Nói tiếp chuyện đau lòng…

Sức sống Sài Gòn đã hoàn toàn biến mất (ảnh: cầu Bình Lợi chụp ngày 31 Tháng Bảy 2021 – Minh Hòa)

Sáng nay đọc thấy tin “Chuyển 10 tấn thiết bị ICU từ Bắc Giang vào TPHCM”, tôi lặng người một lúc. Đời nào có ai ngờ. Đừng vội nghĩ tôi “ngạo mạn” cho rằng Sài Gòn không cần nhờ ai, ý tôi là đời có ai ngờ đến lúc Sài Gòn lâm cảnh thảm vậy! Hôm nay, Sài Gòn có 92,270 người nhiễm và hơn 1,000 người đã qua đời. Thực là mòn mỏi rồi, cạn sức rồi, mà vẫn phải đi tiếp.

Chuyện đau lòng gây xôn xao nhất tuần qua là những đoàn người rời Sài Gòn về quê tránh dịch. Bỏ nơi “đất lành chim đậu” bao nhiêu năm, rõ ràng người nghèo đã hết cách. Mất việc, nghèo đói, lại còn nỗi lo lây nhiễm nguy hiểm tính mạng. Tình thế lên cao trào khi gia đình ở quê cứ réo gọi về mà chính quyền địa phương thì uể oải, thờ ơ hoặc không muốn nhận.

Vừa dự buổi họp doanh nghiệp bàn biện pháp duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch rất căng, tôi nghĩ, đúng như nhiều bạn doanh nhân nói, hai tháng nay, tụi tôi cùng chị lo cho hai đối tượng đáng phải chăm lo nhất: (1) Y bác sĩ – nhân viên y tế; và (2) Người nghèo, người túng ngặt. Bây giờ đến lúc phải cấp cứu đối tượng thứ ba: Doanh nghiệp.

Cái cây kim “ba tại chỗ” (ăn – ở – sản xuất tại chỗ) có vẻ là giọt nước cuối cùng bộc lộ hết những cái khó của doanh nghiệp. Nhiều nỗi lo xa nữa, mất đơn hàng xuất khẩu, đổ vỡ ngay trên thị trường trong nước, tan hoang lực lượng công nhân lao động… Nhưng bây giờ ít ai bàn sâu chuyện nước xa mà phải ráng lo cứu lửa gần. Tôi có đọc những bài phê phán lãnh đạo TP.HCM là ngạo mạn, chậm chạp, ích kỷ không lo cho dân để người dân phải ra đi. Hai nỗi buồn lo chiếm lĩnh hầu hết mặt trang Facebook mấy hôm nay là chuyện những đoàn người kéo nhau về quê và chuyện lo phải bị chích vaccine Tàu.

Vì Vòng Tay Việt có tặng nhu yếu phẩm cho các gia đình công nhân ở các khu lưu trú đang mất việc hay bị giãn việc, tôi thấy họ “tuột mút” hàng ngày. Giãn cách, đầu Tháng Sáu, lương giảm còn 50%. Rồi tiếp tục giãn cách, giữa Tháng Bảy, xí nghiệp đóng cửa luôn vì không theo nổi “ba tại chỗ”. Nhưng vẫn có hàng cứu trợ và địa phương chia sẻ, sống tạm. Rồi giờ là đợt giãn cách căng thẳng hơn, kéo đến giữa Tháng Tám 2021. Hết hi vọng. Nhà máy sẽ không mở lại, cũng không tìm được việc gì khác làm tạm đắp đổi qua ngày, bị chủ nhà thuê đuổi. Đành về quê thôi. Trong đoàn người ra đi, không ít công nhân doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Bình Dương có rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa khi thực hiện “ba tại chỗ” và nay thì 150 doanh nghiệp đã thực hiện “ba tại chỗ” lại đóng cửa tiếp.

Tôi nghĩ, chính áp lực “ba tại chỗ” đã khiến rất nhiều công nhân mất việc, có ngành đến 60-70%. Số doanh nghiệp đành phải đóng cửa và dẫn tới sự thất vọng nặng nề nhất của họ. Công nhân đi đâu? Mất việc, trước kia họ còn tạm đi phụ hồ, đi chạy chợ chờ lúc tìm được nhà máy khác, nay thì thôi rồi. Hôm qua tôi dự trọn cuộc họp của doanh nghiệp bàn chuyện kinh doanh mùa này. Ai cũng nói, chúng tôi chỉ còn chịu đựng nổi giãn cách nửa tháng nữa thôi. Và sáng nay đã có tổ chức đại diện doanh nghiệp xin “chỉ thực hiện ở những địa phương đã xử lý ổn định tình hình dịch”.

Hôm đầu Tháng Năm 2021, thi hành Chỉ thị 15, TP.HCM chủ trương giãn cách nhưng thực hiện thì ngược lại: Tiêm vaccine đại trà tập trung; xét nghiệm mà lấy mẫu nửa triệu người/ ngày. Kết quả, chính những cán bộ quản lý cuộc tiêm vaccine ồ ạt bị “dính” dương tính không ít và những mẫu xét nghiệm lấy đại trà đã không sử dụng được bao nhiêu.

Ngay sau đó, thành phố đã có điều chỉnh lại. Có những cái sai lâu hơn nhưng thực tế cũng đã buộc điều chỉnh. Không còn truy vết, cách ly kiểu “giết lầm hơn bỏ sót” nữa, không “bế F0” đi cách ly tập trung, không truy xét giấy xét nghiệm tràn lan, không ra oai thiết yếu với không thiết yếu nữa, mời lực lượng y tế tư nhân cùng tham gia điều trị, xét nghiệm và cả tiêm vaccine (mới “chủ trương”, chưa biết thực hiện sao).

Cái sai đó không chỉ của chính quyền TP.HCM. Sai căn bản, cái chính là chúng ta không thay đổi kịp với một tình hình đã hoàn toàn thay đổi: Dịch đã lây lan trong cộng đồng, cô lập F0, F1 dù rộng tới đâu, làm sao hiệu quả khi toàn cộng đồng rộng lớn đã đầy những F0 với F1? Từ câu chuyện truy vết cách ly tới chuẩn bị vaccine, đó là một câu chuyện lớn trong bối cảnh rất lớn, có thể liên quan tới những cuộc tập họp, lễ hội dày đặc người, nhưng bây giờ phải chiến đấu đã…

Quan trọng nhất là BẢO VỆ SINH MẠNG CON NGƯỜI. Giãn cách để ngăn dịch lây lan thêm. Không có cách nào khác khi đã ở vào tình thế này. Nhưng cay đắng là khi phải quyết giãn cách tăng lên, liệu đã có hình dung hết và chú ý đúng mức những hậu quả phát sinh tức thì và kéo dài? Bà Lý Kim Chi, một bà chủ kinh doanh gạo, chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm nói đúng cách một doanh nhân sành sõi thương trường.

Hầu hết doanh nghiệp chế biến thực phẩm của thành phố vẫn trụ được. Nhưng tất cả đều chỉ có lỗ từ Tháng Năm tới giờ, giỏi lắm là huề vốn. Tụi tôi từng cùng chị Ba Huân bàn, chịu lỗ một đợt mấy chục triệu đi, chứ không tăng 200 đồng một quả trứng, sợ giá trứng đẩy hết nhu yếu phẩm lên. Vậy mà giờ phải nói, doanh nghiệp mệt mỏi rồi. Chưa bao giờ khó như bây giờ: Giá nguyên liệu tăng, chi phí tăng, vận chuyển ách tắc, thị trường co lại, thêm phí xét nghiệm thường xuyên cho công nhân, mà giờ công nhân phải làm việc luân phiên, chỉ còn năng suất 50% vì “ba tại chỗ”, tâm lý công nhân tiêu cực vì xa nhà…

Thế nhưng muốn hoãn, giảm bất kỳ thứ gì mà chính phủ cho chủ trương, thì cứ phải “nộp chứng từ phân tích ảnh hưởng của dịch bệnh”. Mấy thứ thủ tục đó khiến doanh nghiệp ức chế, chán nản quá. Nhiều chủ doanh nghiệp than: Hơn ai hết, chúng tôi biết người lao động là tài sản của doanh nghiệp chứ, nhưng chính sách đâu phải muốn chi lương, chi bồi dưỡng thế nào là chi. Họ còn sống với gia đình, bao nhiêu mối lo. Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đuối trong chăm lo gìn giữ lực lượng lao động. Mai này khi ổn hơn tình hình dịch, thì không còn công nhân, cũng không còn doanh nghiệp nữa.

Sài Gòn mỗi sáng tôi đọc con số bệnh nhân nhiễm mới mà lòng không khỏi kinh hoàng, hoang mang. Làm sao mỗi ngày xây thêm một bệnh viện dã chiến? Nhiều hôm, mang các suất ăn bổ sung dinh dưỡng, Phó giám đốc bệnh viện đành lắc đầu, không còn ai đi phân phối suất ăn các tầng. Họ chỉ xin nước. Uống nước cầm hơi, chạy theo những ca nguy kịch, đến tối khuya mới ăn bữa trưa là thường. Sài Gòn lâm cảnh ngổn ngang và cực kỳ khó khăn, đôi khi khốn quẫn, khi bây giờ là lúc phải tập trung, chu toàn chăm lo cả bốn đối tượng cùng lúc (bệnh nhân – đội ngũ y tế – người nghèo và doanh nghiệp).

Nên tôi tin “tài thánh” thì vẫn có thiếu sót. Cả xã hội Sài Gòn cực kỳ năng động và có trách nhiệm đã xắn tay cùng chính quyền chăm lo cho những người yếu thế, nghèo khó. Tôi dám nói thẳng, không ở đâu trên cả nước mà giàu sự năng động sáng tạo gánh vác việc chung như ở thành phố này. Nhưng thiếu sót vẫn xảy ra. Vì đã có những các sai căn bản đang phải sửa từng ngày. Và rồi những sai sót mới vẫn đang phát sinh…

Ngay những gói hỗ trợ của chính phủ, vẫn là nhắm tới tình hình ổn định trong quí II. Quí III và IV sẽ bắt đầu phục hồi, khá lên dần. Mà nhìn tình hình đi, đâu phải vậy. Khó khăn chưa bao giờ lớn như vậy, nên nhà nước phải đưa ra những gói hỗ trợ lớn hơn, lớn hơn nữa. Dĩ nhiên điều quyết định vẫn là: Nói và làm phải đi đôi. Báo chí đừng khen vuốt đuôi nữa, hay GIÁM SÁT VÀ MINH BẠCH VIỆC THỰC THI CÁC GÓI HỖ TRỢ. Đó là việc khó và xứng đáng nhất lúc này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: