Để có thể an tâm làm vài ly vào mùa nghỉ đón Năm Mới

Hình minh hoạ: priscilla-du-preez-unsplash

Một nghiên cứu mới cho thấy rượu làm cho chúng ta say và phấn kích không chỉ do các dược chất có trong nó mà còn do tác động của đám đông. Khi đã chắc chắn mình là “người uống rượu có trách nhiệm” rồi thì việc làm vài ly vào dịp nghỉ cuối năm là… chuyện không có gì ầm ĩ!

Ai cũng hiểu tác hại của rượu

Rượu là một trong những loại thuốc (drug) được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Hàng triệu người tận hưởng cảm giác say do rượu tạo ra, đặc biệt là trong các cuộc tụ tập xã hội, nơi một chút rượu sẽ làm cho khoảng thời gian gặp gỡ vui vẻ bên nhau thú vị hơn và trôi nhanh hơn. 

Trong một nghiên cứu mới, hơn 700 nam, nữ không biết nhau được mời uống rượu “làm quen”. Họ chia thành từng nhóm ba người và được hướng dẫn uống trong 36 phút. Những người tham gia tưởng họ đang ở khúc dạo đầu cho một thí nghiệm thú vị, nhưng ở hậu phòng, các nhà nghiên cứu đang quan sát những gì họ làm trên bàn. 

Ban đầu, do không quen, họ không cười nhiều. Nhưng khi được uống vodka ngâm nam việt quất, nét mặt họ bắt đầu thay đổi. Họ không chỉ cười nhiều hơn mà còn phản hồi nụ cười của nhau và cuộc trò chuyện cũng rôm rả hơn, khoảng cách giữa “những người lạ” gần như không còn. Mỗi nhóm cũng chia sẻ nhiều hơn về điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “khoảnh khắc vàng” khi ba người lạ hoà với nhau thành một. 

Hình minh hoạ: sebastian-coman-unsplash

Michael Sayette, Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Rượu và Hút thuốc (Alcohol and Smoking Research Laboratory) tại Đại học Pittsburgh, đồng tác giả của nghiên cứu nhận xét: “Có vẻ như cả nhóm đang thực sự xích lại gần nhau. Tôi nghĩ họ là một phần của cuộc thử nghiệm say xỉn rộng lớn hơn”. 

Jodi Gilman, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard kiêm Giám đốc khoa học thần kinh của Trung tâm Thuốc gây nghiện (Center for Addiction Medicine) của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts giải thích thêm: “Rượu cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, nó ảnh hưởng đến não và làm suy yếu não bộ”. 

Ethanol, hợp chất hóa học cực kỳ đơn giản nhưng lại là tác nhân chính của các loại đồ uống có cồn. Ethanol thấm vào các tế bào và não bộ trong chỉ vài phút sau khi đi vào cơ thể. “Nhưng vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về tác dụng của rượu đối với bộ não – Jessica Weafer, nhà tâm lý học tại Đại học Kentucky, nhận định – Tác dụng của rượu bao trùm bộ não. Không giống như các loại thuốc khác chỉ ảnh hưởng đến một vùng não cụ thể hoặc tác động lên các thụ thể cụ thể, rượu chu du khắp não khiến việc nghiên cứu tác hại của nó trở nên khó khăn hơn nhiều. 

Ai cũng biết rượu là chất gây trầm cảm, ngăn chặn hoạt động thần kinh trong não và khuếch đại tác dụng của hai hóa chất não ức chế hoạt động thần kinh – GABA và glycine – bằng cách tác động lên cùng các thụ thể mà hai chất này liên kết với. Nói rõ hơn, rượu ức chế tác dụng của các hóa chất kích thích não và làm giảm hoạt động của não.

Nhưng chưa hẳn đã biết hết

Như hầu hết những người uống rượu đều biết, rượu có tác dụng “hai mặt”: Ban đầu với liều lượng thấp nó tạo ra hưng phấn khiến chúng ta cảm thấy được kích thích thoát khỏi sự ức chế, e dè để có thể khiêu vũ hoặc trò chuyện thoải mái với những người xa lạ. Sau đó, khi đã đạt được liều lượng đủ, cơn buồn ngủ ập đến. Sự lên xuống của tinh thần tương ứng với sự lên xuống của nồng độ cồn trong máu. 

Hình minh hoạ: kelsey-chance-unsplash

Để xem điều gì xảy ra trong một bộ não bị say, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia uống rượu qua đường truyền tĩnh mạch trong khi họ nằm bên trong máy quét hình ảnh thần kinh fMRI. Kết quả cho thấy, rượu giải phóng ức chế, căng thẳng do làm giảm hoạt động ở các phần của vỏ não trước (rất quan trọng đối với các chức năng kiểm soát hành vi, chẳng hạn như ngăn cản những gì chúng ta không muốn làm). 

Nhưng bằng cách lấy mất khả năng kềm chế này của não, rượu khiến chúng ta cảm thấy hưng phấn và “dám” làm những chuyện trước đây không muốn làm. Ví dụ người ngại nói nay trở thành nói nhiều, kẻ chừng mực trở nên gây gổ. 

Khi rượu vào dopamine sẽ tiết ra nhiều và hoạt động ở khu vực striatum (một vùng não quan trọng liên quan đến các kích thích hưng phấn) được tăng cường. Weafer và các đồng nghiệp của bà phát hiện ra hoạt động thần kinh ở striatum mạnh yếu là tuý lượng rượu đưa vào cơ thể. Bà lưu ý: “Dù được tiêm rượu vào tĩnh mạch thay vì uống trực tiếp, các đối tượng tham gia vẫn thấy hưng phấn. Điều này thể hiện trên máy quét”. 

Rượu cũng ảnh hưởng đến các trung tâm cảm xúc của não. “Trong một nghiên cứu, rượu làm giảm phản ứng thần kinh trong hạch hạnh nhân (amygdala) đối với các biểu cảm tiêu cực trên khuôn mặt, đây là lý do tại sao rượu đóng vai trò như một chất bôi trơn làm cho quan hệ xã hội dễ dàng hơn” – Gilman, người đứng đầu nghiên cứu, nói. 

Một chút can đảm mới xuất hiện sẽ giúp người uống rượu không còn ngại hay lo lắng bị người khác từ chối. Tuy nhiên, khi khả năng tự kềm chế mất do uống quá nhiều rượu, sự thoải mái trong tiếp cận cũng dễ dẫn đến đánh nhau hoặc hành vi không phù hợp.

Hãy là người uống rượu có trách nhiệm

Những ảnh hưởng của rượu không chỉ do những dược chất có trong rượu mà còn do môi trường, nơi rượu được đưa vào cơ thể. 

Sayette nói: “Điều buồn cười của bộ não chúng ta là nó thích chơi với những bộ não khác! Bộ não nhìn ra sao khi uống rượu cũng khác nhau đáng kể, tùy thuộc vào việc bạn uống một mình hay đang ở trong một quán bar”. 

Hình minh hoạ: kelsey-chance-unsplash

Uống rượu bên cạnh những người khác cũng dễ bị kích thích hơn và dễ mất kiểm soát hơn. Sayette chỉ ra một nghiên cứu vào thập niên 1970, trong đó hỏi mọi người cảm thấy ra sao sau khi tham gia thí nghiệm uống một mình và uống theo nhóm. Kết quả, uống rượu một mình dễ dẫn đến các tác động sinh lý như chóng mặt hơn là thay đổi tâm trạng, còn uống rượu với số đông dễ thay đổi tâm trạng hơn là tác động sinh lý. Sayette giải thích: “Điều đó có nghĩa là uống rượu một mình không tạo ra được nhiều dopamine như uống tập thể”. 

Dù các nghiên cứu cho thấy không có lượng rượu nào tốt cho sức khỏe và nguy cơ chết sớm vì nghiện rượu nhưng chúng ta vẫn có thể thỉnh thoảng ra ngoài thưởng thức vài ly. Khi uống rượu vào ban đêm tại quán xá, các nhà nghiên cứu có những lời khuyên sau. 

Trước hết, hãy lên kế hoạch sẽ uống bao nhiêu là đủ? Về nhà bằng cách nào? Thứ hai là ăn lót dạ trước để làm chậm quá trình chuyển hóa rượu và uống nhiều nước. Sau đó là hãy biết mức giới hạn “tửu lượng” của mình. Mỗi người có một mức chịu đựng rượu khác nhau. Nói lắp hoặc mất nói năng lộn xộn là dấu hiệu cảnh báo bạn nên uống chậm lại hoặc ngừng. 

Gilman nói: “Khi thấy mất kiểm soát phải điều chỉnh ngay tốc độ và liều lượng uống”. Cuối cùng, hãy biết lý do tại sao lại quá thích uống rượu ngày hôm đó. Nếu là để xoá tan một nỗi buồn, bất chấp hậu quả, bạn nên nói chuyện với ai đó để được giúp đỡ. Gilman kết luận: “Khi đã chắc chắn mình là người uống rượu có trách nhiệm rồi thì việc làm vài ly vào những ngày lễ là hoàn toàn ổn!”.

Tham khảo:

https://www.washingtonpost.com/wellness/2022/12/29/alcohol-tipsy-brain-social-impacts/

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: