Tại sao Putin không thể nhấn nút?

Vladimir Putin (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

Khi nói đến Putin, hàng trăm câu chuyện phía sau nâng ông ta lên tầm của người hùng nước Nga. Những gì Putin làm khiến người dân Nga hừng hực tin rằng chính Putin chứ không ai khác sẽ là người cứu rỗi dân tộc Nga sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Putin làm cho người Nga tin rằng sức mạnh của quân đội Nga được Putin vực dậy sẽ san phẳng mọi ý đồ của phương Tây khi muốn làm nhục Nga bằng kinh tế, quân sự lẫn chính trị. Người Nga đã tin và còn tin như thế, ít nhất là ngay khi cuộc chiến với Ukraine mở màn với tuyên bố hùng hồn của Putin: Chỉ trong 72 giờ quân đội Nga sẽ vào Kyiv và người dân Ukraine sẽ choàng vòng hoa cho quân “giải phóng”.

Nhưng điều đó không xảy ra. Đội quân được xem là hùng mạnh nhất thế giới đã bị chặn đứng bởi người dân và quân đội Ukraine. Vũ khi thô sơ, thiếu thốn nhưng sức mạnh của lòng yêu nước Ukraine đã buộc quân Nga phải dừng lại và co cụm trong tư thế phòng thủ và… chạy trốn, vốn không phải là tính cách của một quân đội hiện đại. Hàng trăm chiếc xe tăng già nua gục ngã làm nghẹt cả một vùng hành quân. Hàng ngàn xe chuyên dụng nối đuôi nhau lăn lóc bên vệ đường, chúng không bị bắn cháy mà vì lốp xe bị nổ, xăng cạn kiệt còn binh lính lang thang lếch thếch tìm nhà dân xin thực phẩm… Hình ảnh của đạo quân viễn chinh tụt xuống tận đáy của nhục nhã lẫn bi thảm… Hình ảnh mà Putin không muốn cho thế giới trông thấy, nhất là người Nga vì nếu họ nhìn những mảnh vụn hình ảnh được chấp lại thì xem như Putin rơi mặt nạ, chiếc mặt nạ mà ông ta đã dày công thêu dệt từ bao nhiêu năm qua.

Ít nhất là thêu dệt cho đội quân hiện đại của Nga qua các lần trình diễn vũ khí trước mặt thế giới.

Là nước bán vũ khí hạng nhì thế giới không ai có thể tin rằng quân đội Nga lại bi thảm đến thế. Tuy nhiên nhiều chuyên gia quân sự đã giải mã những gì mà Putin che đậy nay đã lộ ra sau cuộc chiến Ukraine: Quân đội Nga không mạnh như thế giới nghĩ. Cái sức mạnh của Nga chẳng qua là những kịch bản tuyệt hảo làm mờ mắt thế giới nhằm mục đích bán vũ khí và thực chất những vũ khí gọi là hiện đại vẫn chưa bao giờ xuất kho thay vào đó là những loại vũ khí được đánh bóng, sơn sửa lại rồi bán ra mà không cần chứng minh hiệu quả công phá của nó.

Tướng Valery Gerasimov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (ảnh: Alexei NikolskyTASS via Getty Images)

Trong lần giới thiệu vũ khí tại Hội chợ thế giới năm 2018 Nga đã chào hàng những loại vũ khí được xem là hiện đại nhất trong đó gồm: 295 mẫu vũ khí và thiết bị quân sự hàng đầu của Bộ Quốc phòng Nga được trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự quốc tế Army 2018. Xe trượt tuyết quân sự TTM 1901-40 và A1, cùng với mẫu xe địa hình ATV AM1/ Siêu xe bọc thép chiến đấu Boomerang phiên bản BMP có khối lượng lên đến 25 tấn/ Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba T-14 Armata/ Xe chiến đấu bộ binh Armata T-15/ Xe chiến đấu hộ vệ xe tăng BMPT-72 còn được biết đến với cái tên “Kẻ huỷ diệt 2”/ Pháo chống tăng tự hành 2S25M “Sprut-SDM1”…

Bốn năm sau, những loại vũ khí ấy không có bất cứ thứ nào xuất hiện trong cuộc chiến với Ukraine ngay cả khi thế giới cho rằng nếu tiếp tục xử dụng vũ khí thô sơ có từ thời Thế chiến thứ II thì Putin sẽ vỡ trận. Carlo Masala, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Bundeswehr ở Munich, nói: “Tất cả các thiết bị công nghệ cao mà người Nga đã khoe ra trên các phương tiện truyền thông kể từ năm 2008 đều không được nhìn thấy ở Ukraine”.

Năm 2008, nước Nga đã tiến hành các cuộc cải cách quân sự quy mô. Các lực lượng vũ trang được hiện đại hóa, và các trang thiết bị cũ của Liên Xô được thay thế bằng những kỹ thuật mới nhưng sự thật về những cải cách này được chứng minh một sự thật khác mà dân Nga chưa bao giờ được truyền thông Nga bật mí: Tham nhũng.

Theo xếp hạng của Transparency International, tham nhũng tại nước Nga đứng hàng 154 trong 175 quốc gia mà kẻ “đầu tàu” vấn nạn này là Putin, kẻ kêu gọi cho nước Nga mạnh trở lại!

Putin có số tài sản ước tính được cho là 36 tỷ euro. Con số thật sự có thể lớn hơn rất nhiều. So sánh với tất cả các lãnh đạo thế giới kể cả Tập Cận Bình, Putin vẫn là “lãnh đạo” về tài sản tham nhũng không có đối thủ. Tài sản của Putin được các tài phiệt Nga chia phần từ những thương vụ mua bán dầu và vũ khí. Hai nguồn lợi lớn nhất nước Nga được Putin khéo léo sắp xếp cho tay chân và ông ta nắm phần lợi lớn nhất trong các tập đoàn nhà nước Nga.

Tuy kêu gọi cải cách quốc phòng nhưng trong thâm tâm ông ta và các tướng lãnh dưới quyền đều tin rằng không nước nào dám gây chiến với Nga nên thay vì tiền bỏ vào quân đội sao không bỏ thằng vào túi mình? Nhưng ác nỗi, lần này chính nước Nga gây chiến và xâm lược nước khác nên bộ sậu của Putin bị rơi mặt nạ, tất cả hiện ra một bức tranh “ông vua ở truồng” mà vai chính là “đại đế” Putin.

Xấu hổ quá, Putin chơi bài liều như Chí Phèo tự rạch mặt mình rồi kêu cả làng Vũ Đại ra mà chửi, Putin không chửi, Putin hăm dọa: vũ khí hạt nhân. Hơn 10 ngày nay cả phương Tây đều chùn lại. Mỹ không cho Ba Lan mang Mig sang Đức vì sợ Putin làm liều. NATO không dám đưa tay kéo Ukraine vào Liên Minh. Vùng cấm bay bị khước từ và Putin tiếp tục rung đùi thích thú.

Những gì còn lại của một cỗ đại bác; Sytniaky, Ukraine, ngày 5 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Nhưng Putin quên rằng Mỹ, và có lẽ cả NATO đều luôn theo dõi nguồn thông tin về vũ khí bí mật của Nga. Nếu bây giờ chưa công bố thì ngày nào đó khi chiến sự vỡ ra, Putin và nước Nga sẽ ngỡ ngàng cho cái trò “lừa đảo” của phương Tây, bởi, những nguyên tắc chế tạo, bảo hành, phát triển vũ khí hạt nhân của Nga đều nằm trong tay của Mỹ.

Putin không nên quên rằng Mỹ là nước đầu tiên có bom nguyên tử và cũng là nước có lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Vì lớn nên Mỹ phải bảo vệ nó bằng mọi cách nếu không kẻ nào đó như bọn khủng bố chẳng hạn muốn phá hoại kho vũ khí này có phải là Mỹ ôm hận không?

Vũ khí hạt nhân vì sức phá hoại và kỹ thuật cao nên việc quản lý, bảo dưỡng chúng là một môn khoa học. Chúng đòi hỏi tiền bạc và kỹ thuật tân tiến chứ không phải cứ cất giấu một nơi khi cần mang ra bấm nút là được. Do cất giấu trong một thời gian dài, chúng cần được theo dõi và gìn giữ trong tình trạng tốt nhất để không bị hư hại hay trục trặc kỹ thuật. Bởi vì, trong quá trình lưu trữ, các chất phóng xạ có thể bị phân rã và bị bẻ gãy liên kết, làm chất nổ bị phân hủy gây ra sự suy giảm về khả năng công phá.

Bên cạnh đó, sự không tương thích giữa các chất hóa học và vật liệu chế tạo cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ ăn mòn hóa học khiến cho các chỉ số kỹ thuật của đầu đạn bị ảnh hưởng theo thời gian, ngoài ra nếu không được bảo quản, bảo dưỡng đúng quy trình khi đưa vào sử dụng, đầu đạn hạt nhân sẽ không nổ và không phát huy được khả năng hủy diệt của nó.

Những sĩ quan Không quân Nga bị bắt trong một cuộc họp báo tại Kyiv ngày 11 Tháng Ba 2022 – trái sang: Thiếu tá Aleksei Golovenskiy; Đại tá Maxim Krishtop; Đại úy Aleksei Kozlov (ảnh: Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images)

Hơn nữa đầu đạn hạt nhân chứa một số lượng lớn vật liệu và thành phần hóa học cực kỳ nhạy cảm với môi trường và có tính phóng xạ cao. Do đó, môi trường lưu trữ, bảo quản yêu cầu phải rất nghiêm ngặt. Các hệ thống vũ khí phóng và đầu đạn hạt nhân phải được lưu trữ một cách có hệ thống để dễ kiểm tra và bảo trì, thiết lập một hệ thống kiểm tra và bảo vệ an ninh hoàn chỉnh; các nhân viên bảo quản phải tuân thủ các quy tắc, quy định nghiêm ngặt, thường xuyên kiểm tra tiêu chuẩn, bảo vệ hiệu quả.

Tất cả yêu cầu nghiêm ngặt này đều được thông qua bởi… tham nhũng và vì vậy nó không bao giờ được tuân thủ theo những bước như đã được quy định. Một công việc đơn giản nhất trong việc bảo trì vật tư quân dụng là các lốp xe cũng bị ăn chặn đến nỗi hàng trăm chiếc xe nằm ụ trên đường vì vỡ lốp tại Ukraine. Theo Telenko, chuyên gia về xe tải quân sự ở Mỹ cho biết “xe tải quân sự thường không phải di chuyển liên tục mà phải nằm đợi trong kho chờ triển khai.

Cho nên, những chiếc xe này phải được cho chạy bảo trì và chăm sóc thường xuyên để tránh hư hỏng. “Nếu bánh xe tải quân sự nằm yên trong nhiều tháng, vành bánh sẽ trở nên giòn”, Telenko nói. Chúng có thể rách toạc ngay cả khi chạy một khoảng cách ngắn. Đây chính là chuyện đang xảy ra với nhiều phương tiện bị hư hỏng của Nga. Vỏ xe là loại rẻ tiền và dễ bảo quản nhất nhưng Bộ Quốc phòng Nga không làm thì liệu bảo trì kho vũ khí hạt nhân muôn phần rắc rối và tốn kém hơn có được làm hay không? Từ suy luận này liệu phương Tây có thật sự lo lắng Putin sẽ kích hoạt hệ thống vũ khí hạt nhân hay chỉ là trò hù dọa?

Xác lính Nga tại Sytniaky, phía Tây Kyiv; ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Tổng thống Eisenhower là người đầu tiên nghĩ ra chiếc vali hạt nhân. So với Mỹ, Nga bắt đầu có vali hạt nhân chậm hơn tới 20 năm. Vali hạt nhân của Nga có tên là Cheget, là một phần trong hệ thống tự động hóa điều khiển các lực lượng hạt nhân, được chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1983.

Về cơ bản, tại Mỹ, quyền kích hoạt cuộc tấn công hoàn toàn thuộc về tổng thống. Về lý thuyết, tổng thống là người kích hoạt nhưng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ trực tiếp thực hiện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể bất tuân nếu nghi ngờ động cơ của tổng thống.

Trong khi đó thì Nga có tới ba chiếc vali hạt nhân Cheget, do Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng quân đội quản lý. Theo tờ Dailymail, chiếc vali hạt nhân Cheget luôn theo sát Tổng thống Putin chỉ là một trong ba vali hạt nhân. Bên cạnh ông chủ Điện Kremlin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu và người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valeriy Gerasimov.

Trong lúc quân đội Nga đang bị Tổng thống Putin lên án, tám tướng lãnh bị thay thế vì ba tướng đã bị quân Ukraine loại khỏi cuộc chiến, liệu Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu hay Tổng tham mưu trưởng Valeriy Gerasimov có dám làm Lê Lai cứu Putin hay không tùy thuộc vào lương tri của họ. Con người, nhất là những kẻ trên chóp đỉnh quyền lực luôn sợ hãi khi quyết định có tính lịch sử của mình. Putin điên và dở hơi nhưng dưới trướng của ông ta có thể là những người còn chút lương tâm, không đành lòng vì quyết định của mình mà cả quốc gia bị hủy diệt.

Nguồn tham khảo:

https://warontherocks.com/2022/03/maintaining-americas-nuclear-deterrent/

https://www.ucsusa.org/nuclear-weapons/solutions

https://warontherocks.com/2020/06/revelations-about-russias-nuclear-deterrence-policy/

https://en.wikipedia.org/wiki/Russia_and_weapons_of_mass_destruction#:~:text=Russia’s%20predecessor%20state%2C%20the%20Soviet,treaty%20with%20the%20United%20States.

http://hvlq.vn/tin-tuc/tin-quoc-te/cong-tac-quan-ly-bao-quan-bao-duong-tieu-huy-vu-khi-hat-nhan

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: