Màu da vàng ở Hollywood

Sản phẩm văn hóa châu Á trở thành xu hướng chủ đạo ở Hoa Kỳ

16 năm qua, Hollywood luôn trăn trở về nhu cầu thể hiện sự đa dạng tốt hơn trên màn ảnh. Các phong trào như #OscarsSoWhite và #MeToo thống trị những tranh luận trên thảm đỏ và mạng xã hội. Kết quả, đã có một số thay đổi: Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) đã mở rộng hơn và đa dạng hóa bộ phận bầu chọn giải Oscar với hy vọng đề cử được nhiều bộ phim và vai diễn hơn.

Thực tế, danh sách đề cử và người chiến thắng đã đa dạng hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên một nghiên cứu mới từ Sáng kiến Hòa nhập Annenberg (Annenberg Inclusion Initiative-AI2) của Đại học University of Southern California phát hiện ra nhiều chi tiết thú vị. Stacy L. Smith, giáo sư truyền thông phụ trách AI2, đã tiến hành đánh giá 1,600 bộ phim có doanh thu cao nhất từ 2007-2022 (nghiên cứu lớn nhất thuộc loại này) và “soi” 69,858 vai diễn có lời thoại trong các bộ phim đó để xem liệu Hollywood có tạo ra một sự thay đổi đáng kể như cam kết về sự đa dạng, từ giới tính, chủng tộc, sắc tộc đến LGBTQ+ và khuyết tật.

Nghiên cứu cho thấy: Trong 16 năm qua, tỷ lệ diễn viên châu Á đóng vai có lời thoại trên màn ảnh đã tăng vọt từ 3.4% lên 15.9%. Cùng khoảng thời gian đó, các nhân vật da đen chỉ tăng ít, từ 13.0% lên 13.4% và Mỹ Latin tăng từ chỉ 3.3% lên 5.2%. Bing Chen, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Gold House, nêu lên ba cột mốc quan trọng dẫn đến sự nở rộ của các nhân vật châu Á trên màn ảnh trong vài năm qua.

Thứ nhất, năm 2018, “Crazy Rich Asians” (bộ phim đầu tiên của một hãng phim lớn ở Hollywood có dàn diễn viên hầu hết là người châu Á sau 25 năm kể từ “The Joy Luck Club” công chiếu năm 1993) đã trở thành một bộ phim bom tấn.

Thứ hai, năm 2019, “The Farewell” và “Parasite” (hai bộ phim có một phần hoặc toàn bộ lời thoại không phải tiếng Anh) đạt thành tích tốt tại phòng vé so với kinh phí bỏ ra và giành được các giải thưởng lớn. “Parasite” giành được bốn giải Oscar, gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc hay nhất và Phim truyện quốc tế hay nhất.

Thứ ba, “Everything Everywhere All at Once” đã trở thành cú đột phá phòng vé bất ngờ và trở thành bộ phim Hollywood đậm chất châu Á được trao giải nhiều nhất mọi thời đại. Đó mới chỉ là trong phim. Trên truyền hình, các chương trình nhiều kỳ như “Fresh Off the Boat”, “Squid Game” và “Kim’s Convenience” đã có được thành công văn hóa lớn và đóng góp lớn vào xu hướng: Sản phẩm văn hóa châu Á đã trở thành xu hướng chủ đạo ở Hoa Kỳ. “Không nghi ngờ gì nữa, sự trỗi dậy của K-Pop như một loại hình nghệ thuật độc đáo đã góp phần trực tiếp và gián tiếp vào sự tiếp thu các nội dung châu Á của đại chúng Mỹ” – Chen nói.

Về vấn đề cách biệt giới tính nam nữ, doanh thu thắng đậm của “Barbie” đã chứng minh, những bộ phim có nhân vật nữ chính có thể thành công và mang lại lợi nhuận cao cho các hãng phim. Các CEO hãng phim có vẻ đã học được bài học khi có đến 44% vai chính hoặc đồng vai chính thuộc về phụ nữ và trẻ em gái trong năm 2022, cao nhất trong 16 năm và cao gấp đôi so với 2007.

Nhưng nhìn chung, diễn viên chính vẫn do nam giới chi phối. Tỷ lệ nhân vật nữ đóng vai có lời thoại chỉ tăng 4.7 % (từ 29.9% của năm 2007 lên 34.6% trong năm 2022). Năm 2022 đã chứng kiến kỷ lục số vai chính hoặc đồng vai chính do trẻ em gái da màu và phụ nữ da màu đóng (19 trong 200 phim, tăng từ một phim của năm 2007) cũng như số vai nữ chính/đồng vai chính nữ nói chung (44%). Tuy nhiên, các trẻ em gái và phụ nữ chỉ chiếm 34.6% các vai có lời thoại trong 100 phim hay nhất năm 2022.

Tỷ lệ này phù hợp với những phát hiện trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ trong Truyền hình và Điện ảnh (Center for the Study of Women in Television and Film) ở San Diego hồi đầu năm nay: Tỷ lệ nam giới đóng vai có lời thoại so với phụ nữ là 3/1 trên màn ảnh rộng. Chỉ có 15 phim của năm 2022 là cân bằng giới tính về vai trò nam nữ trong các vai nhân vật có lời thoại. Tỷ lệ phụ nữ da màu đảm nhận các vai chính không thay đổi trong nhiều năm. 70 trong 100 phim hàng đầu năm 2022 không có vai phụ nữ da màu nào!

Sự trỗi dậy của cộng đồng châu Á

Hollywood đã không làm được nhiều trong việc tuyển dụng nữ đạo diễn; dao động từ 2.7% (2007) đến 13.5% (2020) tuỳ năm. Trong 1,600 bộ phim sản xuất trong 16 năm, chỉ có 88 gương mặt nữ ngồi ghế đạo diễn so với 833 đạo diễn nam.

Trong khi số đạo diễn nam da đen, châu Á và Mỹ Latin chiếm lần lượt 5.2%, 4.3% và 3.7% trong đội ngũ đạo diễn kể từ năm 2007, các đồng nghiệp nữ của họ chỉ chiếm chưa đến 1% mỗi nhóm. Các đạo diễn Mỹ Latin chỉ đạo diễn 5 trong 1,600 phim. Đó là Janicza Bravo, Melina Matsoukas , Roxann Dawson, Patricia Riggen và Charise Castro Smith. Năm ngoái, chỉ 19.5% đạo diễn (22 trên 113) là người da màu và 12 trong số họ là đàn ông châu Á.

Cuộc vận động #StopAsianHate gắn liền với các hành động bạo lực đối với người Mỹ gốc Á trong đại dịch COVID-19 cũng giúp thúc đẩy các nhà sáng tạo nội dung thể hiện nhiều hơn các câu chuyện châu Á trên màn ảnh với hy vọng phim ảnh có thể gợi lên sự đồng cảm và hội nhập. Ngoài việc tự khẳng định giá trị của mình, nỗ lực kể những câu chuyện châu Á còn mang ý nghĩa của các phong trào chống thù hận như #StopAsianHate.

Đóng góp lớn khác là làn sóng chuyển thể những cuốn sách bán chạy của các tác giả châu Á như “Pachinko” của Min Jin Lee, loạt phim “To All the Boys I’ve Loved Before” dựa vào sách của Jenny Han, và bộ phim truyền hình “Interior Chinatown” sắp ra mắt dựa trên cuốn sách của Charles Yu. Người ta có thể thấy sự gia tăng cả về số tác giả châu Á viết sách và số sách của họ lọt vào danh sách bán chạy nhất. Nhưng quan trọng không kém là chuyển thể nhanh chóng các tác phẩm đó thành phim.

Doanh thu vé của “Crazy Rich Asians” đã tạo cơ hội cho đạo diễn Jon M. Chu làm thêm những bộ phim khác với dàn diễn viên đa dạng, như “In the Heights” và bản chuyển thể sắp tới của “Wicked”.

Trong thực tế, sự thay đổi vị thế của cộng đồng châu Á trong phim có thể là do khán giả Mỹ ngày càng ưa chuộng phim “nước ngoài”, chứ không hẳn do bản thân Hollywood muốn thay đổi và muốn sử dụng nguồn tài năng châu Á nhiều hơn. Ví dụ, năm 2020, khi giành giải Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cho “Parasite”, đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho không hề biết được người Mỹ sẽ chú ý đến ông nhanh như thế nào.

Không chỉ Quả cầu vàng, “Parasite” còn giành giải Phim hay nhất tại Oscar và trở thành hiện tượng phòng vé ở Mỹ. Vào khoảng thời gian “Parasite” làm nên lịch sử Oscar, các dịch vụ phát trực tuyến, đặc biệt là Netflix, đã bắt đầu áp dụng cách tiếp cận quốc tế trong hoạt động sản xuất và mua phim. Những phim bộ đình đám như “Squid Game” của Hàn Quốc và loạt phim Ấn Độ “RRR” đã trở thành vài trong những thành công lớn nhất của Netflix (“Squid Game” lập kỷ lục phim bộ được xem nhiều nhất trong lịch sử Netflix và đứng số một tại hơn 90 quốc gia).

Netflix đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất lớn ở Hàn Quốc và đang làm điều tương tự ở Ấn Độ, bên cạnh việc mua các nội dung gốc ở các quốc gia đó. Nghiên cứu AI2 đã phát hiện rằng, Netflix hoạt động tốt hơn các hãng phim truyền thống của Hollywood xét về tính đa dạng. Ngoài phát trực tuyến, nội dung từ các quốc gia châu Á ngày càng chiếm ưu thế trên TikTok và YouTube, những nền tảng yêu thích của Gen Z. “Các khán giả trẻ tuổi đến từ các gia đình đa văn hóa ngày càng kết nối với mọi người trên toàn cầu thông qua mạng xã hội không có thành kiến ngôn ngữ như các thế hệ trước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: