Thánh Lễ Cầu Hồn cho hội viên quá cố của Hội Việt Nam Tương Tế

Đại gia đình ông Nguyễn Văn Long về thăm viếng mộ ông bà và cầu nguyện trong Thánh Lễ cầu cho các linh hồn tại nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Thánh Lễ Cầu Hồn dành cho hội viên quá cố của Hội Việt Nam Tương Tế được tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 5 Tháng Mười Một, tại nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove.

Thánh Lễ do Linh Mục Michael Khổng chủ tế, Linh Mục Đinh Mạnh Hùng thuộc Giáo Phận Long Xuyên, và Thầy Sáu Huy Nguyễn phó tế.

Sau Thánh Lễ, Ban Quản Trị Hội Việt Nam Tương Tế và các gia đình hội viên cùng đến nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc của hội, tại Melrose Abbey Memorial Park, 2303 S. Manchester Ave., Anaheim, CA 92802.

Không khí tại nghĩa trang thật ấm cúng khi nhiều gia đình đã đến từ mấy ngày trước để dọn dẹp nhổ cỏ, cùng nhiều hoa tươi và nhang nến, cùng ca đoàn đã dâng lời ca thật ý nghĩa cùng với lời cầu nguyện sốt sắng của các gia đình tham dự. Có các hội viên yên lặng cầu nguyện riêng và cắm nhang trên mộ của người thân đang an nghỉ tại nghĩa trang.

Thánh Lễ tại nghĩa trang diễn ra tại nghĩa đài do Thầy Sáu Nguyễn Tấn Hảo phụ trách, và ca đoàn hát Thánh Ca, mọi người cùng hiệp dâng lời cầu nguyện. Sau đó mọi người cùng thắp hương trên các ngôi mộ thân nhân, cầu cho những người đang an nghỉ nơi đây.

Trong Thánh Lễ cầu hồn tại nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Hoàng Liên, hội trưởng Hội Việt Nam Tương Tế, cho hay: “Theo thông lệ vào Tháng Mười Một hằng năm là tháng cầu cho các linh hồn, chúng tôi có Thánh Lễ cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ và tất cả các thân nhân, hội viên Hội Tương Tế Việt Nam đã qua đời. Năm nay cũng vì tình trạng gấp rút và quá eo hẹp nên hội đã xin Thánh Lễ cầu hồn tại nhà thờ Chính Tòa, sau đó mời tất cả gia đình các hội viên tiếp tục ra nghĩa trang, cùng thắp hương kính viếng những hội viên và thân nhân đang an nghỉ tại Làng Vĩnh Phúc của Hội Việt Nam Tương Tế.”

“Nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc của Hội Việt Nam Tương Tế được thành lập vào năm 1979, ngay lúc đó chúng tôi đã nghĩ tới việc lo cho người sống đồng thời cũng phải lo cho những người đã qua đời. Và chúng tôi đã tạo mãi được nghĩa trang này, khoảng bốn năm sau 1983, chúng tôi thành lập Làng Vĩnh Phúc và hiện nay tất cả 2,000 lô đất tại Làng Vĩnh Phú được nhượng lại cho hội viên đã gần hết,” ông Hoàng Liên nói tiếp.

Ông cũng cho biết nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc có gần 2,000 hội viên người Việt của Hội Việt Nam Tương Tế đã an nghỉ tại đây. Những năm trước vì dịch bệnh COVID-19, ngày lễ tưởng niệm cho thân nhân quá cố được cầu nguyện tại chùa Điều Ngự, Westminster, và nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô.

Đại gia đình ông Thomas Phạm về thăm viếng mộ ông bà và cầu nguyện trong Thánh Lễ cầu cho các linh hồn tại nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Giáo Sư Phạm Kim Vinh lúc sinh thời là cố vấn của Hội Việt Nam Tương Tế đã nói chính Làng Vĩnh Phúc này là bàn tay nối dài như hình chữ S tượng trưng cho nước Việt Nam, được kéo dài qua Thái Bình Dương đến nước Mỹ, là nơi những hội viên an nghỉ nơi đây sẽ có được sự tĩnh lặng vượt thời gian, khi được an nghỉ chính tại nghĩa trang thuộc Hội Việt Nam Tương Tế,” ông hội trưởng tiếp.

Với ước vọng đó, Ban Quản Trị đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều gia đình hội viên, nên sau khi Hội Việt Nam Tương Tế hình thành vững vàng, tiếp đến Ban Quản Trị lo được một khu nghĩa trang dành cho hội viên nằm trong nghĩa trang Melrose Abbey Memorial Park.

“Điều đó như một thông điệp trao gởi đến các gia đình, khi người quá cố yên nghỉ nơi Làng Vĩnh Phúc là nơi an giấc ngàn thu với lòng tín thác. Với niềm cậy chứa chan hy vọng là hội viên sẽ được gặp gỡ để cùng nhau hưởng Nhan Thánh Chúa nơi thiên đàng sau khi qua đời, Vĩnh Phúc có nghĩa là được gần với Đấng Chí Tôn mình hằng phụng thờ, đó là diễm phúc đời đời,” ông hội trưởng chia sẻ thêm.

Ca đoàn trong Thánh Lễ cầu cho các linh hồn tại nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Thomas Phạm, ở thành phố Westminster, cùng con cháu dâu rể đến viếng ông bà nội ngoại tại nghĩa trang, nói: “Chúng tôi xuất phát từ Giáo Phận Bùi Chu, Nam Định, Việt Nam. Dòng họ Phạm cũng như tất cả những người Việt tị nạn khi qua Mỹ đều làm lại cuộc đời, tương đối khá thành công. Hôm nay có một số con cháu về dự lễ, cũng chỉ là một phần trong đại gia đình. Các con cháu đều tề tựu về đây, ngoài việc tham dự lễ cầu nguyện chung với mọi người, còn đến thăm thắp hương cho ông bà trong dịp lễ các linh hồn.”

Ông Huy Trần, cư dân Garden Grove, cùng đại gia đình đến nghĩa trang cầu nguyện, cho hay: “Chúng tôi mỗi năm vào Tháng Mười Một là tháng cầu nguyện cho các linh hồn hai bên ông bà nội ngoại đều an nghỉ nơi đây. Đọc kinh cầu nguyện với con cháu cùng tham dự để các cháu biết đến phong tục người Việt Nam là luôn biết kính nhớ đến tổ tiên ông bà. Còn nhiều con cháu ở các tiểu bang khác cũng như ở ngoài nước Mỹ không về được, trong dịp này, để mọi thành viên được gặp lại nhau, cùng dâng lời cầu nguyện, cũng là dịp gắn kết tình thân trong gia đình.”

Một đại gia đình khác, ông Nguyễn Văn Long, đặc trách tài chánh của hội, cùng con cháu đến viếng ông bà cố tại nghĩa trang. Ông Long cho hay mỗi năm vào Tháng Mười Một, gia đình ông đều về đây để đọc kinh cầu nguyện cho ông bà, là truyền thống hiếu thảo của người Công Giáo.

Đồng hương cầu nguyện cho các thân nhân đã qua đời, tại nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Long là một trong những người sáng lập nghĩa trang này năm 1984, cho biết hội mua được khu nghĩa trang này nhờ một người bạn rất thân. Mua trong ba giai đoạn, lần thứ nhất mua 500 lô, lần thứ hai mua 1,000 lô, và lần chót mua thêm khoảng 500 lô, nghĩa trang Làng Vĩnh Phúc đặc biệt dành cho hội viên Hội Việt Nam Tương Tế.

“Mong ước người ta ở trần gian là sau khi qua đời, muốn được yên nghỉ vĩnh viễn trong an bình hạnh phúc. Đó là ý nghĩa tên gọi Làng Vĩnh Phúc của nghĩa trang này,” ông Long tiếp.

Không gian nghĩa trang thật tĩnh lặng với nhiều gia đình còn lưu luyến bên mộ người thân khi hoàng hôn xuống dần, để rồi sau đó tạm biệt trong niềm thương nhớ vô cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: