Khánh Du – Tiếng hát về khuya

Ca sĩ Khánh Du

Nếu nói ca sĩ trong nước ra hải ngoại định cư mà kín tiếng, sống “ẩn dật” nhất thì có thể nói đó là nữ ca sĩ Khánh Du.

Nên khi Khánh Du hiếm hoi thực hiện một đêm nhạc cùng ca sĩ Mỹ Hạnh với chủ đề Tiếng hát về khuya, không ít khán giả háo hức bồi hồi mong gặp lại giọng hát nổi tiếng một thời của các phòng trà Sài Gòn thập niên 1990 và những năm 2000. Dù Khánh Du đã định cư hải ngoại từ gần 20 năm qua.

Ẩn dật

Tôi gặp Khánh Du vào một buổi chiều Sài Gòn, vẫn với vóc dáng gầy như thuở nào, vẫn lối nói chuyện chừng mực nhẹ nhàng và khoan thai của một người đàn bà đang tận hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Chị đang chuẩn bị cho chương trình nhạc vào đêm 6 Tháng Năm tại khách sạn Renaisance Riverside Saigon. Trông chị hơi “căng thẳng”. Cũng phải thôi, lâu rồi Khánh Du không hát. Ở hải ngoại, thỉnh thoảng, Khánh Du chỉ hát phục vụ cộng đồng kiều bào, còn chạy show như một cái nghề ngày xưa thì không! Về nước khá thường xuyên, nhưng Khánh Du rất ít đi hát. Đêm nhạc Tiếng hát về khuya diễn ra cách đêm nhạc gần nhất của chị cách đây cũng đã ba năm rưỡi!

Ca sĩ Khánh Du (trái)

Đây là đêm nhạc tình xưa với những ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Trường Sa, Phú Quang, Đức Trí… Khánh Du nói, chị luôn cũ, như những bài tình  xưa mình hay hát vậy. Khánh Du nói với giọng hài hước: “Mình có những cái cũ rất bền vững: Vẫn trông rất đau khổ khi trình diễn, vẫn hát nhạc buồn muôn thuở và chẳng thể nào nhảy nhót được chút gì trên sân khấu.” Chị kể: “Nhiều người không thể hình dung rằng bạn bè chơi với nhau thì Du lại là người hay đùa chọc ghẹo mọi người nhất. Bạn bè bảo Du phải là người hát nhạc vui mới đúng chứ. Nhưng khi hát nhạc vui, Du thấy không có hồn vía gì hết. Du chỉ thích hát nhạc buồn. Mỗi khi cất tiếng, mình không tập trung vào kỹ thuật mà chỉ đắm vào trong lời bài hát mà thôi”…

Khánh Du đang sống với van tim nhân tạo. Cô đã thay van tim hai lần; lần thứ hai cách đây sáu năm và may mắn là đến nay sức khỏe vẫn ổn. Bác sĩ luôn khuyến cáo không cho chị hát nhiều. “Bác sĩ luôn dặn mình phải giữ cảm xúc tích cực, giữ bình quân trong cảm xúc, không được xúc động quá nhiều”. Người ta hát cho thỏa, với chị thì, hát có muốn “đã thèm” vẫn phải nhớ dành sức cho ngày mai, cho trái tim. “Du biết, với trái tim không khỏe của mình, giữ sức khỏe không đơn giản, giữ sức khỏe để có thể hát như hồi trẻ còn khó hơn”.

Khánh Du sống cùng chồng ở ngoại ô thủ đô Cộng hòa Czech, một vùng đồng quê yên tĩnh, nơi chị có thể nghe rõ thanh âm của hơi thở thiên nhiên. Một cuộc sống bình lặng tuyệt đối. Không ít nghệ sĩ đến thăm chị phải buột miệng: “Du ơi, nơi đây tĩnh lặng quá, bình yên quá, buồn quá”. Khánh Du chỉ bật cười. Chị đã quen với cuộc sống ấy bao nhiêu năm nay rồi còn gì. Khánh Du cười khi kể thêm về cuộc sống hôn nhân. Vợ chồng chị cũng mất một thời gian dài căng thẳng để thu xếp công việc và đời sống. Bây giờ thì rất ổn.

Ca sĩ Khánh Du trong một đêm nhạc ở Đà Lạt

Cuộc sống như một bài hát

Khánh Du cho biết, có một điều thú vị là càng già càng thích nghe và hát bolero. Chị cũng đã kịp thu một album bolero phát hành online từ nhiều năm trước. “Ngày trước thấy nhạc  bolero thì né, cứ cho đó là nhạc sến. Ba mẹ ở nhà thích dòng nhạc này, nhưng chưa bao giờ Du nghĩ mình sẽ hát. Vậy mà giờ Du hát, nhiều bài mà kể ra bạn sẽ thấy ngạc nhiên. Du hát Dạ cổ hoài lang, Chiếc áo bà ba, Em đi trên cỏ non, Còn thương rau đắng mọc sau hè…”. Khánh Du nói, đi xa mình mới thấy “thấm thía” hơn bao giờ hết nỗi nhớ quê hương. Mỗi lần buồn là chị nghe những bài bolero của Hương Lan, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền… Càng nghe càng thấy yêu, rồi cứ thế tập hát và hát theo như một nhu cầu tự nhiên. Và càng hát thì chị càng hiểu hơn nỗi niềm của những đồng hương xa quê…

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: