Cuộc chiến Ukraine định hình lại chiến tranh hiện đại

Sự xuất hiện của hệ thống pháo kích HIMARS đã tác động đáng kể đến cục diện chiến trường Ukraine. Ảnh: một dàn M142 HIMARS tại Donetsk Oblast, Tháng Năm 2023 (Serhii Mykhalchuk/Global Images Ukraine via Getty Images)

Khi vũ khí rẻ tiền và đắt tiền đều hiệu quả như nhau

Drone “biết trước” mọi thứ nên việc tập trung xe tăng và người để tốc chiến tốc thắng gần như là không thể. Đeo kính video, một người lính Ukraine cúi mình trên tầng cao nhất của một tòa nhà cao tầng và điều khiển một chiếc drone nhỏ bay vào thành phố Bakhmut do Nga chiếm đóng. Sau một tiếng vút, chiếc drone chỉ tốn khoảng $300 tăng tốc sau khi phát hiện một mục tiêu bất ngờ và làm nổ tung một chiếc xe bán tải chở đầy quân Nga.

“Phi công” (người điều khiến drone), thành viên của Trung tâm Điều hành Đặc biệt “A” (Special Operations Center “A”) thuộc Cơ quan An ninh Ukraine (Security Service of Ukraine), nói với Wall Street Journal: “Trước khi chúng tôi đến đây để điều khiển drone, người Nga đi lại đông đến mức gây ùn tắc giao thông ở Bakhmut. Bây giờ, tất cả các con đường ở thành phố này đều vắng tanh!”. Với hàng ngàn drone của Ukraine và Nga bay rợp các chiến tuyến cùng một thời điểm (từ drone bốn cánh giá rẻ đến drone có cánh tầm xa đắt tiền bay xa hàng trăm dặm và bám sát mục tiêu nhiều giờ liền, bản chất của chiến tranh đã thay đổi.

Drone chỉ là một yếu tố của sự thay đổi hình thái chiến trường. Một thay đổi khác là các hệ thống quản lý chiến đấu tích hợp (integrated battle-management systems) cung cấp hình ảnh và vị trí của đối phương theo thời gian thực đến cấp trung đội và tiểu đội (hệ thống của Ukraine dùng mạng vệ tinh Starlink) đã giúp việc nhắm mục tiêu gần như ngay lập tức.

Drone là vũ khí rẻ tiền nhưng nguy hiểm nhất trong cuộc chiến Ukraine (ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

_______________

“Ngày nay, một đoàn xe tăng hoặc một đoàn quân đang tiến lên sẽ dễ dàng bị phát hiện trong vòng ba đến năm phút và bị đánh trúng sau ba phút nữa. Khả năng sống sót không quá 10 phút!”Thiếu tướng Vadym Skibitsky, phó chỉ huy Cơ quan Tình báo Quân sự (HUR) của Ukraine nhận xét – Yếu tố bất ngờ hầu như không còn chỗ trên chiến trường.

_______________

Cuộc cách mạng công nghệ thể hiện tại cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu trong gần tám thập niên qua đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính khả thi của một số khái niệm cơ bản trong học thuyết quân sự của Mỹ và các quốc gia có nền quốc phòng tiên tiến khác. Một sĩ quan tác chiến ở Ukraine lưu ý: “Việc dùng lực lượng áp đảo với nhiều xe bọc thép và xe tăng đi cùng để tấn công nhanh, tiêu diệt gọn (điều mà Washington và các đồng minh mong đợi cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè này sẽ làm) về nguyên tắc không còn khả thi nữa. Hệ lụy không thể tránh khỏi của thực tế chiến trường mới là cuộc xung đột sẽ không sớm kết thúc”.

Trung sĩ Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Bradley Crawford (hiện đang huấn luyện lực lượng Ukraine gần Bakhmut với tư cách cá nhân) nhận định: “Những ngày của các cuộc tấn công bằng xe bọc thép quy mô lớn, chiếm nhiều km trên mặt đất cùng một lúc, giống như chúng tôi đã làm ở Iraq năm 2003 đã trở thành dĩ vãng trước bầy đàn drone ngày càng đông đúc và hiệu quả”.

Vì vậy, dù chiến tranh với một quốc gia yếu hơn, lợi thế quân sự tổng thể của Mỹ chưa hẳn sẽ dẫn đến chiến thắng như từng thấy trước đây.

_________________________

Ảnh: Ercin Erturk/Anadolu Agency via Getty Images

Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland: “Nếu bạn có thể phá hủy một hệ thống nặng nề, rất tốn kém bằng một thứ giá rẻ hơn rất nhiều hoặc ngược lại thì sự chênh lệch sức mạnh giữa hai quốc gia không còn quan trọng nữa”.

_________________________

Ví dụ, mỗi drone FPV được sử dụng rộng rãi vào mùa hè này, có giá chỉ bằng một quả đạn pháo 155mm thông thường (khoảng $3,000) nhưng có thể vô hiệu hoá những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực có giá hàng triệu đôla! Các drone thế hệ mới có độ chính xác và tốc độ để bắt kịp bất kỳ phương tiện bọc thép nào đang di chuyển, và nếu được điều khiển thành thạo, chúng đủ sức vô hiệu hóa những xe tăng và pháo hiện đại nhất.

Giá rẻ cũng có nghĩa là drone có thể dùng chống lại bất kỳ mục tiêu nào, từ xe hơi đến các nhóm binh sĩ nhỏ di chuyển trên đường cách trung tâm điều khiển vài dặm. Trung tâm “A” là một trong nhiều trung tâm điều khiển drone FPV của Ukraine Kể từ ngày Một Tháng Sáu, các đội FPV của trung tâm ở miền Đông và miền Nam Ukraine đã bắn trúng 113 xe tăng, 111 xe chiến đấu và 68 hệ thống pháo binh của Nga, gây thương vong cho gần 700 lính Nga.

Trong vài giờ vào một buổi sáng gần đây tại Chasiv Yar, Trung tâm “A” đã sử dụng drone FPV trang bị bom chống tăng kiểu cổ điển trong Đại chiến Thế giới Lần thứ hai để tiêu diệt một chiếc xe bán tải và hai xe quân sự đang đậu của đối phương. Họ cũng cho một drone lao vào cửa sổ của một tòa nhà cao tầng ở Bakhmut sau khi phát hiện một lính Nga (nghi đang điều khiển drone) vén rèm cửa quan sát. Một drone khác ghi lại hình ảnh các vụ nổ.

Người Nga cũng sử dụng nhiều drone “đáng gờm” và được nâng cấp thường xuyên. Mới đây, chỉ vài phút sau khi người của Trung tâm “A” cố gắng thiết lập một điểm điều khiển drone trên tòa nhà cao tầng Chasiv Yar, họ đã bị drone Nga phát hiện báo về để nã đạn pháo vào. Lính Ukraine nhanh chóng chạy khỏi tòa nhà rồi trở lại theo từng nhóm hai người, cách khoảng.

Drone đóng vai trò to lớn ở Ukraine ngay từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào Tháng Hai, 2022. Cả số lượng và hiệu quả của chúng đều tăng lên đáng kể. Các loại drone mới, được Ukraine phát triển trong nước và nhập khẩu, liên tục xuất hiện trên chiến trường, gồm cả drone hải quân sử dụng thành công để gây thiệt hại cho Hạm đội Biển Đen Nga.

Tư lệnh Hải quân Ukraine, Phó Đô đốc Oleksiy Neizhpapa, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn: “Nhiều drone đang làm tốt thì vài tháng sau đã trở thành lỗi thời, phải thiết kế lại để không bị đối phương gây nhiễu. Không chỉ drone mà không có vũ khí nào có ưu thế lâu dài. Chiến tranh là cú hích để công nghệ phát triển. Khi kẻ thù tìm ra thuốc giải độc thì phải thay đổi”.

Mức độ hiệu quả của từng loại vũ khí chưa bao giờ được nghiên cứu kỹ, từ thực tế chiến trường Ukraine, bằng lúc này (ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Anadolu Agency via Getty Images)

Bài học cho phương Tây

Lần cuối cùng Ukraine đạt được bước đột phá nhanh trên thực địa là cuộc tấn công ở hai khu vực Kharkov và Donetsk vào Tháng Chín và Tháng Mười năm 2022 khi quân Ukraine tận dụng được yếu tố bất ngờ của pháo binh. Cuộc tiến công của Ukraine vào Kherson Tháng Mười Một chỉ tiến hành được khi các hoả tiễn của hệ thống Himars cắt đứt hoạt động hậu cần của Nga đến mức quân Nga quyết định rút lui.

Tuy nhiên, kể từ mùa thu năm ngoái, Nga đã huy động hàng trăm ngàn binh sĩ, lấp đầy những lỗ hổng phòng thủ, xây dựng các bãi mìn dày đặc và công sự rộng lớn; và quan trọng hơn là đưa vào chiến trường rất nhiều drone. Vào Tháng Sáu, khi Ukraine bắt đầu mở cuộc phản công, mỗi khi lực lượng của họ tập hợp nhiều xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, đội hình lại nhanh chóng bị drone Nga phát hiện và bị nã pháo, hoả tiển từ máy bay trực thăng và bầy đàn drone tấn công. Các bãi mìn dày đặc sẽ làm công việc “tiêu diệt” nếu quân Ukraine dám tiến tới.

Dĩ nhiên, quân Nga cũng phải đối mặt với số phận tương tự. Cụ thể là khi tập hợp một lực lượng xe tăng lớn để tiến vào thành phố Vuhledar trong Tháng Giêng 2023 sau khi tấn công bằng xe bọc thép ở quy mô nhỏ, quân Nga lập tức bị Ukraine phát hiện từ trên không và nhanh chóng tập kích phá hủy. Sau tổn thất nặng nề ban đầu về xe tăng và phương tiện chiến đấu do phương Tây cung cấp, quân đội Ukraine hiện đã chuyển sang hoạt động theo các nhóm nhỏ đến tiền tuyến bằng xe bọc thép chở quân rồi thận trọng chiếm từng hàng cây một.

Bằng cách này, quân Ukraine đã chiếm giữ được một số ngôi làng ở mặt trận phía Nam vùng Zaporizhzhia và Donetsk, đồng thời trong những ngày gần đây, xuyên thủng phòng tuyến của Nga ở phía Nam Bakhmut, chiếm hai làng Andriivka và Klishchiivka.

Trong khi đó, từ Tháng Mười Một đến Tháng Năm, Moscow không giành được chiến thắng nào quan trọng, trừ Bakhmut. Trung tướng Kyrylo Budanov, chỉ huy lực lượng quân báo Ukraine bộc bạch: “Thật không may, phần lớn cuộc tấn công của chúng tôi hiện nay là nhờ… đi bộ! Nó cũng giống như mùa thu năm ngoái, khi người Nga tấn công vào Bakhmut sử dụng rất ít xe tăng hạng nặng mà đi bộ là chủ yếu. Bây giờ vẫn thế, có khác là chuyển bên”.

Cuộc chiến đẫm máu tại Ukraine là loại xung đột mà quân đội Mỹ chưa từng trải qua kể từ cuộc chiến Triều Tiên vào thập niên 1950. Việc huấn luyện quân sự hiện đại và mua sắm quốc phòng của phương Tây đã được định hình qua nhiều thập niên chống lại các đối thủ yếu hơn nhiều ở những nơi như Iraq và Afghanistan. Quân đội Mỹ chỉ quan tâm phát triển các hệ thống vũ khí phức tạp, nặng nề và tốn kém, nay không thể giải quyết nhanh cuộc xung đột với một đối thủ tương đương.

“Rất nhiều loại thiết giáp của phương Tây không hoạt động tốt như mong đợi ở Ukraine vì nó được tạo ra không phải cho một cuộc chiến này mà dành cho những xung đột ở cường độ thấp hoặc trung bình – Taras Chmut, giám đốc Come Back Alive, một tổ chức gây quỹ để cung cấp cho Ukraine các drone, phương tiện và vũ khí khác nhận xét – Nếu bạn ném những thứ cồng kềnh và tốn tiền này vào một cuộc tấn công trên diện rộng, chúng sẽ không hoạt động hiệu quả! Ngay cả những chiếc xe tăng đắt tiền nhất cũng dễ bị tổn thương trước các drone rẻ tiền”.

Pháo binh là đơn vị tác chiến rất quan trọng trên chiến trường Ukraine (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images)

Ông nhấn mạnh thêm: “Thay đổi hiện nay là cần tập trung vào việc cung cấp cho quân đội số lượng lớn hơn các hệ thống đơn giản và rẻ. Đó là bài học lịch sử của Đại chiến Thế giới Lần thứ hai, khi xe tăng T-34 của Liên Xô và xe tăng Sherman do Mỹ chế tạo thua đáng kể so với Tiger và Panther của Đức nhưng chúng dễ sản xuất hàng loạt và nhanh chóng đưa ra chiến trường với số lượng lớn và cũng dễ sửa chữa tại chỗ hơn”.

Các nhà hoạch định quân sự phương Tây rất quan tâm đến thực tế chiến trường mới. “Chúng ta có rất nhiều bài học để học ở Ukraine, kể cả bài học: Số lượng cũng cần như chất lượng! Thiếu tướng Christian Freuding, phụ trách các hoạt động Ukraine tại Bộ Quốc phòng Đức, nhận định. Ở phương Tây, chúng ta đã giảm quân đội, chúng ta đã giảm lượng dự trữ. Nhưng số lượng vẫn là yêu cầu cơ bản”.

Khi nói đến xe tăng, cuộc chiến Ukraine cho thấy các trận đấu giữa xe tăng và xe tăng rất hiếm hoi. Điều đó có nghĩa là mức tiên tiến của xe tăng không còn quan trọng như trước. Theo các quan chức Ukraine, có chưa đến 5% số xe tăng địch phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Đa số là trúng mìn, pháo, hoả tiễn chống tăng và drone. Trong khi vẫn phụ thuộc vào xe tăng, pháo và bệ phóng hoả tiễn do phương Tây cung cấp, Ukraine trông cậy ngày càng nhiều vào binh đoàn drone do khoảng 200 nhà sản xuất trong nước chế tạo; từ những chiếc FPV giá rẻ đến những drone có cánh tầm xa để tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, nơi Kyiv không được phép sử dụng đạn pháo của phương Tây – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: