Khuôn viên các trường đại học không còn là nơi an toàn

Sinh viên New York University phản đối cuộc chiến Israel-Hamas biểu tình kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. (ảnh: Michael Nigro/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

Là một sinh viên Do Thái, Eden Roth luôn cảm thấy an toàn và được chào đón tại Tulane University, nơi có hơn 40% sinh viên là người Do Thái, nhưng giờ thì hết rồi.

Cuộc chiến Hamas-Israel vào tháng trước đã làm tan biến cảm giác an toàn trong môi trường giáo dục mà Roth đang theo học.

Roth nói Tulane University (New Orleans, LA) có nhiều sinh viên Do Thái, và là lý do các bạn trẻ là người Do Thái muốn học tại đây. “Cảm giác như được hỗ trợ, giống như đa số hơn là thiểu số vậy đó, nhưng giờ em nghĩ điều đó thay đổi rồi,” Roth nói cuộc phỏng vấn của AP.

Sinh viên Tulane University, New Orleans – Louisiana, trên bờ sông Mississippi vào ngày 18 Tháng Ba năm 2022. Họ từng rất thân tình với nhau trước khi cuộc chiến Hamas-Israel nổ ra. (ảnh: Andrew Lichtenstein/Corbis via Getty Images)

“Em có cảm giác bất an lắm, nhưng tụi em không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận con người của mình trong thời điểm này. Em biết nhiều bạn khác rất lo lắng khi đeo dây chuyền Ngôi sao David, đội kippah hoặc thậm chí bước vào tòa nhà này. Nhưng em nghĩ điều quan trọng là chúng ta không để nỗi sợ hãi nuốt chửng mình.”

Không chỉ ở Tulane University, tại các trường đại học khác, sự căng thẳng âm ỉ kéo dài đang bùng phát thành bạo lực và phá vỡ cảm giác an toàn trong khuôn viên các trường đại học vốn là những trung tâm diễn thuyết tự do. Đây đó đã có những hành động căm thù, khiến nhiều sinh viên lo sợ cho sự an toàn của mình, ngay cả khi bước vào lớp học.

Các mối đe dọa và xung đột đôi khi đến từ bên trong, như tại Cornell, nơi một sinh viên bị cáo buộc đăng trực tuyến những lời đe dọa sinh viên Do Thái. Một sinh viên University of Massachusetts bị bắt sau khi đấm một sinh viên Do Thái và nhổ vào lá cờ Israel trong cuộc biểu tình. Tại Stanford, một sinh viên Hồi giáo Ả Rập bị xe hơi tông vào – vụ án đang được điều tra như tội ác do thù hận.

Sự bất an bao trùm bầu không khí Tulane University, nơi 43% sinh viên là người Do Thái, tỷ lệ cao nhất trong số các trường đại học.

Trong cộng đồng sinh viên Do Thái, có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc xung đột. Cuộc chiến mới nhất bắt đầu bằng cuộc tấn công vào ngày 7 Tháng Mười của phiến quân Hamas nhằm vào các thị trấn, cộng đồng nông nghiệp và một lễ hội âm nhạc gần biên giới Gaza, khiến hơn 1,400 người thiệt mạng. Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành ở Gaza, Israel đã đáp trả bằng các cuộc tấn công kéo dài nhiều tuần ở Gaza, khiến hơn 10,800 người thiệt mạng, hầu hết là thường dân Palestine.

Sinh viên ở New York ủng hộ Israel khoác tay nhau hát trong một cuộc biểu tình khi các sinh viên kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. (ảnh: Michael Nigro/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

Emma Sackheim, một sinh viên Do Thái đến từ Los Angeles đang theo học trường luật Tulane University, cho biết cô là người ủng hộ nhà nước Do Thái, và biết những sinh viên nào phản đối chính sách của Israel, nhưng không dám nói điều gì.

Tại các trường trên khắp nước Mỹ, sinh viên của cả hai bên nói rằng họ đã phải chịu những lời chế nhạo và những lời lẽ phản đối về sự tồn tại của họ kể từ cuộc xâm lược và tấn công bùng nổ dữ dội ở phía bắc Gaza.

Sinh viên nhìn thấy những lời lẽ này ở các cuộc biểu tình trong khuôn viên nhà trường, trên các bảng tin ẩn danh mà sinh viên đại học thường xuyên lui tới, và trên những bức vẽ nguệch ngoạc trên ký túc xá và các tòa nhà. Trong một trường hợp đang được cảnh sát điều tra có thể là tội ác do thù hận, người ta tìm thấy dòng chữ “Palestine tự do” trong tuần này trên cửa sổ của trung tâm Hillel của Boston University.

Các trường cao đẳng đang nỗ lực khôi phục cảm giác an toàn cho sinh viên Do Thái và Ả Rập – đồng thời nhấn mạnh các thông điệp về sự hòa nhập đối với các sinh viên đa dạng. Nhưng việc gỡ rối những gì được bảo vệ như ngôn luận chính trị và những gì được chuyển thành ngôn ngữ đe dọa, có thể là một nhiệm vụ khó khăn.

Sau khi đối mặt với những lời chỉ trích vì cố gắng giữ thái độ quá trung lập trong cuộc chiến, hiệu trưởng Đại học Harvard hôm Thứ Năm đã lên án cụm từ “from the river to the sea” (từ sông tới biển) ám chỉ việc xóa sổ người Do Thái khỏi Israel. Các nhà hoạt động ủng hộ Palestine trên khắp thế giới đã hô vang cụm từ này sau cuộc tấn công của Hamas.

Sinh viên UCLA tuần hành và biểu tình vì Palestine trong khuôn viên UCLA ở Westwood Thứ Tư, ngày 8 Tháng Mười Một 2023 tại Los Angeles, CA. (ảnh: Brian van der Brug / Los Angeles Times via Getty Images)

Chủ tịch Tulane University, Michael Fitts, mô tả sự hiện diện ngày càng tăng của cảnh sát và các biện pháp an ninh khác trong khuôn viên trường. Trong các tin nhắn gửi tới cộng đồng trong khuôn viên trường, ông bày tỏ niềm thương tiếc về sự mất mát sinh mạng của những người Israel và Palestine vô tội, đồng thời cho biết nhà trường đang tiếp cận các nhóm sinh viên và tổ chức tôn giáo Do Thái và Hồi giáo.

Ông Fitts đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ cả ở hai phía, rằng phải có những tuyên bố mạnh mẽ hơn.

Jonathan Fansmith, phó Chủ tịch cấp cao của American Council on Education (Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ), một hiệp hội các hiệu trưởng đại học, cho biết, là nơi khuyến khích tranh luận trí tuệ, không có gì đáng ngạc nhiên khi các trường đại học chứng kiến xung đột nảy lửa. Nhưng khi các phe phái khác nhau không đồng ý về những gì vượt qua ranh giới giữa tự do ngôn luận và lạm dụng, điều đó sẽ khiến các trường đại học rơi vào tình thế khó khăn.

Fansmith nói: “Mọi người nên thông cảm với những sinh viên Do Thái đang cảm thấy bị đe dọa, và sự gia tăng đáng báo động của các hành động chống Do Thái là điều mà các trường đại học rất coi trọng. Nhưng họ có yêu cầu, cũng như trách nhiệm trước pháp luật, để cân bằng quyền tự do ngôn luận của những người có thể không đồng ý, những người có thể có những lời phê bình mà họ thấy khó chịu hoặc không thích.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: