19 năm, những dấu khắc đầu dòng

Thứ Tư, 30-04-1975, lúc 11:30 sáng, qua Đài phát thanh, đại tướng Dương Văn Minh ra lệnh tất cả quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa buông súng bàn giao cho Mặt trận giải phóng miền Nam. Lúc 1:30 chiều, quân Cộng sản vào chùa Phổ Hiền giương cờ Mặt Trận Giải Phóng. Họ đến văn phòng ấp Bác Ái 3 mà tôi đang làm trưởng ấp, kéo lá cờ VNCH xuống, tôi ngậm ngùi đôi hàng nước mắt, nhưng vẫn giao giấy tờ hành chánh và vũ khí các loại cho họ theo đúng thủ tục.

– Ngày 14-6-1975, chính quyền phường phát loa phóng thanh kêu gọi các gia đình đi đấu tố trưởng ấp Ngô Văn Hà. Nhà nào không đi thì không cấp phát gạo, bo bo.

– Ngày 15-6-1975, công an phường bắt tôi đến trại cưa Trần Phát cùng với bốn người nữa, chúng tôi phải quỳ gối trước 500 người tham dự đấu tố là bà con ở Khóm 1, 2, và 3 của ấp.

– Ngày 20-6-1975, tôi tiếp tục bị đưa đi đấu tố với ba người khác trước 550 dân ở Khóm 4, 5, và 6.

– Ngày 25-6-1975, công an tiếp tục bắt tôi đi đấu tố trước 600 dân Khóm 7, 8 và 9. Nội dung đấu tố là chúng tôi phải nhận sai lầm về chuyện làm việc cho chính quyền cũ. Họ bắt bà con hô to: Đả đảo tội ác của bọn tay sai Mỹ ngụy, đả đảo cảnh sát bắt quân dịch… Một cán bộ nằm vùng là bà Kim bắt tôi đứng lên đọc to bản nhận tội ba lần.

– Ngày 14-7-1975, tôi bị đẩy vào học lớp cải tạo tại trường học Thánh Mẫu suốt năm ngày.

– Ngày 25-8-1975, tôi bị bắt đi cải tạo tập trung cùng tất cả cựu nhân viên xã Bình Hòa, tại Chợ Mới, Ngã Năm. 30 ngày không cho về nhà.

Sau đó tôi bị chính quyền Phường 3 quản chế ba năm, rồi lùa đi kinh tế mới. Tôi tìm cách cho vợ và hai con nhỏ ở lại thành phố, còn tôi cùng với hai đứa em xuống Xuân Lộc, Long Khánh “lập nghiệp”. Không được chính quyền Xuân Lộc chấp nhận, tôi lại phải quay về Sài Gòn, mượn tiền lo lót tay Trưởng Công an phường 3, mới được ở lại. Gia đình tôi liên tục bị chính quyền gây khó khăn, tờ khai gia đình không được xét nên không thể mua thực phẩm hợp tác xã. Hai con tôi, phường không xác nhận hộ khẩu, nên không được đi học.

– Ngày 20-3-1985, tôi đưa con trai lớn 17 tuổi ra Bà Rịa-Vũng Tàu làm phụ hồ, may mắn được một người bạn cho theo lên tàu vượt biên. Con tôi đến Mỹ năm 1986. Khi Công an Phường 3 biết con tôi vượt biên, tôi bị bắt lên phường làm tờ khai suốt hai tuần lễ, mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chiều từ 2 giờ đến 5 giờ.

– Ngày 12-11-1988, tôi lên tàu vượt biên tại Long Hải, đi được hai ngày tàu bị hư máy bơm nước, buộc phải quay trở về, cập bờ, tôi bị bắt giam tại huyện Long Đất hơn một tháng rưỡi.

– Ngày 29-12-1988, tôi được thả về, trình diện Công an phường 3. Lần này Công an bắt tôi làm kiểm điểm suốt ba tháng; cũng mỗi ngày sáng từ 7 giờ đến 12 giờ trưa, chiều từ 2 giờ đến 5 giờ.

– Ngày 12-5-1989, tôi tiếp tục lên tàu vượt biên ở Năm Căn, Cà Mau. Tàu gặp cướp biển Thái Lan, may là nó chỉ lấy vàng rồi cho đi, rồi gặp tàu đánh cá Thái Lan, chủ tàu người Hoa, cũng giúp đỡ, kéo tàu, chỉ đường…

– Ngày 16-5-1989, chuyến tàu vượt biên MC498 của chúng tôi với 132 người trong đó có 32 quân nhân sĩ quan công chức VNCH, cập vào đảo Paulau Bidong, Malaysia.

– Tôi rời trại tị nạn Sungeibesy ngày 29-3-1994, đến Hoa Kỳ ngày 30-4-1994 – đúng 19 năm sau ngày miền Nam bị mất vào tay cộng sản. Rồi tôi đi làm, nhập tịch, bảo lãnh vợ con đoàn tụ gia đình.

Tôi, Ngô Văn Hà (sinh ngày 15-3-1942), từng tranh cử và đắc cử chức vụ Trưởng ấp Bác Ái 3, xã Bình Hòa, quận Gò Vấp ngày 17-8-1971. Ngày 15-3-1964, tôi nhập ngũ vào Quân lực VNCH, học khóa quân sự, ra trường bổ sung về đơn vị Chi Khu Gò Vấp, thuộc Tiểu Gia Định KBC4185. Tôi nhận công tác về Ban 2, chi khu Gò Vấp, Quận Gò Vấp, có 7 Xã, 59 Ấp. Tôi công tác các xã: Xã Hạnh Thông, Xã Bình Hòa, Xã Thạnh Mỹ Tây, Xã Thông Tây Hội, Xã An Nhơn, Xã An Phú Đông và Xã Thạnh Lộc.

Ấp Bác Ái 3 có 50,780 dân, gồm chín Khóm trưởng và 126 Liên gia trưởng; có ba Trung đội NDTV-NC và một Trung đội nữ NDTV-NC. Ấp Bác Ái 3 trải rộng suốt đường Lê Văn Duyệt đến Cầu Bông, Lăng Ông Bà Chiểu, trước Tòa tỉnh trưởng Gia Định, đường Chi Lăng, giáp ranh ấp Đông Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình; có hai nhà thờ: Giuse đường Lê Văn Duyệt và Phú Hiền đường Vạn Kiếp; có bốn trường học: Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, trường nam trung học Lê Quang Định, trường Tiểu học đường Chi Lăng và trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định…

Tôi, Ngô Văn Hà, một trong hàng triệu người dân Việt Nam Cộng Hòa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: