Trở thành tỷ phú nhờ ‘lấy cần cù, bù khả năng’

Mark Cuban, chủ sở hữu Dallas Mavericks, tại trận giao hữu bóng rổ diễn ra giữa Real Madrid và Dallas Mavericks hôm 10 Tháng Mười năm 2023, ở Madrid, Tây Ban Nha. (ảnh: Oscar J. Barroso/Europa Press via Getty Images)

Với tỷ phú Mark Cuban – doanh nhân, nhà đầu tư – một trong những câu thần chú yêu thích của ông là từ Dirk Nowitzki của Basketball Hall of Famer. Cuban nói: “Chỉ cần nhìn cách ai đó làm một việc gì, cũng có thể biết anh ta làm những việc khác như thế nào.”

Cuban giải thích rằng việc này có tác dụng mạnh mẽ vì nó áp dụng cho mọi lĩnh vực, từ thể thao, bán hàng đến lập trình máy tính và viết lách, hay sáng tạo. Cuban, người sở hữu Dallas Mavericks của NBA, cho biết, dù giỏi hay dở, lúc nào bạn cũng phải luyện tập và luyện tập. Trên đời này không ai hoàn hảo, không ai giỏi mọi thứ, và nếu bạn chưa chuyên về lĩnh vực nào, thì cứ “lấy cần cù, bù khả năng”. Càng làm một việc nào đó nhiều lần, bạn càng tiến bộ.

Cuban đã mang bài học đó vào cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân của mình, đồng thời nhắc đi nhắc lại bài học đó cho ba người con của mình, khiến những người con nghe mà “nhuyễn như cháo” và hay kêu lên “Dạ con biết rồi, khổ lắm, ba nói mãi” như lời ông kể.

Đối với Cuban, diễn giải dài hơn cho cụm từ “lấy cần cù, bù khả năng” là: Đi đường tắt ít khi thắng lợi, mà cần cù làm việc sẽ lại mang nhiều giá trị cho con đường dẫn đến thành công.

Cuban nói: “Rất nhiều người trong cuộc sống, đặc biệt là trong thể thao, cứ thích chọn đi đường tắt. Họ không làm những việc đơn giản và chẳng muốn chú ý đến những chi tiết nhỏ, những chi tiết giúp họ tách biệt hoặc tạo ra sự khác biệt.”

Tỷ phú Mark Cuban nhớ rất rõ khoảnh khắc cuối cùng ông cảm thấy mình thành công, vì trước đó ông đã dành rất nhiều năm để vật lộn với tình trạng mấp mé bờ phá sản.

Đi đường tắt ít khi thắng lợi, mà cần cù làm việc sẽ lại mang nhiều giá trị cho con đường dẫn đến thành công – Mark Cuban

12 tuổi, Cuban đi đến từng nhà trong khu phố gần Pittsburgh, bán những hộp túi đựng trong garage để tiết kiệm tiền mua giày thể thao mới. Khi còn là thiếu niên, ông bán tem, một phần để trang trải chi phí học đại học.

Cách đây hơn 40 năm, ở độ tuổi 20, Cuban ở chung một căn hộ ba phòng ngủ với năm người bạn và sử dụng các chiêu trò tại cửa hàng tạp hóa để kiếm từng xu. Bị sa thải khỏi công việc bán hàng công nghệ, ông thành lập một công ty phần mềm tên là MicroSolutions và nhanh chóng kiếm được doanh thu $15,000 trong hai tháng đầu tiên.

Chẳng lâu sau, Cuban bị cô thư ký cuỗm mất $82,000 trong tài khoản ngân hàng của công ty và biến mất, chỉ để lại đúng $2,000.

Khoảng một năm sau, ở tuổi 28, Cuban xây dựng công ty khởi nghiệp của mình, gần như làm lại từ đầu, và đánh dấu cột mốc thành công đầu tiên của ông.

“Lúc đó tôi có được $100,000 trong ngân hàng”, Cuban, hiện 65 tuổi, nói. “Tôi nhớ là đã nói với bạn tôi – Dave Winslow, khi hai đứa tôi ngồi ở một quán bar, rằng tôi rất tự hào. Xong tôi gọi cho bố tôi báo tin, bố òa lên khóc nức nở ”.

Đối với Cuban, mức chuẩn $100,000 là dấu hiệu cho thấy tài chính và công ty khởi nghiệp của ông cuối cùng cũng ổn định, đặc biệt là sau vụ bị cô thư ký lấy trộm tiền.

Được điều chỉnh theo lạm phát, $100,000 tiền tiết kiệm cá nhân của Cuban có trị giá khoảng $280,000. Con số này nhiều hơn số tiền tiết kiệm mà một hộ gia đình trung bình ở Mỹ có được, khoảng $41,600, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang năm 2019.

Nhưng con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với mức giá trị tài sản ròng mà người Mỹ nói rằng họ cần để “cảm thấy giàu có”, trung bình phải là $2.2 triệu, theo Khảo sát về tài sản hiện đại hàng năm của công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab.

Chiến lược xoay chuyển tình thế của ông rất đơn giản, im lặng và hành động. Vào thời điểm đó, ông dành hầu hết thời gian để đọc sách hướng dẫn sử dụng bộ định tuyến của Cisco và “ngồi trong nhà thử nghiệm và so sánh các công nghệ mới”.

Nỗ lực này đã được đền đáp khi Cuban bán MicroSolutions với giá $6 triệu vào năm 1990 cho CompuServe, một công ty dịch vụ internet, hiện không còn tồn tại. Thỏa thuận này đã đưa Cuban trở thành triệu phú ở tuổi 32 – cột mốc sự nghiệp mà ông đạt được 7 năm sau đó, khi ông bán công ty tiếp theo của mình là Broadcast.com cho Yahoo với giá $5.7 tỷ vào năm 1997.

Mark Cuban theo dõi trong nửa đầu trận đấu NBA tại Footprint Center vào ngày 19 Tháng Mười 2022 ở Phoenix, Arizona. (ảnh: Christian Petersen/Getty Images)

Nhiều nghiên cứu cho thấy chăm chỉ làm việc, chịu khó luyện tập, không phải lúc nào cũng tạo nên sự hoàn hảo, nhưng cần cù, siêng năng lại là chìa khóa dẫn đến sự thành thạo.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Brown University, việc tiếp tục lặp đi lâp lại một bài tập hoặc một nhiệm vụ sau khi bạn đã thành thạo, là rất quan trọng. Thường được gọi là “mài dũa”. Sự lặp lại giúp kỹ năng mới được rèn luyện đến “thấm nhuần” khiến bạn có nhiều khả năng thể hiện rằng mình đã thành thạo hơn trong lần tiếp theo.

Trước đây, Cuban đã từng nói về giá trị của việc nỗ lực tuyệt đối, gọi việc này vào Tháng Sáu là “điều duy nhất trong cuộc đời mà bạn có thể kiểm soát.” Ở một mức độ nào đó, ông đã thực hành việc này suốt cuộc đời mình, đặc biệt là với tư cách là một doanh nhân.

Giá trị tài sản ròng của Cuban là $6.15 tỷ, tính đến ngày 27 Tháng Mười, theo Bloomberg.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: