Trục ác rõ dần trong cuộc xung đột mới ở Trung Đông

Một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những người ủng hộ Palestine và những người ủng hộ Israel tại một cuộc biểu tình ở Times Square, New York City (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Sau cuộc đột kích và thảm sát dân thường của phiến quân Hamas bên trong lãnh thổ Israel, mối đe dọa Iran-Trung Quốc-Nga càng rõ ràng hơn. Một trục ác đã chính thức hình thành mà không còn cần “úp, mở” như trước. Thế giới phương Tây không thể bỏ qua thực tế nguy hiểm này.

Cuộc tấn công khủng bố ngày 7 Tháng Mười của Hamas bên trong lãnh thổ Israel không chỉ là cuộc tàn sát người Do Thái mà là giết hại bừa bãi dân thường, không phân biệt quốc tịch, tuổi tác. Thương vong chủ yếu là người Do Thái, nhưng người không phải Do Thái cũng nằm trong số hơn 1,400 nạn nhân thiệt mạng. Họ đến từ hàng chục quốc gia, gồm Argentina, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Romania, Nam Phi, Thái Lan và Mỹ.

Tất nhiên, cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười là nhắm vào nhà nước Israel vì Hamas (và Hezbollah ở Lebanon; Houthis ở Yemen) đều là những con rối khác của Iran với lập trường chung: Nhà nước Do Thái không có quyền tồn tại. Tuy nhiên, đối với những kẻ cuồng tín Hồi giáo như Hamas, học thuyết của chúng còn tệ hơn thế nữa: Người Do Thái nhất định phải… chết, nhất định phải bị tiêu diệt!

Hãy xem xét đoạn ghi âm quân đội Israel vừa công bố về một chiến binh Hamas hân hoan gọi điện cho cha mẹ và hét lên: “Con đã giết rất nhiều tên Do Thái. Mẹ ơi, con trai mẹ là một anh hùng!”. Nhiều nhà quan sát nghiêm túc và thẳng thắn biết rất rõ rằng chủ mưu và tài trợ, chiến lược gia và chiến thuật gia của cuộc tàn sát là những kẻ có địa chỉ ở… Tehran.

“Chính Iran đã đột kích Israel” – Robert C. O’Brien (cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Donald Trump và từng là đặc phái viên của tổng thống về các vấn đề con tin trong khoảng thời gian hàng chục con tin Mỹ trở về nhà) khẳng định như thế trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào tuần trước. Được hỏi về Hamas và vụ thảm sát 7 Tháng Mười, Robert C. O’Brien nói:

“Hamas không phải là những tên khủng bố đơn thuần mà là những kẻ giết người hàng loạt. Tôi nghĩ nên gọi chúng như thế cho đúng bản chất. Hãy tưởng tượng những kẻ giết người hàng loạt như Ted Bundy hoặc John Wayne Gacy sống bên cạnh nhà bạn và là hàng xóm của bạn. Làm sao bạn có thể nhận chúng là hàng xóm khi chúng vừa giết vài đứa con của bạn. Làm sao bạn có thể nói: ‘Chà, chỉ cần xây một bức tường cao hơn là ta và chúng vẫn là hàng xóm! Có sao đâu? Nói thế là chủ quan chết người. Những kẻ giết người phải bị nhổ tận gốc. Đó là sự rõ ràng và quyết tâm cần thiết ngày nay”.

Nhà bình luận Hugh Hewitt viết trên The Washington Post: Hãy nghĩ về hai lãnh đạo quốc gia liên minh với Ayatollah Ali Khamenei, người được gọi là “Lãnh đạo tối cao” của Iran? Đó là nhà độc tài Tập Cận Bình ở Trung Quốc và Tổng thống Vladimir Putin ở Nga. Sự tàn ác của những tên bạo chúa là không có gì phải bàn cãi.

Khamenei, trước khi hỗ trợ và khuyến khích cuộc tàn sát ngày 7 Tháng Mười ở Israel đã đàn áp các cuộc biểu tình tại đất nước mình khiến hàng trăm người thiệt mạng. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Tập Cận Bình đã gây ra tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Putin từ lâu đã thể hiện “xuất sắc” sự dã man trong cuộc tấn công của Nga vào Chechnya thập niên 1990. Ông ta lập lại sự tàn bạo đó trong cuộc xâm lược Ukraine.

Còn nhiều người phương Tây vẫn còn ngây thơ về cái ác của Tập và Putin. Và họ tiếp tục ngây thơ về cái ác của Hamas nói riêng và lực lượng vũ trang Thánh chiến nói chung ở Trung Đông. ĐCSTQ đã nỗ lực che giấu chiến dịch chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Cũng tương tự cách mà Hamas chối biến tội ác của chúng. Nói như tướng về hưu David Petraeus và nhà sử học Andrew Roberts trong cuốn sách mới “Conflict” của họ:

“Tội ác chiến tranh Nga gây ra ở Ukraine vẫn chưa được biết đầy đủ. Nhưng đừng nhầm lẫn. Nga, Trung Quốc và Iran liên minh với nhau như kẻ thù của tự do và dân chủ. Họ dựa vào nhau và chia sẻ cho nhau từ nguyên liệu thô, vũ khí đến đầu tư để tìm cách thống trị thế giới. Thế lực tàn ác này đang gây chiến với phương Tây. Đây không phải là ‘sự xung đột giữa các nền văn minh’ như Samuel P. Huntington dự đoán vào thập niên 1990 mà là ‘cuộc xung đột giữa nền văn minh và những kẻ man rợ’. Nếu chúng ta nhận thức được sự man rợ, chiều sâu của sự thoái hoá xuyên suốt của ba chế độ liên kết thành ‘trục ác’ này, chúng ta không thể đánh bại được nó”.

Vậy liệu một phương Tây hậu Thiên chúa giáo, bị trói buộc bởi các vấn đề xã hội có thể tập hợp lại để bảo vệ chính mình không – Hugh Hewitt đặt vấn đề. Ông viết:

Đây là câu hỏi khó nhưng cấp bách. Không thể đánh bại được “những chất độc tổng hợp” của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cuồng tín Hồi giáo nếu phương Tây không phân biệt được thế nào là “đạo đức và lòng nhân từ” đích thực khi có quá nhiều người nhân danh hai vấn đề này để tránh né hay phớt lờ cho bọn khủng bố, chỉ vì sợ chọc giận những tổ chức “khoác áo nhân quyền” rình chờ chụp chiếc mũ “phân biệt” trừu tượng và “phi nhân” lên người khác.

Thực tế cho thấy, đa số trường đại học ở Mỹ không lên án Hamas gây ra tàn sát ngày 7 Tháng Mười. Họ cũng không thể đưa ra các nguyên tắc của một “cuộc chiến tranh chính nghĩa” (just war) hay định nghĩa mạch lạc thế nào “tính cân xứng” (proportionality) trong luật chiến tranh! Phương Tây và kể cả những kẻ khoác áo “trí thức tử tế” cần sớm thức tỉnh trước những đe dọa không thể xem thường của những đám mây đen “trục ác” ngày càng dày hơn và gần nhà mình hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: