Từ đế chế Phù Nam-Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của vương quốc Cam Bốt

Một đoạn Mekong (ảnh: Kaikeo Saiyasane/Xinhua via Getty Images)

Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

DẪN NHẬP

Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối bốn tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep.

Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]  

ĐẾ CHẾ PHÙ NAM-KHMER

Phù Nam là tên gọi một quốc gia cổ đại đã tồn tại trong vùng Đông Nam Á, từ trước Công nguyên, với di tích cảng Óc Eo nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL], nơi trao đổi buôn bán từ Trung Hoa xuống và từ Địa Trung Hải qua. Nguyên là một vương quốc hùng mạnh bao gồm cả vùng đất phía Nam Việt Nam sang tới Thái Lan và bán đảo Mã Lai. Vương Quốc này chỉ tồn tại tới thế kỷ thứ VII, sau đó bị Chân Lạp thôn tính.

Nhưng rồi Chân Lạp bị phân hóa thành Thủy Chân Lạp phía Nam và Lục Chân Lạp phía Bắc luôn bị đội quân hải đảo Java xâm lăng. Tới thế kỷ thứ IX, vua Jayavarman II kết hợp được dân chúng nổi dậy giành lại được độc lập từ Java, và Chân Lạp trở thành Đế quốc Khmer hùng cường. Tới thế kỷ XII, vua Jayavarma VII, sau khi đánh thắng quân Champa đã khai sinh ra một triều đại huy hoàng nhất của Đế quốc Khmer với Angkor Wat là một kỳ quan kiến trúc của thế giới. Khi Jayavarman chết, cũng là ngày suy tàn của Đế quốc Angkor Khmer, và sau đó chỉ còn một đất nước Cam Bốt  thăng trầm cho tới ngày nay.

Ý NGHĨA DANH XƯNG “PHÙ NAM-KHMER”

Đế quốc Phù Nam và đế quốc Khmer là hai thời kỳ lịch sử riêng biệt, nhưng có mẫu số chung là hai nền văn minh cổ xưa ấy đã để lại trên cùng dải đất những di tích về các công trình thủy lợi. Người Phù Nam, từ thế kỷ thứ V họ đã biết đào kênh, tạo nên mạng lưới giao thông kết nối các thị trấn Angkor Borei (Nam Phnom Penh), Óc Eo (núi Sập, núi Ba Thê – Long Xuyên), và Thị Trấn Trăm Đường (Đông Nam Kiên Giang) (6)

Tới cuối thế kỷ 20, sau thời kỳ Khmer Đỏ đầy tang tóc, đất nước Cam Bốt đã xuất hiện một “con người của thời cuộc”. Đó là Hun Sen, có gốc là Khmer Đỏ ly khai, theo Việt Nam và có một giai đoạn bị đánh giá rất sai lầm là “bù nhìn của Hà Nội”. Nhưng không, với thời gian Hun Sen đã chứng tỏ là một chính khách bản lãnh và đầy tham vọng, đã đưa đất nước Cam Bốt ra khỏi quỹ đạo Việt Nam.

Hun Sen được kể là vị thủ tướng trị vì đất nước Cam Bốt với bàn tay sắt, và đã tại vị lâu năm nhất trong lịch sử Cam Bốt và của cả thế giới hiện tại [gần bốn thập niên từ 1985 tới 2013]. Và nay thì con trai ông là Tướng Hun Manet tiếp nối cha đảm nhận chức Thủ tướng Cam Bốt từ tháng 7/2023. Nhưng trên thực tế, Hun Sen vẫn có quyền lực bao trùm của một Thái Thượng Hoàng.

Và không phải là tình cờ khi ông Hun Sen đã chọn tên Phù Nam, gắn liền  với Techo là một phần danh hiệu rất dài của ông: Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen / có nghĩa tổng quát là Ngài Thủ Tướng Samdech Hun Sen kiêm Tư lệnh Quân đội Tối cao (Wikipedia).

Chỉ riêng chữ Techo được chính ông Hun Sen giải nghĩa: “Ai vinh dự mang tên ấy có sứ mệnh đánh đuổi quân xâm lăng đất nước Cam Bốt” [Who carry the honorific Techo are destined to fight off the invaders of Cambodia. The Cambodia Daily 4/2/2010]. Với người dân Cam Bốt thì họ hiểu rằng, quân xâm lăng ấy không ai khác hơn là từ hai nước láng giềng Việt Nam/ Youn và Thái Lan/ Siam.

Funan Techo Canal sẽ như một di sản mà Samdech Techo Hun Sen muốn để lại cho đất nước Cam Bốt, nó sẽ có ý nghĩa hơn một tượng đài, luôn luôn gợi nhớ về một quá khứ hào hùng của dân tộc Khmer và cũng gián tiếp gửi một thông điệp cho Việt Nam rằng có một thời kỳ vùng châu thổ ĐBSCL trong lịch sử đã là phần lãnh thổ của Đế Chế Angkor Khmer.

Hình 2: Trái, sơ đồ Vương quốc Phù Nam vào khoảng thế kỷ thứ III bao gồm các vùng đất phía nam Việt Nam, Cam Bốt sang tới Thái Lan và bán đảo Mã Lai. Phù Nam chỉ tồn tại tới thế kỷ thứ VII sau đó bị Chân Lạp / Chenla thôn tính; kế tục Chân Lạp là một Đế Quốc Khmer hùng mạnh ra đời từ thế kỷ thứ IX; phải, sơ đồ Vương quốc Khmer với diện tích bao trùm Nam Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và bán đảo Mã Lai, và rồi tiêu vong vào thế kỷ thứ XV. Kế tiếp chỉ còn lịch sử một Vương quốc Cam Bốt thăng trầm cho tới ngày nay. (nguồn: Wikipedia)

THÔNG SỐ KỸ THUẬT KÊNH ĐÀO FUNAN TECHO

Chính phủ Hoàng Gia Cambodia, thông qua Bộ Công chánh và Vận tải [Public Work and Transport / MPWT] đã gửi một Thông Báo ký ngày 8 tháng 8 năm 2023 tới Tiến sĩ Anoulak CEO Ban Thư Ký Ủy Hội Sông Mekong về một Dự án Kênh đào nội địa “Funan Techo Canal” (1) với các chi tiết kỹ thuật như sau:

Tên dự án: Kênh Đào Nội địa “Funan Techo Canal”

Vị trí của dự án, gồm hai phần:

Phần I: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay và được nối với dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Ek thuộc huyện Saang, tỉnh Kandal.

Phần II: khởi điểm từ dòng chảy thiên nhiên Prek Ta Hing, huyện Kothom, tỉnh Kandal và nối  dòng chảy thiên nhiên Prek Takeo thuộc hai tỉnh Kapot và Kep.

Đề xuất sử dụng: Trên phụ lưu của con sông Mekong trong phần I. Trên phụ lưu của con sông Bassac trong phần II.

Mục đích của dự án: Kênh Nội địa cho mục đích vận tải và giao thông đường thủy.

Dự trù triển khai:

Khởi công 2024

Hoàn tất xây dựng 2027

Bắt đầu vận hành 2028

Mô tả dự án

Dẫn nhập:

Nhằm phục hồi dự án đường thủy “Funan Techo Canal” đã được xây dựng và vận hành từ Triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên (BCE). Công trình này nhằm phục hồi và cải thiện giao thông đường thủy trong nội địa. Con kênh này có chiều dài khoảng 180 km, kết nối bốn tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep.

Mục đích chính của dự án phục hồi thủy vận là kết nối lại với lịch sử và cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng những quyền hạn và lợi ích chính đáng. [… in line of principles of the foreign equality and respect for rights and legitimate interests.]

Những yếu tố kỹ thuật chính:

Trọng tải: 1.000 tấn (DWT / tons deadweight)

Chiều dài: 180 km

Độ sâu và độ rộng: 4,7m x 50m

Độ thông cầu: 16m x 53m (Bridge Navigation Clearance)

Mẫu tàu: 60m x 12m x 3,6m (Length x Width x Full Draft)

Công trình âu tàu (Lock Works):

Kích thước âu tàu: 135m x 18m x 5,8m (Dài x Rộng x Sâu)

Công suất: 7,04 triệu tấn/năm (mỗi âu tàu)

Số âu tàu: 3

Lượng nước xả tối đa: 3,6m3/giây

Đào đất và lấp

Xây dựng các âu tàu

Xây cửa âu tàu

Xây các cơ sở hỗ trợ công trình

Mạng lưới điện cho âu tàu

Hệ thống liên lạc cho âu tàu

Hệ thống điều khiển tự động cho các âu tàu

Hệ thống phòng hỏa cho các âu tàu

Công trình Kênh thủy vận

Đáy rộng hai chiều 50m

Độ sâu 4,7m

Bán kính cong tối thiểu 300m (Minimum Radius of the Canal)

Bờ nghiêng con kênh: 1:3 ~ 1:5

Số cầu: 11

Chiều dài cầu chính 161m

Cầu vượt 520m (Length for Approach)

Lượng giá ảnh hưởng môi trường/ EIA:

a)Ảnh hưởng về lượng nước trên hệ thống sông:

Do có ba âu tàu trên kênh, nên lượng nước được kiểm soát hiệu quả. Lượng nước xả tối đa cho một âu tàu là 3,6 m3/ giây (trung bình mỗi ngày), con số đó không đáng kể so với dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Và như vậy sẽ không có ảnh hưởng đáng kể nào trên lượng nước sông Mekong. [sic]

b)Ảnh hưởng tích cực của dự án:

Cải thiện giao thông và vận tải bằng đường thủy cho các cộng đồng cư dân phía nam Cam Bốt.

Giảm thiểu lũ lụt ở một số vùng như các tỉnh Kandal và Takeo.

Tạo thêm môi trường sống bền vững cho cá, các loài động vật dưới nước, các loại chim muông và rong tảo.

Bảo đảm an toàn lương thực cho cư dân địa phương bằng phát triển ngư nghiệp.

Gia tăng tiềm năng du lịch do cải thiện hệ thống giao thông.

c)Ảnh hưởng tiêu cực của dự án:

Ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong giai đoạn xây cất.

Vấn đề nước, đường sá và bảo vệ đất đai trong giai đoạn xây cất với rác thải.

d)Giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án:

Xây dựng ba âu tàu nhằm kiểm soát được lưu lượng dòng chảy của con kênh, kiểm soát được dòng chảy tràn / outflow của con sông Bassac qua con kênh đổ ra biển và chống lại nạn nhiễm mặn xâm nhập từ biển.

Bảo vệ môi trường với các biện pháp kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo tồn cây xanh, giảm thiểu xói mòn và giảm thiểu ô nhiễm trong giai đoạn xây dựng và cả thời gian vận hành.

Những kết luận

Dự án Kênh Nội địa “Funan Techo Canal” sẽ giúp các cộng đồng cư dân địa phương Cam Bốt cải thiện mạng lưới thủy vận, kích thích phát triển về kinh tế và xã hội trong vùng. Sẽ không có ảnh hưởng đáng kể hay tiêu cực trên lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. Ba âu tàu, có khả năng điều hợp hữu hiệu dòng chảy của con kênh; cũng như ảnh hưởng trên môi trường và xã hội tối thiểu trong thời gian xây dựng và vận hành con kênh về sau này.(1) [Hết trích dẫn]

Trong bức thư của Chính Phủ Hoàng Gia Cam Bốt gửi MRC có nhắc tới  Điều Khoản 1 & 2 và Điều khoản 4.3.2 của Quy trình PNPCA của Hiệp Định Sông Mekong 1995, vậy các điều khoản đó là gì?

ĐIỀU KHOẢN 1 & 2 CỦA HIỆP ĐỊNH SÔNG MEKONG 1995

Về Mục tiêu và Nguyên tắc Hợp tác

-Điều 1. Các lãnh vực hợp tác: Hợp tác trong tất cả các lãnh vực phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mekong, bao gồm các lãnh vực chính sau: tưới, thủy điện, giao thông đường thủy, kiểm soát lũ, thủy sản, thả bè, giải trí và du lịch để đạt được mức tối ưu trong sử dụng đa mục tiêu và cùng có lợi cho tất cả các quốc gia ven sông và giảm tới mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại gây ra bởi các hiện tượng tự nhiên và các hoạt động của con người.

-Điều 2. Các dự án, các chương trình và lập quy hoạch. Thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác và điều hợp trong việc phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong Lưu vực sông Mekong, chú trọng và ưu tiên các dự án phát triển chung có quy mô lưu vực và các chương trình lưu vực thông qua lập quy hoạch phát triển lưu vực nhằm xác định, phân loại và lập hạng ưu tiên cho các dự án, và các chương trình hỗ trợ và thực hiện ở cấp lưu vực.

ĐIỀU KHOẢN 4.3.2 CỦA QUY TRÌNH PNPCA

Cho dù theo Hiệp Định Sông Mekong 1995, không một quốc gia nào có quyền phủ quyết / veto power nhưng các dự án sông Mekong vẫn phải trải qua ba giai đoạn tham vấn, viết tắt là PNPCA, bao gồm:

-Giai đoạn I Thủ Tục Thông Báo [PN / Procedures for Notification]: Ủy Hội Sông Mekong sẽ được chính phủ liên hệ thông báo chính thức về dự án.

-Giai đoạn II Tham Vấn Trước [PC / Prior Consultation]: với khoảng thời gian 6 tháng, nhưng nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian này có thể được gia hạn.

-Giai đoạn III Chuẩn Thuận [A / Agreement], dự án sẽ khởi công khi đạt được sự chuẩn thuận của các nước thành viên.

PHÂN TÍCH VỀ BẢN THÔNG BÁO THIẾU SÓT VỚI NHIỀU ẨN SỐ

-ĐIỀU ĐƯỢC NÓI RA

Trong Thông Báo gửi MRC, khi nói về mục đích của Dự án chỉ vỏn vẹn có một câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với lợi ích rất rõ ràng:

Chặng đường sông nếu phải qua ngả Việt Nam khoảng 433 km, nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách chỉ còn 237 km, rút ngắn được 196 km, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ – cũng có nghĩa là giảm đáng kể chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi phí về tiếp vận.

Dự án này đã được một đại Công ty Trung Quốc China Communications Construction Company / CCCC thực hiện cuộc nghiên cứu về tính khả thi và sẽ được Chương trình Belt and Road Initiative / BRI tài trợ 1,7 tỷ USD.

[Tưởng cũng nên có thêm ít dòng về công ty CCCC đầy tai tiếng này, có liên hệ với Chiến lược “Một Vành Đai Một Con Đường” đã từng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì có tệ trạng tham nhũng, lũng đoạn tài chánh, tàn phá môi trường và những lạm dụng khác trên khắp thế giới. Và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được phép sử dụng công ty này và các công ty quốc doanh khác như thứ vũ khí bành trướng. Silk Road Briefing, Aug 27, 2020]

Chúng ta hãy nghe John Yip Weiyan, Giám đốc Đầu tư Quỹ Một Vành Đai Một Con Đường [The Belt and Road Initiative] của Trung Quốc nhận định: “Dự án hạ tầng Funan Techo Canal sẽ là một game-changer/ một nhân tố thay đổi hệ thống hậu cần/ logistics và sẽ ảnh hưởng tới sự phân phối các thùng hàng/ containers của Cam Bốt từ cảng biển sâu  Sihanoukville và cảng Phnom Penh.

Sẽ có nhiều thùng hàng hóa được vận chuyển tới các cảng địa phương theo con kênh đào này sau khi hoàn tất. Sử dụng con kênh đào cũng có tác dụng kích thích phát triển thêm những cảng quốc tế khác như dự án cảng quốc tế đa năng Kampot / Multi-Purpose Logistics and Port Centre, tạo thêm một hành lang vận chuyển cho thủ đô Phnom Penh.” (2)

-NHỮNG ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI RA

Nhưng trong thực tế Funan Techo sẽ là một con Kênh Đào Đa Năng / Multipurpose, với rất nhiều mục đích khác mà chính phủ Hoàng gia Cam Bốt đã không nói ra, chúng ta có thể kể:

-Con kênh nước ngọt ấy lấy nước từ con sông Mekong và con sông Bassac chảy qua bốn tỉnh, với 1,6 triệu dân sống hai bên kênh, khi có được nguồn nước vô giá, con kênh không những giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích canh tác / agriculture mà còn tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản / aquaculture, bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng.

-Trong các cuộc bàn thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 (Transport and Logistics Forum 2023), người ta còn bàn tới sự gia tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh, khi có thêm được những cảng phụ / subordinate ports, tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư cùng với nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt.

Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cần có 80 triệu m3 nước và một lượng nước xả từ mỗi âu tàu (ship-lock) là 3,6 m3 / giây (trung bình mỗi ngày) để mà kết luận rằng: Con số đó là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. (1)

Với tình huống bất định đó, Kỹ sư Thủy học Đỗ Văn Tùng, P.Eng. rất giàu kinh nghiệm và từng là kỹ sư tham vấn cho nhiều công ty Mỹ và Canada, cho rằng: “Nếu con kênh này bắt đầu từ Prek Takeo (chấm đỏ ở bản đồ đính kèm) nối dòng chính sông Mekong và sẽ gặp sông Bassac ở hạ lưu. Sau khi hoàn thành, con kênh dài 180 km này sẽ cần khoảng 80 triệu mét khối nước để thông thương.

Sau đó lưu lượng dòng chảy trong kênh sẽ tùy thuộc vào chênh lệch cao độ giữa đầu và cuối con kênh, cùng với ảnh hưởng của thủy triều. Lưu lượng nước này sẽ lấy từ sông Mekong và Bassac. Ảnh hưởng như thế nào ở mỗi mùa đối với Biển Hồ Tonle Sap và ĐBSCL vẫn chưa rõ.

Cần phải có một mô hình điện toán về thủy lực [Hydraulic modeling] mới tính được chính xác. Nhưng có một điều chắc chắn là trong mùa khô nước ở ĐBSCL sẽ ít hơn làm vấn đề nhiễm mặn trầm trọng hơn”.

Kỹ sư Phạm Phan Long, P.E. Giám đốc điều hành Việt Ecology Foundation, nhận định rằng: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM (TbEIA/ Transboundary Environmental Impact Assessment, Technical Review Report) của con kênh đào Funan Techo vô cùng quan trọng và là trách nhiệm của Cam Bốt, Việt Nam không thể đánh giá dự án này dựa trên một bản Thông Báo / Prior Notification rất sơ lược (1) mà không có những chi tiết thiết kế và các thông số về quy trình vận hành.”

KS Phạm Phan Long cũng nói tới mối quan tâm xa hơn là khi đã có con kênh nước ngọt này rồi, Cam Bốt có thể đơn phương bơm nước từ 180km con kênh này để tưới cho khắp vùng châu thổ bốn tỉnh từ Takeo xuống tới Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu lượng nước lấy từ con sông Mekong và con sông phụ lưu Bassac không phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và Việt Nam ở cuối nguồn không thể nào lường trước được. [hết trích dẫn] (5)

TỪ KÊNH VĨNH TẾ TỚI KÊNH FUNAN TECHO

Năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu được lệnh vua Gia Long đào một con kênh lớn chạy thẳng từ Châu Đốc xuống đến Kiên Giang, nhập vào sông Giang Thành ra tới Hà Tiên đổ vào Vịnh Thái Lan. Kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ tả ngạn sông Hậu (tên Bassac bên phía Cam Bốt), dọc theo đường biên giới, dài 90 km, rộng 30 m, sâu 2,5 m; với nguồn nước từ sông Hậu đổ vào.

Con kênh Vĩnh Tế ở giai đoạn thời kỳ Nam Tiến chủ yếu là một con hào chiến lược có giá trị quốc phòng hơn là giá trị kinh tế. Tuy lấy nước từ sông Hậu, nhưng theo TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Giám Đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu (DRAGON Institute], Phó Giáo sư Khoa Tài Nguyên và Môi Trường Đại Học Cần Thơ viết: “Kinh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ở Châu Ðốc đến sông Giang Thành thuộc Hà Tiên.

Lưu lượng chảy ra Biển Đông gần như không đáng kể vì độ dốc ngược, biên độ thủy triều ở Vịnh Thái Lan rất thấp nên không tạo ra độ chênh mực nước lớn. Con kinh này ngày xưa vua nhà Nguyễn cho đào với mục tiêu chính là bảo vệ phần đất Việt Nam với Cam Bốt và một phần giao thông đường thủy chứ không có mục tiêu thoát nước.”

Đến với con Kênh Vĩnh Tế cũng là đến với một chặng đường lịch sử trải dài ngót 200 năm với nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Vĩnh Tế đã để lại một vết hằn thù hận trong tâm khảm người Cam Bốt.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, với một ĐBSCL đang thiếu nước canh tác, tình trạng ngập mặn ngày thêm trầm trọng do ảnh hưởng chuỗi đập thủy điện dòng chính thượng nguồn từ Trung Quốc [11 đập] xuống tới Lào [9 đập] và cả vô số những con đập phụ lưu trong khắp lưu vực, chưa kể những bước phát triển sai lầm tự hủy của chính Việt Nam nơi ĐBSCL.

Nay lại sắp có thêm con kênh Phù Nam Techo của Cam Bốt chắc chắn không thể không gây mối quan tâm cho nhiều người Việt Nam, mà nạn nhân trực tiếp không ai khác hơn là 20 triệu cư dân nghèo khổ nơi ĐBSCL bấy lâu không được quyền có tiếng nói. Nếu chỉ về kích thước với chiều dài, bề rộng và độ sâu thì con kênh Vĩnh Tế nhỏ hơn con kênh Phù Nam Techo rất nhiều, còn về cấu trúc cho tới phương thức vận hành tự động hóa thì đây sẽ là một thủy lộ không những rất lớn mà còn rất hiện đại.

TINH THẦN SÔNG MEKONG MỘT MẪU SỐ CHUNG

Tiếp sau bản Thông Báo của Vương quốc Cam Bốt gửi Ủy Hội Sông Mekong ký ngày 8/8/2023, trong hơn hai tháng qua, là một cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn trong nước và hải ngoại, kể cả sự giận dữ trước tình cảnh rất bị động của Việt Nam như hiện nay.

Nếu nói sông Mekong là sợi chỉ đỏ nối kết các quốc gia trong lưu vực nhưng thực tế thì ngược lại. Mekong đang trở thành một con sông chia rẽ do những tranh chấp quyền lợi riêng tư của mỗi quốc gia trong vùng. Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, với một Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam vô hiệu và bất lực, hơn bao giờ hết đây là lúc Việt Nam phải có ngay một Toán Đặc Nhiệm / Task Force Sông Mekong – điều lẽ ra phải làm từ lâu, nhằm đề ra được một chiến lược lâu dài có khả năng đối phó với mọi tình huống.

Điều trước tiên về phía người Việt, hãy quên đi thứ Văn hóa Chiến tranh [Culture of War], một cuộc “chiến tranh vì nước”, và ngay từ bây giờ, từ giới lãnh đạo cho tới người dân cần hành động bằng một đầu óc tỉnh táo, thay vì nhiều giận dữ như hiện nay. Vị thế Việt Nam và Cam Bốt năm 2023 đã khác xa với 40 năm trước. Việt Nam không thể hành xử như một “Tiểu Bá” – chữ của Bắc Kinh gán cho Việt Nam.

Với Dự án Kênh Funan Techo 2024-2028, hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Cam Bốt, cộng thêm với quyết tâm của vị vua thời hiện đại là Samdech Techo Hun Sen, với hậu thuẫn toàn diện của Bắc Kinh nằm trong Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường, Việt Nam đã không có một thế đối trọng để ngăn cản, hay cấm đoán Cam Bốt thực hiện dự án này. Nói vậy, không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn bó tay mà thực ra có rất nhiều việc phải làm để đối phó ngay với Dự Án Funan Techo và giới hạn mức độ tổn thất.

1_ Lập ngay một Toán Đặc Nhiệm “Funan Techo” có quyền hạn mà trụ sở đầu não là Khoa Tài Nguyên Môi Trường của Đại Học Cần Thơ, với Ủy Ban Sông Mekong phải là một thành viên trong đó.

2_ Tòa Đại Sứ và Lãnh Sự Việt Nam ở Nam Vang phải có ngay các “tùy viên môi sinh” – như một dạng tình báo môi sinh, trực tiếp theo dõi tại thực địa từng bước diễn tiến của dự án này.

3_ Một khoản đầu tư xứng đáng để thuê toán chuyên gia quốc tế thực hiện một cuộc khảo sát đánh giá một cách khoa học và khách quan với cả một mô hình thủy học / Hydraulic Modeling là không thể thiếu.

KS Thủy Học Đỗ Văn Tùng, Canada có ba góp ý thêm về phần 3:

a_ Nếu chưa có một mô hình thủy học mới, Việt Nam – Cam Bốt có thể ứng dụng mô hình MIKE 11 để tính toán ảnh hưởng của dự án kênh đào Phù Nam Techo, với ưu điểm là nó đã có sẵn, tương đối phổ biến trong Ủy Hội Sông Mekong MRC, nhiều người đã quen sử dụng nên dễ trao đổi thảo luận với nhau hơn.

b_ Quan trọng hơn nữa là cần có một quy chế rõ ràng giữa Cam Bốt và Việt Nam về việc chia sẻ số liệu, nhất là về lưu lượng nước sông Mekong và Bassac chảy vào con kênh Phù Nam Techo. Những số liệu này sẽ được dùng thường xuyên trong mô hình MIKE 11 để (i) đánh giá độ tin cậy của số liệu, và (ii) tính toán ảnh hưởng và thiệt hại ở ĐBSCL.

c_ Cam Bốt và Việt Nam nên có một tầm nhìn xa hơn, nhắm tới mục tiêu có một thỏa ước về việc tính toán và đền bù ra sao nếu như phía Cam Bốt lấy quá nhiều nước gây thiệt hại kinh tế và môi trường nơi ĐBSCL. Nếu thoả ước này thực hiện được thì nó sẽ là một hướng đi tốt có thể áp dụng cho toàn Lưu vực sông Lancang Mekong.

4_ Ở một mức cao hơn nữa, giữa hai chính phủ, Việt Nam phải tận dụng “Quyền Lực Mềm / Soft Power” qua ngả chính trị ngoại giao bằng sự thuyết phục, và cả chứng tỏ sự thành tâm hợp tác nhắm tới những phúc lợi cho cả hai bên, cùng với một nỗ lực “giải một lời nguyền” xóa dần mối thù hận có tính cách lịch sử giữa hai dân Việt – Khmer trong quá khứ.

Và như vậy không phải chỉ có hô hoán những khẩu hiệu kích động thêm sự hận thù như “Hun Sen kẻ phản bội” – người đã từng tốt nghiệp trường Đảng Hồ Chí Minh, hay bi đát hơn là lời than vãn “Kênh đào Phù Nam là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài ĐBSCL”.

Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này. Nếu vô tình gây thêm thù hận và chia rẽ giữa hai nước Cam Bốt và Việt Nam là trúng sách lược “chia để trị” của Trung Quốc.

Tương lai Việt Nam không cần thêm một cuộc chiến tranh vùng, mà đang cần tới một giới lãnh đạo có trí tuệ, có một tầm nhìn lịch sử để không đẩy cả dân tộc vào một chặng đường tứ diện thọ địch bi đát như hiện nay.

California, 10/10/2023

___________________

THAM KHẢO

1/ Notification of The Inland Waterway Project “Funan Techo Canal”. Kingdom of Cambodia. Cambodia National Mekong Committee. Date of Submission 08 Aug 2023

2/ Funan Techo Canal – Opening Cambodia to the World, KhmerTimes, May 31, 2023

3/ Funan Techo Canal Approved to Link Bassac and Kep. B2B Cambodia 23/05/23

4/ Study on Bassac River-Kep sea waterway link finished. Hom Phanet, Phnom Penh Post 24/04/2022.

5/ Đại Vận Hà Phù Nam của Cam Bốt, trước âm mưu thâm độc của Bắc Kinh. Phạm Phan Long, P.E. Viet Ecology Foundation, October 09, 2023

6/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Ngô Thế Vinh, Nhà xuất bản Văn Nghệ, California 2000.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: