100 nơ vàng thắt cành cây

Nghe lại “Ca khúc số một của năm” cách đây nửa thế kỷ
Ảnh: Barbara Alper/Getty Images

Trong dòng chảy pop rock Mỹ, năm 1973 nổi bật với 26 ca khúc chia nhau chiếm lĩnh đỉnh cao Billboard Hot 100 Singles. Đáng nể nhất là Killing Me Softly With His Song của Roberta Flack với năm tuần hạng nhất (gồm bốn tuần liên tiếp); My Love của Paul McCartney and The Wings, bốn tuần; You’re So Vain của Carly Simon, ba tuần; Crocodile Rock của Elton John, ba tuần… Thế nhưng khi Billboard tổng kết cuối năm, ca khúc số một toàn năm 1973 lại là một ca khúc khác…

100 NƠ VÀNG THẮT CÀNH CÂY

Theo tổng kết của Billboard thì ca khúc số một toàn năm 1973 là Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree, một bài pop tiết tấu nhịp nhàng vui tai, nội dung dễ hiểu trình bày bởi Tony Orlando and The Dawn. Vì tuy nó có bốn tuần hạng nhất, tức một tuần kém hơn Killing Me Softly with His Song (Roberta Flack) và bằng với bốn tuần hạng nhất của bài tình ca mùi My Love mà Paul sáng tác cho cô vợ yêu Linda Eastman Kodak nhưng cộng chung nó hiện diện trên Top 10 được 11 tuần…

Sở dĩ Tie a Yellow Ribbon thành công lớn là vì nó như một tin rất vui mà mọi người Mỹ đều nhận được, nhất là các người mẹ, người vợ vì mọi nỗi lo sợ, trăn trở của họ như được trút bỏ vào năm 1973. Để hiểu được tâm trạng của dư luận Mỹ dẫn đến việc bài này lên đỉnh cao toàn năm 1973, cần mường tượng lại bối cảnh nước Mỹ khi ấy.

Cột nơ vàng đã trở thành văn hóa sống của người Mỹ, đặc biệt với những gia đình có quân nhân. Trong ảnh là dải nơ vàng mà gia đình quân nhân Hoa Kỳ Jason Swiger cột khắp thành phố nơi họ sống khi nghe tin Jason Swiger tử trận tại Iraq (2007) – ảnh: Doug Jones/Portland Press Herald via Getty Images

Sau hơn 20 năm can dự viện trợ quân sự và gồm tám năm trực tiếp tham chiến tại Việt Nam khiến đã có trên 58,000 lính Mỹ tử thương, cuối cùng vào ngày 27 Tháng Giêng 1973, chính quyền Nixon chấp nhận ký Hiệp định Paris, chính thức ngưng chiến, rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Người lính cuối cùng tử thương ở chiến trường Nam Việt Nam là Trung tá William B. Nolde, chết vì trúng đạn pháo kích tại An Lộc 11 tiếng trước khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực.

Và dù không được Thượng Viện thông qua nhưng đến ngày 29 Tháng Ba 1973, chuyến bay cuối cùng đưa người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất. Chỉ còn một số lính thủy quân lục chiến ở lại bảo vệ Đại Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn.

Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree là một sáng tác của Irwin Levine và L. Russell Brown. Với giọng ca chính của Tony Orlando và phụ họa bởi Telma Hopkins và hai chị em Joyce Vincent Wilson và Pamela Vincent. Ca khúc này nhanh chóng vọt lên hạng nhất Billboard Hot 100 vào tuần thứ ba của Tháng Tư 1973, đồng thời chiếm luôn hạng nhất tại Anh, Úc (7 tuần), Tân Tây Lan (10 tuần), Bỉ, Canada, Hà Lan, Ireland. Chỉ sau ba tuần, hơn ba triệu đã bán hết sạch tại Mỹ. Rất nhiều nghệ sĩ tài danh đã cover lại ca khúc này, từ Johnny Carver, Dean Martin, Bing Crosby đến Perry Como và Frank Sinatra; cả nữ hoàng country Dolly Parton lẫn crooner jazz tân thời Harry Connick Jr.

Nội dung bài ca mô tả chàng trai trên xe bus trở về nhà sau khi đã hoàn thành thời gian của mình – có thể hiểu là hết thời gian đi lính hoặc được thả ra từ trại tù binh – trong tâm trạng vừa phập phồng hy vọng vừa lo âu. Trước đó, anh đã viết thư gửi người yêu dặn rằng nếu còn sẵn lòng đón anh về thì hãy thắt nơ vàng nơi cây sồi già trước nhà! Anh mừng vui tột cùng khi sau đó trông thấy cả trăm chiếc nơ vàng!

NGUỒN GỐC NƠ VÀNG TỪ ĐÂU?

Nguồn gốc việc thắt nơ vàng tại Mỹ có từ thế kỷ 19 khi một số phụ nữ thắt nơ vàng lên mái tóc để tỏ dấu chung thủy yêu thương mãi chồng hoặc người yêu đang phục vụ trong lực lượng kỵ binh. Ca khúc Round Her Neck She Wears a Yeller Ribbon đã có gốc gác xa xưa và đến năm 1917 thì được chứng nhận quyền tác giả bởi George A. Norton in 1917 và sau đó là nguồn cảm hứng cho John Wayne diễn chính trong phim cao bồi She Wore a Yellow Ribbon.

Tony Orlando và Larry Brown trình diễn “Tie A Yellow Ribbon” tại New York, Tháng Chín 2008 (ảnh: Bobby Bank/WireImage)

Thời cuộc chiến Việt Nam bùng nổ ác liệt, vào năm 1971, ký giả Pete Hamill viết bài Going Home đăng báo New York Post kể về một nhóm sinh viên trên xe bus đi ra bãi biển ở Fort Lauderdale kết bạn với một cựu phạm nhân vừa mãn hạn tù và đang dõi mắt tìm xem có mẩu khăn màu vàng treo trên cây sồi bên đường tại Brunswick, Georgia. Tháng Sáu 1972, nguyệt san Reader’s Digest đã đăng lại bài này của Hamill. Cũng trong tháng ấy, tài tử Mỹ da màu James Ear Jones xuất hiện trên ABC-TV trong vai một cựu phạm nhân đi xe về nhà và cũng tìm xem giải nơ vàng trên cành cây.

Chính L. Russell Brown sau này kể rằng sau khi đã đọc câu chuyện của Hamill đăng lại trên Reader’s Digest thì ông nói với Irwin Levine và đề nghị cùng nhau soạn bài ca. Đó là bài Tie a Yellow Ribbon ‘Round the Ole Oak Tree. Năm 1991, Brown lại kể rằng bài ca ấy dựa vào một câu chuyện của chàng lính trở về nhà sau khi cuộc nội chiến Bắc-Nam chấm dứt. Brown và Levine gửi sáng tác của họ cho Ringo Starr (thành viên The Beatles) nhưng Al Steckler ở hãng ghi âm Apple Records chê ca khúc “quá tầm thường, những người soạn ra nó không biết ngượng hay sao?”.

Ringo Starr không chơi nên bài ấy được giới thiệu cho Tony Orlando and The Dawn vốn đã nổi tiếng trước đó với Candida (năm 1970) và Knock Three Times (năm 1971). Cuối cùng, nó trở thành bài ca xuất sắc nhất của họ. Năm 2008, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hình thành bảng xếp hạng Hot 100, tạp chí Billboard xếp bài này hạng 37 trong Top 100 bài ca hay nhất mọi thời (năm 2018, xuống hạng 50).

___________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: