Từ Ba Lan – Ghi nhanh những gì chứng kiến

Tường thuật từ Warsaw
Thú nhồi bông và nến đặt bên lề đường trước Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw để tưởng niệm những trẻ em Ukraine chết vì bom đạn của Nga

Đến Ba Lan không vì mục đích “tác nghiệp” nhưng tôi lại được những bạn bè người Ba Lan gốc Việt đưa đi để chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra tại quốc gia giáp ranh với vùng chiến sự Ukraine. 

Điểm đầu tiên mà nhà hoạt động Phan Châu Thành, một doanh nhân người Ba Lan gốc Việt, chở tôi đến là Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw. Đó không phải là một tòa nhà như các đại sứ quán các nước trong khu ngoại giao đoàn ở thủ đô Ba Lan, mà là cả một đoạn dài trên đường Starościńska. Nhưng bây giờ không ai quan tâm đến sự “khổng lồ” của khuôn viên của một tòa đại sứ, mà là những gì xuất hiện ngay trước cổng của “đại diện” quốc gia đang gây chiến ở Ukraine.

Đó là hàng chữ “Slava Ukraine” (Niềm tự hào cho Ukraine) mang màu cờ Ukraine (vàng và xanh dương) được sơn công phu và cẩn thận trên lề đường đối diện Tòa Đại sứ Nga. Đó là hàng trăm con búp bê, thú nhồi bông đặt gọn gàng sau những ngọn nến như tưởng nhớ những đứa trẻ Ukraine bị giết hại bởi bom đạn của Nga. Đó là hàng chữ “Hòa bình kiểu Nga” sơn màu đỏ máu bên những chiếc đầu lâu ma quái…

Hôm 9 Tháng Năm, chủ của “dinh thự” này, Đại sứ Sergey Andreyev bị sự phản đối của hàng ngàn người dân Warszawa và người Ukraina tị nạn khi tới “Tượng đài tưởng niệm những người lính Xô Viết” để đặt vòng hoa trong ngày lễ “Mừng chiến thắng” của Nga. “Quà tặng” dành cho vị đại sứ là sơn đỏ và nước củ cải đỏ với lời “chào đón”: “Nhục nhã”, “Quân phát xít!”.

Thú nhồi bông và nến đặt bên lề đường trước Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw để tưởng niệm những trẻ em Ukraine chết vì bom đạn của Nga

Tòa Đại sứ Nga chiếm một diện tích rộng lớn tại khu “đất vàng” ở Warsaw nhưng Nga và Ba Lan từng xảy ra nhiều cuộc xung đột đẫm máu trong quá khứ, nhiều cuộc chiến tranh giữa hai nước. Trong một thời gian dài, Ba Lan nhiều lần bị các triều đại phong kiến Nga đô hộ. Thế kỷ 20, Liên Xô từng “xé Ba Lan ra thành từng mảnh nhỏ” khi bắt tay với phát xít Đức năm 1939. Một năm sau đó là vụ thảm sát ở Katyn, với gần 22,000 người Ba Lan bị giết thảm. Warsaw cũng không quên hơn bốn thập niên sống dưới ách Liên Xô cho đến khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Kể từ thời hậu cộng sản, quan hệ giữa hai quốc gia này bước sang trang sử khác, nhưng vẫn khá căng thẳng vì quá khứ bất ổn.

Hàng chữ “Hòa bình kiểu Nga” sơn màu đỏ máu bên những chiếc đầu lâu ma quái
Bảng tên đường trên cao tốc hiện lên hàng chữ “Đoàn kết với nhân dân Ukraine”
Hàng chữ “Slava Ukraine” được sơn trên lề đường đối diện Tòa Đại sứ Nga

Còn Ba Lan và Ukraine là hai quốc gia vừa là láng giềng với chiều dài biên giới chung hơn 530km, vừa có huyết thống người Slavs cổ và lịch sử gắn bó lâu dài. Khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, Ba Lan là quốc gia đầu tiên đón nhận người tị nạn từ Ukraine, và là cửa ngõ chính để chuyển viện trợ nhân đạo và vũ khí của phương Tây cho chính quyền Kyiv. Trong năm triệu người từ Ukraine di tản, Ba Lan đón nhận ba triệu người. Thủ đô Warsaw chỉ có 1.8 triệu dân, giờ đón thêm 400,000 người từ Ukraine, nhưng thành phố không có gì khác so với trước chiến tranh.

Nhà hoạt động Phan Châu Thành cho biết, khi chiến sự nổ ra, người dân tràn qua biên giới, Warsaw cũng lập trại tị nạn. Tuy nhiên, nhiều gia đình Ba Lan nhận người tị nạn về nhà mình, do đó, “dân số” có tăng đột ngột nhưng bộ mặt thành phố không trở nên lôi thôi nhếch nhác vì đường phố không có lều bạt hay cảnh người tỵ nạn vạ vật. Bản thân gia đình Thành cũng nhận nuôi hai bà mẹ và sáu đứa trẻ. Điều khác biệt duy nhất ở Warsaw trong những ngày này, là ở khu trung tâm, người ta sẽ nghe được nhiều tiếng Ukraine hơn. Người Ukraine chạy loạn sang Ba Lan không cần visa, được cấp ngay vé đi tàu điện hoặc xe buýt, được quyền đi làm ngay, và được nhận một khoản tiền để chi tiêu.

Bên lề đường trước Tòa Đại sứ Nga ở Warsaw, người dân vẽ những hình ảnh chống cuộc chiến của Putin tại Ukraine

Ba Lan là một trong những quốc gia phản đối gay gắt nhất cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, đồng thời thúc đẩy EU cũng như các nước đồng minh phương Tây đưa ra biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow. Tại cuộc họp báo ở Kyiv hôm 13 Tháng Tư, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: “Đây không phải là chiến tranh, đây là khủng bố”. Trên đường phố và một số tuyến đường cao tốc, nhiều màu cờ vàng-xanh xuất hiện bên hàng chữ “Ủng hộ Ukraine”, “Hòa bình cho Ukraine”, “Đoàn kết với nhân dân Ukraine”.

Ở cố đô Krakow, tại quảng trường chính trước Nhà thờ Đức Mẹ, mỗi buổi tối, các nhóm tình nguyện hát vang những bài ca ngợi đất nước Ukraine, phản đối chiến tranh
Tại trạm xe buýt ở Krakow có một dãy phòng kế kiếp nhau dán cờ Ukraine, chứa vật dụng, đồ chơi, thức ăn giúp người tị nạn

Khi tôi đi xe điện từ Warsaw xuống cố đô Krakow, vẫn còn nhiều tình nguyện viên mặc áo màu xanh túc trực tại các bàn đặt tại ga trung tâm để giúp người Ukraine sang tị nạn, hướng dẫn đường đi nước bước để hòa nhập ngay với cuộc sống mới. Trọng Đoàn, một trong những tình nguyện viên, cho biết những ngày đầu, có lúc ga trung tâm này dồn ứ hàng ngàn người mà tất cả đều trong cơn hỗn loạn. “Giờ thì ổn rồi, nhưng vẫn phải có người ở đây để giúp người tị nạn khi cần,” anh Trọng Đoàn nói. Không chỉ ga trung tâm mà trạm xe buýt ở Krakow cũng dành một dãy phòng kế tiếp nhau dán cờ Ukraine, chứa vật dụng, đồ chơi, thức ăn giúp người tị nạn. Đây cũng là nơi tiếp nhận quà tặng từ những người hảo tâm muốn giúp Ukraine.

Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki: “Nếu Putin bẻ gẫy được Ukraine thì sẽ đến lượt chúng ta (…) Chỉ một hay hai năm nữa, Vladimir Putin sẽ hướng tới những mục tiêu kế tiếp, mà những mục tiêu đó sẽ là Phần Lan, Litva, Ba Lan, Rumani và rất có thể là kể cả Đức.”

Bài và ảnh: Đoan Trang

_______

Xem ‘cỗ máy giết người hàng loạt’ ở Ba Lan

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: