Bức tranh nhân quyền Việt Nam tiếp tục ảm đạm

Ông Hoàng Văn Vượng (Facebook)

Ngày 6 Tháng Giêng 2023, nhà hoạt động Hoàng Văn Vượng ở Đồng Nai bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, chưa rõ cáo buộc.

Ông Hoàng Văn Vượng (sinh năm 1978, ngụ xã Gia Kiệm, tỉnh Đồng Nai) lên tiếng phản biện từ năm 2011, từng bị bắt và bị đánh đập trong hai năm 2011-2012. Ông có tham gia biểu tình và trợ giúp một số tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp nguy hiểm như ông Đinh Văn Hải và bà Hoàng Thị Thu Vang, nhưng ông không phải là một người có ảnh hưởng lớn trong giới bất đồng chính kiến và cũng ít viết trên Facebook. Vì vậy, tin ông Vượng bị bắt giam chiều 3 Tháng Giêng 2023 gây bất ngờ cho một số người.

Trong nhiều năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thường sử dụng hai cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 và “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự để bắt giam và xử tội người bất đồng chính kiến.

Trong năm 2022, nhà chức trách Việt Nam bắt giam ít nhất 28 nhà hoạt động và Facebooker, 14 người trong số này bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và 11 người với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Blogger Nguyễn Lân Thắng và nhà hoạt động Trần Bang và “thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm bị bắt với cáo buộc thứ hai.

Cũng trong năm 2022, có ít nhất 31 nhà hoạt động và Facebooker bị kết án tù. Có 13 người bị kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án từ 1- 5 năm, và chín người bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án từ 5-8 năm.

Cần nói thêm, mục sư Tin Lành Đinh Diêm, 61 tuổi, người đang thụ án tù 16 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), qua đời tại trại giam này sáng 5 Tháng Giêng 2023 mà không rõ nguyên nhân. Mục sư Đinh Diêm là quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Lutheran, tức Hội thánh Tin lành Anh Quốc giáo ở Quảng Ngãi. Ông là một mục sư sắc tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi, là tù nhân chính trị thứ ba qua đời trong vòng vài năm trở lại đây trong trại tù bị xếp loại hà khắc nhất Việt Nam. Trước đó, lần lượt trong năm 2019 và Tháng Tám 2022, cựu giáo chức Đào Quang Thực và nhà báo công dân Đỗ Công Đương cũng mất tại trại giam này.

Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos (Tom Lantos Human Rights Commission) thuộc Hạ viện Hoa Kỳ vừa yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang, cho rằng trường hợp của bà Trang là điển hình về vi phạm tự do truyền thông và tự do báo chí trên toàn thế giới.

Phạm Đoan Trang tại phiên tòa ngày 14/12/2021

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Ro Khanna, một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, người bảo trợ cho bà Phạm Đoan Trang cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trả tự do cho bà Trang và bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Trước đó, nhờ sự vận động của dân biểu Khanna, ngày 8 Tháng Tám 2022, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos chấp nhận bảo trợ cho nhà báo, tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc gây áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà.

Bà Phạm Đoan Trang bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam Tháng Mười 2020 về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” và bị kết án 9 năm tù ngày 14 Tháng Mười Hai 2021. Sau đó bà kháng cáo nhưng vẫn bị y án trong phiên phúc thẩm hồi Tháng Tám 2022.

Nhà cầm quyền Việt Nam thường bác bỏ việc giam cầm tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: