Nước Úc cãi nhau loạn cào cào vì… Covid

Sau 18 tháng say men chiến thắng Covid, các lãnh đạo Úc đang bị áp lực buộc phải chuyển từ chiến lược không dung tha Covid sang “sống chung” với nó. Câu hỏi ở đây là làm thế nào thuyết phục người dân ủng hộ kế hoạch này khi một số lãnh đạo tiểu bang công khai chống lại, thậm chí một thủ hiến bang gọi kế hoạch sống chung là “điên rồ hoàn toàn”.

Mở cửa trước mùa Giáng Sinh

Tuần trước, Thủ tướng Úc Scott Morrison trong tâm trạng ngày càng thất vọng vì biến chủng Delta đã nhờ một bộ phim hoạt hình để biện minh cho quan điểm của ông là “đất nước cần phải mở cửa trở lại, dù có Covid hoặc không có Covid”. “Tình hình hiện nay giống như trong The Croods (một bộ phim phát hành năm 2013 nói về một gia đình thời tiền sử buộc phải rời khỏi nhà của họ). Có người muốn ở mãi trong hang. Nhưng chúng ta không thể làm thế mà phải thoát khỏi nó một cách an toàn” – ông nói. Kể từ đó, cuộc tranh luận về mở cửa hay không mở cửa đã trở thành “trận đấu ngôn từ quyết liệt” giữa các gia đình và các chính trị gia. Đề tài tranh cãi là kế hoạch mở cửa biên giới nội địa trước mùa Giáng sinh.

Vấn đề là không phải tất cả người Úc đều muốn rời khỏi hang động chống virus của họ. Tại hai thành phố lớn nhất phía Đông Sydney và Melbourne, số ca nhiễm gia tăng dẫn đến việc lockdown nhiều tháng trời và các quy định nghiêm ngặt về những người được phép đi lại giữa các tiểu bang. Các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, nhiều gia đình chia rẽ, và sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nặng nề. Ở những vùng kiểm soát được dịch bệnh như hai bang Tây Úc và Queensland, rất ít người dân muốn mở lại biên giới vì họ sợ virus xâm nhập trở lại. Cùng với nước láng giềng New Zealand, thành công chống Covid của Úc khiến phần lớn thế giới phương Tây phải… ghen tị. Bất chấp số ca nhiễm và tử vong tăng lên trên toàn cầu, Úc hầu như an toàn với Covid từ ngày đóng cửa hoàn toàn biên giới với bên ngoài vào Tháng Ba, 2020, ngay sau đợt bùng phát đầu tiên ở châu Âu. Mọi đợt lây nhiễm nhỏ trong nước đều bị dập tắt nhanh chóng bằng lockdown nghiêm ngặt.

“Câu chuyện thần tiên” kết thúc

“Câu chuyện thần tiên” chỉ kéo dài đến Tháng Sáu năm nay, và nước Úc phải hứng chịu một đợt bùng phát lớn của biến thể Covid-19 Delta lây lan nhanh tại New South Wales (NSW), tiểu bang có thủ phủ Sydney. Thoạt đầu, chính quyền địa phương chỉ đưa ra các hạn chế nhẹ. Khi thấy số ca nhiễm không giảm, họ lại áp đặt lockdown toàn diện. Nhưng Delta vẫn lan đến thành phố Melbourne thuộc bang Victoria, rồi đến thủ đô Canberra. Ngày 5 Tháng Tám, chính quyền tiểu bang Victoria đã ra lệnh lockdown bang sau khi có một số ca nhiễm từ NSW sát bên. Công dân chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do cần thiết, như mua hàng tạp hóa.

Tính đến thứ Sáu tuần này, hơn phân nửa dân số 25 triệu người phải chịu cảnh lockdown, gồm toàn bộ ba tiểu bang và vùng lãnh thổ. Kinh tế và tâm lý người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lockdown mới chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Đối mặt với các áp lực ngày càng tăng, số ca nhiễm không giảm và các cuộc biểu tình bạo lực chống lockdown, Thủ tướng Morrison phải tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách “Zero Covid” của Úc vào ngày 22 Tháng Tám. Có vẻ ông muốn người Úc đi theo gương của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu, những nơi đã bắt đầu chấp nhận sống chung với Covid, chỉ dùng vaccine để giảm số ca nhập viện, phác đồ điều trị để giảm tử vong trong khi cho phép một số loại hình du lịch. Theo kế hoạch, Úc chỉ mở cửa lại nội địa với những hạn chế hạn chế khi có ít nhất 70% người đủ điều kiện đã tiêm hai liều vaccine.

Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt sớm do không đủ nguồn cung vaccine trong thời gian ngắn. Tính đến thứ Sáu, mới có khoảng 37% người trên 16 tuổi đã tiêm hai liều, so với trên 60% ở Mỹ và hơn 78% ở Anh. Kế hoạch của Úc với sự đồng ý của các chính quyền địa phương dựa trên mô hình của Viện Doherty, một cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, trong đó ước tính với việc “phủ” vaccine đầy đủ và các hạn chế vừa phải, Úc có thể mở cửa trở lại với thế giới nếu số ca tử vong ít hơn 100 trong sáu tháng.

Phản đối kế hoạch

Tại phòng khám của mình ở thành phố Perth, bác sĩ đa khoa Donough O’Donovan cho biết rất nhiều bệnh nhân của ông, nhất là những người cao tuổi, rất lo lắng về đợt bùng phát Covid-19 mới ở Tây Úc. “Họ rất sợ mở cửa và tin rằng Covid sẽ vào đây và tình hình sẽ tệ như NSW” – ông nói. Các tiểu bang Tây Úc, Nam Úc, Queensland và Tasmania đang cố giữ số ca nhiễm Covid-19 gần bằng 0 nên chính quyền địa phương không mặn mà lắm với kế hoạch mở của Morrison. Thủ hiến Tây Úc Mark McGowan xem việc mở cửa trở lại quá sớm là “cố tình đưa virus vào”.

Thủ hiến Queensland Annastacia Palaszczuk dù tin chắc Covid sẽ xâm nhập biên giới của bang, nhưng không hoàn toàn bác bỏ kế hoạch của liên bang và bà yêu cầu Thủ tướng nêu chi tiết hơn về “ảnh hưởng của mở cửa đối với trẻ em chưa được tiêm chủng”. “Chúng ta không nên tấn công nhau mà hãy có một cuộc trò chuyện đàng hoàng, nghiêm túc về sự an toàn của các gia đình sau khi mở cửa” – bà nói. Hiệp hội Y tế Úc (AMA) dường như đồng ý với sự thận trọng của các lãnh đạo bang bằng lá thư gửi cho Thủ tướng Morrison trong đó nhấn mạnh: “Hệ thống y tế của Úc chưa sẵn sàng cho một đợt bùng phát Covid lớn, và các bệnh viện của chúng ta còn lâu mới đáp ứng được thách thức này”.

Ủng hộ “sống chung với virus”

Trong số người muốn mở cửa sớm có Luke Stepsys, chủ chuỗi nhà hàng ở Melbourne, người đã tiêm đủ hai liều vaccine nhưng vẫn không thể ra khỏi nhà vào ban đêm để mua thêm sữa vì lệnh giới nghiêm sau 9 giờ tối. “Tôi bị nhốt như một con thú trong lồng, rất bối rối và chán nản nhưng vẫn làm như mạnh mẽ để vấn an nhân viên và gia đình trong khi ruột gan nóng như lửa đốt” – ông cảm thán. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Melbourne đã bị lockdown hơn…210 ngày, lâu hơn bất kỳ thành phố nào khác. Căng thẳng bắt đầu bộc lộ với những cuộc biểu tình.

Stepsys cho biết các nhà hàng của ông vẫn còn tồn tại nhưng toàn bộ ngành khách sạn đã bị sập. New South Wales đang ghi nhận hơn 1,000 ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày, cao nhất ​​kể từ đầu đại dịch. Vào thứ Năm, NSW trở thành tiểu bang đầu tiên đạt tỷ lệ bao phủ vaccine một liều là 70% nên người dân hiện được phép tập thể dục không giới hạn ở một số khu vực nhất định. Do chưa thống nhất về kế hoạch mở cửa, có thể là một số bang sẽ mở cửa trươc với thế giới. Còn việc được phép lái xe từ bang này sang bang khác sẽ đến sau.

“Bạn có thể gặp phải tình huống… khó tin khi người ở NSW có thể đến Canada nhưng chưa thể đến Cairns, hoặc từ Victoria có thể đến Singapore hoặc Bali nhưng chưa thể đến Perth” – Bộ trưởng ngân khố Josh Frydenberg ví von. Chính phủ liên bang có vẻ quyết tâm sớm mở cửa lại để Úc tái hội nhập với phần còn lại của thế giới. Thậm chí, hôm thứ Tư, Bộ trưởng Tư pháp Michaelia Cash còn “vạ miệng” khi dọa sẽ có hành động pháp lý để buộc các bang phải mở cửa biên giới. Bị phản đối là “đe nẹt chính quyền địa phương”, Cash nói bà “đã bị hiểu lầm”. Tuy nhiên, Stepsys vẫn hoài nghi về cuộc sống sẽ tự do trở lại. Ông tin rằng sẽ lại bị lockdown nữa nếu các bệnh viện quá tải. “Vì có kẻ vẫn muốn mình nước Úc tiếp tục là vô địch thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19!” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: