Đĩa Phở chua Lạng Sơn. MXH

Vào một ngày mùa Đông tôi có mặt tại Lạng Sơn.

Thật khó tả cái cảm giác khi đối diện với vùng đất từng chịu đựng phong ba bão táp này. Những con phố mới mọc lên sau hai mươi năm bị tàn phá vẫn còn vướng vất tiếng la thất thanh của ai đó hay tiếng nổ lạnh tanh của tiếng AK bắn thẳng vào cơ thể một con người. Tôi hình dung được sự sống và cái chết cách nhau chỉ gang tấc mà tiếng uất nghẹn của người dân Lạng Sơn vẫn còn đè nặng trong lòng ngực.

Nơi đầu tiên tôi tìm đến là cửa khẩu Lạng Sơn, nơi mà trước đây hơn nửa thế kỷ tôi được ngồi ê a dưới mái trường trường rằng có Ải Nam Quan, nơi bắt đầu đất nước với chiều dài kéo tới Mũi Cà Mau. Tôi muốn tận mắt chứng kiến sự dời đổi đau lòng của đất nước khi nơi đây không những biến mất một di tích lịch sử mà còn mất đi mảnh đất của tiền nhân sau nhiều ngàn năm giữ nước. Tôi bần thần nhìn cái cổng Hữu Nghị Quan như nhìn một vết nứt trong tâm hồn, một vết nhơ lịch sử.

Hữu Nghị Quan thay cho Ải Nam Quan lúc trước

Anh taxi đon đả mời tôi trở về thành phố với khuôn mặt chân thành. Trên đường anh thân thiện mở lời kể chuyện của chính mình cho một người khách xa lạ, từ ngạc nhiên tới cởi mở tôi lắng nghe câu chuyện của anh như nghe lại một đoạn phim ngắn về buổi sáng hôm ấy, khi cả thành phố còn yên ngủ.

Là bộ đội biên phòng, anh Thành, người lái taxi, cũng như mọi hôm đang chơi bóng chuyền với đồng đội trong sân của doanh trại, bất ngờ có tiếng nổ thật lớn từ phía thành phố, mọi người đang hỏi nhau thì liên tiếp từng tràng đại pháo dập mạnh vào tai. Cả doanh trại hốt hoảng chưa kịp vào vị trí ẩn núp thì pháo đã bắn vào hàng rào của đơn vị. Thành kể lại ngay quả đạn thứ nhất đã có bộ đội bị thương và ai cũng ngạc nhiên vì trước đó không hề có tin tức tình báo gì về cuộc tấn công bất ngờ này.

Rồi những chuyện tiếp theo làm tôi ớn lạnh, anh chứng kiến những thân thể bị băm vằm những đứa trẻ nằm chết còn ôm vú mẹ… chiến tranh không cân sức và hệ quả rất nhãn tiền đã làm cả thành phố sụp đổ. Sau cuộc chiến không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, tất cả phải làm lại từ đầu.

Xe chạy dọc thành phố với những ngôi nhà mới toanh khiến tôi nao lòng, dân tộc Việt Nam vốn giỏi chịu đựng và luôn nhẫn nại đứng lên từ hoang tàn đổ nát. Tôi ngỏ ý muốn ăn thứ gì đó anh Thành mau mắn giới thiệu một món ăn mà anh chắc rằng tôi chưa bao giờ thử qua: Phở chua Lạng sơn.

Một quán Phở Chua xứ Lạng. MXH

Mới nghe tôi thật sự …. ớn! Phở với tôi là món tuyệt đỉnh công phu nay nghe tiếng phở chua là tự biết một cụ đầu bếp già nào đó rảnh rang nghiên cứu và tuyên truyền cho món phở quái lạ này. Tưởng tượng nồi nước lèo chua chua ngòn ngọt là lưỡi muốn tê cứng lại, Anh Thành hình như hiểu ý tôi cười lớn và giải thích món phở này không có nước lèo đâu! Vậy là tôi hiểu ra. Phải gọi là phở trộn hay phở khô mới đúng.

Ừ thì thử ăn xem sao, ngon dở có chết thằng tây nào.

Cái quán nhỏ xíu nằm ngay ngã tư được anh Thành đỗ lại, tôi mời anh vào quán nhưng anh từ chối, bắt tay anh thật chặt như chia sẻ bớt gánh nặng cuộc chiến và thầm cảm ơn những thông tin mà anh vừa kể.

Bà chủ quán đon đả mời chào với ánh mắt thân thiện. Nhìn quanh quất thực khách chỉ vài người có lẽ chưa tới giờ ăn sáng. Tôi kêu một tô, bà chủ cười, vâng ạ.

 

Phở chua Lạng sơn. MXH

Phở không đựng trong tô mà đựng trong một cái đĩa sâu lòng. Nhìn qua là tôi biết ngon hay chí ít cũng có thể ăn mà không thất vọng. Trên cùng là đậu phộng đâm nát, một ít rau thơm cắt nhỏ trộn lẫn với bánh phở tươi óng mượt nước sốt cho thấy hương vị nó không đến nỗi nào. Đũa đầu tiên là nốt nhạc của hương vị dạo đầu gây bất ngờ cho thực khách: Thơm mùi ngũ vị, bùi bùi với khoai chiên, gan heo vừa chín tới hòa điệu với miếng xá xíu ngọt mềm. Vị chua ngọt vừa phải của nước sốt… tất cả làm thành một món ngon bất ngờ và thú vị.

Cái ngon của món phở chua Lạng sơn có lẽ nằm trong nước sốt. Giống như hủ tíu khô có nước sốt chan lên sợi hủ tíu khiến nó khác thường. Nước sốt của phở chua Lạng Sơn rõ ràng làm từ giấm Tiều, tức giấm đỏ, thứ giấm đặc trưng của người Hoa bao đời nay đã quen thuộc với người Việt. Thứ giấm dịu nhẹ luôn ẩn mình phía sau những vị đậm của xì dầu, dầu hào hay dầu mè nhưng không thứ nào lấn át được nó. Âm thầm mà thuyết phục vị giác của người ăn. Hàng trăm năm qua nó theo chân người Minh Hương trên khắp đất nước để lại niềm vui ẩm thực cũng như không ít nỗi buồn, ít nhất tại Lạng Sơn: Nỗi buồn chiến tranh.

Giấm Tiều theo chân món mì vào Chợ Lớn lan dần khắp nước và Lạng Sơn nằm sát nách với Tàu không thể không biết đến. Ăn món phở chua xứ Lạng lại nghĩ tới con đường của món giấm Tiều làm món này bỗng dưng mất ngon hơn phân nửa. Thì ra, văn hóa ẩm thực dính liền tới lịch sử đến như vậy, đặc biệt đối với những người nhạy cảm, nhìn đâu cũng thấy thuyết âm mưu.

Mà đáng lẽ nên tội nghiệp cho thứ gia vị này mới đúng bởi ngày nào ăn tô mì gõ ở Sài Gòn luôn miệng đòi thêm giấm Tiều, mặc dù không biết ông chủ bỏ thứ giấm nào vào trong đó bởi cả tin rằng người Hoa xem trọng món giấm này như người Việt tôn trọng món mước mắm. Giọt giấm Tiều cứ thế lan ra khắp đầu óc khiến đĩa phở chua Lạng Sơn mấy lần ngưng đũa.

Rời quán với tâm trạng bồi hồi. Hình ảnh chiến tranh tuy không hiện rõ rệt trong trí vì không chứng kiến nhưng vị chua dịu nhẹ của giấm Tiều cứ ám ảnh trong lòng. Nếu giấm Tiều làm nên món ngon phở chua thì cuộc chiến năm 1979 có làm nên cay đắng cho cả dân tộc này hay không? Càng nghĩ lại càng thương cho giấm, nó khác gì với câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu và chiếc nỏ thần An Dương Vương? Đất nước này bị đặt nhằm chỗ nên thân phận ngàn đời vẫn dính liền với những mẫu chuyện vừa huyền thoại vừa lung linh vừa đau đớn vừa khuất tất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: