Nhạc vàng và Lộc Vàng

Ảnh minh họa: Pixabay

Hôm nay, trời rét quá. Califonia nước Mỹ đã chính thức bước vào mùa lạnh, ngồi bên cửa sổ, nhìn cây cối trơ trụi, lác đác đây đó còn sót lại dăm ba chiếc lá vàng rực run rẩy trong gió như vẫy chào tạm biệt. Tôi bâng khuâng thả hồn về Việt Nam, nơi quê hương yêu dấu nghìn trùng xa cách.

Việt Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên vào đầu thập kỷ 1940, thời gian thật xa xăm và cũng thật ngắn ngủi. Thấm thoát tuổi bát tuần đã cận kề, vơi sáng đầy chiều,với đống tuổi tác này, tôi ít bận lòng tới tương lai, mà nặng về quá khứ hơn. Sống ở đất Mỹ đã lâu, trên mảnh đất tạm dung, với những lo toan thường nhật chồng chất, tôi ít có thời gian đi đó đi đây ngõ hầu mở rộng tầm mắt, nhất là về Việt Nam và một thời cơ chợt đến bất ngờ.

Một buổi sáng đẹp trời, bà xã nhà tôi lừ lừ tiến về phía tôi một cách bí hiểm, nàng nói ”Chúng ta sẽ về Việt Nam một chuyến”. Tưởng gì. Làm người ta hết hồn. – OK!

Thế là chúng tôi bay về Việt Nam sau ít ngày chờ đợi. Vì đã về hưu, nên vợ chồng tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi thăm thú khắp nơi, rồi một chiều chúng tôi bay ra Hà Nội.

Hà Nội mùa Thu. Ảnh minh họa: Pixabay

Khi hoàng hôn buông xuống, thong thả tản bộ trên con đường ven Hồ Tây, khi ánh mặt trời đã khuất dần chỉ còn vài tia nắng cuối cùng, tím ngắt và lịm dần, phía bên kia đường ven hồ, qua ánh đèn đường vàng vọt,đập vào mắt tôi tấm biển quảng cáo mầu nâu, với hàng chữ ”Quán cà phê Lộc Vàng” hiện ra đơn sơ với mấy ngọn đèn bình dị sơ sài.    

Tôi ngắm cái quán xập xệ lợp lá cọ, khác hẳn với các quán đồ sộ khác gần đó, chói chang ánh đèn mầu và tiếng nhạc rung ngực thắt ruột thắt gan. Vợ chồng tôi dìu nhau ù té chạy qua đường nườm nượp xe cộ phóng bạt mạng, lúc đó là 6 giờ tối, vì nhu cầu uống chút cà phê và cả tò mò nữa. Quán vắng khách, chỉ có một người đàn ông đứng tuổi dáng chừng là chủ quán ra tiếp chúng tôi. vốn không hút thuốc lá, nhưng tôi cũng gọi một bao, tôi bóc thuốc rút mời ông một điếu khi ông đến hỏi chúng tôi muốn uống gì? Ông cười hiền lành từ chối với khuôn mặt khắc khổ, ông lịch sự kéo ghế ngồi ở bàn bên cạnh khi tôi ngỏ ý muốn hỏi về cái quán của ông,…. ý đồ muốn làm quen đã thành công.

-Quán này ông mở lâu chưa ?

Ông từ tốn đáp: Cũng được vài ba năm. Nói xong ông nhìn về cõi xa xăm, như cố nhớ lại những dĩ vãng, chắc chẳng vui vẻ gì. Tôi nhìn nét mặt khắc khổ của ông mà bỗng thấy  mủi  lòng, ông chợt hỏi như tỉnh mộng: Hai bác trên phố mới về đây. 

Tôi nói quấy quá: Dạ vâng, sao bác biết ? 

Ông cười, nét mặt nhăn nhúm: Vì chưa thấy hai bác đến đây lần nào. 

À ra vậy, câu nói của người xưa: Khách nhớ nhà hàng, chứ nhà hàng làm sao mà nhớ hết khách, đôi lúc có chỗ sai lệch do trực giác từng người.

Tôi tò mò: Sao quán có tên Lộc Vàng, chẳng lẽ quán này có một túi vàng từ trên trời rơi xuống? Ông cười lớn… Ôi!

Trong một khía cạnh nào đó của tình thâm, nghĩa trọng, đã có chỗ gặp nhau, giọng ông trầm xuống miên man như tâm sự: Lộc là tên của tôi, còn vàng là mầu muôn thủa của mùa Thu, mùa của lá vàng day dứt, lá và lòng người chóng héo đi là thế đấy, các nhà thơ và mấy ông nghệ sỹ vẫn chẳng lấy lá vàng mùa Thu làm đề tài sáng tác đó sao.

Tháp Rùa trong sương, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh: Pixabay)

Tôi tủm tỉm tiếp lời ông, chả có thế, thiên hạ còn giải nghĩa chữ nghệ sỹ một cách rất bác học: Nghệ sỹ là gì ? Là mặt thì vàng như nghệ mà vẫn sỹ diện. Chúng tôi cùng cười lớn, vợ tôi đưa ngón tay lên môi suỵt khẽ: Nhỏ thôi, kẻo có ông nghệ sỹ nào đi qua nghe thấy lại ốm đòn.

Tôi liếc nhìn xung quanh quán… à! Rất nhiều ảnh đóng khung, một ảnh chụp toàn cảnh thành phố Hà Nội, kia là ảnh bác Văn Cao, tôi bồi hồi nhớ cái ngày bác ra đi khi tôi đang sống vất vả ở xứ người và câu thơ ngày nào:

Tử ly đất khách tha hương,

Tiễn người mà dạ còn vương vấn tình

Ảnh bác Đoàn Chuẩn quen thuộc với điếu thuốc trên môi, và đâu đây vẳng tiếng hát… “anh mong chờ mùa Thu, dìu thế nhân vào chốn thiên thai…”

Còn ai đây nữa? Tóc bù xù đang châm điếu thuốc ngồi phệt dưới đất lưng dựa vào tường ngôi nhà của chính mình, ai vậy nhỉ ? Ảnh tối quá… giọng anh Lộc trầm buồn, tôi xin phép gọi bằng anh cho thân mật, dù anh còn kém tôi ba tuổi như anh giới thiệu: Toán xồm đấy! Nó chết rồi, sau khi ở tù 10 năm. Tôi ra sau nó hai năm tất cả là 12 năm! Thời cuộc và những năm tháng vô tình.

Giọng thì thầm u uất, anh Lộc, với điếu thuốc trên tay đã tắt, chậm rãi kể, sau khi biết tôi là người đồng cảm… Những biến cố đã xẩy ra, như chúng ta đã biết, đất nước chia làm hai miền kéo theo cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai chế độ Bắc Nam. Cơn cuồng phong đã làm đảo lộn tất cả, cuộc sống, thói quen tập tục, nếp nghĩ, không ngoại trừ cả trong lãnh vực văn hoá nghệ thuật nữa.

Cuộc đấu tranh ý thức hệ hung tàn khiến người ta phải sống thu mình lại, nghi kỵ lẫn nhau, những tình cảm sâu lắng, tình người không có chỗ dung thân, thế mới biết câu nói: Nơi nào nước lặng là nơi đó thăm thẳm nước sâu, còn nơi nào ầm ầm chảy xiết như ba dòng thác cách mạng trong tiếng chiêng trống vang trời sùng sục bọt ngầu, liếc mắt nhìn thấy đáy và những xoáy nước đen ngòm mưu sâu kế hiểm. Chúng ta chỉ cần nắm chặt tay nhau vén quần là lội qua. Ôi! sự mê say nông nổi, nó là đặc hữu của tuổi trẻ. Toán ơi! một tấm lòng trong trắng như trang giấy học trò, tràn đầy yêu thương.

Nghĩ đến đây tôi lại nghe đâu đây tiếng guitar thánh thót qua cửa sổ khi hoàng hôn còn vương chút nắng tàn, những khi bần thần nhắm mắt ôn lại quá khứ, tôi hình dung, thằng Toán, bạn tôi, đạp xe, vai mang cây đàn guitar  đi giữa phố phường Hà Nội ngát hương hoa sữa. Lộc thở dài… tôi và Toán bị bắt vì tội hát nhạc vàng, truyền bá văn hoá đồi trụy, cùng được chụp cho một đống mũ: Tiếp tay cho địch, làm yếu tinh thần đấu tranh cách mạng, vào nhà đá với danh nghĩa “tù chính trị”, tù mút mùa, với tội danh khó hiểu… hát nhạc vàng! 

Ờ! Nhạc vàng là cái quái gì mà ghê thế ?

Vào những năm đầu thế kỷ 20, dòng nhạc Tây phương ùa vào Việt Nam, nhạc bác học với Beethoven, Mozart, Tchaicovsky, Chopin… cùng vô số những tài hoa lừng lẫy khác. Dân ta đã quen với hát ví, chơi quan họ, hô bài chòi, hò Huế, và ca cải lương. Tinh hoa dân tộc hun đúc từ nơi đây, từ Bắc tới Nam, từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau, người Việt Nam chúng ta đã quen với nếp sống bình dị giản đơn, lễ giáo, thủy chung cùng những truyền thuyết, ca dao, các khảo dị âm nhạc, nhằm giáo dục con cháu nên người. Dân Ta, giầu thẩm âm, đại đa số thích giai điệu ở quãng trung âm. Pha trộn hài hòa giữa dòng nhạc phương Tây và dòng nhạc không kém phần bác học của chúng ta…. thế là… Trời đất thiên địa ơi! Nhạc vàng ra đời, giữa Tây và ta chỉ khác nhau ở ngũ cung và bẩy thanh, pha trộn một chút có sao đâu, mà sao phải gọi là nhạc vàng cơ chứ?

Hoàng hôn Hồ Tây (ảnh Pixabay)

Có thể chỉ là quy ước của mấy ông nhạc sỹ với nhau và của mấy thầy lãnh đạo văn nghệ “trời gầm” áp đặt, nhạc phải đỏ, nhạc cách mạng phải thật đỏ, đỏ não đỏ nùng, còn nhạc vàng theo các thầy đó nói đó là thứ nhạc chết, nhạc lá rụng, kệ mày, mày có theo cái quy luật muôn thủa của thiên nhiên, hay theo định luật của tạo hoá, biến đổi theo mùa, xanh, vàng, rụng, rồi lại đâm chồi nẩy lộc vào năm sau, hễ là nhạc vàng là chém thẳng tay… Ôi! Đỉnh cao trí tuệ là thế đó.

Câu chuyện bị cắt ngang, khách lục tục kéo đến đông quá, hết chỗ, một số phải ra ngoài vỉa hè, chỉ có quán này hát nhạc vàng thôi. Ông Lộc vất vả tiếp khách, tiếng ồn ào, tiếng lên dây đàn lắng dần. Lộc Vàng với cây micro trong tay, những giai điệu sâu lắng, dìu dặt lan tỏa không gian.

Sau ngày ra tù, anh làm đủ các nghề mà người đời vẫn cho là mạt hạng để kiếm sống, người vợ thủy chung của anh đã bỏ anh ở lại dương gian một mình, sống nốt cuộc đời trần ai khổ hạnh, để sang thế giới bên kia sau cơn bạo bệnh. Hỏi làm sao giọng hát của anh không u uất thê lương. Với tôi cũng vậy, một bài hát là một sử biên niên, khi cất lên một bài hát nào đó ta nhớ lại quãng đời ta đã sống, mấy ai đã có một cuộc sống êm đẹp suốt đời. Lộc mở cái quán xập xệ này, trước là kiếm sống, sau là ý nguyện thiết tha muốn chứng minh, nhạc vàng vẫn sống sờ sờ ở cái đất ngàn năm văn vật này. “Mặt trời vẫn mọc ở phương Đông, đàn bà vẫn sinh đẻ, chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”.

Lòng đầy ưu tư, vợ chồng tôi ra về. Đi đã xa quán Lộc Vàng mà tiếng hát vẫn văng vẳng bay theo…. “dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một lời, cũng đã muộn rồi, tình ơi, dù sao đi nữa… xin vẫn yêu em…”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: