Bình Thuận: Từ kè biển bảo vệ làng chài thành kè biển bảo vệ đất tư!

Kè biển chắc chắn xây sai vị trí ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết – Ảnh: Vnexpress

Chuyện cười ra nước mắt xảy ra ở Bình Thuận là bờ kè chắn sóng dài 350m (1,148 feet), kinh phí nhà nước 25 tỷ đồng ($1,066,235) với mục đích bảo vệ làng chài đã được xây cách làng chài 500m (1,640 feet).

Thay vì bảo vệ làng chài – khu phố 5 Đức Long và làng chài Tiến Đức (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), như Thủ tướng duyệt thì bờ kè mới hoàn thành lại bảo vệ khu đất của tư nhân!

Khởi công hồi Tháng Tư 2020, công trình bờ kè biển này hoàn thành sau 10 tháng, nhưng thay vì hiện diện trước làng chài bị nước biển xâm thực vào bờ, công trình này lùi về thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, nơi có các khu “đất vàng” ven biển thuộc sở hữu của tư nhân, cách khu phố 5 Đức Long và làng chài Tiến Đức khoảng 500m (1,640 feet). Nghĩa là thay vì bảo vệ ngôi làng của ngư dân, thì kè biển này chỉ bảo vệ vùng đất của ai đó có thế lực (quyền hay tiền) ở Bình Thuận!

Chủ đầu tư công trình này là  Sở nông nghiệp Bình Thuận. Đáng nói là ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh Bình Thuận chỉ bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh kỷ luật khiển trách vì đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm.

Dự án này cùng với 8 dự án khác ở Bình Thuận đang bị Bộ công an điều tra, bao gồm: Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, khu du lịch Xuân Quỳnh, khu du lịch dã ngoại phường Mũi Né, khu biệt thự sân golf Sealinks Mũi Né, khu liên hợp hồ điều hòa chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, trường mầm non Lê Quý Đôn, khu lấn biển Hamubay phường Đức Long.

Ngư dân làng chài Tiến Đức nói rằng họ dành dụm mãi mới cất được căn nhà, nay bị thiên tai họ trở thành người vô gia cư, 20 căn nhà bị đổ sập ngày 16 Tháng Ba 2018 – Ảnh cắt từ video trên Vnexpress

Hy vọng sau khi điều tra xong, những người liên quan đến công trình xây bờ kè biển nhân danh “bảo vệ làng chài” sẽ phải xây đền lại 350m bờ kè biển cho ngư dân, như đòi hỏi của đa số bạn đọc Vnexpress dưới bài viết ngày 7 Tháng Tư 2023, vì chẳng lẽ gây thiệt hại đến 25 tỷ đồng (tiền của dân đóng thuế) mà lại chỉ bị khiển trách?

Gần 100 bình luận của bạn đọc đều cho rằng đây là “chuyện hài”, “chuyện tiếu lâm”, không thể tin nổi, khi Sở nông nghiệp Bình Thuận đem tiền ngân sách đi xây bờ kè biển phục vụ cho các ông/bà nào đó chắc có “máu mặt” ở tỉnh (để còn được “lại quả”), thay vì bảo vệ ngôi làng của ngư dân (người nghèo lấy đâu ra quà biếu) không bị xóa sổ nay mai vì sóng biển xâm thực vào bờ.

Bạn đọc btdtruongtv hỏi: “Nói thật đi,  xây nhầm hay cố tình xây nhầm?”. Chắc chắn là cố tình rồi chứ xây nhầm nỗi gì!

Bạn đọc elchronicle.ryan88 phân bì: “Nhà dân mà xây lấn, xây lố 1 tý là có người kiểm tra, nhưng cái kè xây sai vị trí tới 500m mà xây xong cũng không ban ngành nào biết, cần tới lúc dân nói thì mới biết?”. Có gì lạ đâu, vì luật pháp của nhà nước cộng sản đặt ra để dân phải tuân theo, còn quan chức thì có luật riêng của đảng rồi, chỉ khi nào đảng muốn đảng mới xử.

Gió mạnh kèm sóng lớn tấn công làng chài Tiến Đức, xã Tiến Thành, làm sạt lở 1 km bờ biển tết 2016 – Ảnh: Vnexpress

Nông Nghiệp ngày 4 Tháng Bảy 2022 đã đề cập đến sự cấp thiết phải xây dựng bờ kè biển ngăn chặn nạn xâm thực, sạt lở bờ biển, ảnh hưởng không chỉ đời sống của cư dân mà còn tác động xấu đến cảnh quan, không an toàn cho du khách. Tờ báo này đưa ra thống kê: Tỉnh Bình Thuận có bờ biển dài 192 km (119 miles), cần phải làm kè bảo vệ khoảng 116.89 km (72 miles), trong đó kè bảo vệ khu dân cư, khu sản xuất là 85.67 km (53 miles), kè bảo vệ khu du lịch 31.22 km (19 miles).

Trên Vnexpress có một video ngày 16 Tháng Ba 2018 và một phóng sự ảnh 13 Tháng Hai 2016 về nạn xâm thực và sạt lở 1 km (0.6 miles) bờ biển ở làng chài Tiến Đức, nêu tình trạng sóng biển ở đây đã “ăn” vào bờ 3m (10 feet) kéo sập vài chục ngôi nhà chỉ còn trơ lại phần tường phía sau, người dân phải rời bỏ chốn an cư để tìm nơi tạm cư khác.

VOV ngày 5 Tháng Hai 2018 nhắc đến bờ kè mềm (bằng kỹ thuật vải địa công nghệ Hòa Lan) của công ty Trường Phúc Hải, nhà đầu tư dự án lấn biển sắp xếp lại khu dân cư Đức Long, đã tự bỏ kinh phí khoảng 4 tỷ đồng ($170,597) làm kè tạm dài 500m (1,640 feet) để chắn sóng trước làng chài. Nhưng vì lùm xùm tiền bạc với chủ đầu tư, đơn vị thi công là công ty Hưng Việt mới làm được 100m (328 feet) đã cho dừng.

Dân làng chài trông chờ có bờ kè chắn trước biển từ năm 2016,  Trung ương ký quyết định chi tiền cho làm năm 2020, còn quan chức địa phương thì … tự ý chuyển sang xây bờ kè làm đẹp cho đất ven biển của những ông bà chủ khác – chưa rõ là ai, nhưng chắc chắn là “chung lợi ích nhóm” với quan chức Bình Thuận!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: