Gen X, nhóm người sinh ra từ năm 1965 đến năm 1980, được gọi là “thế hệ chốt” (latchkey generation) và “thế hệ MTV” (MTV generation), nhưng các nghiên cứu gần đây lại gọi đây là “thế hệ không lành mạnh” (unhealthy generation.)
Một báo cáo của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) tiết lộ rằng ung thư, bệnh tim và chấn thương không chủ ý, là ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người thuộc Gen X ở Hoa Kỳ. Bệnh gan và tiểu đường cũng nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho thế hệ này, cùng với các bệnh mãn tính về đường hô hấp dưới, bệnh Alzheimer, đột quỵ, tự tử, cúm và viêm phổi.
Báo cáo của CDC, được tóm tắt bởi một người dùng Reddit và gây ra cuộc thảo luận sôi nổi giữa những cá nhân thuộc Gen X, cho thấy những vấn đề sức khỏe này không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ lớn tuổi mà còn cả những người trẻ tuổi. Trên thực tế, một nghiên cứu trên 135,000 người sống ở Anh phát hiện ra rằng Gen X và thế hệ thiên niên kỷ (millennials) có sức khỏe thể chất kém hơn so với cha mẹ và ông bà của họ, khi họ ở cùng độ tuổi.
Các nhà nghiên cứu từ University College London (UCL) so sánh những người trong độ tuổi từ 25 đến 64 có sức khỏe được theo dõi từ năm 1991 đến năm 2014, phát hiện ra rằng những người sinh sau báo cáo tỷ lệ sức khỏe tổng quát xấu, bệnh tật lâu dài và tỷ lệ mắc bệnh cao như nhau hoặc cao hơn, huyết áp cao hơn so với những người sinh ra sớm hơn. Họ cũng có tỷ lệ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và viêm mãn tính cao hơn.
George Ploubidis, giáo sư về thống kê và sức khỏe dân số tại UCL và là tác giả của nghiên cứu cho biết: “Đầu thế kỷ 20, việc tuổi thọ tăng, đi đôi với việc sống lâu và khỏe mạnh. Thế hệ trẻ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Nhưng có vẻ như, đối với những thế hệ sinh từ năm 1945 đến 1980, xu hướng này thay đổi. Những người sinh sau được cho là sẽ có tuổi thọ trung bình lâu hơn, nhưng lại hay bị ốm yếu hơn.”
Tác giả chính của nghiên cứu, Stephen Jivraj, phó giáo sư về khoa học xã hội định lượng thuộc khoa dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng của UCL, cho biết thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, đối với những người sinh từ năm 1945 đến 1980, xu hướng chung là có một số vấn đề về sức khỏe bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn. Điều này có ý nghĩa đáng lo ngại đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vốn đã phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng do dân số già đi.”
Nhiều người thuộc Gen X đã bình luận về bài đăng trên Reddit, bày tỏ nỗi sợ hãi và kinh nghiệm cá nhân của họ về những vấn đề sức khỏe này. Một người viết: “Tôi sẽ bị ung thư. Cả cha mẹ tôi đều đã qua đời vì căn bệnh này, với tôi thì cũng không là ngoại lệ.” Một người khác nói đùa: “Chúng ta có nên thay đổi kế hoạch ăn uống không? Khó xử quá, nhưng thay vì ăn hai cái bánh mì kẹp thịt, có lẽ tôi sẽ chỉ ăn một cái mà thôi.”
Nhưng những vấn đề sức khỏe này không chỉ do lựa chọn lối sống cá nhân mà còn do các yếu tố kinh tế và xã hội ảnh hưởng đến việc tiếp cận thực phẩm lành mạnh, hoạt động thể chất, chăm sóc sức khỏe và tinh thần. Ví dụ như việc tiếp xúc với một số chất polyfluoroalkyl substances (PFAS), có khả năng gây ra các rủi ro về sức khỏe như ung thư, tổn thương gan, bệnh tuyến giáp và các vấn đề về hệ miễn dịch. Những hóa chất này được sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng khác nhau, chẳng hạn như đồ nấu nướng chống dính, vải chống ố và bọt chữa cháy.
Cơ quan bảo vệ môi trường (The Environmental Protection Agency -EPA) ban hành các khuyến cáo về sức khỏe đối với các hóa chất này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. EPA cam kết thúc đẩy khoa học để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi những rủi ro khi tiếp xúc với một số chất gây hại nhất định và cung cấp thông tin bảo vệ sức khỏe thiết yếu cho các cơ quan quản lý và công chúng.
Vì những người thuộc Gen X phải đối mặt với tình trạng sức khỏe yếu trong nhiều năm hơn so với thế hệ trước, nên họ có thể cần thực hiện các bước chủ động hơn để ngăn ngừa hoặc quản lý các bệnh mãn tính. Những người này cũng rất cần thêm sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng, các nhà tuyển dụng và các nhà hoạch định chính sách để tạo ra một môi trường lành mạnh hơn cho chính họ và các thế hệ tương lai.
(theo Medium)