Nhật xuất cảng thiết bị quốc phòng sang Việt Nam để phòng Trung Quốc

Bộ trưởng QP Nhật Nobuo Kishi họp báo sau khi khảo sát HKMH Queen Elizabeth của Anh tại cảng Yokosuka hôm 6 tháng Chín. Ông Kishi đang thăm Hà Nội trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông và chứng kiến lễ ký hiệp định xuất cảng thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật sang Việt Nam. Ảnh Kiyoshi Ota – Pool/Getty Images

Nhật Bản và Việt Nam đã ký một hiệp định, theo đó Nhật sẽ xuất cảng thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các vùng biển khu vực.

Hiệp định được ký tại Hà Nội hôm nay Thứ Bảy 11 Tháng Chín trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi. Trong cuộc họp báo trực tuyến, sau cuộc gặp với người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang, ông Kishi cho biết Nhật Bản sẽ đẩy nhanh đàm phán với Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Việt Nam là quốc gia thứ 11 ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản, vào thời điểm Trung Quốc đang khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.

Việt Nam thường xuyên lên án Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong khi Trung Quốc đòi chủ quyền và liên tục quấy nhiễu quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý trong biển Hoa Đông.

Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật cho biết hiệp định này được đưa ra trong bối cảnh “Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn thiết bị quốc phòng.”

Từ trước đến nay Việt Nam có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Nga và mua hầu hết các trang thiết bị quốc phòng, bao gồm cả tàu ngầm và máy bay chiến đấu từ Nga, vì Việt Nam là một phần của khối Cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh, quen thuộc với việc mua và sử dụng vũ khí của khối cộng sản.

Hiệp định Việt-Nhật sẽ giúp “củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và dự kiến ​​sẽ đóng góp vào an ninh của đất nước”, ông Kishi nói.

Ông nói thêm rằng hai bên đã đồng ý làm việc cùng nhau để bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, nhằm chống lại Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp, ông Kishi nói với ông Giang rằng ông muốn gửi một thông điệp tới cộng đồng quốc tế để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng” các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Kishi nhấn mạnh quan điểm của Nhật là duy trì và củng cố một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời nêu lên những lo ngại liên quan đến một đạo luật của Trung Quốc được thực thi vào tháng Hai, cho phép lực lượng hải cảnh của họ sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà họ cho là đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Trung Quốc.

(theo Asia Nikkei)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: