Bảo hiểm nhân thọ liên kết với nhà băng, ép người vay tiền 

Khách hàng tụ tập trước ngân hàng SCB đòi trả lại tiền gửi ngân hàng bị dụ thành mua bảo hiểm nhân thọ – Ảnh: Công An Nhân Dân

Hiện nay, dân Sài Gòn đến ngân hàng gửi tiền thường bị nhân viên “dụ” mua bảo hiểm nhân thọ. 

Gần như 100% nhà băng ở Việt Nam hiện nay đều buộc nhân viên bán thêm bảo hiểm nhân thọ. Bài điều tra hôm 13 Tháng Hai 2023 của Tuổi Trẻ tiến hành trong 6 tháng, khi cho phóng viên đi cùng khách hàng…. đã hé lộ nhiều góc khuất của nhà băng Việt Nam. Bất chấp lệnh cấm nhà băng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ từ ngân hàng nhà nước, khi khó “dụ” người gửi tiền, nhà băng và công ty bảo hiểm quay qua ép người vay tiền. 

Vài trường hợp cụ thể của khách hàng đi vay bị nhà băng ép mua bảo hiểm nhân thọ của khách hàng đã được ghi nhận. Đó là trường hợp của vợ chồng bà Hoa khi vay 750 triệu đồng ($31,772) ở ngân hàng Quân Đội (MB Bank) chi nhánh Hà Nam. Mặc dù đã thế chấp mảnh đất, nhưng để được giải ngân nhanh, họ phải mua bảo hiểm nhân thọ có mức phí 15 triệu đồng/năm ($635) của công ty MB Ageas. Vì trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản người mua có 21 ngày cân nhắc để hủy hợp đồng, bà Hoa đến hủy hợp đồng trong khoảng thời gian đó, nhưng ngân hàng ra điều kiện: Nếu hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì phải trả hết nợ ngay trong một lần, với lý do khoản vay của ông bà ưu tiên được giải ngân sớm vì đã tham gia sản phẩm bổ trợ của ngân hàng. Có nghĩa là nếu không mua bảo hiểm nhân thọ, khoản vay sẽ được giải ngân vài ngày hoặc…. sang năm!

Kể cả khi đã hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cũng không được yên. Đó là trường hợp của bà Linh khi vay tiền ở Ngân hàng Công Thương (Vietinbank TP. Biên Hòa, Đồng Nai), với điều kiện mua gói bảo hiểm nhân thọ Manulife phí 40 triệu đồng/năm ($1,694) mới giảm lãi suất vay và được giải ngân nhanh. Khi bà Linh hủy gói bảo hiểm nhân thọ, Vietinbank ra điều kiện: phải chọn “cái khác thay thế” như sản phẩm tiền gửi kỳ hạn, hoặc sản phẩm tài trợ thương mại, hoặc tài khoản số đẹp… Nếu khách hàng hủy bảo hiểm nhân thọ và không chọn “cái khác thay thế” thì lãi suất từ 9.5%/năm sẽ tăng lên 11.5%/năm, rõ là “bán bia kèm đậu phộng”!

Bà Giang buộc phải cầm trên tay hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Prudential khi vay tiền của ngân hàng VIB – Ảnh: Tuổi Trẻ

Một trường hợp khác là bà Giang. Tháng Hai 2022, bà đến ngân hàng VIB vay 2.7 tỷ đồng ($114,382), ngân hàng đề nghị muốn giải ngân khoản vay phải mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Prudential khoảng 30 triệu đồng/năm ($1,270). Tuy nhiên, lúc thủ tục giải ngân sắp hoàn tất, bà lại nhận đề nghị phải mua gói bảo hiểm hơn 150 triệu đồng/năm ($6,354) mới “phù hợp” với khoản vay. Sợ không vay được sẽ mất tiền cọc mua đất, nên bà buộc phải đồng ý.  Sau đó, trong thời hạn 21 ngày cân nhắc, bà Giang đòi hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng sau ba lần gửi đơn khiếu nại, gần 7 tháng chờ đợi, bà Giang vẫn chưa được Prudential hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ! 

Trong số gần 100 bình luận dưới bài viết, bạn đọc Người Sài Gòn kể:  “Tôi vay mua căn hộ, sau khi đã đặt cọc mới gặp cán bộ ngân hàng, lúc đó mới biết phải thực hiện thêm các giao dịch: Mua bảo hiểm nhân thọ, mở thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp và đóng bảo hiểm phòng chống cháy nổ thì mới được vay. Bây giờ đã đặt cọc, nếu hủy hợp đồng sẽ bị công ty bất động sản phạt rất nặng và thời gian hoàn trả tiền cũng rất lâu nên tôi phải chấp nhận cho dù tôi không có nhu cầu về bất kỳ khoản nào!”. Ngọc Thắm uất ức: “Ngân hàng nhà nước phải nghiêm túc can thiệp sự việc này chứ đừng nói chay nữa. Người vay đã quá khổ rồi. Gia đình tôi vay ngân hàng phải mua 31 triệu đồng/hợp đồng bảo hiểm; sau lãi suất cao quá, đáo hạn qua vay ngân hàng khác bắt mua hợp đồng 35 triệu đồng/năm. Trong khi trước đó, tôi cũng đã tự mua cho mình một hợp đồng 24 triệu đồng/năm. Tổng một năm nhà tôi phải đóng gần 100 triệu đồng tiền bảo hiểm/năm, trả vay hơn 60 triệu đồng/tháng. Làm ăn thế các anh ngân hàng quá ác!!!!”. 

Khương Võ lên án: “Lợi nhuận gần đây của các ngân hàng, đặc biệt thương mại cổ phần luôn tăng khủng khiếp, năm rồi có một số đạt lợi nhuận cả tỷ đô la. Cần phải nhìn lại chính sách điều hành, đặc biệt trách nhiệm cá nhân của Thống đốc ngân hàng nhà nước có sự ưu ái cho họ không? Doanh nghiệp, người dân than trời về lãi suất cho vay, vấn đề “ép” mua bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng … trong khi ngân hàng nhà nước lời nói có vẻ không đi đôi với hành động, cứ thử vào cuộc thanh tra, gặp trực tiếp khách hàng vay xem đúng không?”.

Nguyễn Văn Thế thẳng thắn: “Cần gì phải lằng nhằng nhỉ, đây là LỢI ÍCH NHÓM 100% RÕ NHƯ BAN NGÀY, HOẶC ĐUI CŨNG THẤY MỜ MỜ, thế nên cần cấm 100% không cho ngân hàng bán bất cứ một loại bảo hiểm nào ngoại trừ bảo hiểm cho tài sản đang thế chấp thế là xong”.

“Lợi ích nhóm” là cụm chữ xuất hiện nhiều trong những năm gần đây ở Việt Nam, đầu tiên ám chỉ một nhóm công ty liên kết cùng quan chức để lấy đất của dân làm dự án với phí bồi thường thấp, giờ thì ngành nghề nào cũng có “lợi ích nhóm”, với sự bao che ngầm của nhà cầm quyền (có luật cũng như không), minh họa rõ nhất là cảnh các nhà băng cùng liên kết với công ty bảo hiểm nhân thọ để chèn ép khách hàng vay tiền như trên. 

Hết thời tuyển đại lý gọi điện thoại quấy rầy khách hàng, giờ các công ty bảo hiểm nhân thọ đã có chỗ dựa vững chắc là các nhà băng rồi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: