Những điều chưa kể trong lễ tri ân Hạm Trưởng Paul Jacobs của chiến hạm USS Kirk

Bia tưởng niệm khắc tấm ảnh nổi tiếng của chiến hạm USS Kirk: Hạm Trưởng Paul Jacobs cùng thuỷ thủ đoàn đẩy một trực thăng Huey xuống biển, để các trực thăng khác có thể đáp xuống sàn đáp của USS Kirk. (Ảnh: Crag Compiano)
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Những điều chưa kể trong lễ tri ân Hạm Trưởng Paul Jacobs của chiến hạm USS Kirk
Loading
/

Sáng sớm ngày 2 Tháng Bảy, người đàn ông với cánh tay phải bị thương, bó bột, có mặt ở Westminster sau khi chạy xe bằng cánh tay còn lại từ San Pedro, California. Đó là cựu Trung Tá, Hạm Phó Dick McKenna của chiến hạm USS Kirk. Người thứ hai, cựu sĩ quan của USS Kirk, Daniel Lucero, cũng lái xe xuyên suốt 8 giờ đồng hồ để kịp đến Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California.

Họ là hai trong số những cựu thủy thủ, sĩ quan của tàu hộ tống khu trục USS Kirk 1087, tề tựu về dự buổi lễ tri ân, khánh thành bia tưởng niệm cố Hạm Trưởng, Hải Quân Đại Tá Paul Jacobs. Ngoài ra, còn có Hải Quân Đại Tá VNCH Đỗ Kiểm – người cùng với Hạm Trưởng Jacobs và các chiến hạm Mỹ khác, dưới sự chỉ huy của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ thực thi nhiệm vụ Chiến Dịch Gió Lốc, di tản toàn bộ hải quân VNCH an toàn ra khỏi Sài Gòn đang sụp đổ để đến Phi Luật Tân.

Hạm Trưởng Jacobs từng gọi “đó là trận Dunkirk tái diễn.”

Cựu Trung Tá, Hạm Phó Dick McKenna của chiến hạm USS Kirk chạy từ San Pedro, California về Westminster chỉ bằng một tay trái. (Ảnh: Văn Lan)

Nhắc về Hạm Trưởng Paul Jacobs và chiến hạm USS Kirk, Jan K. Herman, sử gia của Bộ Y Tế Hải Quân Mỹ từ năm 1979 đến 2012, và là người phụ trách Đài Quan Sát Hải Quân ở vùng phụ cận Foggy Bottom, Washington, D.C., đã ghi lại trong cuốn hồi ký “The Lucky Few”:

“Những người đã mất mọi thứ, kể cả đất nước của họ, nay tìm được một nơi an toàn trên tàu Kirk, được tiếp trợ thực phẩm và y tế. Nỗi tuyệt vọng và đau khổ vơi đi phần nào bởi sự chăm sóc mà Kirk đã dành cho những hành khách bất ngờ của họ. Thuỷ thủ đoàn thay tã cho trẻ sơ sinh, dựng những mái hiên tạm cho người tị nạn tránh cái nắng gay gắt của mặt trời, thắp lên cho họ niềm hy vọng.

Nếu Kirk chỉ dừng lại ở công việc như thế, là cũng đã hoàn thành trách nhiệm. Nhưng số phận lại trao cho con tàu chiến này một nhiệm vụ khác. Với những lý do mà mãi đến bốn thập kỷ sau vẫn chưa được rõ, chỉ huy trưởng của Toán Đặc Nhiệm 76 đã ra lệnh cho Kirk và thuỷ thủ đoàn quay lại Việt Nam, dẫn đường cho đoàn tàu hải quân VNCH đến Philippines an toàn. The Lucky Few mang ra ánh sáng một chương chưa được biết đến trong Chiến Tranh Việt Nam, làm rõ vai trò bất ngờ và hào hùng của một con tàu nhỏ trong việc hộ tống hàng ngàn người tị nạn đến bến bờ tự do.”

Cố Hạm Trưởng Paul Jacobs. (Ảnh: Paul Jacobs)

Tác giả Jan Herman đến California đúng một ngày trước khi diễn ra buổi lễ. Ông là người đã đồng hành với ông Jacobs suốt hai năm, đi khắp nước Mỹ để gặp gỡ, ghi hình, phỏng vấn các thành viên của chiến hạm Kirk và người Việt tỵ nạn, cũng như những người cùng tham dự trong hành động cuối cùng của cuộc chiến. Ông chính là người ghi lại cụ thể, sống động một giai đoạn của lịch sử tỵ nạn của người Việt. Và cũng chính ông là người kể lại cuộc đời của Hạm Trưởng Paul Jacobs chi tiết nhất.

Sử gia, tác giả sách “The Lucky Few” Jan Herman (thứ hai từ phải) đang cắt băng khánh thành bia tưởng niệm cố Hạm Trưởng Paul Jacobs (Ảnh: Sharon Nicholas)

Sau 48 năm, vị chỉ huy chiến hạm USS Kirk vẫn là một “Niên Trưởng” tài giỏi, bản lĩnh, và rất tình cảm trong tâm tưởng của thủy thủ đoàn Kirk. Những người không thể hiện diện trong buổi lễ như Hugh Doyle, Jim Bongaard, và Richard Armitage đã gửi đến ban tổ chức phần đóng góp của họ để dựng tấm bia tưởng niệm vị hạm trưởng trên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.

Một vị cựu hải quân VNCH, ông Tôn Thất Đôn, biết đến câu chuyện dựng tấm bia tưởng niệm Hạm Trưởng Paul Jacobs từ một lá thư ngỏ của ban tổ chức, ngay lập tức nhắn gửi: “Cho tôi góp chút phần của mình.” Ngày tiến hành buổi lễ, ông có mặt rất sớm, thành kính và trân trọng.

Đối với cộng đồng người Việt tị nạn, Hạm Trưởng Paul Jacobs là một trong những ân nhân lớn của hơn 30 ngàn người Việt chạy trốn cộng sản đêm 28, 29 Tháng Tư, 1975 bằng đường biển. Bà Lan Trần, cô gái năm xưa bước lên tàu USS Kirk khi vừa 17 tuổi, là một sản phụ sắp đến ngày lâm bồn, nay là một ca sỹ, xướng ngôn viên quen thuộc của cộng đồng Việt ở Little Saigon, California. Bà nói, “Nếu cuộc hành trình di tản bi thảm đó không được các chiến hạm của Hải Quân VNCH cùng các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ cứu vớt thì nhiều người trong số đó đã nằm lại dưới đáy đại dương.”

Sau khi rời Vịnh Subic vài ngày, con của bà chào đời ở bệnh viện Naval Regional Medical Center, đảo Guam. Đó là một bé gái, nên bà đã đặt tên là Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên, như một tri ân gửi đến vị ân nhân của mình.

“Lan nhớ đến mong muốn của Hạm Trưởng Jacobs ngày nọ, cô có chút lúng túng. Nhưng ngay sau đó, cô tự hào khi có cách xử lý. Lan nói: “Vì tôi sanh con gái nên không thể đặt tên là Kirk được. Cho nên tôi dùng Kirk làm tên lót cho con.” Ba ngày ở bệnh viện, người mẹ trẻ có một vị khách, không ai khác chính là Hạm Trưởng Paul Jacobs. Ông đến gặp cô và thăm đứa trẻ sơ sinh mang tên con tàu của ông.” (trích Chương 12 – Hội Ngộ trong ‘The Lucky Few’)

Ba Lan Trần và con gái Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên khi đã đến Mỹ. (Ảnh: Lan Trần)

Bà Lan Trần là một trong 32 ngàn người Việt chạy trốn cộng sản đi tìm sự tự do trong tuyệt vọng. Hơn một tuần lênh đênh trên biển đánh dấu cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Những gì họ nhận được từ Hạm Trưởng Jacobs và thuỷ thủ đoàn Kirk, có thể sánh ngang với cả đời người. Đó là lý do mà bà cùng với Sharon Nicholas, nữ khoa học gia, đang làm việc ở Trung Tâm Tác Chiến Mặt Nước Hải Quân ở Corona (Naval Surface Warfare Center-NSWC), Corona, California, và các thành viên khác tổ chức buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm Hạm Trưởng Paul Jacobs.

Buổi sáng Chủ Nhật, 2 Tháng Bảy, là một ngày đặc biệt với Tyler Jacobs, con trai của cố Hạm Trưởng Paul Jacobs. Anh giản dị như một thư sinh trong chiếc áo sơmi trắng, quần kaki màu nâu nhạt. Mãi đến những giờ phút cuối của tuần lễ đó, Tylers mới có thể sắp xếp để lên chuyến bay từ Sacramento về Westminster dự lễ khánh thành bia tưởng niệm người cha quá cố của anh.

Chuyến bay của Tylers đáp khá muộn. Cho dù những người bạn đã đặt trước cho anh phòng nghỉ, nhưng một sự việc đáng tiếc đã xảy ra, dẫn đến kết quả không mong đợi. Đó là Tylers phải ngủ bên ngoài khách sạn suốt đêm hôm đó. Sáng hôm sau, anh có mặt trong buổi điểm tâm với Jan Herman, Daniel Lucero, David Hyson trong bộ dạng y như người cha quá cố của anh trong ngày ông nhận nhiệm vụ trên con tàu đầu tiên của đời hải quân.

“Jacobs hồi tưởng lại: “Cha của tôi đối với tôi khó hơn đối với những tân sinh viên hàng hải khác.” Có một lần, Jacobs thực tập những bài đã học trong lớp, làm việc suốt đêm để sửa máy hơi nước trên tàu từng là tàu bệnh viện Hải Quân USS Comfort. Con tàu thực hành neo tại hải cảng của trường là TS State of Maine. Sáng hôm sau, cha ông đã khiển trách ông nặng nề vì hàm râu lởm chởm và bộ dạng lôi thôi. “Là con của ông chẳng ăn thua gì hết. Ông giao cho tôi thêm việc vì hàm râu chưa cạo đó.” (Trích Chương 2 – Niên Trưởng trong ‘The Lucky Few’)

Phần xúc động nhất, trang nghiêm nhất của buổi lễ là cắt băng khánh thành bia tưởng niệm cố Hạm Trưởng Jacobs. Sĩ quan Daniel Lucero and David Hyson, rung chuông, thổi kèn, hát “Amazing Grace” thực hiện nghi lễ đón Hải Quân Đại Tá Paul Jacobs “lên tàu” ở Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Sau đó, tấm vải đen được kéo xuống. Bia tưởng niệm khắc tấm ảnh nổi tiếng của chiến hạm USS Kirk: Ông Jacobs cùng thuỷ thủ đoàn đẩy một trực thăng Huey xuống biển, để các trực thăng khác có thể đáp xuống sàn đáp của USS Kirk.

Tylers Jacobs đưa tay chạm vào tấm bia. Đôi mắt của anh hoen đỏ.

Tyler Jacobs cạnh tấm bia tưởng niệm người cha quá cố của mình, Hạm Trưởng Paul Jacobs. (Ảnh: Sharon Nicholas)

Buổi lễ khánh thành bia tưởng niệm Hạm Trưởng Paul Jacobs được ví như một hành động trả ơn của những người đồng đội và những người được ông cứu sống. Như Hải Quân Đại Tá Đỗ Kiểm nói: “Biến cố lịch sử nào với thời gian cũng chìm vào dĩ vãng.

Nhưng đến hôm nay, sau 48 năm, cộng đồng tị nạn Việt Nam vẫn tổ chức ngày ghi ơn một vị hạm trưởng của Hải Quân Hoa Kỳ đã có công hộ tống chúng tôi, giúp đỡ đưa 32,000 người Việt tị nạn đến bến bờ tự do. Để giải thích sự kiện đặc biệt này, có thể nói đó là một phần văn hóa của dân tộc Việt Nam nặng về đạo đức, xử thế rất nhân đạo về tình người đối với tất cả mọi người.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: