Xây nhà mới trên mảnh đất cũ cho ‘Grandmother of Juneteenth’

Opal Lee, hình chụp ngày 15 Tháng Mười Hai 2021 tại New York City. (Hình: Dia Dipasupil/Getty Images)

‘Grandmother of Juneteenth’ là biệt danh của bà Opal Lee, người có nhiều năm đấu tranh không mệt mỏi chống phân biệt chủng tộc, mà gia đình bà là nạn nhân.

Hôm Thứ Năm, 21 Tháng Ba, bà Opal Lee chứng kiến lễ khởi công xây dựng ngôi nhà ở Fort Worth, Texas trên chính nơi mà gia đình bà bị “tống ra khỏi nhà” cách đây 85 năm, khi bà mới chỉ là cô bé 12 tuổi.

Dự kiến ngôi nhà sẽ hoàn thành vào ngày 19 Tháng Sáu – ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của chế độ nô lệ ở Mỹ, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với Lee.

Lee, một trong những động lực thúc đẩy Juneteenth được chọn là ngày nghỉ lễ thứ 11 ở cấp liên bang. Lee nói, mình không phải là người “mít ướt,” nhưng bà đã khóc vì sự kiện có ý nghĩa này. 19 Tháng Sáu năm nay cũng sẽ là kỷ niệm buồn, đúng 85 năm ngày gia đình bà – một gia đình người da Đen, vừa mua được một ngôi nhà thì bị một đám đông đến phá hoại và đuổi đi.

Các bài báo vào thời điểm đó viết, đám đông lên tới khoảng 500 người, đập vỡ cửa sổ trong nhà và kéo đồ đạc ra đường đập tiếp. “Họ đập nát, tan tành,” Lee hồi tưởng. “Bố mẹ tôi không bao giờ nhắc lại nỗi kinh hoàng và tủi nhục này. Ông bà kính sợ Chúa và chỉ biết cầu nguyện cho có sức khỏe để làm việc chăm chỉ, có tiền mua một ngôi nhà khác, có nơi cho con cái vô đó ở yên lành mà học hành.”

Lee nói sự kỳ thị, mất mát đó cũng không phải là điều bà quan tâm, mà chỉ muốn chôn dấu nó đi, nhưng càng lớn, bà càng nghĩ mình phải hành động, không chỉ cho gia đình bà, mà cho những sắc dân thiểu số bị kỳ thị trên đất nước tự do này.

Sau nhiều năm vận động mọi người tham gia, nỗ lực biến ngày 19 Tháng Sáu thành ngày lễ cấp quốc gia trở thành sự thật.

Ngày 17 Tháng Sáu 2021, Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris chính thức ký thông qua dự luật công nhận ngày 19 Tháng Sáu, tức ngày Juneteenth, là một ngày nghỉ lễ cấp liên bang. Đây là một trong số những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm xoa dịu quá khứ đau khổ của những sắc tộc thiểu số ở Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi.

Bà Opal Lee nói chuyện với Tổng Thống Joe Biden sau khi ông ký đạo luật đánh dấu sự kết thúc của chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ, hôm 17 Tháng Sáu 2021 tại Washington, DC. (Hình: Drew Angerer/ Getty Images)

Dự luật công nhận Juneteenth là ngày nghỉ lễ cấp liên bang được thông qua suôn sẻ tại lưỡng viện của Quốc Hội, dù gặp phải một số ít phản đối từ các thành viên đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện.

“Grandmother of Juneteenth” – biệt danh của bà Opal Lee, gần đây nghĩ đến việc mua lại mảnh đất có ngôi nhà bị đập phá của bà cách đây 85 năm. Khi biết Trinity Habitat for Humanity đang là sở hữu mảnh đất đó, Lee gọi điện cho giám đốc điều hành và người bạn lâu năm của mình là Gage Yager.

Yager kể với AP, phải đến cuộc gọi ba năm trước, khi Lee hỏi liệu bà có thể mua lô đất hay không, anh mới biết được câu chuyện về những gì đã xảy ra với gia đình bà vào ngày 19 Tháng Sáu năm 1939. Yager nói: “Tôi biết Opal từ rất lâu, nhưng tôi không biết gì về câu chuyện đau lòng ấy của gia đình bà.”

Sau khi chắc chắn lô đất chưa được hứa bán, anh gọi cho Lee và đưa ra giá bán lô đất là… $10. Thật sự là một nghĩa cử tuyệt đẹp của công ty bất động sản này. Nhưng cũng phải mất hơn tám thập niên, người ta mới được nhìn thấy một đám đông đầy yêu thương tụ họp, thay vì một đám đông đầy thù hận.

Tại buổi lễ hôm Thứ Năm, Nelson Mitchell, Giám Đốc Điều Hành của HistoryMaker Homes, nói với Lee – cựu giáo viên và cố vấn trong khu học chánh gắn bó không mệt mỏi với quê hương Fort Worth trong nhiều thập niên qua: “Bà đã chứng minh cho chúng ta thấy một người có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào.”

Không chỉ bán lô đất với giá của một ly cà phê, công ty của Mitchell còn xây nhà miễn phí cho “Grandmother of Juneteenth,” trong khi chi nhánh từ thiện của Texas Capital, một công ty dịch vụ tài chính, sẽ tài trợ cho việc trang bị nội thất trong nhà.

Lee cho biết bà rất háo hức được chuyển tới ngôi nhà mới. “Tôi biết mẹ tôi sẽ mỉm cười và bố tôi cũng vậy. Ông bà chắc đang nói chuyện với nhau nơi chín suối: ‘Chà, cuối cùng chúng ta cũng được về nhà.’”

Nhà giáo dục đã nghỉ hưu Opal Lee nắm tay Phó Tổng Thống Kamala Harris trong ngày Tổng Thống Joe Biden ký “Juneteenth National Independence Day Act”đánh dấu sự kết thúc của chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. (Hình: Drew Angerer/ Getty Images)

***

Lễ Juneteenth được tổ chức vào ngày 19 Tháng Sáu hàng năm trên toàn nước Mỹ, để kỷ niệm thời điểm những người nô lệ cuối cùng ở các tiểu bang thuộc phe liên minh trong Thời Kỳ Nội Chiến được tự do.

Juneteenth là ngày lễ thứ 12 được chính quyền liên bang công nhận. 

Dù Tổng Thống Abraham Lincoln ký Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ từ năm 1862, thì phải đến hơn hai năm sau, nhiều nô lệ da màu ở tiểu bang Texas mới được nghe về tuyên ngôn này và được trả tự do. Vị trí địa lý xa xôi khiến chính quyền Texas không thể thực thi bản Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ một cách nhanh chóng như ở những nơi khác.

Mãi cho đến khi Tu Chính Án Thứ 13 được thông qua vào năm 1865, chế độ nô lệ mới thật sự được bãi bỏ trên toàn nước Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: