồng ông còn mang dừa tươi xuống chợ Trà Vinh bán, giá tăng lên gấp đôi so với bán tại nhà – tại chợ bán được từ 80,000 – 100,000 đồng/chục. Tuy nhiên, dừa tươi thì không thể tiêu thụ được nhiều, đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi dừa tươi hiện nay cũng giảm giá và sẽ giảm mạnh trong thời gian sắp tới.

Giá dừa khô giảm mạnh không chỉ khiến các nhà vườn lao đao mà các doanh nghiệp cũng chật vật. Ông Dương Văn Thọl, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất-thương mại Dương Phát, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, cho biết: “Giá dừa khô giảm sâu như hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều trở ngại. Hai tháng trước, công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn sản phẩm tơ xơ dừa chủ yếu ở thị trường Trung Quốc. Gần đây tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, công ty lại không thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu, phần lớn hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa”. Với sản lượng dừa ở xứ dừa miền Tây thì việc tiêu thụ nội địa không đáng kể. Doanh nghiệp xem như hoạt động cầm chừng mà thôi.

Dừa là một loại nông sản đặc biệt có thể sử dụng hết toàn phần từ vỏ dừa, gáo dừa, đến cơm dừa. Vỏ dừa được đánh tơi thành tơ xơ dừa để làm thảm xơ dừa xuất khẩu. Ở Hàn Quốc và một số nước lân cận, người ta dùng thảm xơ dừa để lát vỉa hè, trải thảm trong công viên, trong nhà… chứ không lát gạch bê tông như ở Việt Nam.

Gáo dừa dùng sản xuất than hoạt tính có rất nhiều công dụng trong đời sống như để nấu nướng, khử mùi, khử màu, lọc không khí, lọc nước,… Cơm dừa chế biến được rất nhiều loại thực phẩm: Kẹo dừa, thạch dừa, nước cốt dừa, dầu dừa,… Do đó, khi dừa khô rớt giá, tất cả các sản phẩm từ dừa cũng khó tiêu thụ và giảm giá thê thảm. Một số doanh nghiệp có nguồn vốn mạnh thì tranh thủ thời điểm này thu mua nguyên liệu dự trữ chờ giá lên, như mua vỏ dừa làm tơ xơ dừa, mua cơm dừa làm kẹo, cơm dừa sấy, thạch dừa… nhưng số doanh nghiệp đó không nhiều. Hầu hết nông dân vẫn phải chịu thiệt thòi, hoặc bán giá rẻ cho tư thương, hoặc để dừa tự rụng trong vườn, trôi ra sông ra biển, chịu thất thu, chịu thiệt thòi cả về tiền bạc lẫn công sức.

Ngày 13 Tháng Bảy, chính quyền tỉnh Bến Tre bàn họp về “lối thoát” cho sản phẩm dừa. Sở Công thương địa phương nói rằng họ chỉ có thể kiến nghị Bộ Công thương làm việc với phía Trung Quốc, để giải quyết tình trạng tồn đọng hàng hóa. Trong khi đó, Bộ Công thương im lặng bó tay. Nói chung là cả hệ thống từ trung ương đến địa phương đều biết người nông dân trồng dừa đang khốn khổ mà chả làm gì được.

Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia vẫn ào ạt xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, 90% sản phẩm dừa tiêu thụ ở Trung Quốc là của Thái Lan, 10% còn lại mới là của Việt Nam, Philippines. Dừa Thái Lan rất phổ biến trên thị trường Trung Quốc và được bán rộng rãi trong các siêu thị, cửa hàng trái cây và trên các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài nước cốt dừa được đóng gói trong chai và thùng giấy, dừa tươi uống sẵn hiện được bán rộng rãi. Nhiều cửa hàng địa phương cung cấp ống hút và khoan lỗ vào trái dừa tươi tại chỗ, đây là cách thuận tiện cho khách hàng tiêu thụ dừa. Thị trường Trung Quốc cực kỳ lớn và Thái Lan đã biết cách đa dạng hóa sản phẩm nước uống từ dừa để xuất khẩu.

Nông dân phải biết tự cứu

Giải pháp của xứ dừa miền Tây nhằm tăng cường xuất khẩu là vận động nông dân trồng dừa hữu cơ. Việc sản xuất nông sản hữu cơ đòi hỏi nông dân phải có phương pháp canh tác khoa học, tiên tiến, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn. Có như vậy thì trái dừa mới xuất khẩu được sang các thị trường “ khó tính” khác như Mỹ, châu Âu, Úc, bớt đi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn bất ổn và quá bất công đối với Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam nói chung và xứ dừa miền Tây nói riêng cần phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ dừa. Tại Trà Vinh, doanh nghiệp Sokfarm sản xuất sản phẩm Mật hoa dừa, đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp toàn quốc. Sử dụng phương pháp lấy nước thốt nốt của người Khmer Nam bộ, doanh nghiệp Sokfarm dùng kỹ thuật “massage” hoa dừa cho hoa tiết ra mật. Mật hoa dừa được cho lên men và cô đặc lại. Sản phẩm này có tác dụng thay thế đường mía, vì nó có tỷ lệ đường thấp chỉ bằng một nửa so với đường mía, lượng chất khoáng và vitamine khá cao, dùng cho người ăn kiêng và bồi bổ sức khỏe. Đó là một trong những sản phẩm mới từ cây dừa cần được phát triển ra thị trường trong nước và thế giới.

Lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam thất điên bát đảo hết lần này đến lần khác: Từ gạo, dưa hấu, thanh long, hạt tiêu, hạt điều, trái vải, đến trái dừa, v.v… Thử hỏi tại sao hàng may mặc, giày da, đồ gỗ, hàng thủy sản… xuất khẩu sang các nước phương Tây được, còn nông sản lại không thể? Rõ ràng đó là “tội” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ì ạch bao nhiêu năm qua, ngành nông nghiệp vẫn không xây dựng được nền sản xuất nông sản sạch đủ tin cậy để xuất khẩu hàng sang phương Tây. Nông dân Việt Nam vẫn cứ xài phân hóa học, thuốc trừ sâu vô tội vạ, chạy theo sản lượng mà bỏ qua chất lượng.

Có thời gian ngành nông nghiệp các tỉnh miền Tây xây dựng mô hình ruộng lúa hữu cơ. Đến mùa sau, đa số nông dân đều bỏ không canh tác hữu cơ nữa. Lý do họ đưa ra là “mất công ghi chép sổ sách phiền phức”, và bởi vì trồng lúa theo cách bình thường sản lượng cao hơn, dễ trồng hơn. Ngành nông nghiệp cũng xây dựng các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nhưng cuối cùng không thực hiện được. VietGap dễ dãi đến nỗi không còn giá trị gì trên thị trường nông sản thực phẩm.

Nông dân đang phải trả giá cho thói quen sản xuất thiếu khoa học mà không ai nói cho họ biết điều đó. Mất mùa, rớt giá, họ than trời trách đất mà không tự trách mình. Nhân và quả nhãn tiền đó thôi.

Bài và ảnh: Thạch Thảo

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: