Nhiều người sập bẫy vay tiền trên mạng

Nguyễn Hồng Nam (Hà Nội) bị bắt sau khi lừa đảo 25 người, chiếm đoạt 500 triệu đồng bằng chiêu cho vay tiền online – Ảnh: Công an

Thời gian gần đây, liên tục có tin rác, thư rác gửi đến cho nhiều người Việt trong nước mời chào vay tiền online với lãi suất 0%, chỉ cần sao chụp thẻ căn cước công dân.

Người cẩn thận thì xóa bỏ và không để tâm, nhưng người đang cần tiền nhanh thì giống như vớ được “phao cứu sinh”.

Ngày 16 Tháng Hai 2023, Thanh Niên dẫn thông tin từ công an TP.Đà Nẵng cho biết lừa đảo cho vay tiền qua mạng đang phổ biến. Kẻ gian lập tài khoản Facebook, Zalo, Telegram… chạy quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, duyệt hồ sơ qua mạng, giải ngân nhanh… Khi đã “cắn câu”, người vay bị yêu cầu nộp một số tiền nhất định với các lý do bảo đảm khoản vay và lệ phí.

Từ đơn tố cáo của bà Đ.T.T.B (27 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) về việc bị mất 92 triệu đồng($3,881) vì sập bẫy vay tiền trên mạng, công an Đà Nẵng đã tiến hành điều tra và bắt được Nguyễn Hồng Nam (23 tuổi, ngụ xã Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội), truyền thông trong nước đưa tin hôm 8 Tháng Hai.

Theo công an TP.Đà Nẵng, Nam khai nhận ngoài nạn nhân là chị B., từ cuối Tháng Năm 2022 đến khi bị bắt đã thực hiện 25 vụ lừa đảo cho vay tiền online, chiếm đoạt 500 triệu đồng ($21,092).

Nam đánh vào tâm lý khách hàng là muốn được vay số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn. Sau khi tiếp cận được người cần vay, đối tượng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội như Zalo, Messenger để hướng dẫn thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online.

Bảng tóm gọn 16 chiêu lừa đảo qua mạng ở Việt Nam hiện nay – Ảnh: Thanh Niên

Để được vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, Nam đề nghị người vay chuyển tiền qua tài khoản với các lý do như “bảo đảm hồ sơ vay”, “tài khoản yêu cầu vay bị sai”, “thiếu thông tin” hoặc “số tiền vay vượt quá định mức”…

Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền thì các Nam nhanh chóng khóa sim, khóa tài khoản đã liên lạc trước đó và rút tiền khỏi tài khoản.

Bài viết của VTV ngày 15 Tháng Giêng 2023 đã kể câu chuyện của nhiều người vay tiền online bị lừa đảo. Một bà kể gặp một nhân viên nhà băng qua mạng xã hội, khoe có thể giúp bà vay nhanh 50 triệu đồng ($2,109), lãi suất 0% và chỉ phải thanh toán hơn 1 triệu đồng ($42) phí bảo hiểm khoản vay, sau khi nhận được thẻ tín dụng và hợp đồng vay vốn. Bà đã tin lời, chụp ảnh căn cước công dân cho kẻ lừa đảo.

Khi nhận được phong bì chuyển phát nhanh có hợp đồng vay vốn và thẻ tín dụng ngân hàng (Techcombank), bà đã yên tâm gửi tiền phí, nhưng khi dùng thẻ tín dụng đó đi rút số tiền được vay thì không được. Vẫn chưa nhận ra bị lừa, bà vào nhà băng trực tiếp hỏi mới biết hợp đồng vay vốn và thẻ tín dụng đều là giả.

Kiểu lừa khác là cho vay có lãi suất, có hợp đồng và có gửi tiền thật nhưng kẻ lừa đảo lợi dụng sự mập mờ trong thỏa thuận giữa người vay và người cho vay, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để lấy mất 30%-40% số tiền cho vay. Sau khi hoàn tất thủ tục vay, người vay chỉ nhận được 60 – 70% giá trị khoản tiền muốn vay, với giải thích đó là khoản phí dịch vụ. Khi sự đã rồi, người vay chẳng còn cách nào khác là đành chấp nhận chịu thiệt và đóng tiền trả lãi đúng hạn. Vì nếu không trả lãi đúng hạn thì khoản nợ đó sẽ bị giao cho bọn đòi nợ thuê và nạn nhân sẽ không chịu nổi sự quấy rối của bọn này.

“Đi vay tiền, về mất tiền”, cảnh báo dấu hiệu nhận biết các app cho vay tiền lừa đảo trên mạng – Ảnh: Tín Nhiệm Mạng

Ngày 1 Tháng Hai 2022, công an Bình Phước cũng cảnh báo người dân về dịch vụ vay tiền qua app khi có trình báo bị mất tiền từ bà T.X.C (40 tuổi, ngụ tại thị xã Chơn Thành). Bà chỉ muốn vay nhanh 100 triệu đồng ($4,218), thế mà đăng ký vay qua app (giả mạo trang của Công ty Tài Chính Cộng Đồng), bà đã bị lừa mất gần 3 tỷ đồng ($126,555), thật không hiểu nổi!

Mỗi lần bị lỗi sai, chẳng hạn như “Sai tên người hưởng thụ”; “Đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang chữ in hoa”; “Thiếu số điện thoại người tham chiếu”; “Xâm nhập tài khoản trái phép”; “Không đủ điều kiện vay, không nạp kích hoạt sẽ mất tiền”; “Tài khoản phải đủ 1 tỷ mới giải ngân”; “Kích hoạt lại bảo hiểm”…, bà T.X.C. lại phải nộp tiền vào một tài khoản mà kẻ lừa đảo chỉ định. Số tiền nộp cứ tăng dần và sau nhiều lần như vậy, bà T.C.X. bị mất khoản tiền gấp rất nhiều lần số tiền định vay.

Điều kỳ lạ là trước khi những vụ lừa đảo kể trên diễn ra, Sài Gòn đã tóm gọn một đường dây cho vay lừa hơn 600 người, thế mà chẳng ai rút ra được kinh nghiệm, vẫn bị sập bẫy như thường!

Ngày 4 Tháng Mười 2022, Tuổi Trẻ đưa tin công an quận Tân Phú (Sài Gòn) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hồng Thạch (29 tuổi, ngụ quận Bình Tân), Hoàng Anh Tuấn (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Trần Văn Quân (23 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an xác định đường dây lừa đảo mạo danh ngân hàng cho vay với lãi suất 0% do Nguyễn Hồng Thạch cầm đầu, Hoàng Anh Tuấn và Trần Văn Quân giúp sức. Trước đó, ngày 26 Tháng Chín 2022, công an thành phố (Sài Gòn) đã bắt tay sai của Thạch gồm 82 người ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Đường dây lừa đảo vay tiền online của Thạch đã chiếm đoạt tài sản của hơn 600 người (tại Sài Gòn) ước tính hơn 1 tỷ đồng ($42,185).

Hàng ngày, Nguyễn Hồng Thạch cung cấp cho 82 người danh sách thông tin cá nhân của nhiều người dân sinh sống trên toàn quốc (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) để từng người liên lạc “tư vấn cho vay”. Nhóm người này sẽ mạo danh nhân viên TP Bank, đưa ra các khoản vay từ 20 -100 triệu đồng với lãi suất 0%, khách hàng chỉ phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,700,000 – 3,895,000 đồng ($71-$164), tuỳ số tiền vay. Tiếp đó, nhóm người này sẽ giao hợp đồng và thẻ TP Bank  giả mạo cho bưu cục để chuyển phát nhanh cho khách, nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay. Khi khách mang thẻ ATM đi kích hoạt không được mới biết là thẻ giả và mình đã bị lừa.

Theo thống kê của Bộ Thông tin truyền thông Việt Nam, năm 2022 có hơn 12,935 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong đó, lừa đảo tài chính chiếm 75,6%; còn lại là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân.

Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, phân làm ba nhóm chính: Giả mạo thương hiệu chiếm 72.6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính…); chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo…) chiếm 11.4%; các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay…) chiếm 16%.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: