Stalin: Hồng quân cần được “hưởng chút vui vẻ với đàn bà hoặc thu vén chút đồ lặt vặt!”

Nhìn lại lịch sử Tháng Tư tang tóc ở châu Âu (bài 2)
Hồng quân Liên Xô những ngày đầu tiên có mặt ở Berlin; Tháng Năm 1945 (ảnh: Slava Katamidze Collection/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Stalin: Hồng quân cần được “hưởng chút vui vẻ với đàn bà hoặc thu vén chút đồ lặt vặt!”
/

Tại Budapest, John Lukacs nhìn thấy “cả một rừng lính Nga trong quân phục màu xanh-xám, tất cả đều đến từ miền Đông”. Tại khu ngoại ô phía Đông thủ đô Berlin, Lutz Rackow chỉ thấy “tăng, tăng và tăng với vô số người lính đi bộ quanh…”. Đây chính là đoàn Hồng quân chiến thắng nhưng đói khát, kiệt sức, nếm trải khói lửa và bom đạn, mặc những bộ quân phục cũ mèm từ khi còn lâm trận ở Stalingrad hay Kursk hai năm về trước và trong đầu họ là những ký ức đầy bạo lực kinh khủng từ những gì chứng kiến, nghe kể và cũng từ chính những gì họ đã làm.

“Coi chừng mất cái đồng hồ!”

Như để trả thù hay để đuổi quỷ ra khỏi đầu óc mình, họ mặc sức ra tay hôi của, cướp bóc. Không tha một thứ gì, từ những chai rượu, đồ lót phụ nữ, váy đầm bằng tơ sợi mềm mịn đến đồ gỗ nội thất, chén đĩa sành sứ, ly tách pha lê và xe đạp. Lần lượt đánh bật quân lính Đức đến đâu, họ cướp đến đó, khắp Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, các nước Baltic, các nước Balkan và Đức.

Đồng hồ đeo tay được đoàn Hồng quân giải phóng ưa thích nhất. Các binh sĩ Nga xem công cụ chỉ báo thời gian này như một báu vật, một phần thưởng dành cho từng cá nhân và người thân của cá nhân ấy cho nên hình ảnh những người lính Nga với 5, 6 cái đồng hồ đeo tay trở thành chuyện bình thường. Bức ảnh một lính Nga cắm cờ búa liềm đỏ cắm lên tòa nhà Reichtag ở Berlin mà ai cũng từng có lần thấy thực ra đã được bôi xóa chiếc đồng hồ nơi cổ tay trước khi đăng tải rộng khắp.

Tại Budapest, thực tế lính Nga mê đồng hồ đến độ đã trở thành đề tài chuyện hài dân gian và qua đó có thể góp phần tạo nên một cảm nhận chung về Hồng quân Nga. Vài tháng sau khi chiến tranh kết thúc, khi phim tài liệu về Hội nghị Yalta được chiếu trong một rạp tại Budapest, với cảnh trong lúc nói chuyện với Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt đưa cao cánh tay lên, thì nhiều khán giả hét to “Coi chừng mất cái đồng hồ!”.

Winston Churchill, Franklin Delano Roosevelt và Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta; Tháng Hai 1945 (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Tại Ba Lan, dù chiến tranh đã qua nhiều năm nhưng bọn trẻ con vẫn thích chơi giả làm lính Nga và hét “Davai chasyi”, có nghĩa “Đưa cho tao cái đồng hồ của mày”. Mãi đến cuối thập niên 1960, một trong những series phim truyền hình mà trẻ em Ba Lan thích xem nhất là phim có cảnh lính Nga và lính Ba Lan thời chiến, đóng quân trong khu phố với những tòa nhà tan nát ở Berlin và anh nào cũng có cả tá đồng hồ đeo tay cướp được của người dân Đức.

NHỮNG KẺ DỮ MẤT NHÂN TÍNH

Đối với nhiều người, những vụ cướp bóc này chính là tiếng chuông lôi họ ra khỏi ảo tưởng tốt đẹp mong chờ ngày vui chào đón một đoàn quân giải phóng, mang đến cho họ tự do và trả lại cho họ những giá trị đạo đức con người đã bị chế độ phát xít Đức triệt tiêu. Tiểu thuyết gia Sándor Márai kể câu chuyện về một ông cụ được xem là người đáng kính trong một cộng đồng người Hungari gốc Do Thái, từng nồng nhiệt tiếp đón người lính Xô Viết đầu tiên, và rồi sững sờ ra sao sau khi tự giới thiệu mình là người Do Thái.

“Tên lính Nga cười, tháo khỏi cổ sợi dây cột khẩu tiểu liên, tiến gần đến ông cụ, và theo đúng phong tục Nga, hắn ôm hôn ông cụ, từ má bên phải qua má trái rồi nói rằng hắn cũng là người Do Thái. Hắn nắm tay ông cụ một lúc khá lâu trong im lặng, sau đó tròng lại khẩu tiểu liên vào cổ, bảo ông cụ đứng vào góc phòng cùng gia đình cụ, yêu cầu mọi người đưa tay lên cao, mặt quay vào tường. Rồi hắn thản nhiên vơ vét tất cả những gì hắn thích”.

Cũng có những người lính Xô Viết cảm thấy bất bình với những vụ hôi của, cướp bóc này. Nhiều năm sau chiến tranh, nhà văn Liên Xô Vasily Grossman gốc Do Thái (1905-1964) nói với con gái ông rằng Hồng quân đã lột xác biến thành những kẻ hung dữ sau khi vượt qua làn ranh biên giới các nước. Grossman nhớ mãi một đêm nọ, anh và vài người lính khác ngủ trong nhà người Đức, trong đó có một viên đại tá tướng tá uy nghi và khuôn mặt rặt Nga đang tỏ vẻ rất mệt mỏi. “Suốt đêm, chúng tôi nghe nhiều tiếng động phát ra từ căn phòng ông ta ngủ nhưng sáng ra mới hay ông ta đã đi rất sớm, không một lời chào. Chúng tôi đến phòng ông ta thì mới biết rằng ông ta đã dọn sạch tủ chén đĩa, không khác gì một tên hôi của tầm thường nhất”.

Những gì không thể cướp mang đi được thì các tay súng giải phóng bắn phá cho tan nát. Tại Gniezno, cái nôi Công giáo ở Ba Lan, lính Nga đã cố tình nã pháo phá hủy một ngôi giáo đường có hơn ngàn năm tuổi. Những tấm ảnh chụp (từng bị che giấu nhiều năm nhưng rồi tái xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991) cho thấy xe tăng Nga đậu giữa quảng trường vắng tanh, không hề bị đe dọa tấn công mà vẫn tiếp tục khạc đạn về phía nhà thờ cho đến khi không còn viên gạch nào nguyên vẹn.

Sau khi chiếm thành phố Breslau, quân Liên Xô đã phóng hỏa thiêu rụi toàn bộ các tòa nhà trong khu phố cổ, đốt thành tro bộ sưu tập sách cổ vô giá của trường đại học; đốt cả bảo tàng và nhiều nhà thờ. Chủ nhân lâu đài Friesen gần Reichenbach (Đức) than rằng sau khi quân Liên Xô chiếm đóng rút đi vào cuối năm 1946 thì lâu đài mất các vật quý gồm một cái bàn trị giá 4,000 Reichmarks (tiền tệ lưu hành thời trước Thế chiến); ba tấm thảm trị giá 11,500 Reichamrks; một tủ gỗ cổ 18,000 Reichmarks và một cái bàn làm việc bằng gỗ cây dái ngựa 5,000 Reichmarks. Ông khai báo tài sản mất mát với chính quyền địa phương nhưng chẳng bao giờ thấy lại được những vật quý này.

Người dân ở các nước Đông Âu sau khi được Hồng quân Nga giải phóng lại trở thành những nạn nhân hứng chịu sự thù hằn và sự trả thù tàn ác. Mức độ trả thù tỏa rộng và sự độc ác tăng dần theo bước chân của lính Nga từ Ba Lan qua Hungari đến Đức. Lính Nga trả thù người dân các nước Đông Âu vì những gì lính Đức quốc xã đã gây ra cho gia đình, vợ con, cha mẹ, người thân của họ khi đánh chiếm Nga những năm trước đó. Nhưng sự trả thù hung bạo này còn có phần gây ra bởi áp lực đè nén quá nặng suốt nhiều năm bị các sĩ quan chỉ huy, các chính trị viên xỏ mũi, đe dọa và đối xử bất công. Những lệnh tấn công vô lý mà cấp chỉ huy không do dự ban ra, bất kể tính mạng người lính, càng khiến áp lực nặng hơn và bùng phát thành hành động trả thù khi có cơ hội.

Tượng Stalin tại Budapest (Hungary) bị giật sập ngày 23 Tháng Mười 1956 (tượng, hoàn thành Tháng Mười Hai 1951, được xem là “món quà tặng Joseph Stalin từ người dân Hungary”) – ảnh: Keystone/Getty Images

CƯỠNG DÂM TẬP THỂ

Phụ nữ các nước Đông Âu mới được giải phóng cũng nhanh chóng biến đổi tâm tình, từ vui mừng sang hoảng sợ, khi nhận biết mình là nạn nhân của đoàn quân đầy giận dữ tìm mục tiêu trả thù, giải tỏa áp lực tinh thần. Phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi dễ dàng bị cưỡng dâm, không phải chỉ bởi một mà nhiều tên lính và khi đã tàn tạ thì bị bắn cho chết. Nổi tiếng kinh hoàng hơn cả cuốn Ngục tù Gulag là bài thơ của chính nhà văn Alexander Solzhenitsyn khi ông còn là lính Nga tiến vào miền Đông nước Đức năm 1945:

“Một tiếng rên rỉ thì thầm bên bức tường:

Người mẹ bị thương, vẫn thoi thoi sống,

Con gái nhỏ của bà sõng soài trên nệm,

Chết. Đã có bao nhiêu tên đè lên cô bé

Một trung đội, có thể cả một đại đội?

Một cô gái bị biến thành đàn bà,

Một đàn bà bị biến thành cái xác.

Mọi thứ đều đến từ những lời đơn giản:

Không quên! Không tha!

Máu đền máu! Răng đền răng!”

Những hành động trả thù như thế thường xảy ra hoàn toàn không vì sự phân biệt chính trị nào cả và chúng cũng không nhất thiết chỉ nhằm vào người Đức và những ai thân với phe phát xít, vì cả đến những phụ nữ Xô Viết được giải thoát ra khỏi những nhà tù, trại tập trung cũng trở thành nạn nhân. Nhà văn Grossman kể: “Các cô gái Xô Viết mới ở tù ra và được đưa vào trú trong căn nhà nơi mà các nhà báo chiến trường Nga đóng quân. Nửa đêm chúng tôi nghe nhiều la thất thanh, chạy qua phòng ấy thì chứng kiến cảnh tồi tệ. Một nhà báo không thể cưỡng nổi cám dỗ đã xâm phạm một cô gái mà trước đó từng vui mừng đón anh ta đến giải cứu”.

Trong hồi ký của mình, Lev Kopelev, khi xưa là một chính trị viên của Hồng quân Nga, kể chuyện gì đã xảy ra với một thiếu nữ Nga bị lính Đức bắt về làm lao động ở vùng quê bên Đức nên bị lính Nga lầm tưởng là kẻ thù Đức. “Cô ta xinh xắn, trẻ, vui tính, tóc dài vàng óng ánh xuôi bờ vai đến tận lưng. Vài tên lính, tôi nghĩ chắc đã say khi đi ngược đường trông thấy cô và hét lên, “Này con đĩ Đức kia!”. Một tràng đạn tiểu liên cắm phập vào lưng cô. Trong khoảng một tiếng hấp hối trước khi chết, cô ta cứ thì thào, Bắn tôi làm gì, tôi cũng là người Nga mà, tôi vừa viết thư báo cho mẹ rằng tôi sắp được về nhà”.

Kopelev viết tiếp, “Một cô gái vừa chạy vừa la, Tôi là người Ba Lan, Chúa Mẹ ơi cứu con, con là người Ba Lan. Mái tóc vàng rối tung, cái váy bị cuốn lên tới bụng, cứ thế cô ta chạy, bén gót phía sau là hai gã lái tăng Nga, nón đen úp trên đầu. Tôi định can thiệp – về lý thuyết, cưỡng hiếp phụ nữ là tội có thể bị xử bắn tại chỗ – nhưng đồng bọn đã ngăn tôi và nói, Mày đừng làm điều khùng điên chứ, có những tên chỉ huy sẵn sàng bắn chết lính mình chỉ để tranh một con điếm Đức hôi hám!”.

Những vụ cưỡng dâm và bạo lực tràn lan dĩ nhiên đến tai những người thân cộng sản tại các địa phương và họ hiểu rằng sẽ sinh tác hại lớn về mặt chính trị. Cho nên, đối với công chúng, các vụ cưỡng hiếp phụ nữ được đổ lên đầu “những tên phản loạn giả trang với đồng phục Xô Viết”. Mặt khác họ yêu cầu giới chức năng lên tiếng với quân Nga. Nhưng không thể có gì bảo vệ được cho phụ nữ các nước mới được “giải phóng”.

Vì, như những Solzhenitsyn và Kopelev kể lại sau này, ngay đến những sĩ quan chỉ huy cấp trên của họ cũng hoàn toàn dửng dưng với những vụ bạo hành, không hề có hành động gì để ngăn cản chúng không tiếp tục xảy ra. Sự dửng dưng, vờ như không hề có chuyện gì dường như là “phản ứng” từ trên cao xuống.

Khi Milovan Djilas, một lãnh đạo cộng sản Nam Tư, kể những chuyện không hay này của Hồng quân Liên Xô cho Stalin thì Stalin đáp lại bằng một câu vẫn còn vang vọng kinh khủng đến nay, “Làm sao mà anh, một nhà văn, lại không hiểu được người lính đã vượt qua hàng ngàn cây số đầy máu lửa và chết chóc lại không được hưởng chút vui vẻ với đàn bà hoặc thu vén chút ít đồ lặt vặt!”.

Joseph Stalin (Getty Images)

Trong dân chúng, một sự im lặng ngột ngạt đè nặng lên mọi người. Tại Hungari, từ Tháng Hai 1945, Ủy ban quốc gia Budapest bất ngờ cởi trói lệnh cấm phá thai mà không đưa ra một giải thích nào. Tháng Giêng 1946, Bộ trưởng An sinh Xã hội Hungari công bố một văn bản cũng hoàn toàn “mù mờ” về nguyên nhân: “Do hệ lụy từ những biến động từ mặt trận và xã hội nên đã có nhiều trẻ sơ sinh ra đời mà gia đình không hề mong muốn săn sóc, nuôi dưỡng… Nay tôi yêu cầu văn phòng trẻ mồ côi ghi nhận đó là những trẻ bị cha mẹ bỏ mặc được sinh trong khoảng thời gian từ 9 đến 18 tháng sau ngày giải phóng”.

CÒN TIẾP

_______________

BÀI 1:

Lính Liên Xô: Từ “giải phóng” biến thành những kẻ cướp, giết, hiếp…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: