Quan hệ Mỹ-Trung kết thúc ngoại giao gấu trúc

Xiao Qi Ji (Tiểu Kỳ Tích) tại Smithsonian National Zoological Park ngày 22 Tháng Mười 2023 (ảnh: Matt McClain/The Washington Post via Getty Images)

Ngày 8 Tháng Mười Một 2023, gia đình gấu trúc – gấu trúc cha Mei Xiang (Thiêm Thiêm 26 tuổi); gấu trúc mẹ Mei Xiang (Mỹ Hương 25 tuổi) và gấu trúc con Xiao Qi Ji (Tiểu Kỳ Tích 3 tuổi) bắt đầu rời Vườn thú Quốc gia (Washington DC) để lên chuyến bay từ Phi trường Dulles về Trung Quốc. Sau 23 năm, người Mỹ sẽ không còn thấy gấu trúc trong Vườn thú Quốc gia Hoa Kỳ.

Ngoại giao gấu trúc Mỹ và Trung Quốc – như cách nói của giới ngoại giao – bắt đầu khi Richard Nixon nhận món quà gấu trúc từ Chu Ân Lai năm 1972, với hai con gấu trúc Ling-Ling (Linh Linh) và Hsing-Hsing (Hưng Hưng). Ngày 16 Tháng Tư 1972, Ling-Ling (đực) và Hsing-Hsing (cái) đến Sở thú Quốc gia. Trong 20 năm “định cư” ở Mỹ, vợ chồng Ling-Ling sinh được năm gấu con nhưng tất cả đều chết non.

Ngoại giao gấu trúc được xem là một trong những dấu ấn đặc biệt trong quan hệ Mỹ-Trung. (Cựu) Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Cui Tiankai (Thôi Thiên Khải), từng nói vào năm 2013: “Có hai đại sứ Trung Quốc tại Washington: Tôi và chú gấu trúc con ở Vườn thú Quốc gia”.

Ling-Ling (Linh Linh) và Hsing-Hsing (Hưng Hưng) – ảnh: Smithsonian National Zoological Park

Chuyện tình Washington-Bắc Kinh bắt đầu từ những chuyến đi đêm của Henry Kissinger và trở nên mặn nồng thi vị trong một bữa tiệc tối năm 1972, khi chủ nhà Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai, chiêu đãi vợ chồng Tổng thống Nixon. Trong bữa tiệc, Đệ Nhất phu nhân Pat Nixon ngồi cạnh Chu Ân Lai.

Thấy trên bàn có một hộp thuốc lá nhỏ với logo hai con gấu trúc, bà Pat Nixon nói: “Chúng thật đáng yêu”. “Thế à, tôi sẽ tặng bà một vài” – Chu nói. “Ô, thuốc lá à?”. “Không phải, là gấu trúc”. Khi Ling-Ling và Hsing-Hsing (cả hai đều 18 tháng tuổi) đến Vườn thú Quốc gia Smithsonian, hàng chục ngàn người Mỹ đã đến xem. Kể từ đó, gấu trúc là những con vật nổi bật nhất vườn thú. Ling-Ling chết ngày 30 Tháng Mười Hai 1992 (23 tuổi); Hsing-Hsing chết ngày 28 Tháng Mười Một 1999 (28 tuổi).

Trước khi Mei Xiang và Tian Tian rời Mỹ, những con gấu trúc ở San Diego và Memphis đã lên đường qui cố hương trong bốn năm qua. Hiện Mỹ chỉ có bốn gấu trúc ở Atlanta và cũng sẽ trả lại cho Trung Quốc vào năm 2024, sau khi hợp đồng thuê kết thúc và không được gia hạn.

Trung Quốc chẳng tử tế gì trong cái gọi là ngoại giao gấu trúc. Lấy lý do cần tiền để bảo tồn gấu trúc, Trung Quốc chỉ cho Mỹ thuê. Vườn thú Quốc gia (Washington DC) đã phải trả cho Trung Quốc $500,000 một năm; và Sở thú Atlanta cho biết họ đã đóng góp hơn $16 triệu kể từ khi bắt đầu thuê gấu trúc vào năm 1999.

Vào giai đoạn “tươi đẹp” của chương trình “ngoại giao gấu trúc”, có lúc có 15 con gấu trúc ở Mỹ, nhưng trong thập niên qua, số gấu trúc bắt đầu giảm. Khi mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, nhiều video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc qui kết rằng những chú gấu trúc được trả lại cho Trung Quốc đã bị Vườn thú Memphis… ngược đãi.

Báo chí Trung Quốc lập tức tát nước theo mưa, nói rằng những nước như Nga đối xử rất tốt với gấu trúc chứ không như Mỹ. Nga đã nhận một cặp gấu trúc vào năm 2019, trong chuyến công du Moscow của Tập Cận Bình. Hai con gấu trúc này cũng không phải là “quà” mà cho mượn với thời hạn 15 năm.

Vladimir Putin và Tập Cận Bình tại Sở thú Moscow ngày 5 Tháng Sáu 2019 (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

Trung Quốc xem gấu trúc là “niềm tự hào quốc gia”. Tính cả Mỹ thì có tổng cộng 23 nước mà Trung Quốc cho mượn gấu trúc. Tại Trung Quốc, tổng số gấu trúc chỉ có 1,864 con – theo ghi nhận mới nhất vào năm 2014. Dù tự hào với gấu trúc nhưng Trung Quốc thật ra không nuôi gấu trúc tốt. Cần biết, Sở thú Atlanta tiêu tốn đến $7 triệu để xây dựng môi trường sống cho gấu trúc!

Trước cuộc cách mạng Cộng sản Trung Quốc do Mao khởi xướng năm 1949, gấu trúc không đóng vai trò gì đối với biểu tượng quốc gia. Văn hóa Trung Quốc là rồng, phượng, hổ, hạc – chứ không phải gấu trúc. Chỉ đến khi nhận thấy gấu trúc được thế giới nhắc đến nhiều sau sự kiện tặng gấu trúc cho Nixon, Bắc Kinh mới khai thác hình ảnh gấu trúc và tìm cách kiếm tiền từ gấu trúc. Thay vì tặng quà trong quan hệ ngoại giao, Trung Quốc cho thuê gấu trúc, với mức phí trung bình $500,000/năm cho mỗi con.

Một nghiên cứu của Đại học Oxford năm 2013 cho biết thời điểm thực hiện các thỏa thuận gấu trúc của Trung Quốc với Canada, Pháp và Úc trùng hợp với các thỏa thuận và hợp đồng uranium với các quốc gia này. Tương tự, việc trao đổi gấu trúc với các nước láng giềng như Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng có mối tương quan với các hiệp định và thỏa thuận thương mại tự do đã ký kết.

Mei Xiang tại National Zoo, Washington, DC (ảnh: Bill O’Leary/The Washington Post via Getty Images)

Một nghiên cứu năm 2021 kết luận rằng số lượng gấu trúc được “tặng” tương ứng chặt chẽ với khối lượng thương mại của một quốc gia với Trung Quốc. Vài năm gần đây, những nước nhận gấu trúc là Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Năm 2022, Trung Quốc gửi cặp gấu trúc đầu tiên đến Trung Đông – trọng tâm chiến lược mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh. Những con gấu trúc này đến Qatar trước thềm World Cup, nơi các công ty Trung Quốc giành được hàng loạt hợp đồng xây dựng béo bở.

Câu chuyện thời sự gấu trúc cho thấy vấn đề không đơn giản ở việc các sở thú Mỹ từ nay không còn gấu trúc. Nó cho thấy phương thức ngoại giao gấu trúc đã chết, báo hiệu nhiều điều căng thẳng khó lường hơn. Những tuần gần đây, Nghị sĩ John Fetterman (Dân chủ-Pennsylvania) đã chỉ trích việc Trung Quốc mua nhiều vùng đất nông nghiệp của Mỹ. “Họ muốn lấy lại gấu trúc thì cứ để họ lấy nhưng chúng ta cũng nên lấy lại toàn bộ đất nông nghiệp của họ” – John Fetterman nói gắt.

Năm 2022, nữ Nghị sĩ Cộng hòa Nancy Mace (South Carolina) đưa ra một dự luật nhằm ngăn chặn chính sách ngoại giao gấu trúc bằng cách thiết lập một chương trình nhân giống với hàm ý rằng bất kỳ gấu con nào sinh ở Mỹ đều thuộc về Mỹ. Dự luật không được thông qua nhưng Nancy Mace cũng nhấn mạnh, “đã đến lúc Hoa Kỳ nói ‘không’ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chiến dịch tuyên truyền quốc tế của họ.”

Trong nhiều năm, gấu trúc là con vật được nhiều người thích thú nhìn ngắm tại Smithsonian National Zoological Park (ảnh: Matt McClain/The Washington Post via Getty Images)

______

Mei Xiang và Tian Tian sinh ở Trung Quốc, được đưa sang Mỹ ngày 6 Tháng Mười Hai 2000; Xiao Qi Ji sinh ở Vườn thú Quốc gia Hoa Kỳ ngày 21 Tháng Tám 2020. Ngoài Xiao Qi Ji, vợ chồng Mei Xiang còn sinh Tai Shan (Thái Sơn) năm 2005 (được gửi về Trung Quốc năm 2010); sinh Bao Bao (Bảo Bảo) năm 2013 (được gửi về Trung Quốc năm 2017); và sinh Bei Bei (Bối Bối) năm 2015 (được gửi về Trung Quốc năm 2019).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: