Hà Nội: Nam sinh 12 tuổi tâm thần hoảng loạn vì bị bạn bắt nạt triền miên

Ảnh VietnamNet cắt từ clip quay lại cảnh K. (ngồi, ôm đầu) bị các bạn cùng khối đánh đập

Bị bạn cùng khối bắt nạt triền miên, cậu bé 12 tuổi tên V.V.T.K., học lớp 7C trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) có biểu hiện hoảng loạn, không nhận ra mình là ai, thậm chí có lúc gọi cha mẹ là “côn đồ tốt”, lúc lại gọi “côn đồ xấu”.

Sau khi clip ghi lại cảnh một nhóm nam sinh đánh một nam sinh lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 25 Tháng Mười, Sở Giáo dục Hà Nội đã chỉ thị Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất yêu cầu nhà trường phối hợp xác minh và có giải pháp trợ giúp về mặt tâm lý cũng như sức khỏe cho nam sinh này.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất, trong thời gian nghỉ hè năm học 2022-2023 đến Tháng Chín 2023, em K. bị các bạn cùng khối đánh nhiều lần ở trong trường và bên ngoài.

Do sợ hãi, em K. không báo với các giáo viên và phụ huynh nên mãi đến ngày 16 Tháng Chín 2023, gia đình và nhà trường mới hay biết.

Nhà trường đã xác định được sáu nam sinh thường xuyên đánh K. khiến cậu bé bị sưng ở phần đầu và có vết bầm tím trên cơ thể. Ngày 20 Tháng Chín, trường Đại Đồng đã họp hội đồng kỷ luật, chỉ khiển trách các học sinh đánh bạn. Học sinh đánh bạn và phụ huynh đã nhận lỗi.

Những vết bầm tím trên cơ thể cậu bé K. do bị bạn đánh rồi sẽ lành, nhưng còn sự sợ hãi trong tâm trí em thì sao? – Ảnh: VietnamNet

Ngày 21 Tháng Chín, vì K. thường xuyên la hét, hoảng loạn, không nhận ra mình và người xung quanh nên gia đình đưa K. đến bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ điều trị. Qua ngày 22 Tháng Chín, K. được xuất viện và khi trở lại trường ngày 25 Tháng Chín, K. bị một bạn trong nhóm học sinh từng đánh em đe dọa “hẹn một tháng sau gặp lại”, về nhà K. hoảng loạn tiếp!

Tối 25 Tháng Chín, gia đình đưa K. đến bệnh viện Nhi Trung Ương điều trị, với kết quả chẩn đoán K. bị rối loạn phân ly, một dạng bệnh tâm thần.

Sáng 26 Tháng Chín, trường THCS Đại Đồng mời các gia đình cùng các học sinh vi phạm đến giải quyết. Nhà trường nhận trách nhiệm trước phụ huynh em K. khi để xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng và hứa sẽ cùng các gia đình có học sinh đánh em K. tập trung chữa bệnh cho em.

Còn việc xử lý kỷ luật với các học sinh vi phạm sẽ thực hiện nghiêm khắc khi em K. đi học trở lại.

Ngày 12 Tháng Mười, sau hơn nửa tháng nằm bệnh viện, K. trở về nhà và các em học sinh đánh K. đã cùng phụ huynh đến thăm, xin lỗi K. đồng thời đề nghị được phụ giúp tiền điều trị cho em.

Sáng 16 Tháng Mười, K. trở lại trường để học và ngày 17 Tháng Mười các học sinh đánh em K. bị phạt nghỉ học trong bốn ngày.

Tối cùng ngày, các gia đình có học sinh đánh em K. đã họp tại nhà em K. và chọn nơi điều trị cho em K. là Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em – Cục Trẻ em do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em giới thiệu. Họ hứa sẽ chịu chi phí trong 35 buổi đưa K. đến nơi này điều trị.

Nhà trường cũng chịu một phần kinh phí.

Có những lúc K. gào thét, nói nhảm và không còn nhận ra ai là ai, kể cả bản thân mình – Ảnh: VietnamNet

Khi đến nhà em K. ngày 26 Tháng Mười, phóng viên VietnamNet chứng kiến cảnh K. gào thét liên tục, không nhớ mình là ai và liên tục gọi cha mẹ là “côn đồ tốt” hoặc “côn đồ xấu”.

Bà M., mẹ của K. đã đau khổ tự trách mình không sớm nhận ra K. bị bạn bắt nạt và đánh đập.

Trong gia đình, K. là con trai út, có hai chị gái 21 và 19 tuổi. Theo lời bà M., mẹ của K., tuy thể chất nhỏ, yếu hơn các bạn đồng trang lứa nhưng K. là cậu bé ngoan và nhanh nhẹn.

Ông Kh., cha của K. kể: “Trước đây, có lần con bảo tôi chở con đi học. Con còn dặn tôi đến đón trước giờ tan học. Tôi hỏi vì sao thì con chỉ nói là con thích như vậy chứ không nói gì thêm. Chiều con, dù bận việc tôi vẫn đưa đón con đi học”.

Ông Kh.không nhận ra K. sợ đến trường như thế nào, khi muốn được về nhà ngay khi tan học.

Bà M. cũng không nhận ra khi K. không muốn đi học sớm mà thường đến sát giờ vào lớp mới đi. Cả cha và mẹ K. đều mải mê đi làm nên không nhận ra K. là nạn nhân của bạo lực học đường.

Trong vòng một tháng qua, vợ chồng bà đã bỏ công việc, sáu lần đưa con đến năm bệnh viện khác nhau và đau lòng chứng kiến con trai mình luôn nói nhảm, tự đập đầu và co rúm người, không nhận ra ai.

K.không chỉ bị đánh đập nhiều lần mà còn bị buộc phải nộp tiền bảo kê hằng tháng là 70,000 đồng. Tháng này không có tiền thì tháng sau đóng gấp đôi, không nộp là bị đánh!

Lứa tuổi 12 mà có những học sinh cư xử như tụi côn đồ xã hội đen!

Cho con học võ từ nhỏ để nâng cao thể trạng và biết cách bảo vệ mình là cách mà phụ huynh Sài Gòn đề phòng bạo lực học đường- Ảnh: Matrix Boxing

Là những con người cam phận, hiền lành, vợ chồng bà M. không muốn kiện cáo mà chỉ muốn gia đình các học sinh đánh K. phải đồng hành cùng gia đình tới khi K. khỏi bệnh.

Rồi K. có khỏi bệnh không? Khi tâm thần cậu bé bị chấn thương quá lớn, mà cha mẹ K. vẫn không chuyển trường cho con mà cứ tiếp tục cho con đến ngôi trường cũ, với những khuôn mặt bạn bè ác độc đã từng đánh K. nhập viện, đã từng phải xin lỗi K. nhưng vẫn tiếp tục đe dọa em?

Với sự phẫn nộ, độc giả của VietnamNet cho rằng nhóm học sinh đánh K. và phụ huynh của các em côn đồ này không thể xin lỗi K. và gia đình em là xong.

Nhiều độc giả đề nghị phải cho nhóm trẻ đánh K. đi trường giáo dưỡng dành cho những thiếu niên hư hỏng và phạm tội ít nhất sáu tháng. Còn phụ huynh của sáu đứa trẻ này phải nộp tiền ký quỹ để chữa bệnh cho K. đến khi khỏi bệnh, khi nào quỹ khám chữa bệnh đó hết, phải tiếp tục nộp tiếp!

Mặt khác, có độc giả đề nghị cha mẹ K. nên chuyển trường cho em và nên cho K. rèn luyện thể lực, học thêm môn võ để tự tin, không bị bắt nạt.

Bé gái còn nhỏ cũng được cha mẹ ở Sài Gòn đầu tư cho đi học võ để biết cách tự vệ – Ảnh: VietnamNet

Hiện nay, trước vấn nạn bạo lực học đường, ở Sài Gòn, nhiều phụ huynh cho trẻ từ 3-8 tuổi (nam cũng như nữ) đi học võ để nâng cao thể chất và có thể tự vệ khi bị bắt nạt. Các môn võ được nhiều  phụ huynh đăng ký cho con học là Aikido, Muay Thai, Boxing, Taekwondo, Jujitsu…

Các võ đường, câu lạc bộ võ thuật đều có những lớp dạy võ cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên với mức học phí từ 1.5 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có lớp học một thầy một trò với mức học phí 1 triệu đồng/buổi.

Đại diện Câu lạc bộ Boxing Matrix (Sài Gòn) cho VietnamNet biết vào mùa hè, rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con đến tập luyện.

Còn ông Phạm Long Sơn, Chủ tịch kiêm Huấn luyện viên trưởng Hệ thống Đạo đường Aikido, Tenshinkai Việt Nam, cũng khẳng định, đạo đường đang đón nhận rất nhiều bé gái theo học. Việc tăng cường thể lực và biết cách tự vệ sẽ giúp các bé nhận biết, xử lý, tự bảo vệ mình trước những tình huống đe dọa như bạo lực học đường…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: