Nàng, ‘mỹ nhân tự cổ như danh tướng’

Cố nghệ sĩ Thanh Nga (đứng giữa) trao bằng khen giải thưởng Thanh Tâm triển vọng cho nghệ sĩ Phượng Liên, 1965. Ảnh: Vưu Văn Tâm
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Nàng, ‘mỹ nhân tự cổ như danh tướng’
Loading
/

Nàng có mặt trong cuộc đời này như một định mệnh. Loài chim quý ngửa cổ hát chơi, hát cho thỏa mãn niềm đam mê, hát cho đời vui thêm chút nữa. Nàng không phải là “con nhà nòi” nhưng sớm được dưỡng phụ và các bậc tiền bối uốn nắn, dạy dỗ cộng với năng khiếu bẩm sinh, nhất là sự rèn luyện miệt mài, nàng đã bước lên đài danh vọng khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngọc được mài giũa, ngọc càng sáng, càng rạng rỡ. Nàng xinh xắn, duyên dáng và khi cất tiếng ca như chuông vàng ngân trên điện thánh.

Mấy mươi năm dưới ánh đèn sân khấu, hóa thân thành nhiều nhân vật, nhưng khi bước ra đời, nàng vẫn là người con ngoan ngoãn trong gia đình, người chị dịu dàng của bầy em dại và đối với đồng nghiệp, trên dưới một lòng kính nhường. Nàng sống chan hoà với tấm lòng vô cùng nhân hậu.

Cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Biết bao anh hùng, mã thượng đã đem lòng say mê nhưng vì nợ duyên không thắm, lá trầu xanh không se nên phận nên họ đành ấp ôm giấc mơ nửa đêm về sáng và trả nàng về với son phấn, với ảo đăng. Đêm từng đêm, nàng vẫn hiện diện với những vai diễn buồn vui, lung linh dưới ánh đèn màu và hào quang sân khấu. Người yêu và người không yêu xin cứ vui lòng làm khán giả thưởng thức nghệ thuật cho hết một đêm vui. Cuộc đời này có năm bảy ngã, cố tìm rồi sẽ gặp, con đường nào cũng dẫn cho mình một lối rẽ hay một nẻo về hạnh phúc. Vầng trăng khuyết rồi lại sẽ tròn và lấp đầy những bất hạnh.

Đất nước thay đổi chủ, tà quyền lộng hành gây ra biết bao nghịch cảnh, tang thương. Dòng nghệ thuật ngỡ đâu vẫn được chảy trôi êm ả trong lòng mộ điệu, tri âm. Bạo quyền say mê tài năng, si mê nhan sắc và muốn chiếm đoạt nàng làm của riêng nên ra tay chia loan, rẽ phượng. Người chồng ngã xuống vì một viên đạn khô khan và cuộc sống nàng cũng bị kết liễu bằng một viên đạn nghiệt ngã thứ hai phát xuất từ lòng dạ đố kỵ, ganh ghét của một Hoạn Thư tân thời. Phẩm tiên không thể rơi xuống tay hèn hay phường phàm phu tục tử. Con chim quý từ nay thôi im tiếng hót !

Nàng đã sống và ra đi giữa lúc danh vọng tuyệt đỉnh. Tài nghệ đó ít ra cũng được dùng thêm hai mươi năm nữa. Tiếc thay, nghiệp duyên bắt phong trần cũng phong trần như ai. Nàng vẫn mãi xinh đẹp và tươi trẻ trong lòng người ở lại. Ngày tiễn nàng về vùng đất lạnh, một chiếc trực thăng lượn vòng trên không cùng bốn tiếng súng chỉ thiên chát chúa để đưa nàng về một cõi khác. Ôi, chua xót và mỉa mai thay!

Gió mưa gào, gió mưa gào

Ðưa em vào huyệt lạnh

Phủ lấp đời người

Gió mưa gào, gió mưa gào

Ru em vào tình đông

Một thoáng phù du (*)

Nàng vẫn còn hiện hữu đâu đó trên cõi đời này, hay ít ra trong lòng của công chúng yêu chuộng nghệ thuật. Họ đã thương thì sẽ mãi yêu cho đến hết cuộc đời. Tiếc thay, nàng bỏ cuộc chơi khi hãy còn quá sớm, khi tài năng đang ở đỉnh cao, khi hoàng hôn chưa kịp tắt nắng, khi tuổi thanh xuân đang tràn trề mạch sống. Gương mặt khả ái, đôi môi xinh xắn, mái tóc dài buông xõa, tất cả không dễ dàng trong một sớm một chiều phôi phai sắc thắm.

Môi em mềm còn thơm hơi

Tóc em dài còn buông lơi

Ngàn niềm yêu chưa tan trên đời

Dáng xa vời, hận thiên thu (*)

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng.” Tự ngàn xưa, người đẹp được sánh ngang hàng với những viên tướng giỏi. Hơn bốn thập niên sau, người ta vẫn nhắc nhở và chưa tìm thấy được một tài năng mới để thay thế cái bóng hình diễm lệ ấy. Nàng vẫn quanh đây và hiện diện trong từng đêm diễn, một thái hậu uy nghi, một cô đào Giáng Hương lộng lẫy, một sơn nữ K’Lai dịu dàng ôm mối tuyệt tình về với núi cao rừng thẳm. Nàng vẫn còn đâu đó trong cõi nhớ hay trong ký ức của bạn, của tôi, của người muôn năm cũ.

(*) Nhạc phẩm “Tình chết như mùa đông” (Trần Văn Bùi)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: