Hát nhạc sửa lời (bài 1): Nỗi lòng khán giả nhạc Vàng

Sự kiện ca sĩ Tuấn Ngọc hát “sai lời” một ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương đang dấy lên nhiều khía cạnh tình cảm và suy nghĩ của người yêu di sản âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều bạn đọc gửi tâm tình của mình cho SGN, trong đó có những người buộc phải ẩn danh vì sự an toàn của mình ở trong nước.

Tác giả bài viết này một người miền Nam thế hệ sau 1975, vẫn âm ỉ trong lòng mình sự yêu mến dòng nhạc tự do, và quan sát với nỗi buồn của thời thế, khi chứng kiến nền văn hóa quý báu này, bị chà đạp mỗi ngày, khởi đầu với việc “đổi lời” bài hát của giới trình diễn.

Chuyện sửa lời bài hát thì từ xưa đến nay, dân tình hay có trò chế lời làm vui. Ví dụ như : “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống dô rồi đời”… hoặc “nhưng không chết thằng cha bán phở, mà chết người gái nhỏ bưng tô”…

Má tôi kể trước năm 1975, bài nào phát trên đài mà nổi tiếng, là chừng tuần sau dân tình chế lại cho vui. Nhưng chế cho vui chứ không bao giờ mang mục đích miệt thị lời hát. Việc sửa lại lời cũng không hiếm, chính nhạc sĩ gạo cội Phạm Duy cũng từng tự sửa lời ca khúc Quê Nghèo của ông, vì lời gốc ông viết từ hồi chống Pháp, ông giải thích vì thời cuộc mà sửa lại cho phù hợp. Đó là đoạn:

Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân
Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân
Nghe tiếng O nghèo kể rằng:
Quân thù về đây đốt làng

Bao giờ anh lấy được đồn Tây hỡi anh
Để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh.

_____

Ông sửa lại thành:

Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy…
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.

Nhưng đó là việc của nhạc sĩ, quyền sở hữu tác phẩm của họ. Nhớ hồi thập niên 1980-1990 khi ca sĩ hải ngoại hát, luôn thấy bị sai lời, nhưng ta có thể tạm chấp nhận bỏ qua vì thời gian đó thông tin còn hạn hẹp, internet không phổ biến như bây giờ, không thể nào trong vòng vài phút search là ra thông tin lời bài hát chính xác nhất.

Khoảng năm năm trở lại đây, tôi có nghe tin ngoài lề từ Bộ Văn hóa Thông tin rằng nếu các ca khúc trước 1975 liên quan tới chiến tranh, súng đạn, máu lửa thì nếu kiếm được từ thay thế sẽ cho phép trình diễn. Tôi cũng từng thử ngồi với con trai của nhạc sĩ Anh Việt Thu chỉnh lời lại cho phù hợp ca khúc Đa Tạ để trình diễn ở Việt Nam, nhưng sau một hồi tính toán chỉnh sửa, tôi cũng đành bó tay vì lời mới, nghe kiểu nào cũng trớt quớt.

Ví dụ:

Tôi xin đa tạ ngày nao súng (tính sửa lại thành Gió) phải thẹn thùng
Ngày nao súng (gió) phải lạnh lùng
Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng ….

Có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Đầu thập niên 2000 ở Mỹ, có một danh hài nổi tiếng gặp nhạc sĩ Nhật Trường và nói rằng: “Em có chế lại lời của một ca khúc của anh, và giờ em hát thử cho anh nghe nha”. Khi danh hài đó hát xong thì ông Nhật Trường sầm mặt lại, ông chỉ nói lạnh lùng rằng: “Anh có cảm giác như ca khúc của anh là một cô gái xinh đẹp và em đang hiếp dâm nó”. Nghe xong anh danh hài chỉ biết đứng dậy xin lỗi và lặng lẽ rời đi.

Có nhiều nhạc sĩ rất dễ tính, nói rằng việc chế lời là vì ca khúc mình hay, ăn khách, đọng lại trong lòng người nghe nên việc họ chế cũng là vui, chứ không hẳn vì mục đích ba trợn. Còn về danh ca Tuấn Ngọc, anh ta sửa lời là vì làm vừa ý chính quyền Việt Nam thôi, bài Tình bơ vơ ngày xưa tới giờ từ sau ngày đứt phim bị cấm đi cấm lại nhiều lần. Cấm ở chỗ “đời viễn xứ”, rồi giờ lại bắt bẻ chỗ “Việt Nam buồn lắm em ơi”.

Theo ý kiến của một người yêu nhạc thì nếu chế lời hát cho vui miệng thì không sao, nhưng nếu trình diễn với khán giả khi mình là một tên tuổi lớn thì bạn không tôn trọng khán giả, bạn chỉ là bưng bô hoặc ca nô xướng ca vô loài.

Nói về ca sĩ sửa lời khi trình diễn ở Việt Nam thì không thể nhắc đến ca sĩ Quách Tuấn Du. Nhớ những năm 2015-2016, khi anh ta ra mắt MV Bolero Dance (nghe cái tên là thấy mệt rồi) trên YouTube, anh ta trình bày một thể loại nhạc khó hiểu, nhạc vàng trên nền nhạc dance remix cà giựt. Thiệt là nuốt không trôi.

Nhưng đó cũng chưa là gì quá đáng cho tới khi anh ta thay đổi rất nhiều ca từ có liên quan đến “lính” hay những từ mà chính quyền bây giờ cho là nhạy cảm. Anh ta chọn ngôn từ thay thế nhưng có vẻ ngôn từ anh ta chọn quá máy móc, hoặc là anh ta dốt nên ca từ khi hát thành ra vô nghĩa.

Ví dụ như trong bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại của Đinh Miên Vũ, anh ta sửa hai đoạn khiến cho tôi khi nghe cảm thấy buồn cười. Đó là: “Bận hành quân nên chắc khó thăm nhau”, anh ta sửa lại thành: “Bận ‘hành trang’ nên chắc khó thăm nhau”. Rồi đoạn: “Nào những khi ôm thép súng tê tay” thì anh ta sửa lại thành: “Nào những khi ôm ‘thép sắt’ tê tay!” … Ồ, hóa ra người lính trong bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại đã bị tay ca sĩ nhạc đỏ biến đổi thành một người thợ hàn!? Ông Đinh Miên Vũ mà còn sống chắc khi nghe bài này cũng vác gậy rượt anh ca sĩ Tuấn Du chạy có cờ. Dường như bị khán giả nói quá nên anh ca sĩ này cũng nhận ra sai lầm của mình, im lặng rút video đó xuống và làm lại bản mới, đúng lời.

Trở lại vấn đề của nam danh ca Tuấn Ngọc, tôi nghĩ trên phương diện của một người miền Nam yêu nhạc, thì chúng ta nên có một cái nhìn chính xác nhất về anh. Nếu đêm nhạc đó, dù vô tình hay không cố ý hoặc ngoài ý muốn mà khiến anh phải hát sửa lại thành “chiều nay buồn lắm em ơi” thì anh nên có sự đính chánh, hoặc sự xin lỗi khán giả. Người miền Nam dễ tánh lắm, có lỗi, biết lỗi, nhận lỗi và xin lỗi thì họ cũng bỏ qua và tha thứ cho anh thôi, nhưng nếu anh vì tiền mà bất chấp, mà bưng bô thì con đường âm nhạc của anh coi như đã chấm dứt, ít nhất là đối với tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: