Bức tranh tiêu dùng ảm đạm mùa nghỉ lễ

Ảnh: markus-spiske-unsplash

Bị sức ép của lạm phát, các hộ gia đình, nhà bán lẻ và các tổ chức từ thiện trên toàn quốc đang chuẩn bị cho một kỳ nghỉ lễ tiết kiệm…

Bài toán lạm phát

Các dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đã cắt giảm kế hoạch chi tiêu cho quà tặng cũng như đóng góp cho từ thiện vào mùa nghỉ lễ cuối năm. Thomas Tighe, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ y tế Direct Relief thường nhận khoảng $2 tỷ trị giá thuốc men, dụng cụ y tế và tiền mặt để phân phối sự trợ giúp trên khắp thế giới, nhận định: “Tình trạng thắt lưng buộc bụng có nguy cơ làm hỏng thời điểm nghỉ ngơi quan trọng cuối năm của nhiều người dân Mỹ, đặc biệt là các công ty và tổ chức phi lợi nhuận sống nhờ doanh số bán hàng tăng vọt và khoản quyên góp lớn nhất trong năm (Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai)”. Wall Street Journal cho biết:

Giá tiêu dùng đã tăng nhanh hơn lương trong năm nay và lạm phát cao dai dẳng hơn so với dự kiến ​​của nhiều nhà hoạch định chính sách. Chi phí sinh hoạt cao khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng, dù thị trường việc làm mạnh mẽ, nhiều hộ gia đình tích lũy được trong đại dịch Covid-19 và có một vài dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại. Đại học Michigan ước tính tâm trạng bi quan các hộ gia đình trong sáu tháng qua có thể so sánh với cuối năm 2008 và đầu năm 2009, khi hệ thống tài chính Mỹ đứng trước thảm họa suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Sự bi quan cũng lặp lại mức độ lo lắng của thập niên 1970, khi lạm phát tăng lên hai con số.

Ảnh: markus-spiske-unsplash

Một cuộc khảo sát của Cơ quan điều tra dân số các hộ gia đình vào đầu Tháng Mười cho thấy 41% người Mỹ (khoảng 95 triệu người) thú nhận họ gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí thiết yếu trong gia đình, so với 29% của năm trước đó. Theo cuộc khảo sát tình hình mua sắm dịp lễ hàng năm lần thứ 37 của công ty tư vấn Deloitte Consulting trên 5,000 người vào Tháng Chín, mỗi người Mỹ dự định chỉ mua trung bình 9 món quà trong năm nay so với 16 món quà vào năm ngoái và tổng chi tiêu dự kiến ​​cho mỗi hộ gia đình khoảng $1,455, giảm so với $1,463 của năm trước.

Những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ dự định dành ít thời gian đi mua sắm hơn so với năm ngoái. Conference Board, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận khi khảo sát lòng tin của các hộ gia đình cho biết: “Các cá nhân đã cắt giảm kế hoạch chi tiêu cho quà tặng xuống chỉ còn $613 trong năm nay từ mức $648 của năm 2021. Trang trí nhà cửa, nội thất, thiết bị, đồ trang sức và công cụ là một trong những danh mục bị cắt giảm lớn nhất”. Tháng Tám qua, cuộc khảo sát 2,415 người trưởng thành của trang web tài chính tiêu dùng Bankrate cho thấy 84% người mua sắm muốn tiết kiệm tiền trong kỳ nghỉ cuối năm nay bằng cách săn phiếu giảm giá, hàng giảm giá, mua ít hàng hoá hơn và mua quà tặng rẻ hơn của các thương hiệu rẻ hơn, thậm chí tự làm.

Mối lo của các cửa hàng

Sau khi tăng giá trong nhiều tháng, một số công ty đang đánh cược việc giảm giá sẽ thúc đẩy doanh số bán và giải phóng hàng tồn kho. Hiệp hội Đồ chơi, đại diện các công ty cung cấp 96% số đồ chơi được bán ở Mỹ, dự báo một mùa giảm giá mới. Công ty phân tích theo dõi giá trực tuyến DataWeave Inc cho biết giá hàng ngàn mặt hàng bán lẻ và giá quần áo cũng đang giảm. Công ty Gap Inc. đang giảm giá cao tới 60%, mức giảm không có trong mùa lễ năm ngoái (khi các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến các nhà bán lẻ thiếu hàng tồn kho).

Tuần trước, Target Corp. cho biết việc người tiêu dùng giảm chi tiêu khiến công ty phải cắt doanh thu, lợi nhuận và lên kế hoạch giảm giá để giải phóng những hàng tồn kho không cần thiết trong kỳ nghỉ lễ. Nhưng nhiều cửa hàng độc lập không thể giảm giá sâu. Keri Piehl, chủ cửa hàng Đồ chơi bánh xe màu ở Albuquerque, New Mexico cho biết năm ngoái cửa hàng đạt doanh số bán hàng khá nhưng lo lắng khách hàng sẽ ít mua sắm trực tuyến hoặc tại cửa hàng trong năm nay. Để cắt giảm chi phí, cửa hàng đã ngừng đặt hàng túi giấy lớn mua hàng, và để tiết kiệm chi phí vận chuyển, cửa hàng chọn mua nhiều mặt hàng hơn với số lượng lớn.

Mười một lần kể từ sau Đại Chiến Thế giới lần thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng đã bằng hoặc vượt 6% trong thời gian nghỉ lễ. Năm nay, nó ở mức 7.7% vào Tháng Mười. Dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy, chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng trung bình 1.2% trong những năm đó, so với 3.4% trong những năm có lạm phát thấp hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ có xu hướng giảm trong những tháng gần đây. Sau khi tăng hơn 8% vào năm ngoái, chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng dưới 2% trong chín tháng đầu năm nay.

Ảnh: freestocks-unsplash

Các tổ chức từ thiện gặp khó

Theo Tổ chức Giving USA, tháng giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh chiếm từ 20% đến 30% các khoản quyên góp từ thiện. Salvation Army cũng tỏ ra lo lắng. Trong khi đó, những khẩn cầu từ những người cần hỗ trợ ở nhiều nơi khác nhau trên khắp nước Mỹ đã tăng 25% đến 50% so với năm ngoái.

Khi khảo sát 2,000 người Mỹ, trang web huy động vốn cộng đồng Kiva nhận ra rằng nhiều người sẽ đóng góp ít hơn cho các tổ chức từ thiện so với năm ngoái: 44% đổ lỗi cho thiếu tiền. GivingTuesday, một tổ chức phi lợi nhuận và Hiệp hội các chuyên gia gây quỹ (Association of Fundraising Professionals) cho biết số lượng các nhà tài trợ trên toàn quốc đã giảm mạnh trong Quý II và số người đóng góp dưới $500 giảm.

Tổng số tiền nhận được đã tăng 6.2% trong thời gian đó nhưng không theo kịp tỷ lệ lạm phát của Quý II hơn 8%. Các bữa tiệc công ty trong ngày lễ cũng ít không khí lễ hội hơn. Avital Ungar, một nhà lập kế hoạch tiệc tùng cho các công ty và công ty khởi nghiệp trong danh sách Fortune 500 ở các thành phố New York, San Francisco và Los Angeles, nhận định: “Nhiều khách hàng đang đối mặt với việc tuyển dụng bị đóng băng hoặc sa thải nên không có tiền cho các sự kiện lớn trong năm nay”.

Mani Bhushan, người sở hữu bốn nhà hàng Mexico ở khu vực Dallas cho biết vào thời điểm trước đại dịch, ông nhận được hàng chục đơn đặt hàng phục vụ cho các sự kiện Giáng sinh hơn 100 người. Năm nay chưa thấy! “Số lượng đặt chỗ các nhóm lớn đã giảm đến 95% so với năm 2019 – Bhushan nói – Dù doanh số bán hàng tổng thể tăng, nhưng vẫn lỗ vì chi phí thuê địa điểm, nhân công và nguyên liệu tăng. Một pound ức gà hiện là $4.33 so với $2,99 một năm trước. Lúc trước tôi chỉ trả $14 cho một đầu bếp giỏi nhưng nay là $18 một giờ cho một đầu bếp bình thường!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: