Đừng để tin tức thảm khốc trên điện thoại hạ gục bạn

Minh họa: taras-shypka-unsplash

Điện thoại thông minh được xem là một “cổng thông tin liên tục mang tính cá nhân” có cả các tin tức khủng khiếp như chiến tranh và thiên tai mà đôi lúc quá sức chịu đựng của chúng ta. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn hãy tìm cách thoát khỏi nó, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Hãy theo dõi tác động tiêu cực của thời sự và đối phó đúng

Chúng ta khó có thể rời mắt khỏi điện thoại, đặc biệt là khi những biến cố khủng khiếp đang diễn ra như cuộc chiến Israel-Hamas đang diễn ra. Cho dù đó là chiến tranh, thiên tai hay một vụ xả súng hàng loạt, tin tức nóng hổi có thể đồng nghĩa với việc dòng hình ảnh, video và cập nhật không ngừng tràn ngập mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và các trang tin tức.

Ngoài ra còn có những thảm họa dài hạn hơn như Covid, biến đổi khí hậu và khủng hoảng nhân đạo mà bạn không thể bỏ qua. Hệ quả là mắt và bộ não chúng ta bị tập kích không thương tiếc bởi “ma trận tin tức” vượt quá sức lưu trữ và xử lý của nó. Không chỉ có cập nhật thông tin, mà cả sự tức giận và phẫn nộ đi kèm nên áp lực ngày càng lớn đối với sức khỏe. Bạn nên nhớ, sức khỏe thể chất và tinh thần đều có giới hạn. Vượt qua “lằn ranh đỏ” sức chịu đựng của cơ thể sẽ có hệ quả khó lường.

Theo dõi tin tức nhưng không nên quên nghỉ ngơi và hãy phát hiện sớm các dấu hiệu kiệt sức để điều chỉnh kịp thời. Nói rõ hơn là chúng ta nên tiếp thu tin tức theo cách thông minh nhất có thể. Điều đó có nghĩa là bạn phải đặt ra một số quy tắc cơ bản cho hoạt động kết nối bộ não với một biến cố lớn đang diễn ra thông qua điện thoại cá nhân. Khi thấy quá tải thông tin, hãy tạm dừng bám sát dòng chảy sự kiện và trở lại với cuộc sống bình thường, như đi ra ngoài với con cái hay tham gia một hoạt động thể chất nhẹ. Phút tạm lắng này rất cần thiết cho sức khỏe tinh thần của mọi người.

Kristen Choi, trợ lý giáo sư về quản lý và chính sách y tế tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA) đồng thời là y tá tâm thần cho cả trẻ em và người lớn đưa ra lời khuyên:

“Điều thực sự quan trọng đối với chúng ta là tự thân mỗi người phải đặt ra ranh giới trong việc tiếp cận tin tức và mạng xã hội. Nếu để cho những hình ảnh và nội dung đau thương liên tục tràn vào và in sâu vào tâm trí, hậu quả sẽ khó lường. Nhiều người đã kiệt sức vì đại dịch khi nguồn năng lượng dự trữ để đối phó và giải quyết căng thẳng của họ còn rất thấp. Hậu quả là chứng lo lắng và trầm cảm xuất hiện. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với bạo lực và tin xấu có thể làm lệch lạc suy nghĩ của chúng ta và khiến chúng ta có suy nghĩ tiêu cực khi nhìn ra thế giới, thậm chí, chờ đợi kết quả tồi tệ nhất xảy ra, như ngày tận thế!”.

Minh họa: daniel-korpai-unsplash

Nhưng việc nghỉ ngơi không chỉ là cách ly khỏi dòng thời sự trong vài phút mà phải nghỉ ít nhất từ 30 phút đến một giờ để não có thời gian sàng lọc các nội dung vừa xem và đọc. Hãy tăng thời gian nghỉ ngơi nếu có thể và dàn trải suốt ngày, với thời gian nghỉ dài nhất trước khi đi ngủ, trên một tiếng.

Cách bạn sử dụng thời gian lúc ngừng theo dõi tin tức cũng quan trọng. Lý tưởng nhất là đặt điện thoại xuống và tạm quên công nghệ, nhưng xem một chút Netflix nhẹ nhàng cũng không sao, nếu bật chế độ không làm phiền trên điện thoại. Nên sử dụng thời gian gián đoạn dòng thời sự để thực hiện một số hoạt động giúp giảm căng thẳng (còn gọi là chăm sóc bản thân), gồm tập thể dục, chánh niệm, thiền định, viết nhật ký, tham gia vào các sở thích và các hoạt động yêu thích, dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Hãy phát hiện sớm những dấu hiệu cho thấy bạn đang kiệt sức hoặc đang trải qua lo lắng nghiêm trọng. Trước tiên, bạn có là người phản ứng mạnh mẽ khi xem một tin tức gây sốc hay không? Ví dụ như các bài đăng liên tục máu me trên mạng xã hội. Nếu có hãy tập kiềm chế những phản ứng cảm xúc quá đáng, không để chúng bộc phát ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Tiếp theo là phát hiện các dấu hiệu sức khỏe tinh thần do tác động của tin tức. Bạn có thường xuyên ở trong trạng thái lo lắng, tim đập nhanh hơn bình thường khi xem một tin tức, hình ảnh hay video gây sốc? Nó có ảnh hưởng đến giấc ngủ, chế độ ăn uống hoặc khả năng tự chăm sóc bản thân. Nó có ảnh hưởng xấu đến công việc hay các mối quan hệ? Nếu có, bạn cần được giúp đỡ bằng cách nói chuyện với bạn bè hoặc thành viên gia đình trước khi tìm một nhà trị liệu chuyên nghiệp nếu vấn đề kéo dài.

Những giải pháp nằm ngay trên điện thoại của bạn

Nếu thích xem tin tức qua mạng xã hội, bạn hãy thay đổi cài đặt (settings) để chặn càng nhiều nội dung phản cảm càng tốt. Bạn có thể điều chỉnh cài đặt bộ lọc trên Facebook, Instagram, Google Search, YouTube và WhatsApp. Những thủ thuật tránh thông tin sai lệch tương tự có thể giúp bạn theo dõi tin tức một cách lành mạnh hơn.

Thông tin sai lệch như tuyên truyền được thiết kế để thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt và khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ thường dẫn đến sự lo lắng và tức giận không cần thiết. Thay vào đó, bạn hãy tìm đến các nguồn tin có uy tín. Tránh chỉ sử dụng mạng xã hội để xem tin tức, nếu phải xem thì xem các nguồn khả tín thay vì những nguồn chỉ tạo ra nhiều sự phẫn nộ và căng thẳng hơn.

Công thức tìm tin tức khác nhau đối với mỗi người. Một số thấy hữu ích khi tìm hiểu sâu về một chủ đề và thu thập càng nhiều thông tin cơ bản càng tốt thay vì phản ứng vội vã với một tiêu đề giật gân hoặc các đoạn tin tức nhanh trên truyền hình. Số khác thích các câu chuyện giải trí nhẹ nhàng không gây sốc. Hãy chọn những gì bạn thấy phù hợp với mình và đáng tin cậy nhất.

Trong hơn một thập niên qua, các công ty công nghệ lớn đã tung ra các tính năng để giải quyết mối quan ngại về thời gian sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị số quá nhiều. Nhiều ứng dụng trong Android hoặc iPhone có thể cài thời lượng sử dụng nhất định. Điện thoại cũng có thể cài đặt chỉ dành cho những việc cần thiết như liên lạc với gia đình vào thời gian ấn định trong ngày. Các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất cũng đã thêm một số cài đặt hạn chế riêng.

Facebook có tính năng quản lý thời gian trong ứng dụng di động. Mở Facebook trên điện thoại hoặc máy tính bảng và nhấn vào biểu tượng trông giống ba dòng ở góc dưới cùng. Cuộn xuống và nhấn Cài đặt & Quyền riêng tư → Cài đặt → Thời gian của bạn trên Facebook (trong phần Tùy chọn). Trên Instagram, hãy truy cập vào hồ sơ của bạn, nhấn vào biểu tượng ba dòng tương tự và chọn Hoạt động của bạn. Nhấn vào Thời gian đã sử dụng và bạn sẽ tìm thấy các cài đặt để đặt lời nhắc nghỉ giải lao hoặc đặt giới hạn thời gian hàng ngày cho lượng thời gian bạn có thể sử dụng ứng dụng.

Trong TikTok, đi tới Cài đặt và quyền riêng tư rồi nhấn vào Thời gian sử dụng để đặt giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng, lên lịch nhắc nhở nghỉ ngơi và ngủ cũng như nhận cảnh báo thời lượng sắp hết.

Con bạn có thể không xem hoặc đọc tin tức chiến tranh nhưng thông tin vẫn truyền đến chúng. Chúng cũng có thể bắt gặp hình ảnh chiến tranh trên mạng xã hội. Hãy giúp con cái tiết chế cảm xúc và luôn sẵn sàng ở bên cạnh khi chúng cần. Dành thời gian để nói chuyện với chúng về những gì chúng lỡ nghe hoặc nhìn thấy và chặn không cho con xem bất kỳ bài đăng nào về những tin tức đáng sợ (nhưng nếu chúng đủ lớn để có điện thoại riêng hoặc có bạn bè sử dụng thiết bị này, thì chúng vẫn có thể sẽ nhìn thấy nó). Gần như mọi ứng dụng đều có các tùy chọn cho một số loại thông báo. Tắt mọi thông báo gây căng thẳng (đặc biệt là từ Twitter hay Slack).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: