(minh họa: Raphael Wicker/Unsplash)

Đọc bài viết “Xe thổ mộ và cái móng ngựa rỉ sét” của tôi đăng trên tạp chí Người Đô Thị, anh Thành, gốc gác ở quận 6 bảo: “Chuyện hai con ngựa Khịt và Giang ở Bà Quẹo có gì đó rất gần với chuyện tôi đã chứng kiến. Có điều chuyện tôi biết xảy ra ở quận 6, cũng đúng ngay trận chiến Mậu Thân năm 1968, từ hơn nửa thế kỷ rồi.

Anh Thành có một người ông, là em ruột của ông Nội. Thành gọi là ông Ba.

Ông cố của anh Thành là người Triều Châu di cư sang Chợ Lớn từ cuối thế kỷ 19. Khi đến đây, ông khai khẩn được một miếng đất ở ngay bùng binh Cây Gõ, nay đang là một trạm điện. Ông cố sanh ra mấy người con, ông nội của Thành là lớn nhất, kế đến là ông Ba cùng vài người nữa. Ông nội Thành tính tình hào sảng, ham vui nên thỉnh thoảng mang tiền đi đánh cá nắng mưa trên cầu Nhị Thiên Đường.

Thú vui lớn nhất của ông là vô khu giải trí Đại Thế Giới của ông Bảy Viễn để đánh bạc. Vui đâu không thấy, ông nội bán luôn miếng đất của ông cố ở bùng binh Cây Gõ để nướng vào sòng bài. Ông Ba giận lắm vì anh mình đã làm tiêu tùng miếng đất kỷ niệm của cha để lại.

Trái ngược tính tình ông anh, ông Ba ít nói, kín đáo, chăm chỉ kiếm sống nuôi vợ và cô con gái bằng nghề đánh xe ngựa. Lúc đầu ông đánh xe chở khách, sau chuyển sang đánh “xe cá”. Xe cá ở đây không có nghĩa là xe chở cá mà chở đồ hàng bông, nhưng dân ở đây gọi như vậy. Địa bàn làm ăn của ông là khu vực Chợ Lớn, từ phía An Lạc chạy dài xuống Chợ Lớn Mới (tên thường gọi của chợ Bình Tây), hoặc từ Chợ Lớn Mới xuống Cây Gõ.

Ông Ba có cặp ngựa mà ông rất thương, được ông nuôi hồi còn là hai con ngựa non tơ. Chúng theo ông suốt nhiều năm trời, mỗi ngày lóc cóc kéo chiếc xe đưa ông đi từ sáng sớm đến chiều. Chúng hiền hòa, chịu cực chịu khổ. Ông bảo: “Tính hai con ngựa này chịu khó giống tui. Tụi nó là con của tui, là em của con Cực” (Cực là tên con gái duy nhất của ông, đặt như vậy để nhớ những ngày khổ cực hồi xưa).

Ông chăm sóc ngựa rất kỹ, cỏ cắt cho ăn luôn là loại ngon, luôn dặn vợ con tưới nước vào cỏ cho tươi bằng nước sạch, phải để ráo.

Một ngày đầu Tết Mậu Thân, súng bắn đùng đoàng thật đáng sợ, thỉnh thoảng lại có tiếng vỏ đạn loảng xoảng rớt trên mái nhà. Ông Ba lấy xe đạp chạy sang nhà Thành và nhà mấy người bà con gần đó, hối thúc mọi người qua nhà ông trú nấp vì nhà ông có mấy bộ ván gõ dày cả tấc, chui xuống dưới nằm là an toàn nếu chẳng may có đạn hay mảnh bom nhểu xuống. Thành chỉ mong có vậy, chạy ào qua. Đêm đó, thằng nhóc yên tâm ngủ giữa tiếng súng đạn ì xèo xa xa , sau khi được ông cho mấy cái bánh tiêu bánh bò nhấm nháp.

Nửa đêm, Thành choàng dậy, không thấy ông Ba đâu. Thấy bà Ba đang ngồi dậy khơi ngọn đèn dầu, Thành hỏi: “Ông Ba đâu rồi bà? Ổng ngủ dưới bộ ván bên kia hả?”. Bà lắc đầu: “Ổng xuống dưới chuồng ngựa ngủ với hai chú của mày rồi! Tao nói không nghe!”. Thành ngẩn người hỏi: “Nhà này con biết có ông bà Ba với cô Cực thôi. Còn hai chú nào nữa ?”

Bà giải thích: “Chú Lớn với chú Nhỏ của mày, kéo cái xe của ông đó!” Thì ra là hai chú ngựa. Bà bảo mấy con ngựa có nết giống hệt như con chó, nghe tiếng nổ là sợ nên ổng phải xuống cái chuồng ngựa dưới nhà ngủ với tụi nó. Ở dưới đó, ông để sẵn cái đèn dầu, khêu nhỏ cho có chút ánh sáng. Khi đạn bắn qua lại, ngựa run lẩy bẩy, cần phải vỗ về trên đầu trên cổ cho nó bình tĩnh lại.

Một lát, ông Ba vào nhà ngó quanh xem mọi người có ổn không. Bà Ba nhắc: “Ông lên đây ngủ đi, để hai con ngựa dưới đó được rồi. Ở dưới hôi rình làm sao ngủ được!”. Ông Ba bảo: “Không được, có tui thì tụi nó mới đỡ sợ. Tui phải xuống dưới!”

Lúc đó ở ngoài đường Minh Phụng gần ngã tư 46 (bây giờ là ngã tư Hàn Hải Nguyên – Minh Phụng) có tiếng bắn nhau ầm ầm. Ông vội quay xuống chuồng ngựa ngay. Một lát sau, tiếng súng êm, ông Ba bước vô nhà, thảng thốt nói với bà Ba: “Thằng Lớn nó chết bà ơi, nó bị miếng ngói văng xuống làm đứt cổ rồi!”

Bây giờ nhớ lại, Thành vẫn khắc sâu hình ảnh gương mặt tái xanh của ông Ba khi báo cho vợ chuyện đó.

Sáng hôm sau, Thành thấy ông Ba ngồi bên một góc ván, âm thầm khóc. Do lâu nay ông vốn khó tánh, Thành không dám đến hỏi chuyện. Bà Ba lẩm bẩm: “Chú Lớn của mày chết rồi, ổng buồn!”

Xe ngựa ở Sài Gòn, năm 1960. (Hình: Harvey Meston/Archive Photos/Getty Images)

Hôm sau, khoảng mùng Bốn hay mùng Năm Tết gì đó, chiến sự tạm lắng, ông Ba xuống chuồng ngựa tìm cách chôn con ngựa Lớn. Đang lúc giao tranh, chợ không nhóm họp nên vài người nghe tin nhà ông Ba có ngựa chết, đến xin mua thịt. Ông Ba lắc đầu quầy quậy, nhất định không bán. Ông tìm xe đưa xác ngựa xuống chôn dưới miệt An Lạc, Bình Chánh. Khi Thành qua hỏi thăm, cô Cực lại thông báo: “Chú Lớn chết, chú Nhỏ cũng bỏ ăn luôn rồi, từ ngày đưa chú Lớn đi chôn!” Rồi chú Nhỏ nhanh chóng chết theo.

Sau khi hai con ngựa rủ nhau ra đi, ông Ba bỏ nghề đánh xe. Từ đó, ngày nào ông cũng uống rượu say xỉn. Tuy bỏ nghề, ông vẫn để cái xe cá đậu trơ trọi bên hông nhà một thời gian dài, không chịu bán đi. Cái chuồng ngựa ông cũng để yên như vậy.

Vài năm sau, khi người con rể muốn cất lại nhà để bán vật liệu xây dựng, ông đòi giữ lại cái chuồng ngựa để “làm kỷ niệm”. Người nhà biết ông quá nặng tình, thuyết phục ông dỡ nó với lý lẽ cần chỗ xây cái nhà rộng ra để buôn bán và cho các cuộc giỗ quảy đông đúc.

Trong lòng, ai cũng biết làm như vậy ông mới quên được hai đứa kia. Cuối cùng, ông ưng thuận. Ở không riết cũng buồn, thấy con làm ăn được, ông Ba sắm cái xe ba gác máy để chở vật liệu cho khách. Nhờ đó ông nguôi ngoai dần.

Gia đình Thành sau Tết Mậu Thân dọn nhà về Phú Nhuận sống. Có lần về quận 6 dự đám giỗ, Thành thấy ông Ba đang trên đường chạy về nhà trên chiếc xe ba gác máy. Ông đã già, tóc bạc trắng dù khi trên yên xe, trông cũng còn oai phong với điếu thuốc rê ngậm lệch bên mép.

Ông dừng xe lại, ngó xuống: “Thành, hồi trước con thích ông Ba chở đi chơi trên xe ngựa. Bây giờ ông chở con bằng xe gác máy, chịu không?” Thành lắc đầu: “Không, con thích đi xe ngựa, không thích đi xe ba gác máy!”

Ông Ba im lặng, quay đầu lại và rồ máy xe chạy cái ào vô nhà. Lúc đó tuy mới mười một tuổi, Thành thấy mình đã nói điều gì đó không đúng lắm với ông Ba lúc ấy rồi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: