Hà Nội: Hai phụ nữ bị biến chứng vì ‘nâng ngực không phẫu thuật’

Bác sĩ giải thích hình ảnh trong phim siêu âm cho một bệnh nhân bị biến chứng sau khi nâng ngực không cần phẫu thuật ở spa – Ảnh: Dân Trí

Khao khát có vòng ngực đầy đặn, hai bà ở Thanh Hóa và Hà Nội đã chọn phương pháp nâng ngực không cần phẫu thuật theo lời quảng cáo. Kết quả, cả hai đều gặp biến chứng.

Lao Động ngày 12 Tháng Tư 2023 dẫn nguồn tin từ khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108 (Hà Nội) cho biết có hai ca nữ bệnh nhân gặp biến chứng khi “nâng ngực đệm mô lipid” và “nâng ngực bằng sóng xung kích” theo quảng cáo của các thẩm mỹ viện. TS.BS. Phạm Ngọc Minh, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu thuộc bệnh viện cho biết hai bệnh nhân này đến khám trong tình trạng ngực đau nhức và có hai khối cứng không rõ là chất gì xuất hiện trong ngực.

Muốn nâng ngực nhưng sợ phẫu thuật, sợ đau, bà T.H.T. (30 tuổi, Thanh Hóa) đã chọn phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” không cần phẫu thuật với giá 10 triệu đồng ($426). Các nhân viên thẩm mỹ viện tư nhân đã cam kết với bà T.: “Sau khi thực hiện, ngực sẽ đẹp lên như ý sau 60 phút mà không cần phẫu thuật”. Họ quảng cáo cách nâng ngực đệm mô lipid không can thiệp dao kéo mà chỉ dùng máy tác động bên ngoài để kích các mô mỡ ngực phát triển, sau đó, sẽ cấy mô lipid nhập cảng (?) vào mô mỡ dưới da ngực của bà T. bằng đầu cấy nano chuyên dụng…

Bà T. kể lại tiến trình thực hiện ở thẩm mỹ viện: Đầu tiên, nhân viên thẩm mỹ viện dùng hai máy áp vào ngực để massage nhằm kích thích mô mỡ cho mềm ra, tiếp đó họ lấy máu và giải thích sẽ tách mỡ (mỡ tự thân) từ máu (?) để chích vào cơ thể. Sau đó, họ gây tê tại chỗ và chích khoảng 10 ống dung dịch có màu trắng vào người bà T.

Khi bà T. yêu cầu thẩm mỹ viện cho biết chất lỏng đã tiêm, nhân viên ở đây từ chối bảo là sản phẩm độc quyền, không thể tiết lộ. Hai tuần sau, bà T. thấy có hai khối cứng bất thường xuất hiện trong ngực, hoảng hốt bà mới đến bệnh viện 108 khám.

Bệnh nhân thứ hai là bà B.T.H (26 tuổi, Hà Nội) khi đến chăm sóc da tại một spa thì được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích, kích thích nâng ngực với giá 100 triệu đồng ($4,264). Sau khi bị gây mê (?) để tiến hành thủ thuật, bà không rõ mình đã bị chích thứ gì vào người, nhưng sau đó bà phải trả thêm 50 triệu đồng ($2,132) nữa vì … “có bệnh ở ngực” – theo lời nhân viên ở spa.

Vài ngày sau, chưa thấy bộ ngực lớn hơn và đẹp hơn, bà H. chỉ thấy đau nhức. Kiểm tra bằng cách chụp cộng hưởng từ ở phòng khám gần nhà, bác sĩ ở đó cho biết trong ngực bà xuất hiện các ổ dịch, lan ra phía sau và xung quanh nhu mô tuyến vú hai bên. Quá sợ hãi, bà đến bệnh viện 108.

Sức Khỏe và Đời Sống ngày 12 Tháng Tư 2023 dẫn lời TS.BS. Phạm Ngọc Minh, cho biết: Kết quả thăm khám lâm sàng và siêu âm cho thấy ngực bệnh nhân T. có nhiều khối hỗn hợp âm bất thường trong các mô tuyến vú, chẩn đoán viêm cấp phần mềm vú.

Vì chưa có dấu hiệu dịch áp xe nên bác sĩ chỉ định bệnh nhân uống thuốc kháng viêm kèm theo liệu pháp tiêu viêm. Nếu hai khối cứng tại ngực bệnh nhân bị áp xe, bác sĩ sẽ phải mổ rạch tháo mủ, chắc chắn sẽ để lại nhiều sẹo trên bầu ngực. Biến chứng khác có thể xảy ra tình trạng viêm mạn tính, các khối cứng lổn nhổn trong ngực sẽ xơ trong hai bầu vú kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý của bệnh nhân.

Ông Minh nhấn mạnh: Hiện tại bệnh viện vẫn chưa xác định được chất lỏng mà spa đã chích cho chị T. và chị H. là chất gì, nhưng theo ông Minh, việc lấy chất lỏng ra khỏi ngực bệnh nhân để xét nghiệm cũng không hề dễ dàng vì có thể chất này là silicon lỏng đã bị cấm từ lâu. Nếu chất lỏng được chích vào ngực bệnh nhân là silicon công nghiệp, thì chất này sẽ bám dính vào các mô trong ngực, tăng nguy cơ gây ung thư.

BS Phạm Ngọc Minh cũng khẳng định: Trên thực tế chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật. Các phương pháp nâng ngực bằng phẫu thuật đều phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên ngành và tại các bệnh viện uy tín, có khoa thẩm mỹ và tạo hình. Ông nói: Việc nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ (tự thân) lấy từ máu của khách hàng chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới.

Ông khuyên nữ giới khi chích hoặc bơm chất lạ vào người, cần phải biết đó là thứ gì, có được phép đưa vào cơ thể không, tác dụng phụ là gì. Bên cạnh đó, khi đụng đến việc chích thuốc tê, gây mê…. phải chọn bệnh viện có khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép để có bác sĩ chuyên môn thực hiện. Việc chích thứ gì đó vào người (như thuốc tê hay thuốc mê) mà không nắm rõ nguyên tắc vô trùng hoặc kỹ thuật chích có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, ông Minh còn khuyến cáo ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler cũng được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyên là không nên chích vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi filler thực hiện ở những chỗ này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Một túi nâng ngực vỏ nhám hình giọt nước bị vỡ và một túi còn nguyên sau khi được lấy ra – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hồi Tháng Bảy 2020, Tuổi Trẻ đưa tin một bà ở Hà Nội sau 5 năm nâng ngực bằng cách phẫu thuật đặt túi vỏ nhám hình giọt nước ở một thẩm mỹ viện tư khi thấy ngực nhấp nhô bên to bên nhỏ, đến bệnh viện Hữu Nghị Việt – Đức (Hà Nội) mới hay túi nâng ngực đã vỡ trong một bên ngực không biết tự bao giờ. Tệ hơn, silicon lỏng đã tràn ra khỏi túi ngực, vỏ túi nâng ngực loại nhám (bề mặt như giấy nhám) bám dính chặt vào các mô trong bộ ngực của bà.

Sau hơn hai tiếng phẫu thuật lấy toàn bộ silicon lỏng cũng như vỏ túi nhám bị vỡ rách và phần bao xơ dày, các bác sĩ đã gửi mẫu bệnh phẩm cho bộ phận giải phẫu bệnh xem có tế bào lạ hay không. May mắn là kết quả kiểm tra cho thấy không phát hiện tế bào lạ, nên các bác sĩ đã bỏ hai túi cũ, đặt hai túi ngực mới cho bệnh nhân.

Cùng năm 2020, ngày 5 Tháng Mười, cũng trên tờ Tuổi Trẻ, một bệnh nhân nữ bị vỡ túi nâng ngực, phải mổ khẩn cấp tại bệnh viện JW Nam Hàn (Sài Gòn). Đó là bệnh nhân B.T.A. (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Kết quả chụp MRI cho thấy túi ngực bên phải của bệnh nhân đã vỡ, silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, tuyến và lớp biểu bì da, thậm chí tràn ra hố nách phải khiến bà A. luôn đau nhức, ngứa ngáy. Còn túi ngực bên ngực trái của bà A. cũng bị móp, biến dạng và vùng ngực có dấu hiệu co thắt bao xơ.

Sau ca mổ gần 4 tiếng để tháo túi ngực và nạo vét silicon bị dính chặt trong các mô ngực của bệnh nhân, các bác sĩ phải bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong ngực để tránh nguy cơ viêm mô tuyến ngực hoặc ung thư vú. Khi ca mổ xong, bà A. được truyền kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng.

Trước đó, năm 2006, bà A. đã nâng ngực bằng túi silicon Poly Implant Prothese (PIP) tại một thẩm mỹ viện nhỏ ở quận 1 (Sài Gòn), được bác sĩ quảng cáo là “loại hiện đại nhất của Pháp” với giá $2,500 thời điểm đó. Trong thời gian ba năm 2018-2019-2020, bà A. thấy xung quanh đầu vú xuất hiện nhiều vết thâm tím, vùng khoang ngực ngứa âm ỉ rất khó chịu. Khi những vết thâm tím chuyển sang màu đen, lan rộng khắp cả quầng vú, ngứa kèm những cơn đau co thắt thường xuyên, không chịu đựng nổi nữa, bà A. sợ hãi mới đến bệnh viện kiểm tra.

Các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp lấy túi nâng ngực PIP bị vỡ trong ngực một bà ở Đà Lạt hồi Tháng Mười 2020 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Được biết, túi PIP mà bà A. đặt vào ngực là loại đã bị cấm lưu hành trên toàn thế giới hồi năm 2010. Ông chủ công ty bán túi silicon nâng ngực này là Jean-Claude Mas (Pháp), đã bị bắt và bị kết án sau đó vì đã lừa đảo, gây ra vụ bê bối về sức khỏe trên toàn cầu.

PIP sử dụng silicon công nghiệp giá rẻ gấp 7 lần so với với loại silicon được phép đặt vào cơ thể người. Chất này có tính ăn mòn cao nên dễ gây thấm nứt, khi lan ra ngoài có thể gây rát, viêm nhiễm. Đặc biệt, túi ngực này có có tỷ lệ vỡ cao hơn bình thường, khi vỡ có thể gây viêm, sẹo và xơ hóa.

Cho đến khi bị bắt, Jean-Claude Mas đã bán khoảng 300,000 túi nâng ngực PIP trên toàn cầu và lần đầu tiên thừa nhận “sử dụng silicon chưa qua thẩm định và xem thường việc nó có thể gây nguy hại cho sức khỏe”. Thời điểm ấy, có khoảng 2,700 phụ nữ ở Pháp đâm đơn kiện Mas.

Năm 2010, PIP bị cấm lưu hành trên toàn thế giới và sau đó Chính phủ Pháp khuyến cáo những phụ nữ đã sử dụng túi nâng ngực PIP nên đi phẫu thuật để tháo bỏ chúng. Có lẽ bà A. không có thông tin này nên mãi đến 10 năm sau để xảy ra biến chứng không chịu nổi, bà A. mới đi kiểm tra bộ ngực.

Nói chung, thông tin về phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam là loại tào lao nhất, vì lợi nhuận quá cao, mạnh ai nấy đua nhau quảng cáo thứ mình có và nhẫn tâm nhận làm tất cả mọi thủ thuật theo yêu cầu, dù chưa được cấp phép. Các spa và thẩm mỹ viện ở Việt Nam thường huấn luyện nhân viên tư vấn mời chào rất điêu luyện, nữ giới cả tin và nhẹ dạ bước vào “theo lời giới thiệu của ai đó” là khó có cơ hội thoát ra. Khi xảy ra chuyện thì các spa, thẩm mỹ viện… chưa được cấp phép mới bị ngành y tế “sờ gáy”. Lúc đó thì đã muộn màng với nhiều bà cả tin.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: