Từ những chuyến đi: Giá trị thật sự của Szentendre

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Szentendre là một điểm đến quá quen thuộc – và do đó, tưởng chừng chả có gì lạ – với bà con Việt tại Hungary, đấy là chưa kể từ chín năm trước, sau khi thành phố này kết nghĩa với Hội An thì cứ nhắc đến nó là ai nấy, theo quán tính, lại có sự liên tưởng đến phát… nhàm tới Di sản Thế giới UNESCO ở ta.

Đọc lại những dòng report từ hồi Tháng Tám năm 2014 mà giật mình và… phì cười vì thấy “sến” ghê gớm:

“Nằm cách thủ đô Budapest khoảng 21km về phía Bắc, Szentendre được coi là cửa ngõ của Dunakanyar (đoạn uốn khúc của con sông Danube, phần được coi là đẹp nhất của “con sông mẹ” dài 2,850km và đi qua nhiều thủ đô ở Châu Âu), và là một thành phố được thiên nhiên ưu đãi với phong cảnh hữu tình, là điểm đến của du khách yêu văn hóa và nghệ thuật quốc tế”.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

“Lãnh đạo hai thành phố nhấn mạnh rằng cùng là những đô thị tuy không lớn, nhưng được biết đến về những giá trị du lịch, văn hóa và nghệ thuật, Szentendre và Hội An có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của nhau trong nhiều vấn đề mà đôi bên cùng quan tâm và có sở trường”.

“Thị trưởng TP. Szentendre, TS. Dietz Ferenc cho biết Szentendre được biết đến ở Châu Âu như một trong những địa chỉ du lịch và văn hóa nổi bật nhất của Hungary và rất vui mừng có thêm được một “người anh em” đã có mặt trên bản đồ du lịch thế giới từ lâu nay, đó là Hội An với khu phố cổ đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO”.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

“Để đáp lời, Chủ tịch UBND TP. Hội An, ông Lê Văn Giảng đã giới thiệu một số nét mạnh của Hội An và cho hay: Khi đặt chân tới TP. Szentendre bên bờ sông Danube, ông có cảm giác thân thiết như ở nhà, bên bờ sông Thu Bồn. Ông cũng tỏ ý tâm đắc với nhiều nét tương đồng giữa hai thành phố, và hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác song phương sẽ đem lại kết quả tốt trong đời sống văn hóa và du lịch của đôi bên”

Cần phải nói là sẽ không có vụ lục lại “tư liệu” này nếu trong chuyến đi hôm trước ở Český Krumlov mà mình cho là Châu Âu hiếm có nơi nào đẹp như thế, người bạn Hung của cô bạn đi cùng có nói, đại loại, nơi này cũng đẹp như Szentendre của Hungary. Hai đứa cười ngặt nghẽo vì sự so sánh “vô chừng” đó, vì quá khập khiễng và tất nhiên là không xứng.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Tuy nhiên, vẫn cần nói là Szentendre có giá trị riêng của nó, bên cạnh và bên ngoài những cái mà đại đa số du khách trong vòng 1-2 giờ đi loáng thoáng qua vẫn ghi nhận trong những bộ ảnh. Con đường dọc sông Danube, chụp đẹp. Vài con phố đi bộ chính ở khu phố cổ, hai bên vô vàn hàng quán, tiệm bán đồ thổ cẩm, thủ công, lưu niệm,… chụp đẹp. Quảng trường chính, chụp đẹp.

Nhưng những hình ảnh ấy có thể thấy ở bất cứ đô thị nào ở Hungary, hay Châu Âu nói chung, chỉ cần chịu khó đi và khám phá. Hoặc giả, ngay cả mấy ngõ phố có giăng đèn lồng, hoặc treo ô dù đủ mọi màu sắc ở Szentendre mà bà con mình rất thích chụp, và chụp rất nhiều, dù lên ảnh đẹp, vui, cũng không có gì quá lạ và đặc sắc kiểu “nơi khác không có”. Szentendre hơn thế rất nhiều!

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Các sách vở du lịch khi nhắc tới thị trấn này, đều nhắc tới sự nổi tiếng về mặt lịch sử và văn hóa, nghệ thuật của nó. Đây cũng là điều mà bọn mình, gần 40 năm trước, trong chuyến thăm Szentendre đầu tiên, đã được các cô giáo Hung nhấn mạnh: Đây là mảnh đất của các nghệ sĩ, nghệ nhân có tiếng, đã làm nên tính văn hóa của thị trấn qua nhiều thập niên. Và giờ vẫn vậy, với rất nhiều bảo tàng, triển lãm… đặc sắc.

Szentendre cũng là nơi chung sống của nhiều sắc dân nhập cư trong lịch sử, mà chủ yếu là người Serbia: Những ngôi nhà và đóng góp của thương gia, các nhân vật tín ngưỡng và văn hóa Serbia là một phần rất quan trọng của gương mặt Serbia hiện tại.

18 nhà thờ của các tôn giáo, trong đó có hàng chục thánh đường trong khu phố cổ, nhiều khi sát nhau, chỉ cách nhau một con phố, là vẻ đẹp của văn hóa chung sống.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Nhiều khi leo lên những nơi mà các nhà thờ tọa lạc, thường là một mảnh đất trên cao, có thể gọi là đồi, để nhìn vọng xuống những mái ngói liêu xiêu, những ngôi nhà cũ kỹ hệt bóng dáng Hà Nội cổ, hoặc đi lòng vòng qua những ngõ ngách, cầu thang hẹp… lát đá với tuổi đời vài trăm năm để thấy vẻ lãng mạng và cuốn hút của thị trấn này, mới nhận ra vẻ đẹp thực sự của Szentendre.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Tại sao du khách ít được biết đến những nét giá trị và ý nghĩa ấy? Là vì thời gian dành cho nơi này trong những tour như “chạy giặc” thường là rất ngắn, cũng không ai dẫn đi, không ai chỉ cho khách vãng lai được biết – mà xét cho cùng muốn chỉ hay giới thiệu cũng phải có kiến thức, hiểu biết sâu hơn là đơn thuần dẫn khách đến đó và bảo “chụp ảnh đi” như mình đã chứng kiến không ít lần.

Lần gần nhất qua Szentendre, mình đã mò tới một hội đường nhỏ, tức nơi cầu nguyện của người Do Thái, để hình dung một dân tộc giờ đang chìm đắm trong cái khó và khắc nghiệt của cuộc chiến chống Hamas. Trong hội đường, một phụ nữ đang rất vui vẻ với toán du khách nói tiếng Anh đến từ xa, nhưng ngay sau đó lại càu cạu và ăn nói cộc lốc với bọn mình, không rõ lý do.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Không bỏ cuộc, mình xem kỹ những thông tin tại chỗ về holocaust, về những gia đình – mà mình nghĩ là có thế lực (đại gia) ở Szentendre từng bị đưa đi hành quyết trong Thế chiến Thứ Hai, về tập tục của người Do Thái. Người phụ nữ niềm nở hẳn khi biết bọn mình là người Việt, và nhất là khi mình kể cũng đã từng qua Israel, từng tìm hiểu này nọ dù chưa hiểu được nhiều.

Chuyện chỉ có thế, và trước khi rời hội đường, mình đã chụp hình ngôi sao David bên cửa, trên nền trời xanh. Ở đây, nơi thờ phụng của cư dân gốc Do Thái nằm ngay sát cạnh – và “chung sống hòa bình” – với một loạt Thánh đường thuộc đủ hệ phái, nhưng ở nơi khác, chắc hẳn bất đồng giữa các tín ngưỡng là yếu tố không nhỏ, nếu không muốn nói là chủ chốt, dẫn tới những xung đột đẫm máu.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Biết bao giờ thế giới mới được yên bình! Ghé qua Hội đường Do Thái này, một chỗ mà bao lần đến Szentendre mình chưa hề tới, suy tư ấy xuất hiện và cứ vẩn vơ mãi trong lòng mình, ngay khi mình đang ở một nơi quá đỗi thanh bình, càng khiến mình nghĩ rằng giá trị của một điểm thăm thú thường tiềm ẩn và chỉ có thể cảm được sau những gì chúng ta thấy sơ sài bằng mắt thường…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: