Tướng cấp cao nào đã quyết không giết dân ở Thiên An Môn?

Tướng Qin JiWei (giữa) chụp chung với Đặng Tiểu Bình (bên phải) năm 1984

BẮC KINH: Vào Tháng Năm 1989, vị tướng tài ba và là tư lệnh của Lộ quân 38th, trung tướng Xu Qinxian, không tuân lệnh của vị chỉ huy tối cao quân đội lúc đó là Đặng Tiểu Bình, bảo phải tiến vào Bắc Kinh.

Tướng Xu đã không tham gia vào việc giết hàng trăm sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn, vụ giết người mà ngày nay được gọi một cách đơn giản là sự kiện Lục Tứ và xem như là vụ quân đội nhúng tay vào giết dân xấu xa nhất trong lịch sử sáu mươi năm của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Vụ tắm máu này gây ra chia rẽ trong nội bộ Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân và nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Warren Sun, một người có ảnh hưởng tại Monash University bàn về lịch sử nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, nói: “Trường hợp tướng Xu tiêu biểu cho sự bất đồng ý kiến trong nội bộ quân đội”. Ông tiếp: “Lúc đó Đặng Tiểu Bình quả thật lo sợ sẽ có một cuộc đảo chính do quân đội gây ra”.

Vụ tàn sát tại Thiên An Môn tiếp tục làm hoen ố uy tín các đảng viên kỳ cựu đã ra lệnh đàn áp, làm theo sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, và tiếng xấu đó đổ lên thế hệ đảng viên bảo thủ đã có được cơ hội thăng tiến nhờ vào việc các đồng chí có khuynh hướng ôn hòa đã bị trừng trị hoặc bị gạt ra rìa khi bất tuân lệnh đàn áp sinh viên.

Vết thương nội bộ này vẫn còn rỉ máu, biểu hiện qua việc ngày kỷ niệm vụ Thiên An Môn thứ 21 này sẽ không được công khai nhắc đến tại Trung Quốc. Nhưng các hành động can đảm bất tuân lệnh vẫn còn sống trong lòng các quân nhân và các đảng viên kỳ cựu với sự tin tưởng một ngày nào đó những người từ chối tham gia vào việc đàn áp tại Thiên An Môn sẽ được xem như là những người dũng cảm.

Vào khoảng ngày 20 Tháng Năm, 1989, tướng Zhou Yibing, tư lệnh Quân Khu Bắc Kinh, đã gửi lệnh tiến quân đến doanh trại của tướng Xu tại Baoding, Nam Bắc Kinh. Một vị tướng đang phục vụ trong quân đội kể lại cho phóng viên tờ Sydney Morning Herald là “Khi được lệnh tiến vào quảng trường Thiên An Môn, tướng Xu đặt ra một loạt câu hỏi”. “Ông ta hỏi có phải là lệnh từ Triệu Tử Dương”, người lúc đó là Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Quốc nhưng đã bị gạt ra ngoài vì chống lại chủ trương dùng vũ lực đàn áp. Khi câu trả lời là “Không” thì tướng Xu từ chối không đem quân đi.

Tướng Xu nổi tiếng là người vì lương tâm mà bất tuân thượng lệnh nhưng không phải là người duy nhất. Một số nguồn tin cho biết, tướng Qin Jiwei, người đỡ đầu cho tướng Xu, lúc đó là Bộ trưởng quốc phòng và là ủy viên Bộ Chính trị đã định liên kết với Triệu Tử Dương để chống lại lệnh thiết quân luật. Triệu Tử Dương bị thanh trừng, cách chức và bị quản chế tại gia cho đến hết đời.

Một vị học giả, con một quân nhân dưới quyền tướng Qin kể: “Ông ta được lệnh ban hành thiết quân luật (sau cuộc họp với Đặng Tiểu Bình ngày 17 Tháng Năm) nhưng ông bất tuân lệnh, lấy cớ rằng ông ta cần phải có lệnh của đảng. Sau đó ông gọi đến văn phòng của Triệu Tử Dương vào đợi bốn tiếng đồng hồ, cho đến 2 giờ rưỡi sáng để chờ cú điện thoại Triệu Tử Dương gọi lại ra lệnh là không nghe lời Đặng, nhưng cú điện thoại đó không bao giờ có.

Không có xác nhận công khai về sự kiện này cũng như từ những người cộng sự gần gũi với Triệu Tử Dương. Vị tướng trong quân đội này cũng trả lời câu hỏi của phóng viên tờ Herald về vụ tướng Xu bằng cách đưa ra trường hợp tướng He Yanran, Tư lệnh Lộ Quân 28. “Tướng He bị đưa ra tòa án quân sự vì đoàn xe thiếp giáp và xe chở quân của ông bị đốt cháy bởi người dân hai bên đường đang tức giận mà ông không ra lệnh đuổi họ đi”. Tướng Xu bị giam năm năm và có lẽ đang sống một cuộc sống thầm lặng, thỉnh thoảng có liên lạc với một số thân hữu có tinh thần đổi mới. Tướng Qin sau đó vẫn được chế độ miêu tả như là người ủng hộ chủ trương đàn áp nhưng thật ra bị tước hết quyền lực cho đến lúc qua đời vào 1997. Còn tướng He thì bị giáng cấp.

Nguồn: Sydney Morning Herald; Minh Đức lược thuật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: