Từ hiện tượng “Barbenheimer”, Hollywood rút ra được bài học gì?

“Barbie” trên bảng quảng cáo điện tử khổng lồ ở New York City (ảnh: Selcuk Acar/Anadolu Agency via Getty Images)

Thành công ngoài sức tưởng tượng của “Barbenheimer” – báo chí Mỹ gọi như vậy vì hai bộ phim, “Barbie” và “Oppenheimer” đều phát hành cùng ngày (21 Tháng Bảy) – đã mang lại nhiều bài học cho Hollywood nói riêng và công nghiệp giải trí nói chung. Tính đến nay, “Barbie” đã thu vào ít nhất $337 triệu trên toàn thế giới và “Oppenheimer” mang về ít nhất $174 triệu.

Bộ đôi “Barbenheimer” đã mang về doanh thu phòng vé cuối tuần cao nhất kể từ “Avengers: Endgame” vào Tháng Tư 2019. “Barbie” đã tăng vọt ngoài dự đoán của các nhà phân tích để đạt được thành tích ra mắt lớn nhất trong năm tính đến thời điểm này, giúp Greta Gerwig trở thành người có bộ phim với tuần mở màn thu vào bộn nhất từ trước đến nay đối với một nữ đạo diễn.

Lần đầu tiên, mọi người không chọn ở nhà và xem Netflix. Thay vào đó, họ ra ngoài, gặp gỡ bạn bè và thậm chí rủ nhau mặc “đồng phục” theo chủ đề Barbie. Với giới điều hành Hollywood, “Barbenheimer” thật sự trở thành một hiện tượng mà họ chắc chắn rút ra nhiều bài học về việc phát hành phim trong tương lai. Hơn 200,000 người đã mua vé để xem “Barbie” và “Oppenheimer” trong cùng một ngày không phải là chuyện bình thường và có thể dễ dàng lặp lại. Bài học đầu tiên và lớn nhất không thể không nhắc là chiến dịch tiếp thị quảng bá, đặc biệt “Barbie”, là quá tuyệt vời. Đột nhiên, thế giới gần như đều được tô màu hồng. Kỳ tích quảng cáo này rất khó có khả năng lặp lại.

“Oppenheimer” trong một rạp hát ở New York City (ảnh: Arturo Holmes/Getty Images)

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết vẫn là công thức làm phim. Thất bại của “Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One” với Tom Cruise, người được xem là cứu tinh phòng vé; và “Indiana Jones And The Dial Of Destiny” với Harrison Ford – xảy ra cùng thời điểm với thành công vang dội của “Barbie” và “Oppenheimer” – cho thấy rằng, khán giả đang cần cái gì thật sự mới mẻ, chứ không phải những thứ “remake” và phiên bản nối tiếp.

Dân ghiền điện ảnh dường như đã quá ngấy những sản phẩm “siêu anh hùng” vớ vẩn với cách kể chuyện chẳng khác gì nhau của mỗi phim, như thấy trong những sản phẩm thất bại gần đây, từ “Fast X”, “The Flash” đến “Ant-Man and the Wasp: Quantumania” được trình chiếu vào đầu năm nay. Trừ trường hợp thành công đơn lẻ “Spider-Man: Across the Spider-verse”, người xem thật sự phát ốm với những mẫu siêu anh hùng được dựng từ truyện tranh.

Tất cả cho thấy công thức dựng lại một kịch bản thành công tiên phong nào đó giờ bắt đầu lỗi thời. “Công viên khủng long” – có quá nhiều “công viên khủng long”; “Người Nhện” – có quá nhiều “người nhện”… Ấy thế mà đã có bảy “điệp vụ bất khả thi”, chưa kể “điệp vụ thứ tám” trình chiếu vào năm 2024. Indiana Jones đã không còn có thể khiến người hâm mộ hứng thú với các cuộc phiêu lưu tìm cổ vật của ông. Đó là lý do “Indiana Jones and the Dial of Destiny,” ra mắt 42 năm sau “Raiders of the Lost Ark,” đã trở thành một quả bom xịt, với doanh thu trên toàn thế giới tính đến thời điểm này chỉ $335 triệu, trong khi kinh phí sản xuất cao hơn gấp đôi so với “Barbie”. “Fast and the Furious” phiên bản thứ 10 – có tên “Fast X” – có số phận bi thảm ở thị trường nội địa (dù khá thành công ở thị trường quốc tế).

Khán giả Los Angeles đi xem “Barbie” (ảnh: Dania Maxwell / Los Angeles Times via Getty Images)
Cơn sốt Barbie tại Thái Lan – trong ảnh là những thí sinh một cuộc thi hoa hậu vận trang phục Barbie trong buổi ra mắt phim “Barbie” tại Bangkok ngày 19 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Matt Hunt/Anadolu Agency via Getty Images)

Những phim được sản xuất từ lò (truyện tranh) Marvel và DC gần đây liên tục thất bại và không thể đạt được mức doanh thu mà họ từng đạt được trước kia. “Guardians of the Galaxy Vol. 3” của Marvel gom được $843 triệu trên toàn thế giới nhưng những rạp chiếu “Ant-Man and the Wasp: Quantumania” và “The Flash” vắng như chùa Bà Đanh. “The Flash” (DC/Warner Bros.), khởi chiếu ngày 16 Tháng Sáu, thu về $107 triệu; “Shazam! Fury of the Gods (Warner Bros.), chỉ thu được $58 triệu từ thị trường nội địa kể từ khi công chiếu vào ngày 17 Tháng Ba.

Khán giả đang muốn thấy những hình ảnh mới, những thông điệp mới, những cách kể chuyện mới – chứ không phải những hình ảnh đã quá quen thuộc đến phát nhàm suốt nhiều thập niên. “The Flash” là “siêu anh hùng tốc độ” được DC Comics giới thiệu lần đầu vào năm… 1940; và “Shazam” cũng lận lưng giấy khai sinh được cấp vào thập niên 1940. Và những mẫu nhân vật anh hùng cũng chỉ thu hút được một lượng nhất định khán giả trung thành.

Trong khi đó, “Barbie” và “Oppenheimer” có thể lôi kéo được nhiều thành phần khán giả khác nhau, thuộc mọi lứa tuổi, từ thiếu niên đến người già. Quan trọng nhất, “Barbie” và “Oppenheimer” đã kể những câu chuyện “mới lạ” với nội dung khác lạ – yếu tố mà những sản phẩm bom tấn của Hollywood từ lâu thiếu vắng…

_____________

“Barbenheimer” tạo ra một mùa hè “không buồn ngủ” như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: