Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp tục sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời mình

Saigon Nhỏ trò chuyện với nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
Thời Sự
Thời Sự
Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp tục sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời
/

Nguyễn Anh Tuấn là một trong những nhà hoạt động trẻ nổi tiếng nhất vừa đào thoát khỏi Việt Nam, sau một thời gian dài im lặng để bảo toàn cho mình. Tuần đầu Tháng Sáu, Tuấn bất ngờ cho biết anh đến được Canada, sau một hành trình dài đến nhiều giờ đồng hồ, băng đồng và sông Campuchia để đến được nơi có người đón, đưa đi tỵ nạn.

Nguyễn Anh Tuấn là một trong những số phận biểu trưng của thế hệ người Việt yêu nước, bị dồn ép, theo dõi, sách nhiễu và đợi một cuộc bắt giữ để kết thúc trong bẫy rập chực chờ của công an cộng sản Việt Nam.

Saigon Nhỏ vừa có cuộc trò chuyện với Tuấn về chuyến đi đến bờ tự do, cũng những tâm tình mà lâu nay chưa thể bày tỏ.

Saigon Nhỏ: Tin tức về việc một người hoạt động ôn hòa như anh lại phải ra đi khiến ai nấy đều có nhiều cảm giác buồn vui lẫn lộn. Cũng có ý kiến là anh cùng gia đình ra đi vì có kế hoạch cho cuộc sống và những dự án hoạt động mới hơn, bởi cuộc sống trong nước của anh đối mặt với quá nhiều căng thẳng. Anh có thể nói cho biết hoàn cảnh của mình với an ninh nhà nước cộng sản Việt Nam trước khi ra đi, và những dấu hiệu nào khiến anh cảm thấy là mình cần phải ra đi?

Nguyễn Anh Tuấn: Từ sau sự kiện Đồng Tâm vào Tháng Giêng 2020, tình hình an ninh cá nhân của tôi trở nên xấu đi. Tôi phải tạm lánh khắp nơi để tránh tầm quan sát của cơ quan an ninh và cân nhắc thật kỹ mọi sự hiện diện của mình dù là trên mạng hay ở các sự kiện.

Những người hoạt động khác như chúng tôi ở Việt Nam đều như người đi trên dây, luôn bị ám ảnh với câu hỏi làm sao giữ được thăng bằng để tiếp tục đi tới, nghĩa là làm sao giữ được an toàn để tiếp tục công việc, tiếp tục lên tiếng. Tôi tin là những ai dấn thân nhiều năm đều sẽ tự hình thành một trực giác rất mạnh về tình trạng an ninh bản thân để đọc ra những dấu hiệu. Trong trường hợp của tôi, có rất nhiều dấu hiệu mà tôi tin chắc chắn rõ ràng rằng tôi sẽ bị bắt bất kỳ lúc nào.

Trong lần cuối cùng tôi bị cưỡng ép đưa đi làm việc với Cục An ninh Nội địa – Bộ Công An, họ đã dùng danh bảnchỉ bản để lấy thông tin nhân thân và sinh trắc (dấu vân tay) của tôi. Họ cũng ghi hình và chiếu lại cho tôi xem những buổi trả lời phỏng vấn của tôi với BBC, VOA, RFA và ghi ra đĩa CD để tôi ký nhận vào.

Những ai rành về thủ tục tố tụng sẽ biết đây là những bước cuối cùng trước khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố. Thêm nữa, tôi tình cờ phát hiện ví điện tử liên kết với ngân hàng của tôi bị khóa. Khi gọi đến tổng đài thì sau một hồi vòng vo, nhân viên tổng đài cho biết cơ quan công an yêu cầu khóa tài khoản của tôi và đề nghị tôi liên hệ với công an để giải quyết.

Ngoài ra, với người hoạt động hoặc bất đồng chính kiến ở Việt Nam, chuyện bị canh nhà rất thông thường. Tuy nhiên thái độ của nhân viên công lực thừa hành rất khác nhau tùy vào tình trạng an ninh của đối tượng. Tôi nhận ra sự khác biệt từ những lần về Đà Nẵng thăm gia đình sau này với những dấu hiệu khác xa giai đoạn trước đây. Từ những dấu hiệu đó, trực giác của tôi mách bảo là thời điểm bắt của tôi đã gần kề. Và tôi phải quyết định.

Nguyễn Anh Tuấn và Trịnh Hữu Long, tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí, trong một hội thảo nhân quyền ở Thụy Sĩ

Saigon Nhỏ: Quyết định chọn phải ly hương ắt là một trong những điều khó khăn của anh và gia đình. Anh đã nghĩ đến điều này từ lúc nào? Và thời điểm chọn ra đi ra sao, anh có thể chia sẻ?

Nguyễn Anh Tuấn: Đó là một trong những quyết định khó khăn nhất. Trước đó tôi có may mắn đến Mỹ, Canada, Úc và nhiều lần đến châu Âu, và chúng ta đều biết rằng với những người hoạt động thì việc ở lại một cách hợp pháp không có gì khó khăn. Nhưng tôi vẫn quyết định trở về vì tôi tin là tôi hữu ích hơn nếu được làm công việc của mình, lên tiếng về những vấn đề tôi quan tâm, khi ở trong nước, dù biết rằng những thách thức và rủi ro an ninh sẽ tăng lên gấp bội và cơ hội đi ra nước ngoài trở lại sẽ không còn (Nguyễn Anh Tuấn từng bị tịch thu passport nhiều lần – Saigon Nhỏ).

Và thật sự là vậy, tôi tin là mình đã được sống với lý tưởng của mình trong những ngày tháng sát cánh với nạn nhân thảm họa môi trường Formosa, bà con nông dân mất đất ở Đồng Tâm, hay với những người bảo vệ Sơn Trà. Tôi cũng có cơ hội được đi khắp mọi miền đất nước, nhờ đó học hỏi được nhiều và có cho mình một bức tranh rõ nét hơn về quê hương. Đó thực sự là những ngày tháng thật đẹp.

Tuy nhiên, như đã nói, khi trực giác mách bảo thời điểm bắt giữ của tôi đã đến, tôi đứng trước lựa chọn hoặc ở lại để bị chính quyền bắt giữ và đem ra món hàng đổi chác như những gì họ đã làm nhiều năm qua, hoặc ra đi để giữ được sự tự do và phẩm giá của mình, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng lý tưởng và ước vọng dù cũng sẽ vô cùng khó khăn. Tôi đã chọn ra đi.

Saigon Nhỏ: Câu chuyện của anh kể về việc vượt sông sang Campuchia và nhìn lại quê nhà khiến nhiều người xúc động. Xin anh cho biết vì sao lại là Campuchia, chứ không là Thái Lan?

Nguyễn Anh Tuấn: Tôi vượt sông qua Campuchia bằng nhiều phương tiện khác nhau để đến Thái Lan.

Saigon Nhỏ: Trong lúc anh ở Thái Lan, sự kiện Thái Văn Đường đột nhiên mất tích đã tác động đến anh và những người đang tỵ nạn tại Thái Lan ra sao?

Nguyễn Anh Tuấn: Tôi ý thức rõ hơn Thái Lan không phải là một nơi an toàn cho những người tị nạn chính trị hoặc hoạt động nhân quyền Việt Nam, và rà soát lại mọi sinh hoạt công việc, đi lại của mình để quản trị rủi ro tốt hơn.

Saigon Nhỏ: Khi quan sát về tình trạng hầu hết các nhà hoạt động bị bắt, bỏ tù, thậm chí là phải ra đi để bảo toàn chí hướng của mình, anh có nhận định thế nào về giai đoạn này ở Việt Nam?

Nguyễn Anh Tuấn: Như một người đi trên dây, tôi tin là có những lúc cần chậm lại, cẩn trọng từng bước đi của mình, và sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống bị ngã. Vì dù có cẩn trọng đến mấy vẫn còn rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Sợi dây không nằm trong tay mình. Sự an toàn của tôi đến giờ phút này, tôi phải thừa nhận, đến từ sự may mắn rất nhiều.

Tôi nghĩ rằng những phong trào vận động xã hội sẽ có lúc thăng lúc trầm, lúc lên lúc xuống. Giai đoạn hiện nay đang là lúc trầm lắng với các hoạt động cổ vũ nhân quyền, với bối cảnh khu vực, quốc tế kém thuận lợi, kèm tình hình chính trị nội địa mang tính thù địch. Tuy nhiên tôi tin nhân quyền là giá trị phổ quát vì có gốc rễ từ những thúc bách về tự do, phẩm giá, công lý của mỗi con người, khi nào họ còn là con người.

Do đó, có lúc thăng lúc trầm, lúc lên lúc xuống, tùy tình hình thực tế, nhưng dòng chảy đó sẽ vẫn tiếp tục. Bức tranh Việt Nam hiện tại cũng vậy, nếu nhìn những con số bắt bớ từ phía chính quyền thì u ám, nhưng nếu nhìn vào chuyển động xã hội trong vòng 10-15 năm trở lại đây với càng lúc càng nhiều người dám lên tiếng và biết cách lên tiếng hơn, sẽ thấy những phần tươi sáng hơn.

Tôi tin rằng chỉ cần hé lộ một tia sáng, con người, được dẫn dắt bởi mưu cầu tự do, phẩm giá, công lý, sẽ dấn tới và tới một lúc sẽ tìm được lối thoát khỏi đường hầm u tối, không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng.

Saigon Nhỏ: Ra đi, đôi khi được nhìn thấy như là một lối thoát của sự tuyệt vọng. Nhưng với anh, sự ra đi là chất chứa một cuộc đời mới rộng tay hơn cho những suy nghĩ của mình, hay là chọn tạm dừng lại khi mọi thứ chưa có tia sáng nào ở Việt Nam?

Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nhớ đến lời cụ Phan Châu Trinh: Chi bằng học. Tôi tin là lý tưởng phải được nuôi dưỡng bằng sự học hỏi liên tục. Tôi coi sự ra đi lần này là một cơ hội để tiếp tục sự học hỏi của mình sau bảy năm học từ những lăn lộn ở Việt Nam.

Saigon Nhỏ: Có vẻ như sự quan sát và nhận định, lên tiếng của anh, thường nhắm vào các thế lực đang lũng đoạn kinh tế và đời sống của đất nước. Anh đã có những nhận định về Formosa, nhiệt điện miền Trung… được coi là gây khó chịu với các nhóm bí mật chia sẻ quyền lực và quyền lợi trong nước. Có phải những áp lực đè lên anh là từ các câu chuyện nói trên?

Nguyễn Anh Tuấn: Với tư cách công dân, tôi lên tiếng phê phán sai trái mọi hình thức cường quyền, dù là các quan chức cấp cao trung ương và địa phương, hoặc các tập đoàn lũng đoạn bè phái. Một cán bộ an ninh từng nói với tôi là tôi “đụng” nhiều bên quá. Bởi vậy, kỳ thực tôi cũng không rõ những áp lực an ninh tôi phải đối mặt đến từ đâu. Đứng trước một vấn đề, tôi chỉ tự hỏi mình đây có phải là điều đúng nên làm hay không, nếu là điều đúng, tôi không ngần ngại dừng bước và không muốn đặt câu hỏi rằng sự lên tiếng của mình có đụng đến ông bí thư hay bà chủ tịch nào không.

Nguyễn Anh Tuấn (thứ hai, từ phải) trong một chuyến đi Úc

Saigon Nhỏ: Anh nghĩ sao về chuyện ở Việt Nam lúc này Bộ Công an đang trở thành một chính quyền thứ hai và làm tất cả mọi thứ để triệt hạ mọi tiếng nói, cũng như bồi đắp triệt để cho quyền lợi của họ. Nhiều người kết luận rằng mọi thứ là do ý chí của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng anh nghĩ đây có phải là giai đoạn chuyển đổi quan trọng của Hà Nội để đưa Việt Nam trở thành một nhà nước tư bản toàn trị như Nga?

Nguyễn Anh Tuấn: Đây quả thực là câu hỏi lớn quá, khó mà trả lời ngắn gọn được. Tôi nghĩ nếu định nghĩa công an là theo dõi, kiểm soát và trừng phạt công dân thì thực sự toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam về bản chất là một bộ máy công an nhưng mang vỏ bọc khác nhau cho phù hợp với tình cảnh. Bộ Công an là lực lượng tiên phong trong bộ máy đó nhưng không có nghĩa các bộ phận khác của bộ máy không làm chức năng theo dõi, kiểm soát và trừng phạt, nếu không muốn nói là đôi khi họ thực hiện những nhiệm vụ này một cách tinh vi hơn.

Tôi không thấy họ có lộ trình đưa Việt Nam vào một quá trình chuyển đổi nào cả. Cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang đối mặt là khủng hoảng về lý luận, tức là trả lời cho câu hỏi sẽ đưa đất nước đi đến đâu và bằng con đường nào. Như một người lái tàu không có la bàn và bản đồ, họ lang thang giữa đại dương vô định, miễn sao vẫn khư khư giữ thật chắc con tàu của mình.

Bởi vậy, họ luôn nhìn qua và bắt chước Trung Quốc cho những chính sách giật gấu vá vai của họ mà không đứng chân trên những kinh nghiệm thực tiễn từ đời sống Việt Nam và dựa trên những suy luận lý tính. Chúng ta đã và đang chứng kiến hậu quả từ lề lối quản trị đất nước thiếu phương pháp như vậy.

Saigon Nhỏ: Nhiều người cho rằng môi trường quốc ngoại không là điểm thuận lợi cho những người bất đồng chính kiến, thậm chí là hủy hoại từng cá nhân, dựa theo các mâu thuẫn thời thế giữa các cá nhân và nhóm. Anh nghĩ mình có rơi vào trạng thái này?

Nguyễn Anh Tuấn: Đời sống ở nước ngoài luôn là một thách thức cho tất cả mọi người trước tiên bởi sự mới mẻ của nó. Với người bất đồng chính kiến thì sự thách thức có thể còn gấp đôi vì họ phải sống hai cuộc đời: Một ở nơi trú ngụ và hai là ở quê hương xứ sở nơi họ gửi gắm lý tưởng cuộc đời của họ. Tuy nhiên, tới cuối cùng, mỗi người phải tự đối mặt và vượt qua những thách thức này để nuôi hy vọng tiếp tục được sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: