Tin Nhắn Của Bà Dì, Giữa Mùa Bầu Cử Chưa Xong

Hình ảnh một cuộc bầu cử dân chủ tại miền Nam trước 1975

Sáng nay, thằng con tôi kể: tự nhiên khuya qua bà Dì T (ở Việt Nam) nhắn tin cho con: “Ông Trump thắng cử thì cả nhà bà mở tiệc mừng, Đô à!”. Dì sống gần trọn cuộc đời ở quê ngoại tôi (Nghệ An), là một người chân chất hiền lành, kinh doanh nhỏ tại nhà và rất ít khi thấy bà nói chuyện chính trị. Nơi quê hương đó, có lẽ chưa bao giờ Dì bị cuốn vào một cuộc bầu cử nào, và cũng có lẽ chưa bao giờ bà có được cảm giác về sức nặng của một lá phiếu trong tay – như là nơi ký thác niềm tin, sự chọn lựa và quyền hạn của một công dân được tham gia vào vận mệnh xứ sở.

Rồi những ngày này, dòng thác thông tin về cuộc bầu cử Mỹ 2020 đã cuốn được Dì tôi vào lực hút của nó, đánh thức cái khao khát được cất tiếng nói, được quyền chọn lựa và trông mong, đánh thức cái cảm giác về giá trị công dân bị lãng quên ở một nơi mà chuyện bầu cử từ lâu đã không còn chút mùi vị thực sự nào. Và Dì đã thể hiện cái khao khát ấy bằng “lá phiếu” nhiệt thành cho Tổng thống Mỹ và bằng dòng tin nhắn chân thật gửi cho đứa cháu trai đang sống ở đất nước ông Trump, cách nơi bà nửa vòng quả đất.

Nước Mỹ đang có một cuộc bầu cử lịch sử “vô tiền khoáng hậu” với số dân tham gia bầu cử cao ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Những ngày này, người ta biết đến câu chuyện về những người quyết tâm đi bầu như Jeff Wilson, cư dân Texas đang làm việc ở Los Angeles, California do không nhận được phiếu bầu qua mail nên đã lái xe hơn 20 tiếng về Kendall County-Texas cho kịp ra điểm bầu cử. Hay vợ chồng ông Ezra Rosser, cư dân Virginia làm việc ở Colorado. Họ đã bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhưng đến khi kiểm tra phiếu người chồng đã tới, còn phiếu của vợ ông có thể không tới kịp. Thế là họ lái xe suốt ba ngày về nhà ở Virginia để kịp đi bầu trực tiếp. Ông Rosser nói: “Tôi muốn có thể nhìn thẳng vào mặt các con tôi và nói với chúng nó rằng chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình!”.

Những hình ảnh bầu cử tại miền Nam trước 1975 (nguồn: Tư liệu tổng hợp)

Có lẽ chưa lúc nào người dân cảm nhận sức mạnh của lá phiếu – sức mạnh công dân – mạnh mẽ như lần này với vận mệnh quốc gia trong cơn khủng hoảng của đại dịch Covid và sự chia rẽ xã hội trầm trọng. Giữa những ngồn ngộn thông tin hình ảnh về bầu cử Mỹ, tình cờ hôm qua tôi lại thấy trên trang “Lịch sử hiện đại: chiến tranh và cách mạng” đăng tải tấm ảnh vận động bầu cử Sài Gòn năm 1967 có hai cô gái trẻ mặc áo dài chạy xe máy với tấm bảng viết tay phía trước “Bạn lãnh thẻ cử tri chưa?”.

Một bức ảnh thật hay. Nó làm tôi nhớ cái cảm giác 17 năm trước, lúc biên tập bản thảo quyển sách “Hồi Ký Không Tên” của nhà báo Lý Quí Chung, tôi đã ngạc nhiên thích thú khi đọc tới chương “Chung quanh cuộc bầu cử Sài Gòn 1967” mà ông là người trong cuộc. Đó là lần đầu tiên tôi biết tới những khái niệm “liên danh” ứng cử tổng thống, thể thức bầu cử, vai trò Quốc hội… để ra được một ông tổng thống của chính quyền Sài Gòn là thế nào.

Sự sôi động, quyết liệt, sự can thiệp của người Mỹ, những cái bắt tay trong bóng tối chính trường, cuộc bầu cử có tới 11 “liên danh” ra ứng cử mà liên danh phe quân đội của các ông Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ đã không được người dân Sài Gòn ủng hộ bằng liên danh đối lập Trần Văn Hương-Mai Thọ Truyền với quan điểm chống độc tài quân phiệt, chống chiến tranh… Tôi chắc rằng hai cô gái áo dài đi xe máy có tấm bảng “Bạn lãnh thẻ cử tri chưa?” trong tấm ảnh kia là trong ban vận động bầu cử. Họ chạy khắp Sài Gòn gọi nhắc người dân đi bầu với niềm tin vào một nền dân chủ cho miền Nam trong giai đoạn lịch sử đầy biến loạn. Nó không khác gì những banner kêu gọi cử tri đi bầu dày đặc trong mùa bầu cử ở Mỹ năm nay. Vote, Vote, Vote…

Vote – bầu cử – cũng chính là một trong những nội dung quan trọng ở phần “Tương Tác Chính Trị” trong quyển “Chính Trị Bình Dân” của nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang. Ngay trong phần đầu của chương “Bầu cử”, Trang viết: “Bầu cử là một cách tuyệt vời để kiểm soát quyền lực nhà nước, kiểm soát việc một cá nhân, tổ chức, đảng phái nắm quyền lực nhà nước…”.

Và cô đưa ra ví dụ: “Nhiều đối thủ chính trị của Abraham Lincoln gọi ông là nhà độc tài bởi vì ông đã từng bất chấp Hiến pháp mà làm những việc như: tống một số đối thủ vào tù, tiêu tốn hàng triệu đôla vào quân sự và ra lệnh cho quân đội hành động quân sự mà không hề hỏi ý kiến Quốc hội. Những người ủng hộ Abraham Lincoln đáp lại rằng mặc dù đúng là ông đã để tận dụng quyền lực của tổng thống trong trường hợp khẩn cấp nhưng ông không phải nhà độc tài. Bởi lẽ trong các kỳ bầu cử năm 1862 và năm 1864, cử tri hoàn toàn có thể loại bỏ những người ủng hộ Lincoln ra khỏi Quốc hội và loại bỏ luôn Lincoln ra khỏi ghế tổng thống. Bất kỳ quan chức nhà nước nào mà có thể bị mất chức vì một cuộc bầu cử tự do thì đều không phải là độc tài”.

Tôi đọc những dòng ấy trong quyển Chính Trị Bình Dân bản PDF tải từ trang “Luật khoa tạp chí”. Hôm nay (5-11) cũng là ngày kỷ niệm sáu năm thành lập trang mạng này mà Đoan Trang là một trong những người sáng lập. Hôm nay Trang bị giam giữ vừa tròn một tháng. Khi cuộc bầu cử ở Mỹ sắp bước qua ngày thứ 5 căng thẳng của một sự kiện chính trị chấn động thu hút cả thế giới, thu hút cả những người dân bình thường trước nay không hề nói về chính trị như Dì của tôi. Nhớ Trang. Nếu không bị giam cầm, hẵng bây giờ cô đang quan sát cuộc bầu cử đặc biệt này để có thể bổ sung vào quyển sách hữu ích của cô thêm nhiều ví dụ thực tiễn. Thực tiễn về bầu cử của nền dân chủ Mỹ 2020, thực tiễn về những người Việt Nam như Dì của tôi đang hào hứng theo dõi từng diễn biến cuộc bầu cử như thể chính họ đang bầu cử cho nguyên thủ quốc gia mình.

Trang Luật Khoa Tạp Chí hôm nay đã kịp có bài “Theo dõi bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, mơ về bầu cử chủ tịch xã, phường Việt Nam” trong đó có đoạn: “Một khát khao thầm kín của nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi, đó là được tự do bầu chọn người lãnh đạo đất nước… Khát khao đó được nhiều người thể hiện một cách gián tiếp thông qua việc theo dõi, bàn luận về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Một người bạn đã than thở trên Facebook “Nhìn bầu cử Mỹ mà đau cho dân Việt”.

Nhưng tôi lạc quan hơn, không thấy đau, mà hy vọng. Một người dân bình thường đơn giản như Dì tôi mà đã quan tâm đến bầu cử Mỹ đến như thế nghĩa là đã bắt đầu biết được sức hút và giá trị của bầu cử, bắt đầu thấy thế nào là một cuộc bầu cử dân chủ thật sự. Với tôi, Dì yêu thích ứng cử viên nào không quan trọng. Quan trọng là Dì, qua báo chí và Facebook, đã có thể hồi hộp như tôi ở đây, trước những cái tên Donald Trump, Joe Biden; trước những màu sắc bang xanh bang đỏ; trước những con số nhảy nhót trên bảng đếm phiếu bầu; trước cảm giác được chọn lựa và được hy vọng. Bầu cử lần này có khác gì một bài học Chính Trị Bình Dân nhập môn về bầu cử mà mọi người dân trong ngoài nước Mỹ đều được dự phần.

Đêm nay dù nước Mỹ vẫn chưa biết được kết quả sau cùng ai sẽ là tổng thống thứ 46 nhưng nền dân trị Mỹ đang bước một bước dài tiếp tục con đường chinh phục và đầy thử thách của nó. Mà thử thách mới nhất, đến lúc này, là việc kiểm những lá phiếu cuối cùng để quyết định ai là người thật sự xứng đáng ngồi trong Tòa Bạch Ốc.

Huntington Beach, California, 5-11-2020

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: