Đi máy bay không còn như trước ngày 11 Tháng Chín

An ninh hàng không dân dụng thay đổi gần như hoàn toàn kể từ sau ngày 11 Tháng Chín 2001 (Anete Lūsiņa/Unsplash)

Khi thế kỷ 21 bắt đầu, bạn chỉ cần đến sân bay sớm 20 phút cho một chuyến bay nội địa ở Mỹ và đi thẳng đến cổng lên máy bay đang chờ. Thậm chí người yêu của bạn có thể đến gần thang máy bay để vẫy tay chào tạm biệt. Bạn cũng không cần giấy tờ tùy thân dán ảnh và có thể mang theo dao và chất lỏng tùy thích. Rồi xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng 11 Tháng Chín, 2001.

Nhìn lại ngày đau thương này, giáo sư Sean O’Keefe (từng là chủ tịch của công ty hàng không và quốc phòng Airbus, là phó giám đốc của Văn phòng Quản lý và Ngân sách trong chính quyền George W. Bush) hiện giảng dạy tại Đại học Syracuse nói: “Là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà trắng, tôi và các đồng nghiệp được thông tin tóm tắt về tổ chức khủng bố al-Qaeda và mối đe dọa của nó. Nhưng dù là người có trí tưởng tượng đến đâu, chúng tôi cũng không nghĩ sắp xảy ra điều gì giống như thế!”.

Sau 30 năm kể từ cuộc tấn công khủng bố của người Palestine tại sân bay Rome (Ý) vào năm 1973 khiến 34 người thiệt mạng, thế giới bắt đầu ý thức được nguy cơ vận chuyển hàng không bị bọn khủng bố quốc tế tấn công. “Tuy nhiên, dù biến cố Rome đã làm thay đổi phần nào cảnh báo an ninh hàng không ở châu Âu và Trung Đông thì nó vẫn không xâm nhập vào được tâm lý thích tự do của người Mỹ. Họ chỉ có suy nghĩ khác nếu chính họ trải nghiệm một tình huống như thế!” – O’Keefe nói. Và điều này đã đến, vào sáng ngày 11 Tháng Chín, 2001…

Ngày 19 Tháng Mười Một 2001, Đạo luật An ninh Hàng không và Vận tải được Quốc hội thông qua. Các nguồn nhân vật lực để củng cố an ninh sân bay và máy bay chở khách được huy động rất nhanh. Các lớp an ninh được dựng lên để bảo đảm an toàn tuyệt đối 100% sau khi máy bay dân dụng được cất cánh trở lại vào ngày 14 Tháng Chín. Lực lượng Vệ binh Quốc gia trang bị vũ khí cho binh lính tại các sân bay. Du khách phải xếp hàng dài chờ kiểm tra khi hệ thống an ninh mới bắt đầu hoạt động. Những người đưa tiễn không còn được vào sâu bên trong nữa.

Năm 2018, nhà sử học James Mann viết: “Các sự kiện vào buổi sáng 11 Tháng Chín đã làm thay đổi nước Mỹ một cách tự động; và ngay lập tức nó trở thành nỗi ám ảnh an ninh ở các mức độ khác nhau. Cách mà 325 triệu người Mỹ hôm nay đi qua các sân bay không còn tương tự từ ngày 12 Tháng Chín và sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng vì cuộc khủng bố”.

Buồng lái là nơi không bao giờ hành khách còn có thể bước vào (Westwind Air Service/Unsplash)

Phần lớn hành khách chấp nhận chế độ kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Thứ nhất là kiểm tra nhận dạng. Vì một số kẻ không tặc không cần giấy tờ tùy thân vẫn lên được máy bay nên sau 11 Tháng Chín, tất cả hành khách từ 18 tuổi trở lên phải có giấy tờ tùy thân hợp lệ mới được lên máy bay, cả bay quốc tế lẫn nội địa. Các sân bay có thể kiểm tra ID của hành khách hoặc nhân viên bất cứ lúc nào để chắc chắn nó khớp với mỗi chi tiết trên tấm vé của họ. Trước 11 Tháng Chín, chính phủ liên bang Mỹ đã có một danh sách nhỏ những người được coi là “nguy hiểm cho việc đi lại bằng đường hàng không. Sau ngày đó, nó biến thành “Danh sách không được bay” lấy từ Cơ sở dữ liệu sàng lọc khủng bố bao gồm những người bị cấm lên máy bay thương mại để ra và vào nước Mỹ. Các quốc gia khác cũng bắt đầu kiểm tra danh tính, sàng lọc an ninh hành khách và có Danh sách Cấm bay riêng.

Năm 2002, Liên minh Châu Âu đưa ra quy định yêu cầu các hãng hàng không phải “bảo đảm hành khách lên máy bay cũng là người đã kiểm tra hành lý” và phải kiểm tra giấy tờ tùy thân cả khi làm thủ tục hành lý lẫn lúc lên máy bay. Sau đó, yêu cầu ID vân tay và quét võng mạc, mống mắt được áp dụng tại một số quốc gia. Theo luật an ninh mới, Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (TSA) đã được thành lập vào Tháng 11, 2001 (nay trực thuộc Bộ An ninh Nội địa thành lập một năm sau đó). TSA tiếp quản tất cả các nhiệm vụ an ninh của FAA và của các hãng hàng không và sân bay Mỹ. Theo nhà sử học Michael P. C. Smith của TSA, đến cuối năm 2002, cơ quan này đã tuyển dụng gần 60,000 nhân viên.

Mới đây, ngày 25 Tháng Năm 2021, nhiều hiện vật bị cấm được tìm thấy qua kiểm tra an ninh và do du khách tự nguyện bỏ lại được trưng bày trong một cuộc họp báo tại Sân bay Quốc gia Ronald Reagan ở Arlington, Virginia nhân dịp Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas họp báo để thảo luận về “An ninh hàng không trước mùa du lịch hè bận rộn”. Những thứ có thể gây nguy hiểm, kể cả kéo và kim đan, không còn được phép mang lên máy bay. Các nhân viên sân bay được đào tạo tốt hơn để phát hiện vũ khí và chất nổ.

Tháng Tám, 2006, một âm mưu kích hoạt chất nổ lỏng trên các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương bị phát hiện dẫn đến việc cấm mang chất lỏng, gel và bình xịt trong hành lý xách tay. Cùng tháng đó, TSA bắt đầu buộc hành khách cởi giày để kiểm tra chất nổ (năm năm sau vụ “đánh bom giày” năm 2001). Máy dò kim loại tại các sân bay là bắt buộc trước ngày 11 Tháng Chín, nhưng đến Tháng Ba, 2010 – vài tháng sau khi kẻ âm mưu đánh bom với một thiết bị giấu bên dưới quần lót bị bắt trên chuyến bay vào Ngày Giáng sinh – 500 máy quét toàn thân được trang bị cho các sân bay Mỹ. Đến Tháng Bảy, 2017, để đối phó với bọn khủng bố kích hoạt thiết bị nổ giấu trong các thiết bị điện tử mang theo, TSA buộc du khách phải đặt tất cả thiết bị điện tử cá nhân và điện thoại di động trong rổ để quét X-quang. Đến Tháng Hai năm sau, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được thử nghiệm.

Về an toàn trong máy bay, O’Keefe nhận xét: “Trước 11 Tháng Chín, vào buồng lái máy bay đang bay trong không phận Mỹ cũng dễ dàng như vào… nhà vệ sinh. Nhưng sau đó  hai năm, buồng lái có khóa an toàn và chống đạn đã trở thành tiêu chuẩn phải có của các máy bay chở khách!”. Đạo luật Chống Khủng bố Vũ trang cho Phi công (The Arming Pilots Against Terrorism Act) được ký thành luật vào Tháng 11 2002, và đến Tháng Tư 2003, những phi công mang vũ khí đầu tiên đã có mặt trên các chuyến bay thương mại của Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: