Góc Hàm Nghi – Võ Di Nghi. (ảnh Nhu Chau/FB Saigon xưa)

Có lần, tôi đi ngang rạp chiếu phim Casino Đakao trên đường Đinh Tiên Hoàng và bất giác nhìn sang bên kia lề đường để tìm một cây lâm vồ lớn, có lẽ cùng tuổi với hàng cây dầu cao to già cả trăm năm trên đường Trần Quang Khải sát bên. Không có cây lớn nào đối diện rạp chiếu phim, chỉ có hàng cây thấp nhỏ mới được trồng sau này.

Lần tìm kiếm đó liên quan đến một đoạn văn của bác sĩ Trần Ngươn Phiêu, nay đã mất. Ông kể hồi xưa ngang rạp chiếu bóng Casino Đakao, bên kia đường có một cây lâm vồ, gốc khá lớn. Dưới gốc cây có một cái quán của một bà khoảng trên 50 tuổi, chuyên môn bán nước trà Huế. Bà là người Biên Hòa, xứ có trồng nhiều cây trà hoang loại này ở các gò cao nên bà luôn có nguồn cung cấp loại trà này. Người đi đường, nhất là anh em công nhân lao động, các anh phu xe kéo… thường ghé vào quán bà để thưởng thức một tô lớn trà nóng, có khi thêm một trái chuối hay một miếng kẹo đậu phộng.

Trần Ngươn Phiêu kể giáo sư Phạm Thiều, mỗi chiều đi dạy về, đạp xe đạp từ trường Petrus Ký ở tận Nancy về mãi Gia Ðịnh, thường hay ghé quán trà bình dân này để nghỉ mệt và thưởng thức tô trà pha đầy bọt của bà chủ quán. Ðến khoảng 6 giờ chiều thì bà dẹp bếp về nhà nghỉ cho đến nửa đêm. Khi rạp Casino vãn suất hát chót đóng cửa, bà lại gánh ra quán một nồi cháo trắng nóng hổi. Thức ăn kèm với cháo chỉ là một dĩa nhỏ tôm khô có pha giấm! Món cháo vừa bình dân, vừa rẻ tiền của bà được nhiều người thưởng thức nên bà thường bán dứt nồi cháo rất sớm để về nhà nghỉ đêm. Dân lao động và đám học trò nghèo vùng Đakao là khách hàng quen thuộc của bà chủ quán “cháo Lâm Vồ”.

(ảnh tư liệu)

Sài Gòn – Gia Định hồi xưa không có nhiều nhà hàng sang trọng như bây giờ. Người dân bình thường gắn bó với những hàng quán bình dân nên khi có tác giả nào đó nhắc lại một cái quán cũ, giống như chạm khẽ vào một sợi dây đàn rất nhạy, để rồi từ đó vang lên một thanh âm xưa cũ làm xao xuyến người đọc. Đoạn văn khiến tôi nhớ quán trà Huế, chính xác là một bàn bán trà Huế, đặt sát vách tường trên đường Hai Bà Trưng ngày xưa, phía gần góc đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) mà tôi được uống cùng ba tôi năm 1973 hay 1974, với cái tô lớn đựng trà thật kỳ lạ với tôi và miếng kẹo đậu phộng dầy. Có thể đó là bàn bán trà Huế cuối cùng ở Sài Gòn chăng, vì sau đó, dù được đi nhiều do nghề làm báo từ thập niên 1980, không bao giờ tôi thấy chỗ nào bán trà Huế kiểu đó nữa.

Cách nay nửa thế kỷ, trừ một số con đường ở Sài Gòn có đặt những văn phòng quan trọng không cho bày bán bất cứ thứ gì trên lề đường, có khá nhiều đường lớn nhỏ được ngó lơ việc bày hàng quán trên lề từ sạp báo, tiệm hớt tóc, quán sinh tố, quán bánh cuốn và mì Tàu, kể cả trên đại lộ Lê Lợi. Ở những cái quán bình dân, sát lề đường, người bán có thể đỡ phải vất vả lang thang trên phố xá như những người bán rong nhưng vẫn phải chịu đựng nắng mưa.

Cầu Ông Lãnh năm xưa. (ảnh: Quý Nguyễn Văn/FB Saigon xưa)

Có những quán xá tuy đặt trong nhà mặt tiền đàng hoàng nhưng khá xập xệ, vách ván, mái tôn hay sang hơn là mái ngói. Đa số người bình dân và trung lưu ra vào các quán này, giá không mắc nhưng món ăn lại ngon. Quán xá tập trung gần chợ, kiểu như quán cà phê Nam Hương ở chợ Bà Chiểu mà thập niên 1930 nhà văn Phan Khôi trong thời gian ở Sài Gòn thường hay uống cà phê cùng các bạn văn. Hoặc quán cháo cá có tên “Quán Biên Thùy” ở chợ cầu Ông Lãnh, mà có lần nhà văn Lê Văn Trương khi có tiền đã rủ nhà văn Trần Tuấn Kiệt đến đó ăn. Ở đó, Lê Văn Trương nói lên quan niệm: “Tao biết chơi nên không buồn không chán, chỉ tại người ta không biết chơi nên phải buồn vậy thôi !” và với ông, ăn cháo cá ở đây cũng là “biết chơi”. Hoặc như cái quán Siu Siu sát bên nhà của nhà văn Nhất Linh khu chợ An Đông, là nơi lui tới của những bạn văn gốc Bắc khi đến thăm ông.

Năm 2016, tôi được vợ chồng nhà văn Nhật Tiến kể về đôi lần đến thăm Nhất Linh đều ghé quán cơm gà đó, là quán bình dân thôi nhưng nấu cơm hấp gà rất ngon. Những cái quán này khác với nhà hàng Kim Sơn, Thanh Thế cao cấp hơn mà các nhà văn khác hay đến trong thập niên 1960. Cũng không giống các quán Pagode, Place Cuniac, hàng ba khách sạn Continental để gặp các chủ nhiệm, chủ bút các tờ báo Sài Gòn ngồi duyệt bài, trả nhuận bút tại chỗ ở thập niên 1940 trước chiến tranh, kể cả người có Tòa soạn cơ ngơi đàng hoàng như ông Bút Trà.

Hotel Continental ở Saigon. (ảnh: Franklin Heijnen / Wikipedia)

Các nhà văn nhà thơ và các họa sĩ ngày xưa đa số thích quán xá bình dân. Ở đó, cuộc sống đời thường hiện lên ngồn ngộn chung quanh, là nơi họ học được thứ ngôn ngữ đời thường của người buôn gánh bán bưng, giới theo ghe thương hồ và phu bốc vác, được gần gũi với nhiều cảnh đời và nắm bắt dư luận xã hội từ những người bình thường. Tất nhiên, đó là nơi ăn nhậu dễ chịu, giá rẻ và có thể ăn chịu nếu chi xài quá túi tiền. Nên không có gì lạ khi trong các hồi ký, tùy bút của các nhà văn và cả nhạc sĩ thỉnh thoảng có hình ảnh các quán xá, đi vào các sáng tác, từ “quán nửa khuya” đến “quán bên đường”…

Tôi nhớ chỉ một thời gian ngắn sau năm 1975, ở khu hồ Con Rùa hiện lên những tấm bạt che sát tường với những hàng quán khá lôi thôi. Lúc đó, cuộc sống thành phố này đang oằn mình vì đầy thiếu thốn khó khăn, việc chỉnh trang đô thị không ai nghĩ tới trừ những cuộc làm vệ sinh đường phố tình nguyện của thanh thiếu niên địa phương. Sau này, đọc trong một hồi ký, mới biết trong số đó có một quán bán bánh tôm do một đôi vợ chồng nhà văn mở ra. Quán này che bằng tấm bạt và dưới tấm bạt đó, người vợ chiên bánh và ông chồng phụ rửa chén… Họ quên đi những tháng ngày làm chủ báo, chủ nhà xuất bản trước đó chỉ khoảng chừng một hai năm trước, khách đến ăn đa số là người quen trong giới văn nghệ miền Nam, cũng không mấy khi đến được vì không ai có tiền dư để thưởng thức món bánh tôm, một món ăn chơi cũng gọi là xa xỉ dù được bán trên vỉa hè.

Tượng đài ở Hồ Con Rùa 1930. (ảnh: Indochine française / Wikipedia)

Trong thế giới của những người đi làm, điều đáng nhớ khoảng thời gian làm việc chỗ A hay chỗ B, có khi lại là những hàng quán chung quanh đã từng lui tới lúc đó. Là những quán thường là ở mức trung bình dù không hẳn là bình dân, sạch sẽ và thân thiện, giá cả vừa phải. Những cái quán để xả căng thẳng ở chỗ làm, tìm sự an ủi, liên minh nơi đồng nghiệp. Với tôi, là cái quán không tên trên đường Võ Văn Tần đầu những năm 1990, diện tích nhỏ, ghế thấp, bán cơm tấm vào buổi sáng với thịt nướng xắt mỏng, chả trứng thơm lừng và nước mắm pha tuyệt ngon. Ở đó, tôi đến ăn sáng gần như hàng ngày làm việc nên thân thuộc với cả gia đình gồm bà cụ già và mấy chị gái hiền lành phụ mẹ bán cơm. Là cái quán cà phê có bán cả bia lon, mồi nhậu góc đường Cao Thắng và Nguyễn Thị Minh Khai, thỉnh thoảng thấy vài gương mặt văn nghệ sĩ từ tòa soạn báo Văn Nghệ gần đó ra ngồi, đáng nhớ nhất là họa sĩ Lê Chánh, thường ngồi uống một mình, mặt đỏ gay trong vẻ trầm tư lạnh lùng.

Ai cũng có những quán xá một thời lui tới, với niềm vui bạn bè bên ly bia hay ly cà phê, những mưu tính và lo toan của một thời đầy tham vọng thi thố với đời, với những buổi ăn đầm ấm bên sóng mắt người yêu. Những quán bên đường ở một thời xa xăm đi theo tuổi trẻ, hầu như chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: