Nồng ấm đêm văn nghệ dạ vũ ‘Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH’

Chiến sĩ Quang Hải (phải) hát “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê” trong đêm nhạc “Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Quy tụ hầu hết các chiến hữu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cùng các thân hữu và hậu duệ tham dự, đêm văn nghệ dạ vũ “Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH” nồng ấm tình chiến hữu với tấm lòng luôn nhớ về đồng đội nơi quê nhà.

Đêm văn nghệ dạ vũ này được Không Quân Nguyễn Xuân Khôi và nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Quý tổ chức vào tối Thứ Ba, 18 Tháng Bảy, tại DIVA-M Ballroom Studio, 8351 Garden Grove Blvd., Garden Grove, CA 92844.

Ông Nguyễn Xuân Khôi, cựu chiến binh VNCH, người chủ xướng chương trình đã 14 năm qua, chia sẻ: “‘Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH’ nhận được bao nhiêu tiền đóng góp sẽ gởi về cho các anh em chiến hữu VNCH, những thương phế binh đã hy sinh xương máu cho nền tự do của miền Nam Việt Nam.”

“Ngoài đóng góp từ những đêm văn nghệ này, chúng tôi còn nhiều cách để giúp đỡ các chiến hữu đồng đội VNCH, khi những anh em còn sức khỏe sẽ giúp chúng tôi tiếp nhận và chuyển đến những anh em thương phế binh ở quê nhà, trong những hoàn cảnh rất cần sự giúp đỡ khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu, gia đình lại không có điều kiện lo cho sức khỏe của họ. Tất cả những đóng góp chuyển về đều được ghi lại bằng video. Tất cả những trường hợp khó khăn được giúp đỡ trải đều ở khắp các vùng miền, hầu hết từ Vùng I đến Vùng IV, từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn…,” ông Khôi bày tỏ.

Ca sĩ Hoàng Liên hát “Chiều Tây Đô” trong đêm nhạc “Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Quý, hợp tác trong chương trình “Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH” cho hay ông là một hậu duệ của Quân Lực VNCH, khi cha là đại úy Cảnh Sát, các anh em của ông đều là cựu chiến binh VNCH, có người đã nằm lại nơi chiến trường, có người đã để lại một phần thân thể nơi trận mạc, người thì bị tù “cải tạo” sau cuộc chiến, và người chị cả mất trong chiến cuộc 1963 tại Huế.

“Tôi rất vinh hạnh được cộng tác với anh Khôi trong chương trình này, để đóng góp chút tình với các anh thương phế binh VNCH, đã hy sinh xương máu để giữ vững tự do cho miền Nam Việt Nam. Họ đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, riêng cá nhân tôi chỉ nghĩ rằng cần phải làm một điều gì đó trong việc xoa dịu nỗi đau của các anh em thương phế binh VNCH nay đã không còn điều kiện làm việc, cuộc sống rất khó khăn,” ông nói.

“Nhất là trong ngành văn nghệ, mọi người cùng góp một bàn tay cho các anh em thương phế binh, thì đây cũng là một cách gợi nhớ lại công ơn của các anh chiến sĩ VNCH để thấy rằng tại sao mình được đặt chân đến nước Mỹ này, nay có cơ hội tại sao mình lại thờ ơ. Tôi rất tin tưởng khi cộng tác với anh Khôi,” nhạc sĩ nói tiếp.

Từ trái, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Quý; cô Ngọc Hiếu, hậu duệ Quân Lực VNCH; và chiến sĩ Không Quân Nguyễn Xuân Khôi, trưởng nhóm của chương trình ca nhạc “Góp Một Bàn Tay Cho Thương Phế Binh VNCH.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đêm nhạc để nhớ về các chiến sĩ VNCH vì nước quên mình, đã xông trận trong hào khí của người chiến binh can trường dũng cảm với trách nhiệm bảo quốc an dân. Nhiều người trong số họ đã nằm lại vĩnh viễn, họ là những người anh hùng không tên tuổi, họ đã chết trong đêm tối mịt mù mênh mông, nhưng họ mãi mãi vẫn là một huyền thoại.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết một ca khúc vinh danh những chiến sĩ Không Quân, qua tiếng hát Mai Khương trong nhạc phẩm “Chiến Sĩ Vô Danh.” Mai Khương hát mở đầu trong nhịp quân hành, như một nén hương lòng thành kính dâng lên những anh hùng vị quốc vong thân.

Tiếp đến là những ca khúc “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê” (Duy Khánh), “Hai Mùa Mưa” (Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh), “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương” (Minh Kỳ), “Ngoại Ô Buồn” (T.h. – Anh Bằng), “Chiều Tây Đô” (Lam Phương), “Hờn Anh Giận Em” (Tuấn Lê)… những nhạc phẩm hát về đời lính như những người trai hùng lên đường chiến đấu bảo vệ non sông.

Cũng có những mối tình học trò ngây thơ trong sáng, nhưng chàng trai còn mang nợ núi sông, khoác áo chinh y ra sa trường chiến đấu, để người em gái nơi hậu phương mòn mỏi đợi trông ngày chiến thắng, nhưng cũng có khi nàng trở thành người góa phụ khi chàng đi mãi không về.

Ông Chuyên Vũ, thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp, Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay ông may mắn được đến sinh sống tại Mỹ nhưng lúc nào cũng nhớ về đồng đội xưa, tình chiến hữu sống chết bên nhau làm sao quên được.

“Phải luôn nhớ đến anh em thương phế binh còn ở lại quê nhà, họ đã hy sinh thân thể nơi chiến trường, vậy chúng ta ở nơi yên bình sung túc phải luôn nhớ đến các anh. Những buổi văn nghệ này được gặp lại bạn bè chiến hữu năm xưa thật là quý hóa, cùng nhau đóng góp giúp được phần nào xoa dịu bớt nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của bạn bè từng chung chiến hào năm xưa, cùng chiến đấu cho lý tưởng tự do,” ông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Quang Hải cho hay ông rất cảm kích khi tham gia trong chương trình này, bằng tất cả tấm lòng với các chiến sĩ VNCH.

“Tôi mong được làm cho người khác an vui hạnh phúc, nhất là những anh em thương phế binh VNCH. Dù sao tôi cũng được qua xứ sở tự do này sinh sống thoải mái, nhưng luôn nhớ nghĩ về đồng bào mình vẫn còn sống cơ cực đói nghèo. Gia đình tôi có được ngày hôm nay, tôi mong làm được những gì cho đồng bào mình được vui, hạnh phúc như mình được hưởng,” ông Quang Hải tâm sự.

Cô Tina Tâm, một hậu duệ VNCH, cho hay cô rất yêu sự tự do của thể chế VNCH, mặc dù trước 1975 cô còn nhỏ nhưng sau đó qua theo dõi báo chí truyền hình, cô hiểu được sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình, những thương phế binh đã hy sinh thân thể cho cuộc chiến giành độc lập tự do cho quê hương.

“Sự hy sinh ấy không có gì sánh được, dù các anh chiến đấu gian khổ nhưng với niềm tin chính nghĩa quốc gia, các anh lúc nào cũng tự tin và hãnh diện khi khoác lên người bộ quân phục của Quân Lực VNCH. Hôm nay em tới đây để đóng góp ủng hộ và vinh danh sự cao cả của tất cả các chiến sĩ VNCH, nhất là các anh thương phế binh còn kẹt lại nơi quê nhà. Em thường tham gia những chương trình của lính vì là hậu duệ của Biệt Kích Biên Phòng, cũng là hậu duệ của VNCH,” cô Tina chia sẻ.

Đêm ca nhạc dạ vũ càng lúc càng khởi sắc, kéo dài đến tận 11 giờ khuya, với hai nhạc sĩ Xuân Trường (keyboard) và Anh Tài (guitar), chỉ với mục đích tất cả vì thương phế binh VNCH, đang cần lắm một tấm lòng chia sẻ của đồng hương nơi hải ngoại.

Mọi chi tiết cần biết, xin liên lạc: Nguyễn Xuân Khôi (714) 890-2843, Nguyễn Hoàng Quý (714) 487-3478.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: